Ngày 2-9-1945 là một sự kiện lịch sử trọng đại để lại dấu ấn không bao giờ phai trong ký ức của chúng tôi. Những đội viên tự vệ chiến đấu cứu quốc Hoàng Diệu năm xưa, nay đều đã là những lính già đầu bạc, cứ mỗi độ thu về, lại cùng nhau họp mặt để ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.
Tiếp tục đọc
Tag Archive | Độc lập
Chuyện bí ẩn về thước phim “Ngày Độc lập 2/9/1945”
Câu hỏi: “Ai là người thực hiện cảnh quay quý giá về Ngày Độc lập đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác… Tiếp tục đọc
Bảo vệ và phát huy giá trị thực sự của dân chủ, độc lập, tự do
Làm thất bại chiến lược “diễn biến hòa bình”
QĐND – Từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đến nay, nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức làm chủ, tự mình tổ chức Nhà nước để quản lý, điều hành, xây dựng xã hội mới và không ngừng củng cố quyền làm chủ của người dân. Và cũng kể từ đó, lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” mới trở thành thực tế và được hiện thực hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Tiếp tục đọc
Khát vọng muôn đời được sống trong độc lập, tự do, hạnh phúc
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và ngày 2-9-1945
QĐND – Ngày 2-9-1945 – ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, đã đi vào lịch sử dân tộc với sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập trên Quảng trường Ba Đình. Cùng trong sự kiện này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, đã có bài diễn văn ứng khẩu rất hùng hồn về quyết tâm bảo vệ chính quyền cách mạng non trẻ. Nhà sử học David Marr, trong cuốn sách “Vietnam 1945-The Quest for power” (Việt Nam 1945-Giành chính quyền) đã viết khá kỹ về sự kiện này.
Chuẩn bị lực lượng vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8
QĐND – Bước vào năm 1945, dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào cách mạng của nhân dân ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình phát triển mạnh mẽ, rộng khắp. Để bảo vệ cách mạng, hỗ trợ quần chúng đấu tranh chính trị, chống khủng bố, đàn áp, Liên khu tỉnh ủy Hà-Nam-Ninh chủ trương xây dựng lực lượng vũ trang, khi có thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền.
GIAI ĐOẠN 1945-1954: KHÁNG CHIẾN VÀ KIẾN QUỐC (Phần một)
68 năm Cách mạng Tháng Tám
Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Ðó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta. – HỒ CHÍ MINH
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân
Một trong những thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại của dân tộc ta trong thế kỷ XX là thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và việc thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cách mạng Tháng Tám đã xóa bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở nước ta, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc : kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Ngày chiến thắng hành trình của độc lập, tự do, hạnh phúc
LTS: Có lẽ ít đất nước nào, một chính Đảng cầm quyền, một quân đội hiến dâng xương máu từ nhân dân mà ra như đất nước ta. Ngày chiến thắng cũng là ngày vui chung của dân tộc: ngày không có người thất bại – Cả dân tộc đều ngẩng cao đầu thắng Pháp và Mỹ xâm lược. Máu đổ xuống làm nên chiến thắng chỉ một dòng máu đỏ – Máu của những người con đất Việt ưu tú nhất: những Đảng viên cộng sản, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam (những nông dân công nhân trí thức học sinh mặc áo lính)… Hơn hết là những người yêu nước, yêu hòa bình đâu sợ chiến chinh.
Trong niềm xúc cảm của ngày chiến thắng năm nay, bạn đọc hãy cùng ĐBND tiếp chuyện ĐBQH, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM, TSKH, HÒA THƯỢNG THÍCH CHƠN THIỆN:
PV: Thưa Hòa Thượng, năm ngoái chúng ta đã bàn về Ngày chiến thắng. Hình như đây là đề tài còn ám ảnh chúng ta mãi mãi.
Trùng trùng quân đi như sóng nơi năm cánh sao xòe trên năm cửa ô thắng thực dân Pháp.
Và, Sài Gòn ơi ta đã về đây ngày 30.4.1975 lịch sử. Trong dòng người về thành phố Hồ Chí Minh năm ấy, hòa trong sắc áo xanh là muôn màu sắc áo của dân chúng Sài Gòn. Và cờ nữa, cờ đỏ sao vàng, cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tôi không thấy sự pha trộn màu áo màu cờ nào hòa hợp như vậy. Tôi không nghĩ tôi là một người lính đứng riêng mà là một thành viên của đất nước này, dân tộc này.
