Tag Archive | Thời sự

Công an thành phố Hải Phòng báo công dâng Bác tại Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

CA hai phong 1Đoàn đại biểu Công an thành phố Hải Phòng báo công dâng Bác

Sáng 17 tháng 7 năm 2012, 150 đại biểu xuất sắc Công an thành phố Hải Phòng rất vinh dự, tự hào, xúc động được thay mặt trên 5000 cán bộ, chiến sỹ  Công an Hải Phòng về hội tụ trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước anh linh của Người để báo cáo với Bác về kết quả, thành tích của các lực lượng Công an Hải Phòng trong phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20/7/1962-20/7/2012).

Trước khi Đoàn tổ chức Lễ báo công và vào Lăng viếng Bác, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng Ban Quản lý Lăng đã thân mật đón tiếp và chúc mừng Đoàn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân.

CAHP 2Đại tá Nguyễn Văn Thanh, Phó Chánh Văn phòng
Ban Quản lý Lăng đón tiếp Đoàn tại nhà khách số 8 Hùng Vương

Cách đây 50 năm, vào ngày 20/7/1962, Bác Hồ đã ký Lệnh công bố Pháp lệnh về lực lượng Cảnh sát nhân dân. Đây là sự kiện quan trọng trong quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Cảnh sát nhân dân về tổ chức, đồng thời thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, của Bác trong việc xây dựng lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng và lực lượng Công an nhân dân nói chung cách mạng, chính quy – xứng đáng là công cụ chuyên chính, sắc bén của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Năm 2011, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng uỷ Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và Thành uỷ Hải Phòng, sự phối hợp của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, các lực lượng Công an Hải Phòng  đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mặt công tác, 3 năm liên tiếp được Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc.

Tự hào và kế thừa bản chất, truyền thống tốt đẹp hơn nửa thế kỷ chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân; phát huy những kết quả, thành tích đã đạt được và để thiết thực chào mừng kỷ niệm 66 năm Ngày truyền thống lực lượng An ninh nhân dân, 67 năm Ngày truyền thống Công an nhân dân Việt Nam, kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ, đặc biệt chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân và hướng tới 65 năm thực hiện 6 điều Bác dạy Công an nhân dân, trong thời gian qua, các lực lượng Công an nhân dân Hải Phòng đã đẩy mạnh các phong trào thi đua với nhiều nội dung, hình thức phong phú, hiệu quả, tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi trong toàn lực lượng và tạo được ấn tượng tốt đẹp trong nhân dân thành phố.

Các hoạt động xã hội, tình nghĩa được các đơn vị, đoàn thể tích cực hưởng ứng, tham gia: Hàng chục ngôi nhà tình nghĩa, nhà mái ấm tình thương được xây tặng cho các gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; hàng trăm phần quà được trao tặng cho các gia đình chính sách, trẻ em nghèo học giỏi, vượt khó cùng nhiều họat động đền ơn, đáp nghĩa đã và đang được tiếp tục triển khai thực hiện.

Trong các phong trào thi đua đã xuất hiện ngày càng nhiều gương “Người tốt, việc tốt” trong công tác, chiến đấu và phục vụ nhân dân được các cấp khen thưởng, nhiều đồng chí vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Đặc biệt là tấm gương hy sinh anh dũng của Trung sỹ Đỗ Đăng Long đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh cao đẹp của người chiến sỹ Công an Hải Phòng trong lòng nhân dân.

Những kết quả, thành tích đạt được trong thời gian qua đã khẳng định: Lực lượng Công an Hải Phòng luôn trung thành với Đảng, tận tụy với dân – Vì nước quên thân, vì dân phục vụ.

Tại buổi Lễ báo công, Đảng uỷ và toàn thể cán bộ, chiến sỹ Công an Thành phố Hải Phòng xin hứa với Bác: Nguyện kế tục và phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của lực lượng Công an nhân dân, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; luôn nêu cao ý chí cách mạng tiến công, sẵn sàng xả thân vì độc lập, tự do, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, vì an ninh Tổ quốc, vì hạnh phúc nhân dân. Trước mắt là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa các phong trào thi đua, thực hiện có hiệu quả các nội dung, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác đã đề ra, phấn đấu hoàn thành thắng lợi toàn diện nhiệm vụ, chương trình công tác năm 2012; lập được nhiều chiến công, thành tích thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 65 năm học tập, thực hiện 6 điều Bác dạy Công an nhân dân.

Trần Tiên
bqllang.gov.vn

Advertisement

Hội thảo khoa học “Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9”

Bia sach di tichKhu Di tích K9 là địa danh có ý nghĩa lịch sử đặc biệt, nơi gắn liền với các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời (1957-1969); nơi giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm tháng chiến tranh (1969-1975); hiện nay là nơi các tập thể, cá nhân đến tham quan, tổ chức sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống…

Di tích lịch sử K9 còn là khu rừng có nhiều nét đặc biệt về cảnh quan thiên nhiên, trong rừng có những phiến đá mọc lên như mũi chông nên còn có tên gọi là khu Đá Chông. Với diện tích 234 ha, Khu Di tích K9 bao gồm một số hệ sinh thái đặc trưng của hồ nước ngọt, sông và rừng trồng trên cạn. Đây là kho tài nguyên vô giá chứa đựng nguồn gen của nhiều loài và hệ sinh thái, có vai trò và ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế – xã hội và môi trường. Rừng K9 được các nhà khoa học đánh giá là có đa dạng sinh học rất cao. Về thực vật: Đã ghi nhận được 711 loài thuộc 159 họ 5 ngành thực vật bậc cao có mạch; có tới 24 loài thực vật quý hiếm, trong đó có 17 loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam và 13 loài được ghi trong Sách đỏ Thế giới (IUCN, 2007). Về động vật: Có 131 loài động vật có xương sống trên cạn thuộc 20 bộ (21 loài thú, 73 loài chim, 37 loài bò sát và ếch nhái). Trong đó có 18 loài động vật quý hiếm (11 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam 2007 và 13 loài nằm trong danh mục động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo Nghị định 32/2006/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm).

Hoi thao K9.1Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương – Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chủ trì Hội thảo

Trong những năm qua, Ban Quản lý Lăng đã cố gắng chăm sóc, bảo vệ và phát triển rừng, làm cho Khu Di tích có môi trường, cảnh quan xanh đẹp. Song, hiện nay, rừng thông già đã nhiều tuổi, thân rỗng, bị gãy đổ nhiều trong mùa mưa bão, rừng keo, bạch đàn trồng đã quá tuổinhưng chưa được thu hoạch và thay thế; một số loài cây trồng mới sinh trưởng kém do không phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng khu vực. Để thực hiện Đề án “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hoá của Công trình Lăng trong giai đoạn mới” theo Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo số 328-TB/TM ngày 19/4/2010 và Quyết định số 2341/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ. Việc xáclập khu rừng K9 là Khu rừng Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh để có điều kiện duy trì, chăm sóc, tu bổ, bảo vệ và phát triển bền vững các giá trị của khu rừng K9, xứng tầm với Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tạo điều kiện phục vụ tốt nhất nhiệm vụ mở rộng tham quan, học tập cho đồng bào trong nước và khách quốc tế (dự kiến thực hiện vào năm 2014) là rất cấp thiết.

 anh k9TS. Trần Ngọc Hải – Trưởng bộ môn Thực vật rừng, Trường Đại học Lâm nghiệp báo cáo tham luận

Chính vì vậy, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ban Quản lý Lăng đã có sự hợp tác, trao đổi thông tin, chuẩn bị cho dự thảo đề án ”Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9” để trình Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 11/7/2012, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học “Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9”. Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương – Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Ban Quản lý Lăng; Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng và các cơ quan thuộc Ban Quản lý Lăng. Đại biểu tham dự có đại diện Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp, Tổng cục Lâm nghiệp, Viện Điều tra Quy hoạch rừng.

