Thư viện

Bức điện cuối cùng của Bác Hồ gửi Quốc trưởng Campuchia

Chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại là để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

 – Ngày 7/2/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện tới Quốc trưởng Vương quốc Campuchia Norodom Sihanouk để cảm ơn sự ủng hộ đối với lập trường của Việt Nam tại cuộc đàm phán với Mỹ ở Paris. Đây cũng là văn kiện cuối cùng trong mối giao tiếp hữu nghị với người đứng đầu Vương quốc láng giềng.

Chỉ hơn nửa năm sau, ngày 2/9/1969 nhà lãnh đạo Việt Nam qua đời. Ngày 9/9/1969, Quốc trưởng Sihanouk đã có mặt tại Hà Nội để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và sau rất nhiều biến cố lịch sử, trong hồi ký “Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ me Đỏ” viết sau này, Cựu vương Sihanouk đã bày tỏ:

“Từ buổi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi sực nhớ đến câu nói của Người mà tôi cho rằng không gì đúng hơn . Đó là câu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ và nhân dân Quảng Ninh(2/1965)Bác Hồ thăm và chúc Tết cán bộ và nhân dân Quảng Ninh (2/1965)

Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tôi là một nhà quý tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không chung thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới ba chục tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn cho nước nhà độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đuờng cách mạng gay go ác liệt. Còn tôi, một con người trẻ tuổi lại rất sợ đổ máu. Nhưng cuối cùng chính Cụ đã dạy cho chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do. Đó là con đưòng đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định”.

Cũng trong tập hồi ký này, Norodom Sihanouk còn viết : “Từ lâu tôi đã rất ngưỡng mộ Bác Hồ. Người không chỉ thuộc về nhân dân Việt Nam mà là cả Đông Dương, cả châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ.

Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng luôn mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội. Nhưng các bạn Việt Nam nói Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi.

Tôi đáp lại: “Thì đây chính là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: ”Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước Ngài vì những trận ném bom của Mỹ”.

Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch Hồ nữa… Chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại là để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

X&N
kienthuc.net.vn

Thông điệp gửi Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch

Ngày 8 tháng 9 nǎm 1945

Kính gửi Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch,

Quân đội Trung Hoa tới Yên Bái bị một bọn cướp công kích, bọn cướp lấy danh hiệu của Việt Minh. Chính phủ lâm thời Dân chủ Cộng hoà Việt Nam đã tức khắc phái quân đến giúp đỡ quân Trung Hoa và tiễu trừ bọn cướp.

Xin kính chúc Tổng tư lệnh.

Chủ tịch lâm thời Chính phủ Dân chủ Cộng hoà Việt Nam
Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 39, ngày 10-9-1945
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi Tổng thống Mỹ H.Tơruman

Nhà trắng – Oasinhtơn

Hà Nội, qua Côn Minh, ngành 17 tháng 10 nǎm 1945

Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, gửi Tổng thống Tơruman, Oasinhtơn.

Về nguyên tắc, nhân dân Việt Nam hoàn toàn ủng hộ việc thành lập Uỷ ban tư vấn đối với khu vực Viễn Đông. Trước hết, xét đến tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Việt Nam, thứ đến là mong muốn tha thiết – mà Việt Nam cảm nhận sâu sắc và đã chứng tỏ một cách nhất trí – được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hoà bình và phồn vinh trên thế giới, chúng tôi mong rằng các quốc gia Đồng minh sẽ lưu tâm đến những vấn đề sau đây:

Thứ nhất, sự vắng mặt của Việt Nam và sự có mặt của Pháp trong Uỷ ban tư vấn dẫn tới kết luận rằng Pháp sẽ đại diện cho nhân dân Việt Nam tại Uỷ ban này. Sự đại diện ấy thiếu cơ sở pháp lý hoặc cơ sở thực tế. Về mặt pháp lý thì giữa Pháp và Việt Nam không còn tồn tại một bổn phận nào nữa: Bảo Đại đã huỷ bỏ các Hiệp ước 1884 và 1863. Bảo Đại đã tự nguyện thoái vị, trao lại chính quyền cho Chính phủ Dân chủ Cộng hoà; Chính phủ lâm thời chấp thuận việc huỷ bỏ các Hiệp ước 1884 và 1863. Trên thực tế, từ ngày 9 tháng 3, việc Pháp trao quyền thống trị cho Nhật đã cắt đứt toàn bộ các mối liên hệ về mặt hành chính với Việt Nam, từ ngày 19-8-1945 Chính phủ lâm thời trên thực tế đã là một Chính phủ độc lập về mọi phương diện. Những sự kiện xảy ra mới đây ở Sài Gòn do sự xúi giục của người Pháp đã khuấy động sự đồng lòng phản đối dẫn tới cuộc đấu tranh vì nền độc lập.

