Tag Archive | Giới thiệu tác phẩm

Gặp gỡ tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử”

Bảo tàng Hồ Chí Minh tặng quà lưu niệm cho ông Hellmut Kapfenberger – tác giả cuốn sách “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử”

(HNMO)- Chiều 14/4, Cục Xuất bản (Bộ TT&TT) và Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức cuộc gặp gỡ ông Hellmut Kapfenberger – tác giả cuốn gách “Hồ Chí Minh – Một biên niên sử” và tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh phù điêu Bác Hồ. Đây là một sự kiện chào mừng ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước và mừng 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Ông Hellmut Kapfenberger, 77 tuổi, một nhà văn, nhà báo nổi tiếng của làng báo chí Đức. Ông là một trong những người xuống đường những năm 1965-1970 để phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Ông có thời gian công tác ở Việt Nam với tư cách là phóng viên Hãng thông tấn CHDC Đức và một số báo khác. Ông cùng vợ và những người Đức đầu tiên bước qua sông Bến Hải vào năm 1973. Ông đã có dịp tiếp xúc với nhiều tướng lĩnh Việt Nam để viết về cuộc chiến.

Kỷ niệm và tình yêu đất nước con người Việt Nam là động lực thôi thúc ông tiếp tục nghiên cứu, viết về Việt Nam cho đến nay. Cuốn sách Hồ Chí Minh – Một biên niên sử là một trong những công trình đó. Với nguồn tư liệu tham khảo phong phú, gồm 25 chương và một biên niên sử tóm tắt về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả đã tái tạo lại tiểu sử của một nhân vật phi thường và rất đỗi giản dị, bằng những tư liệu, trích dẫn phong phú cụ thể và cách viết sinh động.

Với lối viết đậm chất trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về lịch sử hiện đại của Việt Nam và thế giới, tình cảm yêu mến và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như tình cảm hữu nghị dành cho đất nước và con người Việt Nam. Ngòi bút tác giả hấp dẫn bạn đọc bằng cách trình bày khéo léo, đan xen giữa lối viết nghiên cứu và kể chuyện lịch sử, vừa nhẹ nhàng thi vị đầy xúc cảm mà vẫn không mất đi tính khách quan, xác thực cần có của một cuốn tiểu thuyết về một nhân vật vĩ đại có thực. Tác giả cho thấy hoạt động của Hồ Chí Minh trải dài khắp các châu lục và cho đến cuối đời, Bác chưa khi nào quên vai trò của một chiến sỹ cộng sản thấm nhuần sâu sắc tinh thần Chủ nghĩa Quốc tế vô sản cao cả.

Tại buổi gặp gỡ, ông Hellmut Kapfenberger đã thể hiện lòng yêu mến và ngưỡng mộ đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi khẳng định, sẽ không có một Hồ Chí Minh thứ 2 trong khối các nước XHCN. Ông là một nhân cách lớn. Việt Nam rất may mắn và hạnh phúc khi có một con người như vậy”. Ông Hellmut Kapfenberger cũng cho biết thêm, trước đây Việt Nam là câu chuyện hàng ngày ở Đức, nhưng ngày nay dường như không có tờ báo nào ở Đức nhắc tới điều này và ông lấy đó là điều đáng tiếc, nên với tư cách là một người đã gắn bó với Việt Nam nhiều năm, ông đã cố gắng góp phần vào việc nhắc lại cho người dân Đức nói riêng và người dân thế giới nói chung nhớ đến Việt Nam.

Tác giả Hellmut Kapfenberger ký tặng sách cho độc giả Việt Nam.

Cuốn sách không chỉ đơn thuần là một cuốn tiểu sử, mà là một cuốn Biên niên sử về cuộc đời một con người cao cả, một nhân cách lớn – Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để thực hiện cuốn sách, ông Hellmut Kapfenberger đã rất kỳ công sưu tầm các tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nhiều nguồn, nguồn sách tài liệu ông sưu tầm được trong thời gian ông sống và làm việc tại Việt Nam, từ rất nhiều tài liệu về Việt Nam ở Berlin, từ chính những nhân vật lịch sử, các tướng lĩnh của Việt Nam ông đã từng gặp mặt như tướng Võ Bổng, tướng Đổng Sỹ Nguyên…

Ông Hellmut Kapfenberger cũng rất vui và tự hào khi cuốn sách đến tay những độc giả Việt Nam đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước.