Thầy có tâm trạng công dân độc lập này không, thưa Thầy?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Lịch sử Việt Nam là lịch sử chống xâm lược liên miên. Sau gần 1000 năm lệ thuộc Trung Quốc, dân ta đã đứng dậy và trụ vững từ nhà Đinh và tiền Lê; đến đầu thế kỷ thứ XI Việt Nam khởi đầu thiết lập nền độc lập, tự chủ. Hai trăm năm triều Lý đã đại thắng quân Tống và quân Chiêm (Champa). Hạ bán thế kỷ thứ XIII, Trần Nhân Tông đã hai lần đại phá quân Nguyên Mông (1285 và 1288). Đầu thế kỷ thứ XV, Lê Lợi đại thắng mấy mươi vạn quân Minh. Hạ bán thế kỷ thứ XVIII, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) đánh tan hơn hai mươi vạn quân Thanh trong vòng hơn một tuần lễ. Cuộc chiến từ thế kỷ thứ XIX, do phương Tây xâm lược, với tàu thuyền và vũ khí hiện đại, Việt Nam đã không thể đối đầu với quân Pháp, và bị Pháp đô hộ gần 100 năm. Thời bấy giờ, các phong trào Cần vương, Đông du cứu nước, và rất nhiều cuộc kháng Pháp đều thất bại. Tình hình đổi khác từ sau chuyến tây du của Hồ Chí Minh, và từ sau ngày Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản ngày 3.2.1930, chủ trương du kích chiến khắp ba miền đất nước. Năm 1945, sau thế chiến thứ Hai, cách mạng giành chủ quyền từ cựu hoàng Bảo Đại. Quân Pháp lại dấn thân quyết tâm tiêu diệt Cách mạng… Sau chiến thắng quân Pháp năm 1952 tại Cao – Bắc – Lạng, quân Cách mạng đã biểu hiện rõ sức mạnh quân sự tham chiến trận địa chiến. Quân Pháp thành lập căn cứ quân sự bất khả xâm phạm tại Điện Biên Phủ. Năm 1954, quân Cách mạng vây chặt Điện Biên, từng bước tiêu diệt các chốt quân sự của Pháp và đã đánh bại hoàn toàn quân Pháp. Toàn bộ tướng lãnh, sỹ quan và quân đội Pháp đầu hàng: đây là một chiến công vang dội khắp Thế giới bấy giờ, mở ra hướng giải phóng các dân tộc bị trị, Pháp đành ký hiệp định Genève (1954) trả lại hoàn toàn chủ quyền cho Việt Nam. Nhưng âm mưu của Mỹ và phương Tây vẫn cố bám trụ tại Việt Nam, đã chia đôi Nam, Bắc Việt Nam thành hai miền với hai chế độ chính trị khác biệt. Cách mạng Việt Nam lại phải tiếp bước cách mạng giải phóng miền Nam chống lại sức mạnh quân sự can thiệp của Mỹ. Cuộc chiến ở miền Nam bấy giờ rất ác liệt, quân Mỹ đi từ thất bại này đến thất bại khác. Sau khi thua trận không chiến oanh kích miền Bắc, đặc biệt là cuộc oanh kích B52 Hà Nội 12 ngày đêm, cường quốc quân sự và kinh tế số một thế giới đã phải tiếp bước quân xâm lược Pháp, nếm mùi thất bại chua xót, tức tưởi, đã phải ký Hiệp định Paris (1973) và rút tất cả quân về nước: thế giới bàng hoàng; các nước Á, Phi hết lòng ngưỡng mộ chiến thắng của Việt Nam…
Sài Gòn ơi ta đã về đây Tranh cổ động của Thúy Hằng
Chỉ có chiến thắng lẫy lừng quân Nguyên Mông mới có thể so sánh với chiến thắng Pháp, Mỹ của Cách mạng Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Cái vĩ đại của chiến thắng Pháp, Mỹ này không phải chỉ nằm ở quân sự, mà là nằm ở tài lãnh đạo của Cách mạng dưới sự soi sáng, dẫn dắt của trí tuệ Hồ Chí Minh, mà là nằm ở chỗ quân, dân nhất trí chịu vô vàn gian khó, nằm gai nếm mật trong suốt 80 năm chống Pháp và 20 năm chống Mỹ: đó là vĩ đại của dân tộc của thời đại Hồ Chí Minh. Đây là một bài học lịch sử nữa vô cùng giá trị mà nhân dân Việt Nam cần giữ làm lòng trong thời chiến cũng như thời bình (luôn luôn phải ở tư thế quốc phòng sẵn sàng tự vệ): không một người Việt Nam nào, dân hay quân, tôn giáo hay phi tôn giáo, mà có thể cảm thấy mình đứng riêng ra ngoài tập thể của Dân tộc, đất nước; đây cũng là một ý nghĩa của Xã hội Chủ nghĩa. Từ kinh nghiệm lịch sử của cận đại và hiện đại này, yêu cầu của lịch sử là Đảng Cộng Sản Việt Nam (hay Đảng cách mạng cận đại và hiện đại của Việt Nam) cần nắm giữ vai trò một Đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, và tiếp tục lãnh đạo đất nước lâu dài, tính từ từng đơn vị một trăm năm kể từ năm 1975.
