Chương VI: Đón Bác về Lăng

1. Mùa xuân năm 1975, một mùa xuân mãi mãi đọng lại trong ký ức của mỗi người dân, mỗi người lính một dấu son chói lọi. Cả đất nước đã chuyển mình trong mùa xuân lịch sử ấy. Đó cũng chính là mùa xuân thứ sáu của những chiến sĩ đảm nhận trước dân tộc một sức mệnh đặc biệt: giữ gìn và bảo vệ thi hài Bác. Khu đồi 84 sau sáu năm kể từ khi Đoàn 69 ra đời đã thực sự trở thành một khu vườn đầy hoa trái, thanh tịnh và thoáng đãng. Sau khi Hiệp định Pa-ri được ký kết, từ khu căn cứ K2 trở về, cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã khẩn trương củng cố và xây dựng đơn vị.

Giữa lúc trên Quảng trường Ba Đình, nhịp độ xây dựng Lăng Bác cứ mỗi ngày một dồn dập, khẩn trương thì ở K84 các chuyên gia cùng các cán bộ, chiến sĩ trong toàn đoàn cũng liên tiếp triển khai mọi công tác, luyện tập phương án đảm bảo kỹ thuật và an ninh để chuẩn bị cho đợt di chuyển cuối cùng: đón Bác về Lăng. Song song với công tác luyện tập các phương án đảm bảo trong hai năm 1974 – 1975, các chuyên gia cùng với những cán bộ chuyên môn của ta đã tiến hành nhiều thí nghiệm nhằm xác định những thông số, nhiệt độ, độ ẩm để áp dụng ở Lăng sau này.

Vào mùa xuân năm 1974, một ngày khoảng giữa tháng 2, đoàn cán bộ Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh dẫn đầu, trước khi trở lại chiến trường chuẩn bị cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã lên K84 viếng Bác. Ngày hôm ấy, những người con của mảnh đất thành đồng, mảnh đất mãi mãi nằm trong trái tim vĩ đại của Người đã im lặng đứng trước lĩnh cữu, thầm hứa sẽ làm trọn những lời di chúc thiêng liêng của Người. Trong chiếc hòm kính trong suốt, Bác nằm thanh thản, trên đôi môi như vẫn còn phảng phất một nụ cười và hơi ấm từ thân thể Người như vẫn còn lan tỏa khắp khu rừng đang tràn ngập mùa hương của các loài hoa. Dường như Người vừa mới đi dạo trở về đang say nồng trong một giấc ngủ yên lành.

Mùa xuân lịch sử 1975, vào lúc Cuộc tổng tiến công nổi dậy diễn ra như vũ bão trên khắp chiến trường miền Nam thì ở khu đồi K84, các chiến sĩ Đoàn 69 cũng bước vào những đợt luyện tập cuối cùng, bởi ai cũng hiểu rằng thắng lợi đã gần kề, Lăng Bác gần hoàn thành và họ sắp được đón Bác về Lăng, 150 cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 144 cũng được lệnh hành quân lên một vùng đồi ở Vĩnh Phú, dựng lên một mô hình giống như mô hình của Lăng, để luyện tập. Những động tác bồng súng đứng nghiêm, đi đều đổi gác, khênh hoa, dẫn khách đã được tập đi tập lại nhiều lần giữa những trưa hè nắng gắt cho đến khi thật thuần thục. Kết thúc thời gian luyện tập, các cán bộ, các chiến sĩ kể trên trở về Hà Nội kết hợp với một số cán bộ, chiến sĩ ở cơ quan lữ đoàn thành lập Đoàn 275 làm nhiệm vụ chủ yếu gác tiêu binh danh dự và bảo vệ an toàn khu vực Lăng. Đó cũng là tiền thân của Đoàn 275 hiện nay.

Cho đến những ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975, cả khu rừng K84 sống trong một tâm trạng rạo rực và xao động. Tin chiến thắng từ chiến trường dồn dập bay về. Suốt ngày đêm cán bộ và chiến sĩ Đoàn 69 vừa làm nhiệm vụ vừa theo dõi diễn biến chiến sự và truyền cho nhau nghe từng tin chiến thắng. Khuôn mặt người nào cũng bừng lên một thứ ánh sáng, tràn đầy những xúc động. Đó là những ngày thật lạ lùng, mọi người vừa có cái gì như thảng thốt vừa như sung sướng. Những vất vả hy sinh của cả một dân tộc suốt 30 năm qua, nhưng nỗi đau đớn mà trái tim vĩ đại của Bác hằng đau nhói đêm đêm đã sắp được quân và dân ta đền đáp trọn vẹn.