Tuyết Minh
hanoimoi.com.vn

Advertisement

Giới thiệu cuốn sách “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đài hoa vĩnh cửu”

Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của Đảng và dân tộc ta, nhà văn hoá kiệt xuất, người chiến sĩ lỗi lạc trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Người sống mãi với thế hệ hôm nay và muôn đời con cháu mai sau. Sau khi Người qua đời, thể theo nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Bộ Chính trị quyết định giữ gìn lâu dài thi hài Bác và xây dựng Lăng của Người giữa Ba Đình lịch sử; nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam).

Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức khởi công xây dựng vào ngày 02/9/1973 và sau gần hai năm xây dựng, được khánh thành mở cửa đón tiếp đồng bào và khách quốc tế đến viếng Người. Việc hoàn thành công trình đúng thời hạn, đúng tiêu chuẩn kỹ thuật là kết quả của một quá trình lao động khẩn trương, đầy nhiệt tình, trách nhiệm của đông đảo cán bộ, công nhân viên và chiến sỹ. Đây thực sự là một thành tựu đặc biệt trong xây dựng, thể hiện tình cảm sâu nặng của đồng bào, chiến sỹ ta đối với Bác Hồ kính yêu.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quá trình xây dựng, quản lý, vận hành công trình Lăng của Người, Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh phối hợp với Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương giới thiệu tới bạn đọc cuốn sách “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đài hoa vĩnh cửu” do Nhà xuất bản Quân đội nhân dân phát hành.

Cuốn sách được đồng chí Đỗ Mười nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Phụ trách xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh viết lời tựa, với 237 trang gồm nhiều hình ảnh và tư liệu mới thể hiện tình cảm kính yêu vô bờ bến, lòng biết ơn sâu sắc của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta và tình cảm quốc tế cao đẹp của Đảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đối với Bác Hồ lúc Người còn sống cũng như khi Người đi vào cõi vĩnh hằng. Cuốn sách được biên soạn nghiêm túc, công phu, phản ánh chân thực, sự kiện lịch sử, góp phần khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta đối với sự nghiệp giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác và công trình Lăng của Người.

Trân trọng gửi tới bạn đọc gần xa cuốn sách “Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh – Đài hoa vĩnh cửu”.

Nguyễn Văn Vượng

bqllang.gov.vn

Hồ Chí Minh toàn tập – Xuất bản lần thứ ba

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài, người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện Đảng ta, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân ta; cho sự nghiệp giải phóng các dân tộc thuộc địa; cho cuộc đấu tranh vì hòa bình, dân chủ, công bằng xã hội trên thế giới; cho sự củng cố và phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “tư tưởng vĩ đại của Người cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin mãi mãi là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Tư tưởng đó đã dẫn dắt chúng ta trên mỗi chặng đường xây dựng và phát triển đất nước, là ngọn cờ thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là sức mạnh tập hợp và đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta hôm nay và mai sau”. Và nhằm đáp ứng nguyện vọng tha thiết của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là các cán bộ nghiên cứu muốn có toàn bộ nguyên tác của Người để nghiên cứu, học tập, năm 1978, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về việc xuất bản toàn bộ các tác phẩm của Người. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 – 19-5-1990), Nhà xuất bản Sự thật (nay là Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật) đã hoàn thành và cho ra mắt bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ nhất với 10 tập. Công việc nghiên cứu, sưu tầm các trước tác của Bác tiếp tục được tiến hành. Năm 2000, bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập được tổ chức xuất bản lần thứ hai với 12 tập sách.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư, sau 5 năm (từ năm 2004-2009), Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh đã hoàn thành Chương trình sưu tầm những tác phẩm, bài nói, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh chưa công bố trong lần xuất bản lần thứ hai. Trên cơ sở kết quả nghiệm thu đề tài, năm 2010, Ban Bí thư đã đồng ý giao cho Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật tổ chức xuất bản lần thứ ba bộ sáchHồ Chí Minh Toàn tập.

Bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập xuất bản lần thứ nhất gồm 10 tập với khoảng 1.800 tác phẩm, bài nói, bài viết, điện, thư (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ hai gồm 12 tập với hơn 1.200 tác phẩm. Trong lần xuất bản thứ ba này, bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập gồm 15 tập, với trên 3.300 tác phẩm quan trọng, trong đó được bổ sung trên 800 tài liệu mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1912 đến năm 1969 đã được xác minh và thẩm định. Đây là một tài sản tinh thần sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân ta, là sự phản ánh sinh động, sâu sắc quá trình Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm đường cứu nước, vạch ra đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng nước ta để tổ chức, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Những tư tưởng lớn của Người được phản ánh trong bộ sách là một hệ thống những quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam. Nội dung cốt lõi của tư tưởng Hồ Chí Minh là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội để tiến tới giải phóng triệt để con người, Độc lập – Tự do – Hạnh phúc là con đường phát triển, là mục tiêu, là bước đi của cách mạng nước ta, là triết lý phát triển Việt Nam trong thời đại mới. Tìm ra con đường giải phóng và phát triển của dân tộc đúng quy luật, hợp lòng dân, thuận theo sự tiến hóa của nhân loại là cống hiến lý luận sáng tạo và là di sản tư tưởng có giá trị vĩnh hằng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng nước ta.

Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba cung cấp nhiều tài liệu nêu lên những đóng góp to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cách mạng thế giới và góp phần làm thế giới đổi thay bằng sự cổ vũ, đoàn kết các dân tộc thuộc địa cùng nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới đấu tranh loại bỏ khỏi đời sống nhân loại sự thống trị, áp bức của chế độ thực dân dưới mọi hình thức, cống hiến to lớn vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên hành tinh của chúng ta. Bộ sách còn góp phần làm sáng tỏ sự nghiệp, tư tưởng thấm đậm giá trị văn hóa của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh. Nền văn hóa mà Người chủ trương xây dựng là sự kết hợp giữa kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước – nhân văn Việt Nam và chủ nghĩa quốc tế trong sáng, chống lại mọi chủ nghĩa kỳ thị – độc tôn về văn hóa. Chúng ta còn thấy trong bộ sách những ý kiến chỉ dẫn thiết thực của Người về những nguyên tắc và phương pháp xây dựng nền đạo đức xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Cùng với tư tưởng đạo đức, tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là một đóng góp rất có giá trị vào triết học về con người của chủ nghĩa Mác – Lênin.

Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba cung cấp nhiều tư liệu làm sáng tỏ sự nghiệp, tư tưởng thấm đậm giá trị văn hóa của nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh, bởi Người đã lãnh đạo nhân dân đánh đuổi giặc ngoại xâm, giành lại cho nhân dân quyền sống đích thực của con người và góp phần cùng loài người loại trừ chủ nghĩa thực dân – một trở lực lớn trên con đường tiến tới văn minh, đóng góp to lớn vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân loại tiến bộ.

Có thể nói, bộ Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba là một bộ sách kinh điển lớn, có giá trị lý luận và thực tiễn cao về cách mạng Việt Nam. Bộ sách đã phản ánh thiên tài trí tuệ của vị lãnh tụ – người thầy của cách mạng Việt Nam, nhà tư tưởng mácxít vĩ đại; đã phản ánh quá trình lịch sử đấu tranh anh dũng và thắng lợi vẻ vang của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tính khoa học đúng đắn và tính cách mạng sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh được thực tế lịch sử kiểm chứng đã tỏ rõ giá trị, sức sống mãnh liệt và trở thành tinh hoa của dân tộc, niềm tự hào của mỗi con người Việt Nam. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn dân ta càng vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Được sự chỉ đạo trực tiếp của Ban Bí thư Trung ương Đảng, kế thừa những kinh nghiệm và thành tựu của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ nhất và thứ hai, bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba là một công trình khoa học nghiêm túc của tập thể đông đảo các nhà khoa học, cán bộ nghiên cứu, lưu trữ, biên tập, xuất bản thuộc nhiều cơ quan Đảng, Nhà nước ở trung ương và địa phương. Đối với những tác phẩm mới sưu tầm, trước khi đưa vào biên tập, xuất bản lần thứ ba đều đã được thẩm định, nghiệm thu hai cấp theo quy định của một chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước. Những tác phẩm đã in trong lần xuất bản thứ ba cũng được rà soát, sửa lỗi kỹ thuật. Phần chú thích và chỉ dẫn tên người được bổ sung, biên tập lại bảo đảm tính chính xác và cập nhật thông tin. Những tác phẩm viết chung của Người được để ở phần Phụ lục. Các tác phẩm chưa có đầy đủ dữ kiện xác định của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xếp trong phần “Những tác phẩm có thể của Chủ tịch Hồ Chí Minh” để bạn đọc tham khảo và góp phần xác minh thêm. Tất cả đều nhằm nâng cao chất lượng và hoàn thiện thêm một bước để giúp bạn đọc có thể tìm hiểu đầy đủ, chính xác về sự nghiệp và tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cũng phản ánh được những thành tựu nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh trong những năm gần đây.

Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Bí thư và Hội đồng xuất bản, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia – Sự thật đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, khẩn trương tổ chức biên tập, xuất bản và cho ra mắt độc giả 3 tập đầu của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập vào đúng thời gian diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Đây là một công trình có ý nghĩa thiết thực chào mừng thành công của Đại hội. Bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ ba sdự kiến hoàn thành việc biên tập, xuất bản trọn bộ (15 tập) trong tháng 5-2011.

Tập 1 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm những tác phẩm, bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1912 đến năm 1924. Các tác phẩm, bài viết trong tập 1 phản ánh quá trình chuyển biến của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người yêu nước đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, trở thành người cộng sản, hình thành tư tưởng cứu nước và giải phóng dân tộc duy nhất đúng đắn cho dân tộc Việt Nam. Ngoài các tác phẩm, bài viết chứa đựng tư tưởng chính trị quan trọng liên quan đến con đường, những vấn đề chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1 còn có một số tác phẩm văn học mang tính đảng sâu sắc, tính chiến đấu cao và tính nghệ thuật đặc sắc. Với những tác phẩm đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở cho sự ra đời nền văn học cách mạng Việt Nam. So với lần xuất bản thứ hai, Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 1, xuất bản lần thứ ba bổ sung thêm 13 tác phẩm, bài viết mới sưu tầm được.

Tập 2 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, giới thiệu những tác phẩm do Nguyễn Ái Quốc viết từ năm 1924 đến năm 1929, tính từ khi Người từ Liên Xô tới Quảng Châu (Trung Quốc) hoạt động đến trước khi thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là khoảng thời gian không dài nhưng có nhiều sự kiện lịch sử quan trọng đối với phong trào cách mạng thế giới cũng như ở nước ta và đánh dấu những bước phát triển mới của quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh. Tập này công bố những tác phẩm chỉ rõ một trong những quan điểm rất quan trọng của Nguyễn Ái Quốc là quan điểm về đoàn kết quốc tế mà trước hết là sự cần thiết phải liên minh các dân tộc bị áp bức trong cuộc đấu tranh chung vì sự nghiệp giải phóng của chính dân tộc mình. Toàn bộ những tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc trong tập 2 cũng phản ánh sự hoạt động của Người trong điều kiện hết sức khó khăn nhưng đầy sáng tạo, không chỉ trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam mà còn là của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ, phát triển và làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin về cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa và cách mạng vô sản nói chung.

Tập 3 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, xuất bản lần thứ ba, bao gồm các tác phẩm, bài nói, bài viết, thư từ, báo cáo (gọi chung là tác phẩm) của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện trong khoảng thời gian từ đầu năm 1930 đến hết tháng 8-1945, thể hiện những cống hiến sáng tạo về lý luận và thực tiễn của Người đối với cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Nội dung tập 3 phản ánh nhiều khía cạnh liên quan đến việc định ra đường lối chiến lược, sách lược của Đảng; những nguyên tắc xây dựng Đảng; xây dựng khối đoàn kết dân tộc, tập hợp và xây dựng lực lượng cách mạng; đồng thời bao gồm cả những vấn đề về chỉ đạo thực tiễn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc xây dựng lực lượng, xác định thời cơ, thúc đẩy thời cơ chín muồi và chớp thời cơ để giành thắng lợi cho cách mạng.

Trong lần xuất bản này, vấn đề cơ bản tập 3 vẫn giữ nguyên các tác phẩm đã in trong lần xuất bản trước, nhưng đã được rà soát, đối chiếu cẩn thận với văn bản gốc. Một số bài để ở phần Phụ lục trong lần xuất bản trước, lần này được xác minh có đủ cơ sở để khẳng định là của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã được đưa lên phần chính… Tập 3 xuất bản lần thứ ba có bổ sung thêm 15 tác phẩm mới ở phần chính và 1 tác phẩm ở phần Phụ lục.

Qua bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập, mỗi người Việt Nam cần học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy lòng yêu nước, ý chí quật cường bất khuất của dân tộc để xây dựng một nước Việt Nam mới, trong thời đại mới, sánh vai với các nước tiên tiến trên thế giới.

ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Cuốn sách: Vừa đi đường vừa kể chuyện

LADY BORTON

Vừa đi đường vừa kể chuyện của T. Lan là một cuốn tự truyện được Hồ Chí Minh – người sáng lập ra Nhà nước Việt Nam hiện đại, viết. Quyển tiểu sử Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, xuất bản năm 1948 với bút danh Trần Dân Tiên. Trần Dân Tiên không phải là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh chưa bao giờ dùng bút danh Trần Dân Tiên.

Trong quyển Vừa đi đường vừa kể chuyện, Hồ Chí Minh đã kể lại rất rõ những câu chuyện trong hành trình vất vả của mình nhằm thực hiện Chiến dịch giải phóng Biên giới Việt-Trung vào tháng 9/1950, trong cuộc Kháng chiến chống thực dân Pháp của Việt Nam (1945-1954). Hồ Chủ tịch đã lấy bút danh T. Lan, một cán bộ tháp tùng Chủ tịch, và kể lại những câu chuyện về Hồ Chí Minh. Hồ Chủ tịch xuất hiện trong quyển sách như một người “Bác”, danh xưng mà người Việt Nam lần đầu tiên đã dùng thay cho tên gọi Hồ Chí Minh kể từ năm 1945 và đến nay vẫn còn sử dụng.

Hồ Chí Minh viết Vừa đi đường vừa kể chuyện cho những cán bộ và những người Việt Nam bình thường. Lối viết của Người rất giản dị, dễ hiểu. Ở đây, T. Lan đã nêu ra cho các cán bộ thấy được tấm gương về cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh. Chúng ta thấy cảnh Hồ Chủ tịch đã vào cửa sau của các trại quân đội để kiểm tra bếp núc và các nhà vệ sinh.


Bìa cuốn sách Vừa đi đường vừa kể chuyện.

Chúng ta cũng thấy được Người đã đi thăm các gia đình và nói chuyện với các tù binh chiến tranh người Pháp. Chúng ta thấy được những tấm gương của Người về cách tiến hành “cuộc huy động thực hành” giữa quần chúng nhân dân. Chúng ta còn thấy được lời chỉ dạy của Người về việc giữ bí mật cách mạng cũng như những lời khuyên trong trường hợp bị bắt giữ.

T. Lan đã trình bày rất chi tiết những mẩu chuyện về cuộc hành trình của Hồ Chí Minh là một nhà hoạt động cách mạng Việt Nam trong bối cảnh của phong trào cách mạng Việt Nam và phong trào cách mạng thế giới. Người cũng nêu ra phản kháng của nhân dân Liên Xô chống lại cuộc vây hãm Moskva của quân Đức trong Thế chiến thứ hai và cách người Trung Quốc tổ chức cuộc Cách mạng Trung Quốc năm 1949.