PV: Đi qua gian lao suốt 80 năm chống thực dân Pháp và 20 năm chống đế quốc Mỹ, hàng trăm cuộc khởi nghĩa và phong trào nổi dậy với nhiều màu sắc đấu tranh. Vậy nhưng, chỉ đến khi vàng vàng bay đẹp quá sao sao ơi chúng ta mới có độc lập để mà mưu cầu tự do, mưu cầu hạnh phúc. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập, bản lĩnh của một chính Đảng của Hồ Chí Minh về xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trên quê hương Hùng Vương đã thành hiện thực. Ngày chiến thắng, thưa Thầy, là của dân, của Đảng và của quân đội Nhân dân Việt Nam?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Rõ ràng, ngày 10.10.1954 và ngày 30.4.1975 là hai ngày chiến thắng vẻ vang của cách mạng Việt Nam, của lịch sử Việt Nam cận đại và hiện đại. Sau ngày 30.4.1975, Việt Nam đã độc lập, tự do và hạnh phúc trên danh nghĩa, mà chưa là của thực tế xã hội. Ba mươi tám năm qua, dưới sự lãnh đạo ưu việt của Đảng, Việt Nam đang vừa hội nhập, vừa xây dựng xã hội Xã hội Chủ nghĩa: xây dựng từng bước đi CNXH, hướng về mục tiêu XHCN (dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng và văn minh); đang nỗ lực để vượt qua từng khó khăn về phát triển giáo dục, văn hóa, kinh tế, xã hội; đang đòi hỏi toàn Dân, toàn Đảng, toàn Quân một nỗ lực mới, một nhận thức mới về các bước đi của mình thế nào để tương xứng với nỗ lực trong thời kỳ kháng chiến, thế nào để có những thành quả kinh tế, xã hội tương xứng với thành quả kháng chiến, thế nào để có độc lập, tự chủ thực sự, để có tự do và hạnh phúc thực sự. Thời chiến, cái nhục của nô lệ và cái khổ của bất công áp bức là động lực khơi dậy sự đoàn kết quân dân nhất trí (Dân, Đảng và Quân nhất trí), khơi dậy sự hy sinh của cá nhân và gia đình vì đại nghĩa của Dân tộc. Thời bình, động lực ấy chìm lặn nên sự hy sinh vì đại nghĩa cũng yếu dần và chìm lặn. Làm thế nào để đánh thức dậy sự hy sinh cao cả đó, khi mà người cán bộ và người dân đi vào hưởng thụ, đi vào danh vọng và lợi dưỡng, đi vào chủ nghĩa cá nhân, vị kỷ, lợi ích nhóm? Đấy là vấn đề học tập và thực hành Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XI. Đấy là vấn đề giáo dục của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hiểm họa của diễn biến hòa bình, về các âm mưu liên tục đánh phá từ bên ngoài, về các mưu đồ xâm lược đang ẩn khuất đâu đó, về cái nhục của một đất nước nghèo nàn, chậm tiến so với các nước trong khu vực và nhiều nước trên thế giới, và về sự chưa thực sự tự chủ của mình về kinh tế, tài chính… Chỉ khi sức mạnh của toàn Dân, toàn Đảng, toàn Quân trong thời chiến được khơi dậy một lần nữa trong thời bình thì chúng ta mới yên lòng nghĩ đến Ngày chiến thắng thực sự của thời kỳ xây dựng xã hội XHCN trên quê hương của Vua Hùng. Quân đội và nhân dân đều cần học tập kỹ lịch sử, chính trị của đất nước và cần hiểu rằng lực lượng xâm lược của thế giới chưa bao giờ dừng nghỉ, để chúng ta thức tỉnh, lập lại sự đoàn kết nhất trí và sự hy sinh vì đại nghĩa, vì sự tự chủ, độc lập, tự do, và sự hưng vượng thực sự của đất nước. Học tập và học tập mãi. Thực hiện và thực hiện mãi. Quê hương Việt Nam là thế. Không làm được điều đó, đất nước lại đi vào suy thoái… Rất nguy hiểm!
