Lời cǎn dặn Đảng uỷ Nhà máy dệt Nam Định (15-3-1959)

1. Phải làm công tác phát động quần chúng cải tiến quản lý xí nghiệp gọn và tốt. Về thời gian và các bước đi, cần vận dụng linh hoạt. Nhà máy bắt đầu phát động từ tháng 11, đến nay đã được 5 tháng mà chưa mở rộng ra cho công nhân học tập. Thế là dài quá. Kéo dài sẽ làm cho công nhân mệt. Nhưng làm ngắn thì phải bảo đảm làm tốt; ngắn và qua loa, làm không tốt thì cũng không được.

2. Không được để hụt mức sản xuất. Phải bảo đảm kế hoạch cả về sản lượng và chất lượng. Phải làm nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Mức sản xuất có cao hơn nǎm ngoái, nhưng không phải là cao quá. Không kể Liên Xô, nếu chỉ so sánh với Trung Quốc và Triều Tiên thì mức sản xuất của ta còn quá thấp. Vả lại ta đang có phong trào thi đua với công nhân nhà máy dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên). Sản xuất hụt mức là tại cán bộ, tại lãnh đạo. Các cô, các chú chưa biết tuyên truyền giải thích cho công nhân, cho đảng viên và đoàn viên thanh niên, làm cho quyết tâm của lãnh đạo trở thành quyết tâm của toàn thể đảng viên, đoàn viên và công nhân. Trong một trận chiến đấu, thắng là do toàn thể bộ đội, bại là do người chỉ huy. Người chỉ huy biết trông nom bộ đội, cảm thông bộ đội, có kế hoạch đúng và biết tổ chức động viên bộ đội thì sẽ đánh thắng. Người chỉ huy kém thì sẽ thất bại. Trong công xưởng cũng vậy.

3. Cán bộ lãnh đạo, đảng viên, đoàn viên thanh niên cũng như cán bộ công đoàn phải xung phong gương mẫu. Nội bộ lãnh đạo phải đoàn kết nhất trí, cán bộ phải đi vào công nhân, phải sắp xếp công việc để mỗi tuần tham gia lao động một ngày. Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thật sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng.

4. Công nhân bây giờ làm chủ, không phải đi làm thuê như trước, phải khéo tổ chức công nhân tham gia quản lý nhà máy. Phải động viên công nhân có gì nói hết, ý kiến công nhân có đúng, có sai, nhưng đúng nhiều hơn. Thí dụ: công nhân yêu cầu tổ chức giữ trẻ cho tốt là đúng, lãnh đạo phải chǎm lo thực hiện. Nhưng cũng có chỗ sai: như một số anh chị em công nhân kêu lương ít thì phải giải thích và để công nhân thảo luận cho rõ: hoàn cảnh đất nước bị chiến tranh tàn phá, lại tạm bị chia cắt, phải xây dựng nhiều, bây giờ công nhân phải khắc phục khó khǎn. Bao giờ sản xuất nhiều, rẻ, Nhà nước mới có thể tǎng thêm phúc lợi cho công nhân. Liên Xô và Trung Quốc lúc đầu cũng vậy. Nếu các cô, các chú biết giải thích thì công nhân nhất định sẽ hiểu, sẽ tin.

5. Phải chú trọng công tác phát triển đảng viên và đoàn viên thanh niên. Đảng viên và đoàn viên mới có hơn 1.600 trong số hơn 1 vạn công nhân. Như thế còn ít, phải chǎm lo bồi dưỡng và phát triển những công nhân có đủ tiêu chuẩn vào Đảng và Đoàn. Đảng uỷ phải chú trọng bồi dưỡng và cất nhắc cán bộ nữ, nhất là trong nhà máy, quá nửa công nhân là phụ nữ.

Hôm nay Bác đi chống hạn bận không đến thǎm công nhân được. Bác nhờ các chú, các cô chuyển lời Bác hỏi thǎm anh chị em công nhân và gia đình công nhân.

—————————-

Nói ngày 15-3-1959.
Sách Nam Hà làm theo lời Bác, Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh Nam Hà, 1975, tr. 62-65.
cpv.org.vn

Advertisement