Thứ hai, Pháp không có quyền vì Pháp đã bán Đông Dương cho Nhật một cách đê tiện và đã phản bội lại các nước Đồng minh.

Thứ ba, theo bản Hiến chương Đại Tây Dương và bản Hiệp ước Hoà bình sau đó, và do thiện chí cùng với lập trường kiên định về nền dân chủ, Việt Nam có đủ điều kiện cử đại diện vào Uỷ ban tư vấn. Chúng tôi tin chắc rằng tại Uỷ ban này, Việt Nam có thể mang lại sự đóng góp có hiệu quả cho việc giải quyết các vấn đề còn tồn tại ở Viễn Đông; trái lại, sự vắng mặt của Việt Nam sẽ gây ra tình trạng bất ổn định và đặc tính nhất thời cho những giải pháp đạt được bằng cách khác. Vì thế chúng tôi bày tỏ đề nghị tha thiết được tham gia vào Uỷ ban tư vấn của Viễn Đông. Chúng tôi sẽ vô cùng biết ơn Ngài cùng Thủ tướng Atli, Thủ tướng Xtalin, Thống chế Tưởng Giới Thạch về sự truyền đạt lại những nguyện vọng của chúng tôi tới Liên hợp quốc.

Kính
Hồ Chí Minh

United States – Vietnam Relations 1945 – 1967,
U.S. government printing office, Washington, 1971, p.73.
cpv.org.vn

Công điện gửi tướng Đờ Gôn, người đứng đầu Chính phủ Pháp. Pari

Xin hân hạnh báo với Ngài, Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam đã được thành lập sau khi Nhật Bản đầu hàng và Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Chính phủ chúng tôi gồm các thành viên cộng hoà của ba xứ Việt Nam với quyết tâm bảo vệ nền độc lập Việt Nam bằng mọi biện pháp, cam kết bảo đảm an ninh tính mạng và tài sản của người nước ngoài ở toàn cõi Việt Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Chúng tôi phản đối việc quân đội Pháp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam và đề nghị Ngài ban bố những chỉ thị hữu ích cho các lực lượng Pháp ở Viễn Đông để tránh những sự xảy ra đáng tiếc.

Chủ tịch Chính phủ Lâm thời
Cộng hoà Việt Nam
Hồ Chí Minh

Bản chụp bút tích tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi Chủ tịch Quốc hội Pháp. Pari

Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam gồm các thành viên cộng hoà trong nước đã thành lập ở Hà Nội sau khi Hoàng đế An Nam thoái vị, cam kết bảo đảm an toàn cho người nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam trong ba xứ An Nam trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và đối xử bình đẳng. Kiên quyết phản đối việc quân đội Pháp xâm nhập lãnh thổ Việt Nam. Đề nghị Ngài tác động một cách thích đáng với Chính phủ Cộng hoà Pháp nhằm đưa ra các chỉ thị cần thiết cho lực lượng Pháp ở Viễn Đông và để tránh mọi sự đáng tiếc xảy ra.

Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Cộng hoà Việt Nam
Hồ Chí Minh

Bút tích tiếng Pháp, lưu tại Viện Hồ Chí Minh
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi Hội nghị liên Phi

Dân tộc Việt Nam đương chiến đấu cho nền độc lập rất lấy làm cảm động tiếp được quyết nghị án của Hội nghị liên Phi ủng hộ cuộc tranh đấu của dân tộc Việt Nam chống với bọn thực dân Pháp.

Lời quyết nghị của Hội nghị liên Phi tỏ rõ tinh thần đoàn kết của các dân tộc nhược tiểu ở Đông Dương, Nam Dương quần đảo 2 , ấn Độ và các dân tộc Phi châu, trên con đường tranh đấu để giữ quyền độc lập và tự do, đã tốn biết bao nhiêu xương máu mới giành lại được sau cuộc đại chiến 3.

Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 71, ngày 19-10-1945
cpv.org.vn

Điện gửi Thống chế Tưởng Giới Thạch

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 nǎm 1945

Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam gửi Thống chế Tưởng Giới Thạch, Cộng hoà Trung Hoa.

Nhân danh Chính phủ lâm thời nước Cộng hoà Việt Nam, chúng tôi kịch liệt phản đối việc sử dụng các toán quân Nhật, do quân đội Anh – ấn dưới sự chỉ huy của tướng Graxây, và do quân đội Pháp dưới sự chỉ huy của tướng Lơcléc trong việc đàn áp phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam ở Nam Đông Dương. Mượn cớ giải giáp quân Nhật, các tướng Graxây và Lơcléc đã phân tán các toán quân Nhật ra khắp các tỉnh Nam Việt Nam làm quân tiên phong cho các toán quân Anh – ấn và Pháp, với ý đồ tái lập sự thống trị của người Pháp đối với Đông Dương. Nhân dân Việt Nam đã chiến đấu quyết liệt chống lại chủ nghĩa phát xít Nhật, và vừa mới lập nên chế độ dân chủ trên toàn đất nước, phẫn nộ tột bậc về sự xuất hiện lối xử sự không thể biện hộ được như vậy về phía Anh và Pháp. Vì thế chúng tôi mong Ngài lưu tâm và khẩn thiết yêu cầu Ngài:

Thứ nhất, ban bố lệnh chấm dứt tàn sát một dân tộc đang bảo vệ các quyền chính đáng của mình theo các nguyên tắc ghi trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô.

Thứ hai, công nhận nền độc lập hoàn toàn của nước Cộng hoà Việt Nam.

Kính
Hồ Chí Minh

United States – Vietnam Relations 1945-1967,
U.S. government printing office, Washington, 1971, p.91.
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi các ông Gióoc Biđôn – lãnh tụ Gia tô giáo, Lêông Blum – lãnh tụ Đảng Xã hội Pháp, Tôrê – lãnh tụ Đảng Cộng sản Pháp

Nhân danh Chính phủ lâm thời, tôi thành thực gửi lời mừng đảng các ngài đã được đắc thắng trong cuộc tuyển cử.

Nước Việt Nam bị áp bức 80 nǎm dưới chế độ thực dân Pháp trái với lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái của nước Pháp đã nêu lên trên thế giới từ 1789, ngày nay đã nổi dậy. Nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể Dân chủ Cộng hoà đã được trịnh trọng tuyên bố ngày mồng 2 tháng 9 vừa rồi, sau khi Hoàng đế Bảo Đại thoái vị và Chính phủ mới đã thành lập. Toàn thể dân chúng nước Việt Nam đồng tâm quyết bảo vệ sự tự do và nền độc lập.

Tôi lấy làm tiếc rằng, trong tình thế này, Chính phủ Pháp còn muốn khuyến khích bọn thực dân nhờ quân đội Anh giúp sức, gây nên những cuộc đổ máu tại Nam Bộ Đông Dương và tàn sát lương dân để mưu đặt lại sự đô hộ Pháp. Nhân danh cho những lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái, khẩu hiệu của nước Pháp Cộng hoà và nhân danh chính sách hoà bình của Liên hợp quốc (22) , tôi kêu gọi các ngài và xin các ngài xét đoán đến những hành động bất công ấy.Tôi có thể đảm bảo với các ngài rằng nếu nước Pháp chịu thừa nhận nền độc lập của Việt Nam, dân chúng Việt Nam sẽ hết sức hoà hảo với nước Pháp. Trái lại thế, dân chúng Việt Nam quyết rỏ đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ cho sự tự do.

Xin các ngài lãnh tụ của các đảng dân chủ tiền tiến Pháp hãy lưu ý đến những điều trên đây để hướng dẫn chính sách của Pháp đi vào một con đường hợp với những lý tưởng tự do, bình đẳng và bác ái, và trọng quyền lợi tương quan của hai nước Pháp – Việt.

Xin gửi các ngài lời cám ơn riêng của tôi và của dân chúng Việt Nam.

Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 90, ngày 13-11-1945.
cpv.org.vn

——————————–

22. Liên hợp quốc: Là tổ chức quốc tế được thành lập tại Hội nghị Xan Phranxixcô (Mỹ), từ ngày 25-4 đến ngày 26-6-1945 trên cơ sở liên minh tự nguyện của các nước có chủ quyền, nhằm gìn giữ hoà bình và phát triển sự hợp tác giữa các nước. Theo Hiến chương Liên hợp quốc, nhiệm vụ của Liên hợp quốc là: gìn giữ hoà bình và an ninh bằng cách áp dụng những biện pháp chung nhằm ngǎn ngừa và loại trừ những mối đe doạ đối với hoà bình và chống lại những hành động xâm lược; phát triển quan hệ thân thiện giữa các dân tộc và thực hiện sự hợp tác nhằm giải quyết những vấn đề quốc tế có tính chất kinh tế, xã hội, vǎn hoá, nhân đạo cũng như phát triển sự tôn trọng nhân quyền và quyền tự do cǎn bản của con người, không phân biệt chủng tộc, nam nữ, tiếng nói và tín ngưỡng. Liên hợp quốc thành lập theo nguyên tắc bình đẳng đối với tất cả mọi hội viên và không can thiệp vào công việc nội bộ của bất cứ nước nào. Những cơ quan chủ yếu của Liên hợp quốc là: Đại hội đồng, Hội đồng bảo an, Hội đồng kinh tế và xã hội, Hội đồng quản thác, Toà án quốc tế và Ban thư ký. Nǎm 1977, nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập tổ chức quốc tế này. Tr.97

Điện gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ

Oasinhtơn, D.C

Hồ Chí Minh, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Cộng hoà Việt Nam gửi Ngài Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Oasinhtơn, D.C.

Nhân dịp khai mạc Hội nghị Oasinhtơn về Viễn Đông, chúng tôi lấy làm tiếc về sự vắng mặt của đoàn đại biểu Việt Nam. Một lần nữa chúng tôi bác bỏ mọi quyền của người Pháp phát biểu nhân danh nhân dân Việt Nam. Dưới sự yểm trợ của các toán quân Anh – ấn và Nhật Bản, Pháp đã tiến hành một cuộc xâm lược đối với nước Cộng hoà Việt Nam nhằm áp đặt sự thống trị của họ, đã cố tình vi phạm các nguyên tắc được đề ra trong Hiến chương Đại Tây Dương và Hiến chương Xan Phranxixcô. Nhân dân Việt Nam đang chiến đấu hơn một tháng nay bất chấp sự đàn áp đẫm máu của các toán quân Anh – ấn, Pháp và Nhật Bản, đã tuyên bố nguyện vọng của họ là được sống trong tự do và độc lập, trong sự nghiệp xây dựng dân chủ. Nhân dân Việt Nam bày tỏ niềm hy vọng chân thành rằng tất cả các dân tộc tự do trên thế giới, đang thực hiện ý tưởng cao quý về lòng khoan dung và nhân đạo thể hiện trong diễn vǎn của Tổng thống Tơruman, sẽ công nhận nền độc lập của nước Cộng hoà Việt Nam và đặt dấu chấm hết cho cuộc xung đột giết chóc ở Nam Việt Nam.

Kính
Hồ Chí Minh

United States – Vietnam Relations 1945-1967,
U.S. government printing office, Washington, 1971, p.92.
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi các ông Ǎngđrê Grômưcô – đại diện Liên Xô, Giêm Biếcnơ – Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ, Bác sĩ Cố Duy Quân – Đại diện Trung Quốc tại Hội đồng Liên hợp quốc

Nhân danh Chính phủ và quốc dân Việt Nam, tôi yêu cầu các ngài chú ý đến nước Cộng hoà Dân chủ Việt Nam. Từ nǎm 1941, nước Việt Nam vẫn chiến đấu bên cạnh Đồng minh chống lại bọn quân phiệt Nhật. Sau ngày quân Pháp đầu hàng quân Nhật ngày 9 tháng 3 nǎm 1945, người Việt Nam chúng tôi đã chiến đấu chống lại tất cả mọi cơ quan và chính phủ bù nhìn do Nhật lập nên. Sau khi quân Nhật bại trận, quốc dân Việt Nam đồng lòng lập nên nước Cộng hoà Dân chủ, đứng trên lập trường dân tộc tự quyết và dân chủ ký kết trên các Hiến chương Đại Tây Dương và Cựu Kim Sơn. Mặc dầu cuộc xâm lǎng của người Pháp bắt đầu từ hôm 23 tháng 9 nǎm 1945, nay vẫn còn đang tiếp tục ở miền Nam nước Việt Nam, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam, được toàn dân ủng hộ, đã lập được nền trật tự trong nước, đã thiết lập được nền chính trị vững chắc và tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong toàn nước bầu người vào Quốc hội. Chương trình bầu cử đã thực hiện tuy rằng người Pháp đã diễn một cảnh chiến tranh dã man ở miền Nam để hòng lập lại nền thống trị của họ. Sẵn sàng chiến đấu chống lại mọi lực lượng, quốc dân Việt Nam đang ao ước thực hiện các điều khoản cao quý của Hiến chương Đại Tây Dương và Hội nghị Liên hợp quốc hãy can thiệp để kết liễu cuộc đổ máu và can thiệp một cách nhanh chóng vào vấn đề Đông Dương. Các lời tuyên bố mới đây của Anh hoàng và của vị Chủ tịch Hội nghị là ông Hǎngri Xpát (H.Spaak) đã làm chúng tôi tǎng thêm hy vọng vào sự thắng lợi cuối cùng của công lý và hoà bình.

Chúng tôi tha thiết kêu gọi các ngài hãy mang vấn đề của chúng tôi ra trước Hội đồng Liên hợp quốc nghiên cứu kỹ càng. Chúng tôi sẽ rất cám ơn quý ngài nếu quý ngài nói cho thế giới biết những ước nguyện sau này của quốc dân chúng tôi.

Quốc dân chúng tôi đã giành được quyền độc lập và giữ vững nền độc lập, thiết tha yêu cầu các ngài công nhận nền độc lập ấy và nhận chúng tôi vào Hội đồng Liên hợp quốc. Theo như lời tuyên bố của vị đại diện Trung Hoa Cố Duy Quân thì á châu chưa có đủ đại biểu trong Hội nghị. Chúng tôi tin rằng sự có mặt của chúng tôi trong Hội nghị sẽ có ích nhiều cho việc giải quyết một cách nhanh chóng và hoà bình cho các vấn đề ở Đông – Nam á châu hiện nay.

Kính
Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 144, ngày 17-1-1946.
cpv.org.vn

Điện vǎn gửi Đô đốc Đácgiǎngliơ

Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà kính gửi Thượng sứ,

Quốc hội Việt Nam cùng Chính phủ Việt Nam rất lấy làm cảm động về sự đón tiếp niềm nở phái đoàn Quốc hội Việt Nam. Xin ngài chuyển lời cảm ơn trên này về Chính phủ Pháp và ao ước rằng những cuộc thương thuyết sau này tại Pari cũng sẽ thân mật như thế để mưu sự thịnh vượng chung cho cả hai dân tộc.

Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 239, ngày 14-5-1946.
cpv.org.vn

Điện gửi Chính phủ Việt Nam

Ngày 2-6-46. Chúng tôi đã đến Cancútta được bình yên cả, sau một đêm nghỉ ở Pêgu (Rǎnggun). Hôm thứ, chúng tôi sẽ lại lên đường. Chúng tôi nhờ Chính phủ cảm ơn đồng bào ta và các bạn người Pháp đã tiễn chúng tôi ở Gia Lâm. Tôi gửi những cái hôn cho các cháu. Nhờ chuyển giao cho Quốc hội.

Hồ Chí Minh

Báo Cứu quốc, số 257, ngày 4-6-1946.
cpv.org.vn