Cần hiểu thêm rằng: Nhân dân – Đảng Cộng sản Việt Nam – Quân đội nhân dân Việt Nam tuy là 3 thành tố nhưng chỉ là một. Cùng một nguồn cội tỏa sáng từ cách mạng dân tộc Việt Nam.
Minh họa của T. Hằng
PV: Thưa Hòa Thượng, ngày 10.10.1954 ở Hà Nội, ngày 30.4.1975 ở Sài Gòn là ngày chiến thắng, ngày gặt hái thành quả cách mạng. Có mùa màng là vì đã gieo hạt giống. Thầy có thể từ quan niệm của Phật giáo mà luận bàn thêm về việc gieo giống và ươm cây, thưa Thầy?
Hòa thượng Thích Chơn Thiện: Ngày chiến thắng 10.10.1954 là kết quả đấu tranh của toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân sau gần 25 năm, từ năm 1930 đến 1954. Ngày chiến thắng 30.4.1975 là kết quả đấu tranh sau 21 năm, từ năm 1954 đến 1975. Toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân đã dốc tâm kháng chiến, chịu vô vàn gian khổ. Tất cả đã vì sự nghiệp Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của nhân dân. Đấy là một cuộc kháng chiến vĩ đại. Đấy là một chiến thắng kỳ vỹ, là một trang sử đầy bi tráng. Nhìn từ giáo lý nhà Phật: tất cả hiện hữu đều do điều kiện sinh (hay gọi là nhân duyên sinh), nhân thế nào thì quả thế ấy. Có thể nói rằng kết quả chiến thắng trên là do hội đủ các yếu tố:
Nhân cách lãnh đạo của Hồ Chí Minh là đặc biệt cao thượng; trí tuệ và tài năng của Hồ Chí Minh là phi phàm.
Đảng có khoa học tổ chức đặc thù, và bao gồm các đảng viên, cán bộ tuyệt đối trung thành, có năng lực và trí tuệ.
Toàn Dân và toàn Quân hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến trường kỳ của Hồ Chí Minh, một lòng tham gia kháng chiến, hy sinh quyền lợi cá nhân và gia đình vì đại cuộc.
Chính nghĩa cách mạng tỏa sáng, thuyết phục được các dân tộc trên thế giới.
Cái nhục vong quốc, nô lệ và cái khổ chịu bất công áp bức là động lực làm bung dậy sức mạnh chiến đấu.
Chiến thắng trên khó có thể lập lại một lần nữa trong lịch sử, dù biết rằng lịch sử dân tộc Việt Nam đã từng có chiến thắng tương tự.
Vì sự vật là do điều kiện sinh, nên mỗi thời đại có những điều kiện lịch sử, xã hội khác nhau, có những con người khác nhau, và có những sự cống hiến và sức mạnh khác nhau. Do vậy mà phương thức vận hành khác nhau; chiến thuật, chiến lược khác nhau, mục tiêu đấu tranh khác nhau. Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước sau chiến tranh, có ý kiến băn khoăn rằng: làm thế nào để tái hiện sức mạnh của thời kỳ kháng chiến vào hiện đại của phát triển? Hỏi tức là trả lời rồi vậy: nếu đối chiếu với thời kỳ kháng chiến, thì hiện đại có một số điểm đòi hỏi nhất thiết phải được thiết lập như:
Một lãnh tụ tiêu biểu về trí tuệ và đức hạnh;
Các cán bộ, đảng viên gương mẫu, thể hiện đúng chức năng của mình;
Vận động toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân thực hiện đại đoàn kết vì nền độc lập, tự chủ vì sự nghiệp xây dựng và phát triển (cũng là vấn đề sinh tử, sinh tồn);
Toàn Dân, toàn Đảng và toàn Quân sống đúng hiến pháp và pháp luật.
Đó là điều kiện “cần” được thực hiện trong bối cảnh toàn dân nỗ lực làm giàu, hưởng thụ tự do, dân chủ, trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới. Điều kiện “đủ” để có nhữngngày chiến thắng trong giai đoạn xây dựng và phát triển là sự thành công rực rỡ của văn hóa, giáo dục, y tế, của kinh tế – xã hội, và của an ninh, quốc phòng; là sự thành công của sự xóa sạch nghèo đói, là sự thành công của phổ cập giáo dục đến cấp Trung học phổ thông hay Đại học; và là sự thành công của Việt Nam có vị thế đáng kể trong khu vực và trên thế giới.
Tất cả điều kiện “cần” và “đủ” tựu trung quy vào một vấn đề duy nhất: mỗi người công dân có đủ khả năng, “nhận thức” và đức hạnh. Vấn đề này lại phụ thuộc vào vai trò giáo dục của Đảng, Học đường, Gia đình và các phương tiện truyền thông. Gieo giống và ươm cây cho hiện tại và tương lai là thế: vấn đề con Người và nhận thức đúng đắn về lịch sử, xã hội của con Người.
PV: Chân thành cám ơn Hòa thượng!
Thanh Tâm thực hiện
daibieunhandan.vn
Tấm bản đồ má trao
Kỷ niệm 38 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước:
Cuộc chiến giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã ca khúc khải hoàn cách đây 38 năm, trong thời khắc lịch ấy, có những ký ức, những kỷ vật và những con người mãi mãi đi vào lịch sử như biểu tượng sáng ngời cho chủ nghĩa yêu nước nồng nàn của dân tộc và nghệ thuật chiến tranh nhân dân thần diệu. Hình ảnh bà má miền Nam Sáu Ngẫu trong ký ức của Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu là một trong rất nhiều hình ảnh cao quý ấy.
Từ trái sang phải: Em Phước, Chính ủy Trịnh Văn Thư, má Sáu Ngẫu, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu và em Đức (Ảnh: TL)
Năm nay đã bước sang tuổi 67, nhưng khi kể cho chúng tôi nghe về thời khắc lịch sử của Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975, đôi mắt của Tướng Nguyễn Huy Hiệu rực sáng lấp lánh, ông như sống lại những ngày tháng Tư đỏ lửa với hình ảnh má Sáu Ngẫu ở vùng Lái Thiêu, cửa ngõ Sài Gòn mà ông cùng đồng chí của mình không bao giờ quên.
Sau 38 ngày hành quân thần tốc, vượt 1.700 km từ Tam Điệp, Ninh Bình vào đến Đồng Xoài, ngày 26/4, Trung đoàn 27 Triệu Hải Anh hùng (thuộc sư 320B) do Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu chỉ huy bắt đầu nổ súng hạ các mục tiêu của địch dọc trục đường 16 và tiến sát đến Búng, bắc Lái Thiêu. Đến ngày 29/4, Trung đoàn 27 được lệnh đập tan tuyến phòng thủ của địch ở Gò Vấp, phối hợp cùng các mũi tấn công khác tiến vào giải phóng Sài Gòn. Lúc này, một khó khăn đặt ra cho vị chỉ huy mới bước qua tuổi 28 là quân ta chưa nắm được tình hình các điểm phòng thủ cũng như cách bố trí lực lượng của địch ở Lái Thiêu. Trong lúc khó khăn, một nguồn tin của ta cho biết, cách khu vực Lái Thiêu 3km có một gia đình là cơ sở cách mạng.
Ngay trong đêm 29/4, vượt mưa gió, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng Chính ủy Trịnh Văn Thư và tổ trinh sát đã thâm nhập vùng Lái Thiêu, qua bãi tha ma của khu dân cư đi vào mé bìa rừng để liên hệ với cơ sở cách mạng. Đến khuya, tổ trinh sát phát hiện một ngôi nhà lá có ánh đèn le lói. Các chiến sỹ gõ cửa rồi phát mật hiệu “Hồ Chí Minh” và được người má già, tay cầm đèn đáp lại “Muôn năm”. Nhận ra đúng mật hiệu, má liền mời các anh lính bộ đội Cụ Hồ vào nhà. Bên ngoài, một số chiến sỹ trinh sát làm nhiệm vụ cảnh giới. Sau những lời giới thiệu ngắn gọn, các chiến sỹ cũng được biết má tên Sáu Ngẫu, có chồng tên là Hai Nhương, hoạt động cách mạng, bị giặc bắt và giết hại năm Mậu Thân 1968, hiện má ở cùng hai con là Phước, 17 tuổi, con gái và con trai tên Đức, 14 tuổi.
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu giở tấm bàn đồ quân sự ra và nhờ má Sáu Ngẫu chỉ dẫn cho các mục tiêu. Má Sáu đeo chiếc kính, nhìn một lát thì bảo má không rành các ký hiệu trên tấm bàn đồ, rồi má đi vào buồng và lấy ra tấm bản đồ đô thành Sài Gòn. Trải tấm bản đồ lên chiếc bàn gỗ, dưới ánh đèn dầu, má thoăn thoắt đánh dấu từng địa điểm, mục tiêu của địch với các thông tin về vũ khí, lực lượng với các mục tiêu quan trọng như ngã ba Lái Thiêu, cầu Vĩnh Bình, cầu Bình Phước, cầu Sắt Sài Gòn. Má vừa nói vừa ghi chú cẩn thận lên tấm bản đồ, các chiến sỹ của ta bất ngờ nhận ra, chữ má viết rất đẹp. Má vừa khoanh vùng trên tấm bản đồ, vừa bảo: “Đây là Trại Huỳnh Văn Lương, có hơn hai nghìn địch đang án binh bất động, các con không nên đánh vào trại này mà có thể kêu hàng, tránh đổ máu. Tiếp đó, các con nên đánh vượt qua mục tiêu Lái Thiêu, nhanh chóng đánh thẳng cầu Vĩnh Bình, cầu sắt Sài Gòn không địch nó phá mất.”
Trung đoàn trưởng Hiệu cùng các chiến sỹ cám ơn má và xin phép lên đường. Má bảo để má cùng em Phước, em Đức trực tiếp dẫn đường cho quân giải phóng. Thấy má già, các em lại nhỏ nên các chiến sỹ hứa sẽ trả thù cho má và sau khi chiến thắng sẽ trở lại thăm má cùng các em. Ngay trong đêm đó, Trung Đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng các đồng chí của mình đã lên kế hoạch thần tốc tiêu diệt địch ở chi khu và quận lỵ Lái Thiêu, bao vây chia cắt cô lập và bức hàng Trại huấn luyện Huỳnh Văn Lương, đánh chiếm cầu Bình Phước, cầu Vĩnh Bình và cầu Lái Thiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng của ta thọc sâu, đánh vào các mục tiêu chủ yếu trong Sài Gòn.
Khoảng 4h sáng 30/4/1975, Trung đoàn 27 bắt đầu tấn công Lái Thiêu và làm chủ khu vực này sau 2 giờ chiến đấu. Tiếp đó, đơn vị đánh chiếm cầu Vĩnh Bình, là nơi địch tử thủ quyết liệt. Ngoài Trung đoàn 27 lúc này có thêm Đại đội xe tăng của tiểu đoàn 66 tăng cường. Các lực lượng của ta phát huy hỏa lực mạnh của xe tăng và pháo 37 ly, đánh tan hệ thống tử thủ của địch, làm chủ cầu Vĩnh Bình. Đến khoảng 9h30 phút, mũi thọc sâu của Trung đoàn đã chiếm toàn bộ khu Gò Vấp, xưởng Bộ tư lệnh thiết giáp quân ngụy, Căn cứ 25, 26 truyền tin và chiếm Tổng y viện Cộng hòa. Sau đó, cùng đơn vị khác đánh tiếp các mục tiêu trong nội thành góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam. Má Sáu Ngẫu cùng tấm bản đồ đã góp phần cho đơn vị thần tốc đánh chiếm các mục tiêu của địch và giảm thương vong cho trung đoàn.
