Tìm lại cầu tàu nơi Bác Hồ rời cảng Sài Gòn

Đến nay, người ta vẫn cho rằng Hồ Chủ tịch xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước từ bến Nhà Rồng. Viện dẫn lý do là: Tuy Bác tìm được chân phụ bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville thuộc hãng Năm Sao.

Nhưng hãng Năm Sao, đương thời không có bến đậu, “nên tàu của hãng Năm Sao phải đậu nhờ bến cảng Nhà Rồng”! Sự thật thì Hồ Chủ tịch không ra đi từ bến Nhà Rồng thuộc quận 4, mà từ cảng Sài Gòn (Port de Saigon) – nơi cầu tàu Nguyễn Huệ (appontement de Charner) ở bên này Sài Gòn thuộc quận 1 ngày nay.

Để giữ kín tung tích, Hồ Chủ tịch đã lấy tên Văn Ba xin làm phụ bếp dưới tàu Amiral Latouche Tréville của hãng chuyên chở Chargeurs Réunis (ta gọi là hãng Năm Sao, vì trên ống khói tàu có vẽ 5 ngôi sao). Anh Ba tới xin việc tại trụ sở hãng ở lầu một Café La Rotonde tại số 2 Catinat (Đồng Khởi). Anh Ba xuống tàu làm việc ngày 3.6.1911, hai ngày sau, tàu nhổ neo đi Singapore rồi sang Pháp.

Theo tài liệu ghi lại rõ ràng: Tàu Amiral Latouche Tréville từ Hải Phòng vào cập bến Sài Gòn ngày 2.6.1911 có trọng tải 3.572 tấn, với thuyền trưởng Maisen và đoàn thuỷ thủ 69 người. Ngày 3.6.1911, anh Văn Ba xuống tàu làm phụ bếp, ngày 5.6.1911 tàu nhổ neo. Ta hãy tìm xem tàu này cập bến nào khi tới cảng Sài Gòn.

Tàu Amiral Latouche Tréville của Hãng tàu Chargeurs Réunis (hãng Năm Sao) – con tàu đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Ảnh: S.T

Cảng Sài Gòn hồi 1911 chia làm 2 phần: Quân cảng và thương cảng. Quân cảng dài chừng 600m, kể từ Nhà máy Ba Son tới công trường Mê Linh (khi ấy gọi là Quai Primauguet, nay là một phần đường Tôn Đức Thắng). Thương cảng cũng dài chừng 600m, kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội (khi ấy gọi là Quai Francis Garnier, nay cũng là một phần đường Tôn Đức Thắng). Bến Nhà Rồng ở bên Khánh Hội, coi như nối tiếp với thương cảng.
Bờ sông bên Khánh Hội từ ranh Nhà Rồng tới cầu Tân Thuận dài trên 1km gọi là bến Tam Hội. Bến đó chưa có cầu tàu, kho hàng và trang bị cần thiết cho việc bốc xếp hàng hóa. Cầu Khánh Hội chưa làm kiên cố để nối đường xe hỏa từ Sài Gòn sang. Như vậy, các tàu lớn viễn dương chưa thể cập bến Tam Hội. Năm 1914, cảng Tam Hội – sau gọi cảng Khánh Hội – mới được khánh thành (đồng thời với chợ Bến Thành mới bây giờ). Do đó, tàu Amiral Latouche Tréville và các tàu khác của hãng Năm Sao tất phải cập bến thương cảng Sài Gòn ở phía quận 1 nay.

Thương cảng hồi 1911 khá tấp nập, trang bị đầy đủ và ở vào đầu mối giao thông rất thuận lợi, chỉ dài 600m mà có tới 6 đại lộ châu đầu vô bến. Thương cảng Sài Gòn khi ấy có 5 cầu tàu (appontement): 3 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Catinat (Đồng Khởi) dành cho các hãng chuyên chở đường sông, 1 cầu tàu lớn ở đầu đường Charner (Nguyễn Huệ) dành cho các tàu lớn chạy viễn dương và 1 cầu tàu nhỏ ở đầu đường Krantz-Duperré (Hàm Nghi) dành cho hãng tàu người Hoa.

Tình hình này đúng như Brebion đã mô tả thương cảng Sài Gòn hồi 1911: “Trên bến Francis Garnier (nay là một phần đường Tôn Đức Thắng kể từ công trường Mê Linh tới cầu Khánh Hội), phía bờ sông có nhiều loại cầu tàu chiếm chỗ. Một trong số cầu tàu lớn nhất là nơi cập bến các tàu lớn thuộc Hãng Chargeurs Réunis”.

Như vậy, ta có thể khẳng định là tàu Amiral Latouche Tréville trên có anh Văn Ba làm phụ bếp đã cập bến ở cầu tàu lớn nơi đầu đường Nguyễn Huệ. Đây là một vị trí khang trang và khoảng khoát nhất thành phố: Nhìn vào đất liền qua đường Nguyễn Huệ rộng rãi thấy trụ sở Uỷ ban Nhân dân thành phố (nhà Xã Tây cũ với kiến trúc đặc sắc ghi dấu một thời), nhìn sang phía sông thấy ngôi Nhà Rồng đồ sộ với dáng vẻ Âu – Á pha trộn dễ gây ấn tượng (nay là Bảo tàng Hồ Chí Minh) và sông nước bao la rừng cây bát ngát lan rộng thẳng tới Thái Bình Dương…

Sự ra đi của Bác năm 1911, thực là bức xúc: Bác đã chứng kiến cuộc nổi dạy chống Pháp của Hoàng Hoa Thám vô vọng, phong trào Duy Tân (1901) với Phan Chu Trinh và Phan Bội Châu bị trấn áp ngay từ đầu, kế hoạch Đông Du (1905-1909) của Phan Bội Châu không được Phan Chu Trinh hoàn toàn tán trợ, Đông kinh nghĩa thục (1907) bị cấm cản, phong trào chống thuế (1908) sôi nổi ở miền Trung cũng bị đàn áp dã man…

Hàng trăm sĩ phu yêu nước phải lãnh những bản án tử hình hay tù đày ra Côn Đảo… Sứ mạng giải phóng quê hương hầu như bế tắc. Chúng ta có thể phỏng đoán rằng người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã phải ưu tư sâu sắc và mãnh liệt đến mức nào trước khi dấn thân vào một phương hướng khác.

Từ Sài Gòn, Bác ra đi năm 1911, Bác về Pác Bó năm 1941. Năm nay 2011, kỷ niệm 100 năm ngày Bác ra đi và 70 năm ngày Bác trở về. Lúc Bác ra đi mới 21 tuổi.

Ghi nhận chính xác thời điểm và địa điểm khi Bác ra đi, ngõ hầu lập bia kỷ niệm đánh dấu di tích trang trọng để cho hậu thế luôn nhớ tới hành trình cứu quốc vĩ đại của Bác Hồ kính yêu.

Theo LĐO

phapluatxahoi.vn