Tượng đài Bác Hồ trên Quốc đảo Singapore

Singapore là một hòn đảo có hình dạng một viên kim cương, được bao quanh bởi nhiều đảo nhỏ khác. Singapore từng là một làng cá của người Malaysia. Tên Singapore xuất phát từ Singapura trong tiếng Malaysia (hay tiếng Malay), vốn được lấy từ nguồn gốc của chữ Phạn là singa (sư tử) và pura (thành phố). Từ đó, Singapore được biết đến với tên Thành phố Sư Tử. Từ thế kỷ 16 đến đầu thế kỷ 19, Singapore là một phần của Tiểu Vương quốc Johor (một bang của Malaysia. Năm 1819, nằm trong Khu thuộc địa của Anh, hòn đảo này dân cư còn rất thưa thớt, chỉ có một làng chài nhỏ với số dân chưa đầy 1000 người.

Sau khi thuộc quyền sở hữu của Anh, người Anh đã bắt đầu xây dựng Singapore từng bước thành một cảng thương mại lớn ở Đông Nam Á và vào những năm 1830 nó đã trở thành một trong ba cảng thương mại chính ở Đông Nam Á cùng với Manila ở Philipinnes và Batavia (Jarkata ngày nay) ở đảo Java. Tháng 2/1942, Singapore bị quân đội Nhật đã chiếm đóng đổi tên thành Syonanto, nghĩa là Ánh sáng Phương Nam. Tháng 9/1945, khi Nhật đầu hàng Đồng minh, quân đội Anh quay trở lại chiếm đóng hòn đảo này và từ tháng 3/1946, Singapore trở lại thuộc địa của Vương quốc Anh. Trước năm 1950, người Việt Nam còn biết đến Singapore dưới những tên: Chiêu Nam và Hạ Châu.

Singapore trở thành một nước tự chủ vào năm 1959 và ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore. Cuộc trưng cầu dân ý về việc sát nhập Singapore vào Liên bang Malaysia đã đạt được vào năm 1961 và đưa Singapore trở thành một thành viên Liên bang Malaysia có quyền tự trị vào tháng 9/1963. Cuộc hợp nhất không đạt được nhiều thành công và 2 năm sau đó, ngày 9/8/1965 (sau này đã trở thành ngày Quốc khánh của Singapore), Singapore đã tách khỏi Malaysia và trở thành một quốc gia độc lập với nền dân chủ có chủ quyền lãnh thổ. Ngày 22/12/1965, Singapore đã chính thức trở thành một nước Cộng hòa độc lập.

Trở thành nước độc lập, Singapore phải đối mặt với nhiều khó khăn trong giai đoạn này: Không ổn định về chính trị xã hội, không phát triển về kinh tế, đất đai và tài nguyên thiên nhiên rất ít (tài nguyên thiên nhiên được ghi trong tài liệu giới thiệu về quốc gia này chỉ có thủy sản và cảng nước sâu) … Từ năm 1959 đến năm 1990, Chính phủ Singapore, do Thủ tướng Lý Quang Diệu đứng đầu, đã từng bước kiềm chế thất nghiệp, lạm phát, tăng mức sống và thực hiện một chương trình nhà ở công cộng với quy mô lớn (hơn 90% dân cư Singapore sống trong các khu nhà xây dựng sẵn của Ban Phát triển Nhà ở và gần một nửa dân cư sử dụng phương tiện giao thông công cộng hàng ngày); các cơ sở hạ tầng kinh tế của đất nước được phát triển, mối đe dọa của căng thẳng chủng tộc được loại bỏ và một hệ thống phòng vệ quốc gia được thiết lập; đầu tư nước ngoài và công cuộc công nghiệp hóa do nhà nước chỉ đạo đã tạo nên một nền kinh tế dựa chủ yếu trên xuất khẩu hàng điện tử và gia công… Từ một “làng chài” nghèo khó đầu thế kỷ 20, diện tích chỉ tương đương đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), từ một nước đang phát triển, đến cuối thế kỷ 20, Singapore đã vươn lên thành một nước phát triển. Hiện nay, Singapore là một nước công nghiệp với thu nhập bình quân đầu người khoảng 38.000 USD (năm 2010). Với cơ sở hạ tầng hoàn hảo, những nét văn hoá tương phản đầy hấp dẫn cùng những điểm tham quan thu hút du khách là những yếu tố góp phần đem đến sự thành công cho Singapore và biến quốc gia này trở thành điểm đến hàng đầu cả trong lĩnh vực thương mại lẫn du lịch.

Trên đất nước Singapore tươi đẹp có một địa chỉ mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách tới tham quan: Đó là Bảo tàng Văn minh châu Á, nằm bên bờ sông Singapore. Phần trưng bày về Việt Nam trong Bảo tàng nổi bật với phiên bản trống đồng Đông Sơn, tranh Đông Hồ…Với tình cảm mến yêu Việt Nam và tôn vinh một trong những nhân vật vĩ đại nước ngoài từng đặt chân tới Singapore, nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Singapore, Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore đã đặt tấm bia tưởng niệm Người trước sân tiền sảnh trong khuôn viên bảo tàng (trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 2 lần tới Singapore. Lần đầu vào tháng 5/1930, lần thứ hai là tháng 1/1933). Từ tháng 9/2007, Ủy ban Di sản quốc gia Singapore và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore, với sự giúp đỡ trực tiếp của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã hợp tác chặt chẽ từ việc hình thành ý tưởng đến khâu thiết kế và xây dựng nội dung tạc trên bia tưởng niệm. Bia tưởng niệm với chất liệu đá hoa cương đen, cao 1,8m, rộng 0,75m, dày 0,23m; trên có chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và tiểu sử tóm tắt của Người. Mặt sau bia tạc bài thơ Giã gạo của Bác. Hình hoa sen tiêu biểu cho làng Sen quê Bác chạm mờ được hiển thị trên cả hai mặt của tấm bia. Tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đánh dấu đầy đủ theo tiếng Việt, góp phần tăng thêm tính biểu tượng và tôn nghiêm cho tấm bia. Ngày 20/5/2008, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và Bộ trưởng Ngoại giao Singapore George Yeo đã cắt băng khánh thành bia tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ dừng lại ở bia tưởng niệm, những người bạn yêu mến Việt Nam ở Uỷ ban Di sản Quốc gia Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore có sự phối hợp của Bảo tàng Hồ Chí Minh đã có ý tưởng đặt tượng bán thân Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh bia tưởng niệm. Ý tưởng này đã được các cơ quan chức năng của Việt Nam và Singapore hoàn toàn nhất trí. Phía Bạn đã trân trọng chọn việc dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Bảo tàng Văn minh châu Á khởi đầu cho chương trình tôn vinh “Những người bạn đến bờ biển chúng ta”.

Sáng ngày 28/10/2011, trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến dự lễ khánh thành tượng Bác Hồ tại Bảo tàng Văn minh châu Á. Phát biểu tại lễ khánh thành, Chủ tịch Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore khẳng định bức tượng Bác Hồ cũng là niềm tự hào của nhân dân Singapore. Sự kiện này ghi tiếp dấu ấn trong mối quan hệ hợp tác tin cậy, tình cảm hữu nghị giữa Việt Nam và Singapore./.

Theo Nguyễn Thúy Đức
Bảo tàng Hồ Chí Minh
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement