Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của dân tộc, của Ðảng đã đề ra đường lối, chủ trương và hết lòng chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, xây dựng một quân đội kiểu mới với nòng cốt là con em nhân dân lao động, hy sinh chiến đấu vì quyền lợi của nhân dân, vì lợi ích của dân tộc.
Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền
Ngày 28-1-1941, sau gần 30 năm bôn ba hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã trở về nước trực tiếp chỉ đạo cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc. Hơn ba tháng sau, vào giữa tháng 5, Người chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 8 tại Hà Quảng (Cao Bằng), khẳng định nhiệm vụ chủ yếu trước mắt của cách mạng nước ta là giải phóng các dân tộc Ðông Dương ra khỏi ách áp bức của Pháp-Nhật. Vì thế, chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của Ðảng và toàn dân.
Cuối năm 1941, Người chủ trương thành lập đội tự vệ vũ trang Cao Bằng, tạo cơ sở cho việc xây dựng lực lượng vũ trang sau này. Trên cơ sở tìm hiểu hình thức tổ chức quân đội của các nước như Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, nghiên cứu quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng quân đội trên cơ sở vũ trang toàn dân và kế thừa truyền thống, kinh nghiệm xây dựng quân đội trong lịch sử dân tộc, Người đã từng bước xác định nguyên tắc tổ chức, xây dựng đội quân vũ trang của cách mạng Việt Nam.
Người trực tiếp giáo dục chính trị và viết tài liệu huấn luyện quân sự cho đội tự vệ vũ trang Cao Bằng, chọn cử hàng chục cán bộ giỏi sang Trung Quốc học quân sự. Trong thời gian này, Người biên soạn tài liệu về “Kinh nghiệm du kích Nga”; “Kinh nghiệm du kích Tàu”, đặc biệt là cuốn “Cách đánh du kích”. Ðối với đội tự vệ vũ trang Cao Bằng, Người trực tiếp viết “Mười điều kỷ luật” và xác định nhiệm vụ của đội là “làm nòng cốt cho việc xây dựng lực lượng vũ trang và nửa vũ trang sau này”. Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc còn dặn dò cán bộ, đội viên: “
Phải đoàn kết, chấp hành kỷ luật tốt, khiêm tốn học hỏi, giúp nhau thực sự về chính trị, quân sự cũng như trong sinh hoạt, đối với dân phải như cá với nước”.
Cuối tháng 10-1944, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc từ Trung Quốc trở về Cao Bằng. Sau khi được biết dự định khởi nghĩa của Ban liên tỉnh Cao Bắc Lạng, Người đã chỉ thị phải hoãn ngay cuộc khởi nghĩa vì “Trong điều kiện hiện giờ, nếu phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó, cuộc khởi nghĩa sẽ bị đàn áp”. Người nhận định: Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy phong trào đi tới… Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị tiến lên hình thức quân sự.
Tháng 12-1944, Người viết bản Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Người xác định tên của đội là Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Người cho rằng: Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân, cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Ðội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.
Căn cứ vào Chỉ thị của Người, sau một thời gian khẩn trương chuẩn bị, ngày 22-12-1944, tại khu rừng thuộc hai tổng Trần Hưng Ðạo và Hoàng Hoa Thám, xã Tam Kim, Nguyên Bình (Cao Bằng), được sự ủy quyền của Người, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tổ chức Lễ thành lập Ðội VNTTGPQ, gồm 34 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên. Ðây là đội quân chủ lực đầu tiên, một trong những đội quân tiền thân của QÐND Việt Nam.
Sự ra đời của Ðội VNTTGPQ đánh dấu một bước phát triển quan trọng của cách mạng Việt Nam, bởi từ nay, cách mạng nước ta đã có một đội quân chủ lực, tổ chức lực lượng vũ trang làm nòng cốt cho phong trào toàn dân đánh giặc.
Bên cạnh bản Chỉ thị lịch sử, một văn kiện có tính cương lĩnh quân sự về xây dựng QÐND, về khởi nghĩa vũ trang toàn dân, kháng chiến toàn dân, Người còn Chỉ thị cho Ðội VNTTGPQ hai điểm khi hành động: Một là, cuộc chiến đấu đầu tiên phải là một cuộc thắng lợi, bởi “cuộc chiến đấu ấy có tác dụng rất lớn lao và trong một phần lớn sẽ quyết định tương lai của đội”. Hai là, các cuộc hành động phải nhằm thời gian, phải nhằm địa điểm, tổ chức phải gọn gàng, chu đáo xuất sắc, làm cho nó vang dội đến khắp trong nước và vang dội ra cả nước ngoài. Sau mỗi thắng lợi phải triệt để lợi dụng để mở rộng tuyên truyền. Có thế, đội giải phóng quân mới đạt mục đích tuyên truyền của nó, mới kêu gọi toàn dân đoàn kết, vũ trang đứng dậy.
Chấp hành Chỉ thị của Người, Ðội VNTTGPQ đã ra quân đánh thắng hai trận đầu Phai Khắt, Nà Ngần, rồi nhanh chóng phát triển lực lượng lên đến một rồi nhiều đại đội, tỏa đi các địa phương trong chiến khu Việt Bắc xây dựng cơ sở cách mạng, làm nòng cốt cho cuộc đấu tranh chính trị, đấu tranh vũ trang giành chính quyền trong Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Ðể xây dựng đội quân thường trực lớn mạnh bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chính quyền non trẻ, chống lại thù trong giặc ngoài, vào giữa tháng 9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị chấn chỉnh, mở rộng Việt Nam Giải phóng quân và đổi tên thành Vệ quốc đoàn. Người căn dặn Vệ quốc đoàn cần thực hiện sách lược mềm dẻo đối với quân đội của Tưởng Giới Thạch; phải hết sức tránh khiêu khích, không để xảy ra xung đột. Nếu xảy ra xung đột thì biến xung đột lớn thành xung đột nhỏ, biến xung đột nhỏ thành không có xung đột. Thực hiện Chỉ thị mở rộng lực lượng của Người, bộ đội chủ lực từ một số chi đội, đại đội (khoảng 5.000 người) trong những ngày Tổng khởi nghĩa, đến cuối năm 1945 đã phát triển lên 50.000 người, với 40 chi đội ( mỗi chi đội từ 1.000 đến 2.000 người).
Trước đó, ngày 7-9-1945, Người Chỉ thị thành lập Bộ Tổng tham mưu, giao nhiệm vụ: “Tổ chức huấn luyện quân đội cho giỏi; nắm địch nắm ta rõ ràng; bày mưu bày kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng”.
Nhằm kiện toàn tổ chức, biên chế của quân đội, ngày 22-5-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 71-SL về Quân đội quốc gia Việt Nam. Kèm theo Sắc lệnh có bản Quy tắc Quân đội quốc gia Việt Nam gồm 62 điều, quy định biên chế, tuyển binh, cấp bậc, thăng giáng, thuyên chuyển, kỷ luật, khen thưởng và lễ nghi của quân đội.
Người rất quan tâm việc đào tạo đội ngũ cán bộ trong quân đội. Ngày 26-5-1946, đến thăm và dự lễ khai giảng đầu tiên của Trường võ bị Trần Quốc Tuấn, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Trung với nước, hiếu với dân là một bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”. Người đã tặng nhà trường lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước, hiếu với dân”.
Người luôn quan tâm xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị, chống lại mọi biểu hiện quân sự đơn thuần. Người nhấn mạnh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại. Quân đội ta là quân đội nhân dân. Nhân dân có Ðảng lãnh đạo, Ðảng có chính cương, chính sách. Ðã là quân đội nhân dân thì phải học chính sách của Ðảng…”. “Chính trị biểu hiện ra trong lúc đánh giặc. Học chính cương, chính sách rồi thì phải thực hiện. Nếu thuộc lầu mà không biết đánh giặc thì vô dụng. Cho nên các chú phải học tư tưởng chiến lược, chiến thuật, học cách dạy bộ đội đánh giặc, học phương pháp chỉ huy chiến đấu”.