Các chuyên gia Liên Xô, những người đồng chí, những người bạn từng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với các đồng nghiệp Việt Nam cũng không giấu nổi được niềm vui và xúc động. Trong phòng ngủ của đồng chí tổ trưởng chuyên gia Ca-dan-xép, có một tấm bản đồ Việt Nam. Ca-dan-xép đã làm rất nhiều những cây cờ đỏ nhỏ. Cứ mỗi lần có tin một thành phố, một tỉnh lỵ ở miền Nam được giải phóng, ông lại cắm một cây cờ đỏ lên vùng đất đó trên bản đồ và khi lá cờ cuối cùng của Ca-dan-xép được cắm trên mảnh đất Sài Gòn thì các chuyên gia Liên Xô cũng chạy ùa cả ra ngoài hành lang ôm chầm lấy các đồng nghiệp Việt Nam reo hò chiến thắng.

Không thể nói hết được niềm sung sướng đến bàng hoàn của các cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69, khi nghe tin miền Nam đã hoàn toàn giải phóng. Đó là một ngày trên những ô kính trong ngôi nhà Bác đang yên nghỉ. Mọi người ở các bộ phận đều dừng làm việc để ra ôm chầm lấy nhau reo hò đến khản cả giọng. Thế là đã chấm dứt, chấm dứt vĩnh viễn những đau khổ mà nhân dân cả nước phải chịu đựng hơn ba chục năm trời. Từ đây, Bác sẽ được yên nghỉ thanh thản, sẽ không còn những cảnh sơ tán vì bom, đạn Mỹ và không bao lâu nữa, nhân dân cả nước sẽ được đến Quảng trường Ba Đình lịch sử để vào Lăng viếng Người.

Ngày 26 tháng 5 năm 1975, Ban chỉ huy Đoàn 69 nhận được lệnh của Bộ Quốc phòng chuẩn bị chu đáo mọi mặt để đón Bác về Lăng. Từ đây, đơn vị đã bắt đầu chuẩn bị bước vào một giai đoạn mới, một nhiệm vụ mới. Đó là nhiệm vụ vừa bảo vệ giữ gìn thi hài Bác, vừa quản lý vận hành Lăng, đón tiếp nhân dân và khách quốc tế vào viếng Bác.

Ngày 27 tháng 5 năm 1975, Đảng uỷ Đoàn đã triệu tập cuộc họp mở rộng, nhằm nghiên cứu bàn bạc phương án tổ chức hành quân di chuyển.

Cuộc hành quân di chuyển đón Bác về Lăng diễn ra giữa lúc miền Bắc đã trở lại hoà bình sẽ hoàn toàn không giống như những cuộc hành quân di chuyển lần trước. Lực lượng tham gia bảo đảm cho cuộc hành quân được mở rộng, vì vậy, ngay sau khi phương án hành quân được ban chỉ đạo thông qua, đoàn đã cử một số cán bộ đi liên hệ với các địa phương trên trục đường di chuyển và thành phố Hà Nội đề nghị sửa chữa đường, đảm bảo an ninh trên dọc tuyến đường. Cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã tích cực kiểm tra sửa chữa các loại phương tiện đảm bảo hành quân. Một phong trào thi đua nước rút đã dấy lên sôi nổi trong toàn Đoàn. Không khí của ngày vui chiến thắng hoà lẫn với khí thế của công tác chuẩn bị đón Bác về Lăng đã làm cho nhiều cán bộ, chiến sĩ ở các bộ phận quên ăn, quên ngủ, làm việc liên tục không kể ngày đêm. Khu rừng K84 vốn yên tĩnh nay cũng trở nên sôi động nhộn nhịp. Gió rào rào thổi trên đỉnh rừng và nắng chan hoà trong tiếng chim hót thiết tha bên dòng sông. Thiên nhiên trong sáng và đẹp đẽ cũng như đang chuyển mình, nô nức chuẩn bị cho ngày tiễn đưa Bác về xuôi.