Hội thảo tập trung vào các nội dung chính như sau: Đánh giá đặc điểm, hiện trạng của rừng K9; tính cấp thiết cần phải xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan Di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9; hoàn chỉnh dự thảo Đề án “Xác lập Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9” trình Thủ tướng Chính phủ. Dự thảo Đề án đã đề xuất thiết lập 4 phân khu chức năng phù hợp với tiêu chí của khu rừng bảo vệ cảnh quan.Đồng thời, dự thảo cũng đưa ra 7 chương trình hoạt động nhằm bảo tồn, phát triển khu rừng K9 theo hướng bền vững: Chương trình bảo vệ; chương trình phát triển rừng và cây xanh; chương trình bảo tồn và phát triển động vật khu rừng K9; chương trình tuyên truyền giáo dục; chương trình nghiên cứu khoa học và đào tạo; chương trình tham quan học tập và du lịch sinh thái và chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.

Về tiến độ thực hiện: Trong giai đoạn đầu, 2013 – 2015, sẽ ưu tiên thực hiện các nội dung: Xây dựng vườn ươm, thực hiện các chương trình phát triển rừng và cây xanh; bước đầu thực hiện các chương trình tuyên truyền giáo dục, nghiên cứu và đào tạo; phục hồi thử nghiệm một số loài động vật. Giai đoạn 2016 – 2020 sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình còn lại.

Kết luận Hội thảo, Trưởng ban Ban Quản lý Lăng chân thành cảm ơn các báo cáo, tham luận và những ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu, các nhà khoa học đối với dự thảo Đề án. Đồng chí đánh giá cao sự đồng thuận của các đại biểu, các nhà khoa học về tính cấp thiết phải xác lập khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử đặc biệt về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại K9. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu đại diện cho các Bộ, ngành, các nhà khoa học trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Điều tra Quy hoạch rừng tiếp thu, hoàn chỉnh Đề án để sớm trình Thủ tướng Chính phủ quyết định, để Đề án có thể sơm được triển khai từ năm 2013./.

Thu Hiền
bqllang.gov.vn

Những hình ảnh xúc động về Chủ tịch Hồ Chí Minh đi bầu cử

Chỉ 4 tháng sau ngày đất nước giành được độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủCộng hòa – năm 1946, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, chính quyền cách mạng đã quyết định tổ chức cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước. Người đã thực hiện quyền và nghĩa vụ của một công dân Việt Nam, tận tay tham gia bỏ phiếu bầu cử tại các kỳ Tổng tuyển cử trong cả nước.

bau cu a5
Bài viết “Tìm người tài đức” của Bác năm 1946 đăng trên Báo Cứu quốc số 411 ngày 20/11/1946.

bau cu a6

Giấy chứng minh Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chứng nhận cụ Hồ Chí Minh là đại biểu tỉnh Hà Nội tại Đại hội đại biểu toàn quốc năm 1946.

 bau cu

Nhân dân lao động Thủ đô Hà Nội cổ động cho ngày Tổng tuyển cử Quốc hội đầu tiên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 6/1/1946

 bau cu a8

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa sau cuộc Tổng tuyển cử trong cả nước năm 1946, Hồ Chí Minh được bầu làm Chủ tịch nước.

 bau cu a9
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu Quốc hội đầu tiên của Hà Nội ra mắt cử tri tháng 2/1946

 bau cu a1
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận lá phiếu bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân khóa II ngày 8/5/1960

bau cu a2

Tận tay Bác bỏ lá phiếu bầu cử tại Hà Nội năm 1960

 bau cu a3

Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và khu phố Ba Đình ngày 25/4/1965

 bau cu a4

Thẻ cử tri của Chủ tịch Hồ Chí Minh cấp ngày 15/4/1965

 bau cu a7

Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi chuyện một cử tri cao tuổi
sau khi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội khóa II

 bau cu a11

Bác thăm khu vực bầu cử A.10, Khu Ba Đình, Hà Nội tháng 4 năm 1964

bau cu a12

Bác Hồ tham gia bầu cử Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ngày 27/4/1969 
– Năm cuối cùng Bác bầu cử trước khi qua đời

Kim Yến (Tổng hợp)
bqllang.gov.vn

Thương binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam báo công dâng Bác

Trong không khí cả nước đang sôi nổi hướng tới kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh – Liệt sỹ (27/7/1947 – 27/7/2012) và tích cực thực hiện công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Duy Tiên, Hà Nam đã tổ chức cho Đoàn đại biểu gồm 139 người về thăm Thủ đô Hà Nội và tổ chức lễ báo công dâng Bác tại Quảng trường Ba Đình lịch sử. Đoàn gồm các thương bệnh binh nặng, vợ con thương bệnh binh và các cán bộ, nhân viên của Trung tâm.

Thuong binh Duy tienĐoàn Thương binh Trung tâm Điều dưỡng thương binh
Duy Tiên, Hà Nam báo công dâng Bác

 Đón và tiếp Đoàn tại Nhà khách số 8 Hùng Vương, đồng chí Đại tá Nguyễn Văn Thanh – Phó Chánh Văn phòng Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giới thiệu với Đoàn về nhiệm vụ của đơn vị và quá trình giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và tặng Huy hiệu Bác Hồ cho các đại biểu. Đồng chí bày tỏ sự cảm phục trước những chiến công, sự đóng góp to lớn của thương binh, bệnh binh, những người đã hy sinh một phần xương máu  vì độc lập tự do của Tổ quốc. Đồng chí thân tình hỏi thăm sức khoẻ, động viên các thương binh, bệnh binh luôn vượt lên khó khăn, chiến thắng bệnh tật, sống vui, sống khoẻ và tiếp tục cống hiến, động viên lớp con cháu tiếp tục giữ vững truyền thống anh hùng của cha ông.

Thay mặt Đoàn đại biểu, đồng chí Nguyễn Sĩ Lương – Giám đốc Trung tâm trân trọng cảm ơn đơn vị đã nhiệt tình đón tiếp và khẳng định Trung tâm sẽ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị là chăm sóc phụng dưỡng các thương bệnh binh.

Trung tâm điều dưỡng thương binh Duy Tiên, Hà Nam được thành lập tháng 6 năm 1957. Hiện nay, Trung tâm đang chăm sóc các thương bệnh binh đến từ 18 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị trở ra. Trong đoàn đi thăm Lăng Bác lần này có 61 thương binh nặng (tỷ lệ thương tật 81% trở lên), có 3 đồng chí đã từng tham gia kháng chiến chống Pháp, còn lại là tham gia kháng chiến chống Mỹ và chiến tranh Biên giới phía Bắc. Một nửa trong số họ phải ngồi trên xe lăn do bị  thương cột sống, do teo cơ… Đi cạnh các anh là những người vợ đã hết lòng thương yêu, tận tụy chăm sóc các anh và những người con hiếu thảo, chịu thương, chịu khó, luôn biết vâng lời cha mẹ.

Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trung tâm đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao. Đội ngũ y, bác sĩ luôn vượt qua mọi khó khăn vất vả để chăm lo chu đáo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các anh chị em thương bệnh binh, đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng đầy đủ hơn cho họ. Những cán bộ, nhân viên làm việc ở Trung tâm mỗi người một quê, với những công việc khác nhau, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, vất vả nhưng họ đều rất tự hào được phục vụ, công tác trong môi trường đầy tính nhân văn.

Những thương bệnh binh ở Trung tâm luôn đoàn kết, yêu thương, cảm thông chia sẻ với nhau. Họ coi nhau như người thân và coi Trung tâm như một gia đình lớn của mình. Kẻ thù đã cướp đi phần thân thể, song thấm nhuần lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, các anh luôn là tấm gương sáng về nghị lực và đức hy sinh.

Trước anh linh của Bác, các anh nguyện hứa: “Tự hào có Bác, học tập và làm theo tấm gương của Bác, chúng con nguyện đoàn kết một lòng, yêu thương, đùm bọc, vượt lên khó khăn để xứng đáng với lời dạy của Bác”./.

Hải Yến
bqllang.gov.vn

Phái đoàn Ngoại giao Costa Rica vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

corPhái đoàn Ngoại giao Costa Rica vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh
(Ảnh: Vũ Chiến Thắng, Cơ quan đại diện Unesco tại Việt Nam)

Nhân dịp tham dự Diễn đàn cấp Bộ trưởng Việt Nam – Mỹ Latinh về thương mại và đầu tư, ký kết Hiệp định về miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu ngoại giao và công vụ của hai nước, sáng ngày 07/7/2012, Thứ trưởng Ngoại giao Costa Rica, Ngài Carlos Roverssi và các đại diện cùng đi đã đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cùng đi với Đoàn có Bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam – đồng thời cũng là công dân Costa Rica.Vòng hoa của Đoàn mang dòng chữ: “Nhân dân Costa Rica kính viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Với lòng kính trọng đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong bài phát biểu tại diễn đàn, Ngài Roverssi bày tỏ rằng Người là một vĩ nhân có tầm nhìn sâu rộng, Người có thể nhìn thấy trước tầm vóc phát triển của quốc gia và góp phần phát triển một hình thức ngoại giao mới, nâng cao vị thế của Việt Nam như một hình mẫu về hợp tác hòa bình và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người đã nỗ lực ủng hộ việc kết hợp hòa bình vào mô hình ngoại giao của Việt Nam. Costa Rica, một quốc gia dân chủ không có quân đội, chia sẻ lời kêu gọi này.

Lan Hương
bqllang.gov.vn

Lần đầu được gặp Bác Hồ ở Pác Bó

Hôm đó là ngày mồng 3 Tết (giai đoạn Bác Hồ mới trở lại Pác Bó, Cao Bằng – PV). Cả nhà tôi ăn cơm chiều xong, đang ngồi quây quần bên bếp lửa. Bên ngoài, trời tối dần. Nhìn ra đường đã không rõ nữa, mà trông lên các ngọn núi chung quanh nhà chỉ thấy một màu tối đen như mực. Thỉnh thoảng, một cơn gió nổi lên, lạnh rùng mình. Tôi ngồi xích lại gần đống lửa. Lúc này chỉ nghĩ đến việc phải ra ngoài cũng đã đủ thấy ngại. Chợt dưới nhà có tiếng gọi lên:

– Đại Lâm có nhà không đấy!

Tôi nghe giọng đã biết ngay là các đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm rồi. Cả nhà tôi ai cũng biết hai đồng chí ấy. Chính các đồng chí là những người đầu tiên đến tuyên truyền cách mạng ở vùng Pác Bó này, từ năm 1937.

lan dau gap bac o phac bó aBác Hồ làm việc tại Pác Bó (Cao Bằng) sau hành trình 30 năm đi 
tìm đường cứu nước (ảnh tư liệu).

Tưởng các đồng chí đến chơi chúc Tết, bố tôi mừng rỡ chạy ra cửa đón.

Lên nhà, chưa kịp ngồi uống chén nước, đồng chí Ba đã nói ngay:

– Chúng cháu đang có việc vội. Cụ cho chúng cháu mượn hai bộ quần áo, một cái nồi, một cái chiếu, vài cái bát đôi đũa để chúng cháu mang lên hang ở.

Giá ngày thường như vậy thì cả nhà tôi chẳng ai lấy làm lạ. Nhưng đằng này lại là ngày Tết, sao lại vội vàng thế? Bố tôi mới nghe đã lắc đầu, gạt đi ngay:

– Không được! Tôi không để các đồng chí đi đâu cả!

Vừa nói, bố tôi vừa kéo tay hai đồng chí ngồi xuống. Nhưng đồng chí Ba, đồng chí Sâm vẫn nằn nì xin đi ngay. Bố tôi lại nói:

– Đã lâu ngày các đồng chí mới về, sao lại không ở chơi với chúng tôi? Hay gia đình có điều gì thiếu sót thì các đồng chí bỏ qua cho. Hôm nay hãy cứ ở đây với chúng tôi. Ai lại lên hang ở lúc này cho rét mướt, vất vả!

Hai đồng chí cứ đứng tần ngần giữa ngõ, không biết nói thế nào. Cuối cùng đồng chí Ba đành nói thật:

– Lâu nay chúng cháu vẫn nhờ bà con trong làng để sống và hoạt động. Từ đây về sau cũng thế. Nhưng hôm nay có mấy đồng chí lạ đến, xuống làng e không tiện cho việc giữ bí mật. Vậy xin cụ tha thứ cho chúng cháu.

Đến lúc đó bố tôi mới chịu để cho các đồng chí đi. Nhưng khi các đồng chí đi rồi, bố tôi vẫn thắc mắc không yên. Tôi cũng thấy lạ. Tôi đã được đi theo đồng chí Ba từ lâu, mà lần này đồng chí Ba phải giữ bí mật như thế, chắc là có điều gì đặc biệt lắm. Cả đêm hôm đó, tôi thấp thỏm không ngủ được. Tôi nằm bên đống lửa, nghe gió rít ngoài trời lại càng thương các đồng chí phải ở trên núi đá, hang sâu lạnh lẽo. Bố tôi cũng không ngủ được, chốc chốc lại dậy hút thuốc và lẩm bẩm:

– Hảo nhân đa hữu nạn! Người tốt lại thường gặp lắm gian nan!

Sớm hôm sau, trời mới mờ sáng, bố tôi đã bắt tôi đi thu xếp rượu thịt, bánh chưng, chè lam… cho vào một cái giỏ xách đi và dẫn bố tôi lên hang. Tôi cũng đang nóng lòng biết chuyện mới lạ, nên đi nhanh lắm. Đường từ nhà tôi vào hang Cốc Bó cũng có chỗ khó đi, phải lội qua mấy cái suối, leo qua vài dốc đá, nhưng hai bố con tôi đi băng băng, chỉ một chốc đã tới nơi. Đến gần hang, còn ở bên này suối, tôi đã trông thấy mấy người đang ngồi ở bãi nương dưới chân hang, bên bờ suối. Đến gần hơn, tôi trông rõ hai đồng chí già, râu dài, đang ngồi làm việc. Tôi thầm đoán: “Đây chắc là các lão đồng chí cách mạng”. Tôi còn đang ngắm nghía, suy nghĩ thì một trong hai đồng chí già đã đứng dậy ra bắt tay hai bố con tôi. Bố tôi chào lại, còn tôi thì đứng ngây ra nhìn đồng chí già không chớp mắt. Tôi thấy đồng chí râu dài hơn có đôi mắt sáng ngời, cử chỉ nhanh nhẹn, vồn vã. Nhìn những người chung quanh tôi thấy ai đối với đồng chí già này cũng tỏ thái độ tôn kính lắm. Tôi nghĩ: “Đúng là một đồng chí cao cấp rồi”.

Trước đây, tôi đã nghe nói có đồng chí Nguyễn Ái Quốc là lãnh tụ của Đảng. Lúc này tôi thoáng nghĩ: “Hay là chính đồng chí này đây?”. Nhưng tôi nín lặng không dám hỏi ai. Tự nhiên trong lòng tôi thấy bồi hồi cảm động. Cách mạng đã mở ra cho tôi biết con đường phải đi tới. Bây giờ lại được thấy những đồng chí lãnh tụ già tuổi đời, cao tuổi Đảng về đây, chắc chắn cách mạng ngày càng mạnh và mau chóng thành công.

Sau này tôi được biết chính xác đồng chí già đó chính là Bác kính yêu của chúng ta. Hôm đó, câu chuyện giữa bố tôi với Bác sôi nổi vui vẻ lắm. Bác hỏi thăm tình hình địa phương, việc làm ăn của nhân dân, sự khủng bố của kẻ địch…

Bố tôi đáp lại lời Bác:

– Bọn tổng lý, kỳ hào, lính dõng, thổ phỉ ở đây ác lắm. Chúng ức hiếp nhân dân chúng tôi nhiều lắm!

Để bố tôi nói xong, Bác nhẹ nhàng giải thích, đại ý:

– Tình cảnh nhân dân địa phương ta bị áp bức cũng là tình hình chung của nhân dân cả nước hiện nay. Bọn tổng lý, kỳ hào, lính dõng đúng là ác thật, nhưng nếu không có bọn đế quốc, không có thằng Tây thì bọn chúng chẳng làm gì được ta đâu.

… Nghe đến đây tôi mới nghĩ ra: “À, thế là từ trước đến nay mình chưa thấy hết tội ác của bọn đầu sỏ, mà chỉ thấy bọn tay chân của chúng thôi. Cũng như đóng một cái đinh vào gỗ thì phải có búa, nhưng mình chỉ thấy đinh mà không thấy búa. Mỗi lần bọn thổ phỉ hoặc bọn lính đồn đến cướp bóc thì mình chỉ nghĩ làm sao đánh đuổi được bọn chúng đi thôi. Còn mấy thằng Tây trên đồn Sóc Giàng họa hoằn mới đến làng và cái bọn thống trị chung cả nước, thì mình lại chưa biết đến nó. Đúng là tầm mắt mình còn hẹp quá!”. Tôi lại chăm chú nghe. Bác nói thêm, đại ý là: Muốn đánh đổ bọn thống trị làm cho đời mình khỏi khổ thì không phải chỉ nhân dân Pác Bó làm cách mạng là được. Phải đoàn kết toàn dân, già, trẻ, trai, gái cả nước thành một sức mạnh, lợi dụng lúc bọn đế quốc đang bị suy yếu trong cuộc chiến tranh thế giới mà đứng lên đánh đuổi chúng đi, giành lại độc lập cho Tổ quốc, thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, tự người mình trông nom lấy đất nước của mình.

Nghe Bác, tôi cảm thấy đầu óc được sáng thêm ra. Mỗi lời nói của Bác làm cho tôi càng thấy rõ tương lai đất nước, lại như nhắc nhở tôi phải học nhiều, biết nhiều hơn nữa, mới có thể làm cách mạng được.

Hôm ấy Bác bảo bố con tôi ở lại ăn cơm. Đồng chí cấp dưỡng của Bác đem thức ăn ra. Tôi thấy có rau cải, rau rừng, ốc suối – món ốc này chính Bác và các đồng chí ở đây đi mò lấy. Tôi cũng không ngờ món ăn ngày Tết của các đồng chí chỉ có thế. Như hiểu ý bố con tôi, Bác nói:

– Hôm nay được cụ mang cho rượu, bánh, thịt, thế là Tết đầy đủ lắm rồi.

Bố tôi cứ nằn nì mời Bác và các đồng chí xuống ở với dân làng, với gia đình cho đỡ vất vả. Bác vừa cười vừa nói:

– Ăn Tết thế này là Tết gia đình rồi đấy. Vẫn biết các cụ và bà con trong làng rất tốt, nhưng ở đây tiện công tác, tiện giữ bí mật… Bà con không có gì đáng ngại cho chúng tôi cả.

Bố tôi lại hỏi:

– Đồng chí nhiều tuổi rồi mà vẫn còn đi hoạt động được à?

Bác lại cười và nói;

– Tôi già rồi, nhưng nhiệm vụ cách mạng còn đòi hỏi nên tôi vẫn hoạt động. Cụ cũng già mà vẫn làm cách mạng đấy thôi.

Bố tôi lắc đầu:

– Tôi suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, được việc gì đâu mà bảo làm cách mạng?

– Cụ làm nhiều rồi đấy – Bác vui vẻ nói – Lâu nay cụ vẫn giữ bí mật, chăm lo chỗ ăn chỗ ở cho cán bộ, cụ lại vẫn trông nom gia đình để cho con cháu tham gia hoạt động, thế là cụ đã làm nhiều việc cho cách mạng rồi. Chỉ có bây giờ chúng ta cùng nhau cố gắng hơn nữa, làm cho toàn dân đoàn kết đứng lên đánh đuổi bọn phát-xít Nhật và bọn đế quốc Pháp, thì nhân dân ta mới được ấm no hạnh phúc…

Ở chỗ Bác về, cả hai bố con tôi đều im lặng. Chắc bố tôi đang suy nghĩ nhiều về những lời Bác nói. Tôi cũng thế. Con người tôi như mới được tiếp thêm một sức mạnh mới. Trong bụng vui mừng phấn khởi. Cảnh vật chung quanh như thêm tươi đẹp. Những cơn gió lạnh đầu xuân không còn làm tôi thấy rét buốt nữa. Mặt trời đã hiện lên đỉnh núi rồi.

(Theo hồi ký của ông Dương Đại Lâm, cán bộ bảo vệ Bác Hồ thời kỳ Bác sống và làm việc ở Pác Bó – năm 1941).

Theo Dương Quảng Nam/qdnd.vn
Kim Yến
(st)
bqllang.gov.vn

Gian khổ phải luyện rèn, sung sướng không cần ai dạy

Bà Đặng Quỳnh Anh, năm 1911, bấy giờ chưa đầy 20 tuổi, đã theo các anh “Hội kín” vượt Trường Sơn, sang Xiêm, nuôi chí nguyện theo cha chú, những Đặng Thúc Hứa, Đặng Nguyên Cẩn… làm cách mạng. Tại Xiêm, với tên gọi là mụ Nho, bà Nho, Đặng Quỳnh Anh chăm lo cày cấy, lao động. Lập gia đình với Võ Tùng – sau này là đại biểu dự Đại hội thống nhất Đảng – bà vẫn vượt mọi khó khăn nuôi chồng, nuôi con, lấy làm nơi đi lại, ăn ở cho các chiến sĩ về nước, từ trong nước ra.

Năm 1928 – 1929, ông Thầu Chín (Bác Hồ) đã ở nhà bà Anh một thời gian. Khi cùng ông Võ Tùng đi công tác, lúc bà đang có mang, Bác rất suy nghĩ. Bà biết tấm lòng của Thầu Chín, nên đã động viên chồng, nói để Thầu Chín yên tâm đi công tác cách mạng.

Năm 1936, với tên mà cảnh sát Xiêm lập hồ sơ là Đặng Thị Nho quê Nghệ Tĩnh, chồng là Võ Tùng quê Đức Phổ, Quảng Ngãi, đã bị bắt giam đưa về Đông Dương, bà Quỳnh Anh bị giam giữ tại nhà lao Khôn Kèn cùng với hai con nhỏ.

Ra tù, sau khi nước Việt Nam được độc lập, xa chồng, bà trở lại Xiêm hăng hái hoạt động trong phong trào Việt kiều rồi lại bị tù đày, đánh đập. Năm 1949, bà Quỳnh Anh được về nước. Năm 1954, được gặp lại hai đứa con mà năm 1939, đã được ông Nguyễn Văn Luyện quê Anh Sơn, Nghệ An đưa từ Xiêm về nuôi dạy. Bây giờ cô gái lớn là Dung mới 13 tuổi, cậu con trai là Đông mới 11 tuổi. Bác Hồ lại giao cho bà việc chăm sóc các cháu nhi đồng miền Nam…

Vào một ngày cuối năm 1979, một số cán bộ Bảo tàng Quân đội đến thăm bà tại nhà riêng ở khu tập thể Tương Mai.

Bà vừa qua một cơn đau nặng. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã cử bác sĩ đến chăm sóc – mặc dù chị Dung, con gái bà là bác sĩ – tặng bà thuốc bổ, sâm, nhung nhưng bà không dùng.

Bà kể cho cán bộ nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ mà bà biết được khi Bác ở Xiêm, nhưng không chịu kể về mình.

Khi người nhà bưng bát cháo lên để bà dùng, bà tự tay đón lấy. Tay phải bà run run, cầm cái thìa con đã buộc chặt vào hai ngón tay cái và trỏ. Khi bàn tay trái đưa bát cháo gần miệng, có lúc bát cháo lại “đi” qua sang phải, sang trái, bà cố ghìm lại để “xúc” cháo.

Chị Dung vẫn ngồi yên, cầm cái quạt giấy quạt cho mẹ, anh em gắt lên:

– Sao chị không bón cho bà?

Chị Dung cười và bà cũng cười. Chị nói:

– Mẹ tôi không cho. Mẹ bảo để mẹ tự làm lấy. Còn tại sao, các anh hỏi mẹ ấy!

Bà đặt bát cháo xuống, kể:

– Các cháu ạ, hồi ở Xiêm, Bác Hồ sống như mọi người dân, lao động bắt cá, kiếm củi, làm công, ăn đói mặc rét. Bác có lần nói với bà rằng: “O ơi! Sung sướng không ai dạy mà vẫn biết, còn muốn chịu đựng được gian khổ để làm cách mạng thì phải luyện rèn. Không ai nắm được tay từ sáng đến tối. Phòng khi khó khăn, còn vượt được, còn tham gia cách mạng được”. Bà nhờ câu nói ấy của Bác mà sống đến ngày nay… Bà còn cử động được tay, bà tự làm lấy theo lời Bác Hồ dạy mà thôi!

Rồi bà lại tươi cười run run bưng bát cháo lên.

Bốn cán bộ Bảo tàng ngồi mắt đỏ hoe, có anh trào nước mắt.

Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Theo baclieu.gov.vn
Phương Thúy (st).
bqllang.gov.vn

Hình ảnh màu hiếm về Chủ tịch Hồ Chí Minh

Khi xem những bức hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, mỗi người Việt Nam đều thấy cảm giác như Bác vẫn đang ở rất gần.

anh mau hiem ve Bac.1.1

(Ảnh: Đinh Đăng Định).

Bác Hồ chụp ảnh với 2 cháu thiếu nhi Vũ Thu Giang (bên trái) và Đặng Minh Châu (bên phải). Những ngày ấy, bé Vũ Thu Giang, lúc đó mới 7 tuổi, thường chơi đùa ở cơ quan của mẹ, một cán bộ trí thức giữ cương vị nòng cốt trong Trung ương Hội Phụ nữ Việt Nam, gần nơi tổ chức đại hội. Trong giờ nghỉ, bé Thu Giang và Đặng Minh Châu (con gái của Bộ trưởng Bộ Tài chính khi đó) được gọi vào ăn cơm cùng với Bác. Ngày khai mạc đại hội, tổ chức sang cơ quan Hội Phụ nữ nhờ bé Thu Giang và bé Minh Châu đại diện cho thiếu niên, nhi đồng cả nước dâng hoa mừng Bác Hồ, bác Tôn và các anh hùng, chiến sĩ thi đua.

“Đề nghị khá bất ngờ nên mọi người vội vào rừng hái hoa để chúng tôi dâng tặng các Bác và Anh hùng La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… Sau đó, chúng tôi được chụp ảnh chung với Người. Trong ảnh, Bác Hồ và chị Minh Châu cười rất tươi nhưng tôi chỉ cười mỉm vì lúc đó đang thay răng nên rất ngại. Tối hôm đó, bé Thu Giang còn tham gia buổi biểu diễn văn nghệ mừng đại hội, đóng một vai “nhí” trong vở kịch nông dân vùng lên chống thực dân. Lúc diễn, có đoạn giằng co, ruột tượng đựng gạo trên vai rơi ra, gạo bị vãi hết xuống sàn. Kết thúc vở kịch, Bác Hồ lên sân khấu, lấy một mẩu giấy vun các hạt gạo rơi, đổ lại vào một cái hũ”, bà Thu Giang vui vẻ kể lại. Giờ đây bà đang công tác tại Đại học Xây dựng và Đại học Kinh tế Quốc dân.

anh mau hiem ve Bac.1.2

Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch. (Long Hy Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.3

Bác cho cá ăn bên ao cá tại khu Phủ Chủ tịch.

anh mau hiem ve Bac.1.4

Long Hy (Sưu tầm)

Bác Hồ gắn huy hiệu cho Anh hùng thủy lợi Phạm Thị Vách tại xã Hùng Cường, Kim Động, Hưng Yên năm 1960. Chị Phạm Thị Vách nổi tiếng trong các phong trào thủy lợi “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa”, “nghiêng đồng đổ nước ra sông”. Tuổi đôi mươi, chị Vách là kiện tướng thủy lợi. 22 tuổi được phong Anh hùng Lao động và hai năm sau, trở thành đại biểu Quốc hội liên tiếp ba khóa: III, IV, V. Tự hào hơn, “nữ Sơn Tinh” Phạm Thị Vách đã vinh dự hai lần được nhận Huy hiệu Bác Hồ.

anh mau hiem ve Bac.1.5

Bác Hồ tại chiến khu Việt Bắc 1951.

anh mau hiem ve Bac.1.6

Bác Hồ quàng khăn đỏ (của thiếu nhi quốc tế tặng thiếu nhi Việt Nam) cho một đại biểu thiếu nhi Thủ đô tại nhà khách Phủ Chủ tịch khi các cháu đến chúc tết Người nhân dịp Xuân Canh Tý, ngày 28/1/1960 (Cháu gái đã vinh dự được Bác Hồ quàng khăn đỏ tên là Nguyễn Thị Đỉnh, học sinh lớp 6 Trường cấp II Trưng Vương, Hà Nội). Long Hy (Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.7

Bác Hồ gắn huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ cho cán bộ chiến sĩ lập thành tích xuất sắc trongChiến dịch.
Long Hy (Sưu tầm)

 anh mau hiem ve Bac.1.8

Bác Hồ làm việc trong hang núi Việt Bắc 1951Long Hy (Sưu tầm

anh mau hiem ve Bac.1.9

Bác Hồ tại phòng khách Phủ Chủ tịchLong Hy (Sưu tầm)

 anh mau hiem ve Bac.1.10

Bác Hồ trong Chiến dịch Biên Giới, năm 1950. Căn lều dựng tạm khi Người trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Biên Giới năm 1950 (Nơi ở của Người di chuyển theo trận đánh, có khi chỉ là túp lều cỏ dựng tạm vài hôm) Long Hy (Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.11

Bác Hồ về thăm quê Nam Đàn, Nghệ An (1957) trong niềm hân hoan của bà con chòm xóm. Long Hy (Sưu tầm)

anh mau hiem ve Bac.1.12

Bác Hồ với Bác Tôn 1960. Long Hy (Sưu tầm)

Theo Báo Giáo dục Việt Nam/ Huyền Trang (st)
bqllang.gov.vn

Bác vẫn vào miền Nam đấy chứ

Trong tuần tổ chức tang lễ Hồ Chủ tịch khi bài thơ “Chúng cháu canh giấc Bác ngủ – Bác Hồ ơi” đăng trên Báo Nhân Dân, tác giả Hải Như nhận được điện và thư từ mọi miền đất nước yêu cầu tác giả cần có một bài thơ viết về miền Nam với Bác. 50 ngày sau khi Bác Hồ qua đời, nhà thơ Hải Như công bố bài thơ “Tưởng tượng ra ngày đầu tiên thống nhất đất nước Bác Hồ có mặt giữa Sài Gòn”. Gần sáu năm sau bài thơ dự báo đã trở thành hiện thực. Ngày 30-4-1975 cả miền Nam rước ảnh Bác Hồ…

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ
Phút ra đi là phút Bác Hồ vào
Suốt hăm bốn năm qua, hỏi có đêm nào
Bác thao thức miền Nam không hiện đến?

Buổi sáng ấy, trời trong xanh – đúng hẹn
Cả miền Nam tim muốn vỡ lệ nhòa
Ôm lấy Bác Hồ, xúm xít quanh Cha
Mặt tươi ngẩng hướng theo Người vẫy gọi
Đi với Bác có anh Đang, anh Trỗi
Và vui chưa? Lý Tự Trọng đang cười
Ồ nữa kìa, chị Sáu, chị Minh Khai
Thay nhau quạt cho Bác Hồ đứng nói
Ôi xúc động, câu đầu tiên Người hỏi:
Ai nhiều nhất đau thương, bên Bác, đứng gần…
Cả miền Nam khi thấy Bác rút khăn
Lau nước mắt – đều oà lên nức nở…

Buổi sáng ấy, cờ ta bay rực đỏ
Khắp miền Nam đi đón Bác Hồ vào
Phút bàng hoàng mừng tủi, nói làm sao
Ai cũng muốn ngắm Bác Hồ bằng được
Bác Hồ tới, lệ thường không báo trước
Nhưng miền Nam đã đoán được Bác vào
Dựng thành đồng để Bác đứng thật cao
Cho xa khắp đồng bào đều thấy rõ…
Ôi sung sướng được thét vang chữ “có!”
Đáp lời Người “Nhìn thấy rõ Bác không”?
Trời miền Nam sáng ấy dệt mây hồng

Sáng đẹp ấy, Bác mang vào giấc ngủ…
Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ
Phút ra đi là phút Bác Hồ vào
Suốt hăm bốn năm qua, hỏi có đêm nào
Bác thao thức miền Nam không hiện đến…?

Buổi sáng ấy, miền Nam ơi – cổ nghẹn
Ai nhiều nhất đau thương, bên Bác, đứng gần
Câu đầu tiên Bác Hồ hỏi nhân dân:
Khiến cháu nhỏ, khiến cụ già khóc nấc
Và một phút cả vòng người đứng chặt
Bỗng giãn ra để lấy lối Bác vào…
Ôi Bác Hồ không thích đứng trên cao.
Người thích lẫn giữa dòng đời dưới thấp.
Bác dừng lại cho cụ già muốn gặp
Bác cúi người cho cháu nhỏ đòi thơm
Vào miền Nam. Bác hằng nghĩ tới luôn
Thăm viếng trước các cụ già, cháu nhỏ…

Buổi sáng ấy vui bao nhiêu cho bõ
Những tháng năm thầm lặng nhớ Bác Hồ
Da Bác hồng hào, tóc Bác bạc phơ
Bác hiện đến như trong mơ vẫn gặp:
Không ngăn nổi niềm vui ai cũng khóc
Nước mắt vui rửa hờn tủi sạch làu
Đến với Bác Hồ không phải quỳ đâu
Cho dẫu chót ngàn ngày phạm tội
Nhưng một phút nhận ra, đòi hối lỗi
Người bao dung vẫn cho đứng bên Người
Trời miền Nam sáng ấy nắng vàng tươi
Sáng đẹp ấy Bác mang vào giấc ngủ.

Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ
Phút ra đi là phút Bác Hồ vào:
Suốt hăm bốn năm qua, hỏi có đêm nào
Bác thao thức, miền Nam không hiện đến?

Từ những buổi quân thù lê máy chém
Ơi miền Nam, những buổi vẫn còn đêm
Không phút nào không có Bác ở bên
Bác Hồ đến từ những ngày tối nhất
Khi anh Trỗi cười khinh viên đạn giặc
Gọi Bác Hồ là lúc nhất đời vui
Bác dạy ta không chỉ biết làm người
Bác còn dạy biết giã từ cuộc sống.
Trong chuồng cọp vẫn thấy đời rất rộng
Cánh chim bằng bị buộc vẫn bay xa
Cả miền Nam ngày đen tối bên Cha
Nên khi đón Bác Hồ, vui hết nói…

Sáng đẹp ấy miền Nam ơi, đang tới
Đừng một phút quên làm đẹp ý Người!
Vào miền Nam, Bác ao ước trọn đời
Miền Nam cũng ước ao ngày đón Bác
Sáng đẹp ấy, trời miền Nam mây bạc
Với mây hồng ngưng tụ lại không bay,
Bác Hồ cười hồn hậu đứng trong mây
Như Tổ quốc – Người muôn đời bất tử!
Bác Hồ vẫn vào miền Nam đấy chứ
Bởi mỗi chúng ta rước Bác Hồ vào
Hai bốn triệu trái tim, Bác truyền máu hồng hào
Xin đập tiếp trái tim Người vĩ đại…

(50 ngày Bác qua đời 22-10-1969)
Theo Hải Như/ nhandan.com.vn
Huyền Trang (st)
cpv.org.vn

Kỷ niệm lần được đón Bác từ Fontainebleau về nước

Sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau. Người về nước tại cảng Hải Phòng tháng 10 năm 1946. Thiếu tá Cao Phong – người nhận nhiệm vụ đón Bác Hồ – không bao giờ quên giây phút lịch sử ấy.

Bài viết dưới đây được ghi lại theo tư liệu của ông Nguyễn Thế Vinh, con trai của cố Thiếu tá Cao Phong, nguyên Trưởng ty Liên kiểm Việt – Pháp miền Duyên hải Bắc bộ năm 1946.

“Trong những năm hoạt động cách mạng, có biết bao nhiêu sự kiện đến với tôi. Song được đón Bác Hồ từ Fontainebleau trở về là một kỷ niệm mà cho đến nay tôi vẫn không sao quên được.

Sau khi tham gia trận đánh lớn tiễu phỉ ngày 08 tháng 12 năm 1945 giải phóng thành Hà Giang, tôi được Bộ Quốc phòng điều về Trường Cán bộ Việt Nam Trần Quốc Tuấn do đồng chí Trần Tử Bình làm Giám đốc.

Fontainebleau 2 Từ trái sang: Hoàng Hữu Nam – Trưởng ban Liên kiểm Trung ương; Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thiếu tá Cao Phong; Bác sĩ Nguyễn Xuân Nguyên – Chủ tịch uỷ ban hành chính Hải Phòng (Ảnh do ông Nguyễn Thế Vinh, con trai Thiếu tá Cao Phong cung cấp)

Đến ngày 15 tháng 3 năm 1946, tôi lại được Bộ giao nhiệm vụ Trưởng ty Liên kiểm Việt – Pháp Hải Phòng với quân hàm Thiếu tá. Trước khi đi nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Thái có gọi tôi lên căn dặn nhiêm vụ quan trọng của Liên kiểm trong tình hình đang có Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Pháp ở Hải Phòng. Trước khi trao cho tôi quyết định nhận nhiệm vụ, đồng chí Hoàng Văn Thái mở ngăn kéo lấy ra năm mét vải kaki đưa cho tôi và bảo: “Liên kiểm hàng ngày phải giáp mặt với quân Pháp, nên phải ăn mặc cho đàng hoàng. Anh cầm vải đi may ngay một bộ quân phục và phải có mặt ở Hải Phòng đúng ngày 15 tháng 3 năm 1946 để nhận nhiệm vụ”.

Ở Hải Phòng đến ngày 12 tháng 8 năm 1946 tôi lại nhận được quyết định của cấp trên giao cho chức vụ Trưởng ty Liên kiểm Việt – Pháp miền Duyên hải Bắc Bộ, quản lý một vùng đất từ Hải Phòng đến Móng Cái.

Bác Hồ trở về nước là một sự kiện quan trọng. Với tư cách là chỉ huy Liên kiểm miền duyên hải Bắc Bộ, tôi cũng được cấp trên cho biết trước. Phía Pháp, Đại tá Đép, Tổng chỉ huy Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến ở Hải Phòng, gặp tôi, đề nghị cho binh sỹ Pháp được tham gia lễ đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi báo cáo ngay với đồng chí Hoàng Văn Thái về yêu cầu của phía Pháp và nhận được sự đồng ý với điều kiện phía Pháp phải đón Bác Hồ theo nghi lễ trọng thể nhất của nước Pháp.

Tôi trở lại làm việc với Đại tá Đép. Lần này tôi nói rõ từng chi tiết phía Pháp phải làm trong nghi lễ đón rước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi yêu cầu của ta phía Pháp đều đồng ý. Riêng phần Quân kỳ danh dự của nước Pháp chào Hồ Chủ tịch như thế nào thì cứ bàn đi bàn lại mãi. Cuối cùng phía Pháp phải đồng ý cử hành nghi lễ như đón chào Tổng thống của chính nước họ. Nghĩa là khi Hồ Chủ tịch đi qua Quân kỳ của nước Pháp thì Quân kỳ danh dự của nước Pháp phải hạ xuống chấm đất để chào Người. Đó là nghi lễ trọng thể nhất của nước Pháp.

Fontainebleau 1Chân dung Thiếu tá Cao Phong

 Ngày 21 tháng 10 năm 1946, thông báo tàu Đuy-mông Đuyếc-vin-lơ của hải quân Pháp đưa Bác cập bến Ngự, Hải Phòng. Hàng quân danh dự đứng đón Bác, một bên là Vệ quốc đoàn của ta, còn một bên là hàng quân danh dự của Sư đoàn Thuỷ quân lục chiến Pháp, có quân kỳ Trung đoàn, có cả quân nhạc.

Nhân dân Hải Phòng đứng đón Bác chật ních cả hai bên đường. Vì có quân đội Pháp tham gia nghi lễ đón Bác và phải chịu sự chỉ huy chung của tôi nên khẩu lệnh tôi sẽ phải hô bằng tiếng Pháp. Hôm ấy, đứng ngay dưới cầu tàu đón Bác, tôi thấy có đông đảo quan khách trong đó có cụ Nguyễn Văn Tố; đồng chí Võ Nguyên Giáp – Bộ trưởng Quốc phòng kiêm Tổng chỉ huy quân đội Việt Nam; ông Nghiêm Kế Tố; ông Trần Huy Liệu; ông Phạm Văn Bạch. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp gọi tôi lại gần, chỉ thị: “Anh là chỉ huy cuộc duyệt binh, anh phải lên tàu rước mời Bác xuống duyệt đội danh dự”.

Nhận lệnh của Bộ trưởng, tôi bước lên tàu Đuy-mông Đuyếc-vin-lơ trong bộ quân phục chỉnh tề, bên mình đeo kiếm chỉ huy danh dự. Khi tới nơi, tôi thấy Bác Hồ chỉ có một mình, hai tay chắp ra phía sau, đi đi lại lại trên sàn tàu như Người đang suy nghĩ điều gì. Tôi mừng quá sững người lại trong tư thế đứng nghiêm, đưa tay lên vành mũ kính cẩn chào Bác và thưa: “Kính thưa Bác, Quân uỷ Trung ương uỷ nhiệm cháu lên đón Bác, kính mời Bác xuống duyệt đội danh dự ạ”.

Là chỉ huy cuộc duyệt binh, tôi hiểu trọng trách và vinh dự lớn của mình. Tôi đi chếch về phía bên phải Bác, theo đúng nghi thức một sỹ quan cận vệ bên cạnh một Nguyên thủ quốc gia. Khi còn cách hàng quân danh dự chừng mười thước, tôi hô to khẩu lệnh để nghi lễ đón Bác được bắt đầu.

Sau lời hô của tôi, hai bên hàng quân danh dự nghiêm lệnh bồng súng chào. Quân nhạc phía Pháp long trọng cử Quốc ca. Khi Bác qua hàng quân danh dự, Quân kỳ danh dự của nước Pháp đã hạ xuống chấm đất để chào Người theo đúng nghi thức trọng thể nhất. Lúc ấy, tôi thấy một nhà quay phim nước ngoài đã quỳ xuống sát đất rất lâu để quay cảnh ấy. Lòng tôi bỗng rộn lên một niềm vui sướng.

Đi qua hàng quân, Bác tiếp cận đông đảo nhân dân Hải Phòng đứng chật hai bên đường. Bác giơ tay vẫy chào đồng bào rồi lên xe về nhà khách của Ủy ban thành phố. Còn tôi, cả cuộc đời đi theo cách mạng, đã có biết bao nhiêu kỷ niệm. Song lần được đón Bác là kỷ niệm sâu sắc nhất của một người lính đã đi suốt hai cuộc trường chinh.

Theo Quốc Cường (trích ghi) http://dantri.com.vn
Thu Hiền
(st)
bqllang.gov.vn

Lộc bất tận hưởng

Đó là câu tục ngữ, câu răn dạy, khuyên bảo con người, có nghĩa là “có lộc không nên hưởng hết một mình” mà nên chia sẻ cho người khác.

Tháng 8 năm 1945, trên đường từ chiến khu về Hà Nội, dừng chân ở một căn nhà làng Gạ, ngoại thành Hà Nội. Khi gia đình dọn cơm, Bác đã sẻ phần thịt gà ngon, mềm vào bát cụ chủ nhà.

Trong những tháng năm kháng chiến chống Pháp, trên Việt Bắc, ăn cơm cùng với các chiến sĩ bảo vệ, anh nuôi, bao giờ Bác cũng chia đều thức ăn cho cả mâm. Chị Minh Phương giúp việc chăm sóc sức khỏe Bác bày ra cái mẹo ninh gà nhừ, ít nước đặc để riêng cho Bác. Bác biết ý, nói vui: “Thế là khôn ăn cái, dại ăn nước”. Rồi Bác cũng lấy thìa san cho đủ người trong bữa ăn.

Một lần, Văn phòng Chủ tịch nước nhận được một miếng cao đặc mật ong của các vị lãnh đạo Đảng Trung Quốc tặng. Anh em đưa lên Bác để “Bác dùng cho khỏe”.

Bác cho gọi đồng chí cấp dưỡng lên, nói:

– Chú đem miếng cao này xuống bếp, bỏ vào nồi, đong đủ 24 bát nước, có ít gạo tẻ, gạo nếp càng tốt, đun lên, chia đều cho 24 người của Văn phòng.

Bác cũng chỉ là một trong 24 suất ấy. Đồng chí cấp dưỡng tần ngần chưa chịu đi. Bác cười nói:

– Làm đi chứ. “Lộc bất tận hưởng” mà chú!

“Trích trong “120 chuyện kể về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”
Theo baclieu.gov.vn
Phương Thúy
(st).
bqllang.gov.vn

Những kỷ niệm về Bác Hồ của một cựu giảng viên đại học

Nhà giáo Lê Văn Đàm sinh năm 1926 tại Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Cụ đã có 47 năm đứng trên bục giảng từ bậc tiểu học đến đại học, có hơn 20 năm giảng dạy tại Khoa Tâm lí – Giáo dục Trường Đại học Sư phạm Vinh và 10 năm là chuyên gia giáo dục ở Châu Phi. Là nhà giáo mẫu mực, cụ đã đào tạo hàng nghìn học trò thuộc nhiều thế hệ. Năm 2009, cụ được tỉnh Hà Tĩnh tôn vinh “Nhà giáo lão thành có nhiều cống hiến”.

Gần 90 tuổi đời và có nửa thế kỷ đứng trên bục giảng, nhà giáo Lê Văn Đàm, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm Vinh vẫn nhớ như in những kỷ niệm xúc động về Bác Hồ kính yêu.

Lần đầu gặp Bác Hồ

Nhà giáo Lê Văn Đàm sinh năm 1926 tại Trung Lễ, một làng quê nổi tiếng về truyền thống văn hóa của huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.

Lúc nhỏ, tuy nhà nghèo nhưng Lê Văn Đàm đã quyết noi theo truyền thống gia đình họ tộc, quyết tâm học hành và luôn luôn đứng đầu lớp. Năm 1944, vừa mới bước vào tuổi 18, Lê Văn Đàm đã vinh dự đứng vào hàng ngũ những người làm giáo dục với chức trách là một giáo viên tiểu học.

Sau thời gian học tập ở Trung Quốc 3 năm (1953-1956), Lê Văn Đàm về nước, được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường cấp II Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh). Mùa hè năm đó, Lê Văn Đàm được triệu tập tham gia lớp chỉnh huấn dành cho các cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên cốt cán toàn miền Bắc tại Hà Nội. Lần này, Lê Văn Đàm vinh dự được gặp Bác Hồ.

Cụ Đàm kể: “Lúc ấy lớp chỉnh huấn tập trung ở hội trường Trường Chu Văn An vào ban đêm, dù có điện nhưng không được sáng như bây giờ. Bất ngờ cả hội trường ồ lên khi được tin Bác Hồ đến thăm. Tình hình đấu tranh tư tưởng đang căng thẳng, nên được Bác Hồ đến thăm làm mọi người rất phấn khởi. Bác mặc bộ quần áo kaki trắng giản dị, người hơi gầy với chòm râu thưa. Sau khi ổn định tình hình, Bác nhìn quanh hội trường rồi hỏi: “Cán bộ nữ trong lớp chỉnh huấn của chúng ta được mấy “vắt”?