Ngoại trừ Lenin và Bành Phái (Peng Pai), Hồ Chí Minh chỉ đề cập lướt qua các nhà lãnh đạo Liên Xô và Trung Quốc. Thay vào đó, Người nhấn mạnh sự đóng góp của quần chúng nhân dân và tầm quan trọng của lòng yêu nước cũng như sự đoàn kết trong cuộc kháng chiến.


Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi làm việc ở phía trước túp lều,
nơi ông ở lại quan sát trong Chiến dịch Biên giới năm 1950.

Năm 1961, khi Hồ Chí Minh viết Vừa đi đường vừa kể chuyện, thì John F. Kenedy đã là Tổng thống Mỹ. Các cố vấn Mỹ đã can thiệp rất sâu vào Miền Nam Việt Nam. Hồ Chủ tịch lúc đó đã ngoài bảy mươi. Cuốn sách này ghi lại cuộc hành trình của Hồ Chủ tịch trước đó một thập kỷ và nhấn mạnh đến sự đóng góp của nhân dân vào Chiến dịch Biên giới, giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp, giành được thắng lợi năm 1954.

Dù gì đi nữa, Vừa đi đường vừa kể chuyện là một nỗ lực nhằm kêu gọi từng người Việt Nam tham gia vào phong trào yêu nước thông qua mỗi đề tài của nó – đó là sự kiên trì và nhẫn nại của tập thể cũng như cá nhân nhằm giành được độc lập và thống nhất đất nước.


Bản thảo đầu tiên Bác Hồ viết tay trên một tờ bản tin.

T. Lan không miêu tả thời thơ ấu của Hồ Chủ tịch là con trai của một nhà Nho ở miền Trung Việt Nam, nhưng lại mô tả chuyến đi của Người từ khi là một phụ bếp trên chuyến tàu từ Sài Gòn đến Mác-xây (Marseille) (1911), những kinh nghiệm đầu tiên của Bác ở Pháp (1912), một năm ở Mỹ (1913), hay thời gian ở Anh (1914-1917).

Tác giả không miêu tả những hoạt động chính trị của Hồ Chủ tịch ở Pháp. (Vào năm 1919, Hồ Chí Minh đã gửi một bản yêu sách đến các vị lãnh đạo thế giới, tham dự Hội nghị Paris ở Véc-xây (Versailles); năm 1920, Người là một đồng sáng lập của Đảng Cộng sản Pháp).


Bác Hồ đánh máy bản thảo thứ hai và nhân viên văn phòng
đánh bản thảo thứ ba, Bác Hồ sửa chữa lại bằng tay.

Tuy nhiên, tác giả T. Lan cũng miêu tả việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 và tổ chức Việt Minh (Việt Nam Độc lập Đồng minh) năm 1941. Việt Minh mở rộng phong trào cách mạng bao gồm cả những nhà yêu nước khác mà họ không phải là đảng viên. Cuốn sách hoàn thành trước cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của Việt Nam và ngày khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay được gọi là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Ấn bản này – là ấn bản bằng tiếng nước ngoài đầu tiên – giữ nguyên bản so với một loạt tờ báo đăng năm 1961 và bản in chính đầu tiên ấn hành năm 1963, khi Hồ Chí Minh còn sống. Ngoài ra, bản dịch cũng sử dụng các tên gọi theo cách viết chính tả hiện đại của Trung Quốc và Việt Nam. Bản in đầu tiên chỉ có một chú thích ở cuối trang được đánh dấu bằng số “1”, nhưng ở đây được chú thích là dấu “*”. Ghi chú cuối sách có bổ sung thêm thông tin.


Bút tích của Bác Hồ.

Bản dịch cũng tuân theo cách ngắt đoạn văn, dấu ngoặc đơn, dấu ngoặc kép, dấu chấm câu, chữ viết hoa, cũng như các từ, cụm từ, và các dòng thơ in nghiêng. Dấu ngoặc đơn được dùng để chỉ ra vài cụm từ giải thích thêm cho rõ nghĩa.

(Tháng 9 năm 2009)

TRUNG HIẾU 
(dịch từ bản tiếng Anh)

honvietquochoc.com.vn