Hạ tuần tháng sáu – các địa phương báo cáo đường đã được sửa chữa xong và đề nghị Đoàn cho kiểm tra, sáu năm trời Bác yên nghỉ trên mảnh đất này nhưng mãi đến lúc ấy, lúc mà các cán bộ Đoàn 69 đến liên hệ sửa chữa đường thì các đồng chí lãnh đạo địa phương mới biết. Các đồng chí lãnh đạo địa phương vô cùng xúc động, không ngờ vùng đất quê mình lại được vinh dự nhường ấy.

Trung tuần tháng bảy, tất cả mọi lực lượng của Đoàn 69 được tập trung về K84 trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Hầu hết các mặt công tác đảm bảo cho đợt hành quân di chuyển đã được hoàn tất. Các phương tiện, xe máy sử dụng cho cuộc hành quân đều được kiểm tra chạy thử. Sáng ngày 15 tháng 7, thay mặt Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng, các đồng chí Phạm Ngọc Mậu, Phùng Thế Tài và Kinh Chi trực tiếp lên kiểm tra các mặt công tác chuẩn bị cho Đoàn và chính thức phổ biến mệnh lệnh: Bộ Chính trị và Quân uỷ Trung ương quyết định đón Bác về Lăng vào ngày 18 tháng 7 năm 1975.

Ngày 16 tháng 7, không khí trong Đoàn chộn rộn, náo nức. Các bộ phận khẩn trương, kiểm tra lại lần cuối công tác chuẩn bị, thu xếp đồ đạc, tư trang và phân công công việc cho từng người. Ai cũng biết rằng rồi đây, không biết đến bao giờ họ mới có dịp trở lại khu rừng thiêng liêng này. Bởi vậy trong lòng mỗi người đều thoảng lên một nỗi bùi ngùi, lưu luyến khi phải từ giã cánh rừng, ngọn đồi, dòng sông quen thuộc từng gắn bó, chia sẻ ngọt bùi với họ trong sáu năm trời qua.

Ngày 17 tháng 7, một bộ phận của Đoàn cùng với 3 chiếc xe chở các phương tiện lên đường về Hà Nội trước. Đúng 16 giờ hôm sau, ngày 18 tháng 7, đoàn xe đặc biệt chở thi hài Bác được lệnh xuất phát rời khu căn cứ. Hầu như đêm qua cả Đoàn không ai chợp mắt. Bởi mọi người đều hồi hộp chờ đợi cái giây phút thiêng liêng này. Lúc đó hoàng hôn đã nhuộm một màu đỏ uốn mình mềm mại giữa đôi hàng cây xanh biếc.

Đoàn xe chạy chầm chậm. Ra khỏi khu rừng, ánh hoàng hôn đã nhạt dần. Tạm biệt ngọn núi, dòng sông, tạm biệt đồi K84 thân yêu đã một thời âm thầm chịu đựng, một thời đầy những lo âu, khắc khoải lặng lẽ che chở cho thi hài Bác.

Sau đoàn xe những đỉnh núi uy nghi đang lùi dần. Rừng dăng dăng chuyển dần sang một màu lam nhạt và dòng sông đang cuồn cuộn chảy như muốn nói lên lời từ giã, như muốn níu giữ những kỷ niệm đẹp đẽ của những tháng ngày chiến tranh gian khổ. Tạm biệt tất cả, vì ngày hôm nay toàn Đảng, toàn dân đang mong đợi: Được đón Bác về Lăng!

2. 20 giờ đêm, ngày 18 tháng 7, đoàn xe về tới Quảng trường Ba Đình. Tất cả mọi người có mặt trong đoàn xe lúc ấy đều ngỡ ngàng đứng lặng đi trước ngôi Lăng đồ sộ, chói lòa ánh điện. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã đứng đợi cái giây phút cảm động nhất sau sáu năm trời sơ tán gian khổ để đón Bác vào Lăng.

Cánh cửa lớn phía sau Lăng vừa mở, mọi người đến bên chiếc xe Páp, kính cẩn và trang nghiêm rước Bác vào Lăng, nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Người và cũng là nơi sẽ diễn ra các lễ viếng của đời đời các thế hệ đối với một con người vĩ đại nhất của một dân tộc luôn luôn khao khát tự do và công lý.

Bên linh cữu Bác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng, thay mặt Đảng và Nhà nước ta đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Đảng và Chính phủ Liên Xô đã cử các chuyên gia giàu kinh nghiệm sang giúp đỡ Việt Nam giữ gìn thi hài Bác trong sáu năm chiến tranh ác liệt. Đồng chí cũng biểu dương tinh thần chịu đựng gian khổ, vược mọi khó khăn của cán bộ, chiến sĩ Đoàn 69 đã bảo vệ, giữ gìn trọn vẹn thi hài Người trong tình hình đất nước luôn luôn có biến động do bom đạn Mỹ và thiên tai gây nên.

Ngày 29 tháng 8 năm 1975, lễ kháng thành Lăng Bác đã được tổ chức trọng thể tại Hội trường Ba Đình. Trong lời khai mạc, đồng chí Trường Chinh đã thay mặt Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam nhiệt liệt biểu dương tinh thần lao động quên mình của quân và dân các địa phương và các đơn vị, của đồng bào, đồng chí, hai miền Nam – Bắc. Đồng chí cũng biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của các chuyên gia Liên Xô cùng với nhân dân Việt Nam hoàn thành Lăng Bác đúng thời hạn quy định.

Cả Hội trường chợt lặng đi khi đồng chí Lê Duẩn, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương đọc diễn văn nhắc lại công lao to lớn của Bác đối với dân tộc, với đất nước và khẳng định “Công lao và sự nghiệp của Người, tinh thần và đức độ của Người toả sáng đến muôn đời thế hệ mai sau”…

Đồng chí Xô-lô-men-xép trưởng đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Liên xô sang dự lễ kháng thành Lăng cũng đã đọc diễn văn ca ngợi tư tưởng, đạo đức, tác phong của Người và khẳng định:

“Toàn thể loài người tiến bộ đều tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hàng triệu người ở tất cả các nước và ở khắp năm châu đánh giá cao Người, vị lãnh tụ của cách mạng Việt Nam bách chiến, bách thắng”…

Nhắc đến công lao của Bác, chúng ta có thể nhắc mãi. Song trong buổi sáng trọng đại ấy, mọi người đều thấy lòng mình bùi ngùi nhớ Bác, mong sớm được vào Lăng để chiêm ngưỡng Người, sau sáu năm trời Người xa vắng. Ước nguyện ấy hôm nay đã được thực hiện. Sau lễ khánh thành, các đại biểu đã lặng lẽ, lần lượt vào Lăng viếng Bác. Những vòng hoa tươi đầu tiên được đặt trước cửa Lăng. Các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, những người học trò, người đồng chí trung thành của Bác đã vào Lăng, đứng trước anh linh Người với lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn.

Sau lễ viếng, mọi người đều cảm thấy yên tâm, bởi Bác đang ở rất gần họ, luôn luôn ở bên họ trong mọi thử thách, mọi khó khăn, gian khổ của cuộc sống.

Nông Văn Thành và Nguyễn Văn Ri là những chiến sĩ được vinh dự đứng tiêu binh trong phiên gác đầu tiên trước Lăng hôm ấy, là những chiến sĩ khởi đầu cho những ngày đêm bất tận của các chiến sĩ cảnh vệ đứng canh cho Bác ngủ. Họ đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng, tay nắm chặt thân súng, không một cử động nhỏ trong bất kể thời tiết, hoàn cảnh nào. Cứ 60 phút một lần những phiên đổi gác lại diễn ra nhịp nhàng, đẹp đẽ và trang trọng. Trước mắt họ là dòng người với nét mặt ưu tư, đau buồn, đi từng bước một như một dòng chảy vô tận vào cửa Lăng, để rồi khi trở ra, mỗi người lại như được nhận thêm một vật gì đó ở con người Bác.

Đón Bác về Lăng, Đoàn 69 phải đảm nhiệm hàng loạt công việc, vừa theo dõi, giữ gìn thi hài Bác, vừa phải bảo đảm an toàn tối đa cho tất cả các trang thiết bị vận hành trong Lăng, và giữ cho các lễ viếng được tổ chức trang nghiêm, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế – những công việc mà bản thân Đoàn 69 không thể đảm đương được hết. Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ trong hoàn cảnh mới, ngày 28 tháng 12 năm 1975, Quân uỷ Trung ương đã ra nghị quyết về việc tổ chức Đơn vị bộ đội bảo vệ Lăng. Thực hiện nghị quyết của Quân uỷ, ngày 14 tháng 5 năm 1976, Bộ trưởng Quốc phòng đã ra quyết định thành lập Bộ tư lệnh bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy phiên hiệu là Đoàn 969, do đồng chí Kinh Chi, làm tư lệnh kiêm chính uỷ.

Bộ tư lệnh 969 có nhiệm vụ:

– Trực tiếp chăm lo, giữ gìn thi hài của Bác.

– Quản lý, sử dụng các thiết bị máy móc của các công trình kiến trúc ở khu vực Lăng.

– Tổ chức gác danh dự và bảo vệ an toàn khu vực Lăng.

– Hướng dẫn quần chúng vào Lăng viếng Bác.

Đến đây, Đoàn 69 đã kết thúc một giai đoạn lịch sử hết sức vẻ vang của mình trong nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác. Mười sáu năm qua, Đoàn đã tự lực, tự cường, vượt qua hết khó khăn này đến khó khăn khác, hoàn thành xuất sắc mọi sứ mệnh cao cả và thiêng liêng mà Đảng, Chính phủ và nhân dân đã giao phó: Trong bất kể tình huống nào cũng phải giữ gìn trọn vẹn thi hài của Bác.

Ngay sau khi có quyết định thành lập Bộ tư lệnh 969, Đoàn 69 cũng được lệnh tách riêng bộ phận tổ y tế đặc biệt, thành lập Viện 69 do đồng chí Nguyễn Gia Quyền làm viện trưởng. Cùng đứng chung trong đội hình đoàn 969, còn có đoàn 275 làm nhiệm vụ gác danh dự và bảo vệ Lăng, đoàn 195 quản lý vận hành các thiết bị kỹ thuật của Lăng, đoàn 295 kiến trúc, xây dựng và đoàn 395 làm nhiệm vụ sửa chữa máy móc, thiết bị.

Việc Bộ tư lệnh 969 ra đời đánh dấu một bước phát triển quan trọng của các lực lượng tham gia bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Từ những đơn vị nhỏ lẻ, làm một số nhiệm vụ, tiến tới thành lập Đoàn 69, rồi Bộ tư lệnh 969 là cả một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của các cán bộ, chiến sĩ được phục vụ bên Bác.

Đoàn 969 ra đời, lịch sử của những chiến sĩ làm nhiệm vụ giữ gìn thi hài Bác bước sang một trang mới, vinh dự nhiều hơn nhưng trách nhiệm cũng nặng nề hơn.

3. Trải qua hơn 30 năm giữ gìn thi hài Bác và 25 năm bảo vệ, quản lý vận hành Lăng, Đoàn 969 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Những truyền thống vẻ vang của quân đội đã được Đoàn củng cố, xây đắp và phát huy với những nét đặc trưng của một đơn vị đặc biệt, làm một nhiệm vụ đặc biệt. Truyền thống vẻ vang đó được khái quát trong 16 chữ “Trung hiếu vẹn toàn, đoàn kết hiệp đồng, tự lực tự cường, chủ động sáng tạo” và được thể hiện ở những nét tiêu biểu là:

– Với tấm lòng tôn kính, tin yêu và đời đời biết ơn Bác, cán bộ, công nhân viên chiến sĩ trong đơn vị luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, giữ gìn thi hài Bác và công trình Lăng của Người, tổ chức đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Bác là nhiệm vụ hết sức nặng nề và vinh quang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin cậy trao cho, nên trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng thể hiện lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, với sự nghiệp giữ gìn tuyệt đối an toàn và lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Lăng của Người, luôn luôn tận tụy phục vụ nhân dân.

– Nêu cao ý chí độc lập tự chủ, tự lực, tự cường, cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ trong đơn vị đã ngày đêm ra sức phấn đấu, vượt mọi khó khăn gian khổ, làm việc thầm lặng, lao động cần cù, dũng cảm và chủ động sáng tạo, không ngừng vươn lên để tự đảm nhiệm nhiệm vụ mang tính khoa học chuyên ngành, chưa có tiền lệ ở Việt nam và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
– Là đơn vị quản lý một công trình đặc biệt, có cơ sở vật chất – kỹ thuật hết sức tinh vi, phức tạp, có yêu cầu rất cao trên tất cả các lĩnh vực công tác, đơn vị đã luôn luôn chăm lo xây dựng bồi dưỡng, đào tạo và phát huy tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công nhân viên, chiến sĩ, đề cao ý thức tổ chức kỷ luật đặc biệt nghiêm cách trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, không để xảy ra một sai sót nhỏ nào.