Người đã viết bài: “Ðạo đức của người tướng”, trong đó nêu lên 6 yêu cầu và cũng là tiêu chuẩn đối với người tướng cần phải có là “Trí, dũng, nhân, tín, liêm, trung”. Người phân tích và nhấn mạnh từng yêu cầu đối với người tướng, với đạo làm tướng để có thể lãnh đạo chỉ huy bộ đội, làm gương cho quân sĩ. Người nói: “Quân đội ta là quân đội nhân dân, do dân đẻ ra, vì dân mà chiến đấu, yêu nước, yêu dân, cho nên hy sinh kham khổ”. Cán bộ phải gương mẫu, làm gương cho cấp dưới: “Bộ đội chưa ăn, cán bộ không được kêu mình đói; bộ đội chưa đủ áo mặc, cán bộ không được kêu mình rét; bộ đội chưa đủ chỗ ở, cán bộ không được kêu mình mệt”. Ðể chuẩn bị hành trang, tri thức quân sự cho bộ đội, Người đã viết hàng chục bài báo giới thiệu về Binh pháp của Tôn Tử, về chiến lược, chiến thuật, cách đánh.
Trong kháng chiến, Người luôn quan tâm, theo dõi từng bước trưởng thành của quân đội, gửi thư thăm hỏi, động viên và khen thưởng kịp thời mỗi khi bộ đội ra trận, đi chiến dịch, lập được chiến công. Không những thế, trong Chiến dịch Biên giới Thu-Ðông năm 1950, một chiến dịch tạo nên bước ngoặt cơ bản của cuộc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đích thân ra trận, ngay từ khi chuẩn bị trận đánh mở màn, có ý kiến quyết định chọn mục tiêu tiến công mở màn chiến dịch, cũng như đi quan sát trực tiếp vị trí này (Ðông Khê) trước khi bộ đội ta nổ súng tiến công.
Trong Chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ, Người cùng Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã có những quyết định táo bạo, sáng suốt, kịp thời, lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân ta chiến đấu giành toàn thắng, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Hòa bình lập lại, đất nước tạm thời chia làm hai miền. Ở miền bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gặp gỡ, dặn dò cán bộ Ðại đoàn 308 Quân Tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô Hà Nội. Người dặn dò: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Trung ương vào năm 1956, ra Nghị quyết nêu rõ: “Cần củng cố các lực lượng vũ trang và bán vũ trang hiện có ở miền nam, xây dựng làm căn cứ, làm chỗ dựa, đồng thời xây dựng cơ sở quần chúng vững mạnh làm điều kiện căn bản để duy trì và phát triển lực lượng vũ trang”. Người thường xuyên gặp gỡ, động viên dặn dò cán bộ quân sự được tăng cường cho chiến trường miền nam. Người dành thời gian gặp gỡ, trò chuyện với cán bộ, anh hùng, dũng sĩ từ miền nam ra thăm miền bắc. Với Người, “miền nam luôn ở trong tim”.
Nhiều cuộc thao diễn quân sự của các đơn vị quân đội đã được Người quan tâm theo dõi. Ði thăm các đơn vị đang huấn luyện cũng như chuẩn bị sẵn sàng đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, Người nhắc nhở: Bộ đội cũng ví như con dao, cái súng, không lau chùi sẽ hỏng. Chăm chỉ luyện tập sẽ tiến bộ. Người luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng “một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy, hiện đại”, xây dựng các quân chủng, binh chủng Hải quân, Không quân, Phòng không, Xe tăng-Thiết giáp, Ðặc công, xây dựng tuyến vận tải chi viện chiến lược Trường Sơn…
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới sự nghiệp xây dựng quân đội cách mạng chính quy, hiện đại, trăm trận trăm thắng. Dưới sự dìu dắt, chỉ bảo trực tiếp của Người, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta luôn tâm niệm và thực hiện lời dạy của Người: “Quân đội ta trung với Ðảng, trung với nước, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”, để mãi xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ.
BTS
Theo ND
Bạn phải đăng nhập để bình luận.