Cả hội trường hết sức bất ngờ vì cách dùng từ dí dỏm của Bác, và nhất là người cán bộ phụ trách chưa nắm được cụ thể có bao nhiêu nữ cán bộ giáo viên có mặt. Thực ra vào giai đoạn này giáo viên nữ, nhất là cán bộ quản lý rất ít. Một cán bộ đáp: “Thưa Bác, nữ được khoảng chục “vắt” ạ!”. Bác nói: “Sao ít thế?”, rồi Người nói về vai trò của phụ nữ, nhắc nhở các cán bộ quản lý giáo dục cần tuyển thêm nhiều giáo viên nữ.

Sau đó, Bác hỏi thăm về mức lương, thu nhập của đội ngũ nhà giáo. Nghe cán bộ báo cáo, Người trầm ngâm một lúc rồi nói: “Việc giáo dục hết sức quan trọng, nhà giáo có vai trò đặc biệt đối với sự nghiệp giáo dục, nhưng mức sống của đa số giáo viên còn thấp. Chính phủ phải có chính sách từng bước nâng cao đời sống cho đội ngũ giáo viên”.

nha giao14052010Nhà giáo Lê Văn Đàm nay nghỉ hưu tại Hà Tĩnh.

Thực hiện lời dạy của Bác, ngành giáo dục sau đó đã có những chính sách để thu hút các nữ sinh vào trường sư phạm. Các nhà trường sư phạm cấp học bổng cho sinh viên, tuy không dư dật song cũng đủ ăn tiêu, không phải dựa vào chu cấp của gia đình. Các sinh viên sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm đều được phân công công tác tùy theo nhu cầu giáo dục của từng địa phương.

Lần đầu được gặp Bác, nhà giáo Lê Văn Đàm nhớ mãi phong thái giản dị, gần gũi, hài hước, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với các nữ nhà giáo và đời sống giáo viên. Những lời dạy của Người sau đó đã được Chính phủ và ngành giáo dục áp dụng trong thực tiễn.

“Giáo cụ trực quan” là gì?

Nhà giáo Lê Văn Đàm còn có may mắn được gặp Bác Hồ lần nữa. Năm 1959, Bác Hồ đến thăm Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Lúc này nhà giáo Lê Văn Đàm đang học Khoa Tâm lí – Giáo dục. Vì Bác có nhã ý thăm lớp cán bộ quản lý được cử đi học, nên Lê Văn Đàm có cơ duyên gặp Người lần nữa.

“Lúc đó, mấy anh em chúng tôi đang lúi húi làm việc thì thấy có tiếng người xôn xao, cửa mở và đã thấy Bác Hồ đến ngay trước mặt. Đúng là như trong giấc mơ. Bác bắt tay từng người rồi hỏi: “Các chú đang làm gì thế?”. Nhà giáo Lê Văn Đàm thưa: “Thưa Bác, chúng cháu đang làm giáo cụ trực quan ạ”. Người hỏi lại: “Thế “giáo cụ trực quan” là gì? Nhà giáo Lê Văn Đàm đáp: “Thưa Bác, “giáo cụ trực quan” là đồ dùng dạy học ạ”. Bác hỏi: “Thế tại sao không nói “đồ dùng dạy học” mà lại nói “giáo cụ trực quan”?. Mọi người im lặng, lúng túng, Bác nói: “Chúng ta giáo dục cho con em nên chú ý việc dùng chữ. Những chữ đã có trong tiếng ta thì cần không vay mượn, cho học sinh dễ hiểu, dễ nhớ. Hiện nay đang có bệnh sính dùng chữ, cần phải sửa từ những cán bộ giáo dục để làm gương cho học sinh và đồng bào”.

Trong trái tim nhà giáo lão thành, những kỷ niệm về Bác Hồ kính yêu vẫn vô cùng sâu đậm.

Hơn 50 năm đã trôi qua, nhưng những lời dạy của Bác từ cuộc gặp gỡ đó mãi in sâu trong tâm trí nhà giáo Lê Văn Đàm và trở thành kim chỉ nam trong cuộc đời làm giáo dục của cụ.

Cụ Đàm tâm sự: “Thực ra lúc đó chúng ta dịch giáo trình từ Trung Quốc, Liên Xô nên có vay mượn thuật ngữ. Mặt khác, không ít cán bộ vẫn mắc “bệnh sính chữ”. Lời dạy của Bác không chỉ nói về việc dùng chữ, mà chính là vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong ngôn ngữ, và các nhà giáo phải làm gương cho xã hội”.

Sau này, trong những năm đi làm chuyên gia giáo dục quốc tế ở châu Phi (cụ Lê Văn Đàm từng làm chuyên gia giáo dục ở Ghi-nê và Ăng-gô-la hàng chục năm), cụ Đàm luôn tìm cách để giới thiệu với bạn bè quốc tế về lịch sử, văn hóa Việt Nam.

Dù xa cách ngàn trùng, đất nước và Bác Hồ vẫn rất gần

Từ năm 1965 – 1969, nhà giáo Lê Văn Đàm được Chính phủ cử đi làm chuyên gia giáo dục tại Ghi-nê. Trước khi lên đường, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tổ chức buổi gặp mặt thân mật và dặn dò nhà giáo Đàm. Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ giúp bạn phát triển giáo dục cũng quan trọng không kém việc đánh giặc bảo vệ Tổ quốc (lúc này chiến sự đang rất căng thẳng), đồng thời nhắc mỗi người cần giữ gìn tư cách, tác phong của người Việt Nam khi ở nước bạn.

Khí hậu châu Phi khắc nghiệt, cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với những người đã quen gian khổ như cụ Lê Văn Đàm thì không phải là vấn đề đáng ngại. Chỉ có nỗi nhớ Tổ quốc, nhớ Bác Hồ là luôn canh cánh bên lòng. Lúc đầu, các nhà giáo xa xứ nghe tình hình Việt Nam qua bản tin quốc tế tiếng Pháp của các nước, sau một thời gian mới bắt được sóng của Đài tiếng nói Việt Nam.

Dù bận đến mấy, việc nghe đài Việt Nam luôn được ưu tiên hàng đầu. Những tin tức chiến thắng dồn dập làm cho các nhà giáo phấn khởi vô cùng. Vì các sinh viên Ghi-nê rất muốn nghe về thời sự Việt Nam, nên nhà trường đã tổ chức mời nhà giáo (họ gọi là giáo sư – Professeur) Lê Văn Đàm diễn thuyết trước sinh viên toàn trường về thời sự đánh giặc Mỹ của Việt Nam. Chương trình chỉ có ba tiếng từ 8 giờ đến 11 giờ), nhưng đến 11 giờ, sinh viên yêu cầu nói thêm, chưa ăn cơm cũng được. Thế là giáo sư Lê Văn Đàm phải nói thêm 2 tiếng nữa mới nghỉ. Cả trường lặng phắc lắng nghe, cả ông bảo vệ trường cũng say sưa nghe giáo sư Đàm diễn thuyết. Sau này vì các sinh viên muốn tìm hiểu thêm, nhà giáo Lê Văn Đàm liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam để mượn các bộ phim về chiếu cho sinh viên xem. Làn sóng hâm mộ Việt Nam dâng cao, đến mức đại diện ngoại giao Mỹ tại Ghi-nê phản đối, cho rằng nhà trường “thiên vị” Việt Nam. Nhưng nhà trường nói vì sinh viên yêu thích nên họ không “bắt lí” được.

Sau 5 năm công tác, Lê Văn Đàm về Hà Nội vào đúng ngày 2/9/1969, được người nhà báo tin Bác ốm rất nặng. Sáng ngày 3 tháng 9, Lê Văn Đàm và người dân cả nước đau đớn khi được tin Bác Hồ đã từ trần. Lê Văn Đàm vội đến Quảng trường Ba Đình để xem tình hình nhưng không vào được, chen chúc trong cả biển người chan hòa nước mắt giữa trời mưa tầm tã. Lê Văn Đàm đã ở lại Hà Nội tham dự lễ tang Bác, 12 ngày sau mới về gặp gia đình ở Hà Tĩnh.

Bài và ảnh: Quang Đại – Văn Dũng/Theo dantri.com.vn
Kim Yến (st)
bqllang.gov.vn