– Luôn luôn giữ vững và phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó nội bộ, bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của đơn vị dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ và người chỉ huy, đoàn kết gắn bó với nhân dân, hiệp đồng chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và đoàn kết hữu nghị, hợp tác có hiệu quả với các chuyên gia bạn theo đúng đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

30 năm qua, Đoàn 969 đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 1 Huân chương Hồ Chí Minh, 22 Huân chương các loại, bốn lần được nhận cờ thưởng luân lưu của Hội đồng Bộ trưởng, 676 lượt cán bộ, chiến sĩ đã được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, chiến sĩ quyết thắng. Năm 1995, Viện 69 được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đoàn 969 đã hình thành và phát huy được những nét truyền thống tốt đẹp đó là nhờ có sự lãnh đạo chặt chẽ của Trung ương Đảng, Chính phủ và Đảng uỷ Quân sự Trung ương. Sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng uỷ Đoàn, sự quan tâm giúp đỡ của nhân dân, của các ngành, các đoàn thể và các cơ quan của Đảng và Nhà nước.

Một nhân tố đóng góp hết sức quan trọng vào việc gìn giữ thành công thi hài Bác trong suốt 30 năm qua cũng như việc góp phần hoàn thành công trình Lăng đúng thời hạn, đó là sự giúp đỡ trực tiếp, to lớn và quý báu của Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô mà trực tiếp là đội ngũ các chuyên gia đã cùng các đồng nghiệp Việt Nam chia ngọt sẻ bùi ngay từ những giờ phút đầu tiên, sau khi trái tim Bác vừa ngừng đập và đã cùng với các đồng nghiệp Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh làm việc quên mình, theo đơn vị di chuyển đến bất cứ nơi nào.

Ngày 4 tháng 10 năm 1975, để tỏ lòng biết ơn đối với Đảng, Chính phủ và nhân dân Liên Xô, Chính phủ ta đã tặng danh hiệu Anh hùng Lao động Việt Nam cho ba đồng chí chuyên gia tiêu biểu nhất:

– Đê-bốp, Viện sĩ y học, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Lăng Lê-nin.

– I-xa-cô-vích Ga-ron, Kiến trúc sư công trình Lăng.

– Mét-vê-đê-ép, Tổng công trình sư công trình Lăng.

Nhiều tập thể và cá nhân khác của đoàn chuyên gia cũng được Chính phủ ta trao tặng Huân chương Lao động và Hữu Nghị…

Gần 25 năm trôi qua kể từ khi Đoàn 969 được thành lập và hơn ba mươi năm Bác Hồ kính yêu vĩnh biệt chúng ta tính đến ngày 19 tháng 5 năm 2000, đã có 21.002.458 lượt người, trong đó có 849.122 lượt khách của 115 nước và 61 tổ chức quốc tế vào Lăng viếng Người. Đón tiếp 2.947 Bà mẹ Việt Nam anh hùng đến viếng Bác. Tổ chức 663 buổi sinh hoạt chính trị – văn hoá trước Lăng.
Ngày nối ngày, những dòng người lặng lẽ đến trước Lăng Người để nhận ở đó một lòng tin, một phẩm giá trong sáng của Người chiến sĩ cách mạng, để yêu cái mà Người đã từng yêu, để mong cái mà Người đã từng mong, để đi trọn con đường mà Người đã từng đi suốt cả cuộc đời.

Nhiều đơn vị tân binh trước ngày lên đường, nhiều lễ tuyên thệ của những đoàn viên, nhiều xí nghiệp cơ quan, trường học cũng đã về Lăng để báo cáo với Người ý chí, quyết tâm của đơn vị mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Nhiều đôi trai gái khi làm lễ thành hôn cũng đến trước Lăng bày tỏ lòng biết ơn Người.

Hơn ba mươi năm qua, Người vẫn thường xuyên có mặt trong từng niềm vui, nỗi buồn của cả dân tộc, cả đất nước. Người vẫn sống một cuộc sống giản dị trong nhân dân của Người. Đã có hàng trăm phái đoàn quốc tế, trước khi làm việc với Đảng và Nhà nước ta đã bồi hồi đến đặt vòng hoa và vào Lăng viếng Người.

Trong cuốn sổ vàng mà Bộ tư lệnh Đoàn 969 lưu giữ đã ghi lại biết bao cảm tưởng của đồng bào, đồng chí của nhân dân các dân tộc ở khắp mọi miền của đất nước và của bè bạn trên khắp các lục địa.

Đoàn đại biểu Mặt trận Tổ quốc quận 1 thành phố Hồ Chí Minh viết: “Vô cùng xúc động được đến viếng Lăng Bác”, “Bác mãi mãi sống trong trái tim đồng bào Nam Bộ”, “lời ấy đời đời giữ mãi trong lòng của nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Viếng Lăng Bác nhớ thương Bác vô cùng. Nguyện học tập và sống theo gương Bác”.

Đoàn cán bộ hợp tác xã Minh Thuận, huyện Vụ Bản, tỉnh Hà Nam Ninh viết: “Đoàn chúng tôi thấy Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ đã xây dựng nơi an nghỉ cuối cùng của Bác thật mẫu mực và vĩ đại chưa từng thấy. Đoàn chúng tôi gửi lời chân thành cảm ơn Ban tổ chức đã đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt, sắp xếp nơi ăn nghỉ cho Đoàn chúng tôi…”.

Cô giáo Nguyễn Thị Huệ, người dân tộc Mèo viết: “Người Mèo chúng tôi được như ngày nay, được cơm no, áo ấm, được có chữ, cùng tiến bộ như các dân tộc đa số, riêng tôi lớn lên trở thành cô giáo là nhờ ơn Đảng, ơn Bác. Tôi và dân tộc Mèo chúng tôi rất ơn Bác ơn Đảng. Tôi nguyện cố gắng giảng dạy cho các em người Mèo đời đời theo Đảng, theo Bác”.

Đoàn nhà báo Sự thật Liên Xô viết: “Lần này đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm cho chúng tôi rất cảm động, gây được ấn tượng sâu sắc chẳng có gì so sánh được.

Tấm gương và cuộc đời hoạt động của người vĩ đại này, một nhà hoạt động cách mạng đầy nhiệt tình chiến sĩ quốc tế, người yêu nước nồng nhiệt, người lao động không mệt mỏi, biểu hiện sự khiêm tốn kỳ diệu, Di chúc và học thuyết của Người động viên mỗi chúng tra trong cuộc đấu tranh, trong lao động vì tương lai huy hoàng vì hạnh phúc của nhân dân, vì hoà bình trên trái đất”.

Đoàn đại biểu Ê-ti-ô-pi-a viết: “Đến thăm Lăng Bác Hồ, chúng tôi có một ấn tượng sâu sắc” Bác Hồ không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại của nhân dân Việt Nam, mà Người còn là niềm hy vọng của các dân tộc Châu Phi cũng như những dân tộc khác đang đấu tranh quét sạch chủ nghĩa đế quốc ra khỏi Tổ quốc mình…”.

Đoàn đại biểu phụ nữ Mỹ viết: “Chúng tôi yêu mến đất nước Việt Nam vì ở Việt Nam có lãnh tụ Hồ Chí Minh. Cuộc đời của Người là một biểu tượng hoà bình đầy đủ nhất… Chúng tôi coi lãnh tụ Hồ Chí Minh như lãnh tụ của nhân dân tiến bộ Mỹ. Nhưng rất tiếc, ở đất nước chúng tôi không có vị lãnh tụ nào như Chủ tịch Hồ Chí Minh của các bạn”…

Một khách du lịch người Thái Lan viết: “Tôi đã đến thăm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nơi đây rất đẹp và trang nghiêm. Đây không chỉ dành riêng cho người Việt Nam mà còn là của nhân loại”.

Thấm thoát 29 năm đã trôi qua. Bầu trời trên Quảng trường Ba Đình luôn luôn lộng gió và đầy nắng. Những dòng người từ khắp nơi liên tục về viếng Bác. Mỗi lần đến với Bác, mỗi người đều cảm thấy yên tâm bởi dung nhan Bác vẫn hồng hào, thanh thản như khi Người còn sống.

Hết.

bqllang.gov.vn

Advertisement