Ngay buổi chiều 30/4 lịch sử, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu cùng một số đồng chí đã trở lại ngôi nhà của má Sáu Ngẫu. Má cùng nhân dân Lái Thiêu hồ hởi đón các anh trong niềm vui chiến thắng và tặng cho các chiến sỹ rất nhiều hoa quả như chôm chôm, mãng cầu, lê ki ma, măng cụt… Sau này, các chiến sỹ mới biết má là giáo viên dạy tiếng Pháp của một trường phổ thông. Đây cũng là lý do vì sao chữ má viết trên tấm bản đồ đẹp đến thế!
Đất nước thống nhất, Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu ngày nào nay đã là Thượng tướng, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Quân sự Liên bang Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Tuy kinh qua nhiều cương vị công tác, nhưng ông vẫn thường xuyên vào thăm má Sáu Ngẫu và em Phước, em Đức. Năm 1989, má Sáu Ngẫu qua đời, tướng Hiệu vô cùng đau đớn. Ông cùng đơn vị đã tạc một tấm bia bên mộ má với dòng chữ “Đại đoàn Đồng bằng, Trung đoàn 27 Triệu Hải anh hùng ghi công má Sáu Ngẫu đã chỉ đường cho đơn vị tiến vào giải phóng Sài Gòn năm 1975”. Tấm bản đồ quý giá của má Sáu đã khơi nguồn cảm hứng và trở thành nguyên mẫu của ca khúc “Tấm bản đồ má trao” do nhạc sỹ Văn Thành Nho sáng tác.
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu khẳng định, đại thắng mùa xuân năm 1975 là chiến thắng của nghệ thuật chiến tranh nhân dân, của thế trận lòng dân mà Đảng, Bác Hồ đã dày công xây dựng. Nghệ thuật ấy, bắt nguồn từ truyền thống bốn nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc với biết bao thế hệ con Lạc cháu Hồng. Má Sáu Ngẫu, cùng với triệu triệu người con của dân tộc đã góp phần “làm nên đất nước muôn đời”.
Tự Cường ghi
daibieunhandan.vn
Trần Mai Hạnh và ký ức tháng 4
(VOV) – Mỗi khi nhớ về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc lập tôi lại nghĩ về đêm 29/4, đêm cuối cùng của chiến tranh.
- Trần Đăng Khoa: Vĩnh biệt người cắm cờ trên Dinh Độc lập
- Từ hang Cốc Bó đến dinh Độc Lập
- Gặp những chiến sĩ xe tăng đánh chiếm Dinh Độc lập
Buổi thời sự đặc biệt trưa 1/5/1975, Đài TNVN đọc trang trọng bài tường thuật đầu tiên của báo chí Việt Nam về giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975 với đầu đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã Trần Mai Hạnh từ Sài Gòn điện ra, bài báo đồng thời được đăng trên Báo Nhân dân với đầu đề “Tiến vào Phủ tổng thống Ngụy”.
Như một cơ duyên, 21 năm sau (1996) nhà báo Trần Mai Hạnh trở thành Tổng Giám đốc Đài TNVN. Sáu năm may mắn làm việc dưới quyền ông, gặp lại ông giữa những ngày tháng Tư trong cuộc trò chuyện cởi mở, chân tình tôi đã hỏi ông nhiều điều mà dư luận quan tâm.
Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng (giữa) cùng hai nhà báo Trần Mai Hạnh (phải) và Văn Bảo tại cửa rừng Tây Ninh sáng sớm 29/4/1975.
Hơn một thập kỷ, kể từ “tai họa” nghề nghiệp kinh hoàng với bao hệ lụy phải gánh chịu, đây là lần đầu tiên ông tiếp xúc và trả lời phỏng vấn của một nhà báo. Được sự đồng ý của ông, nhân dịp kỷ niệm 38 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2013) xin chuyển đến bạn đọc cuộc trò chuyện này…
** Đầu tiên xin hỏi, giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn trưa 30/4/1975 may mắn được chứng kiến và bài báo được viết ngay tại Sài Gòn vào thời khắc lịch sử ấy giữ vị trí thế nào trong đời sống tâm hồn ông?
– Đã 38 năm. Bao sự kiện diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong quãng thời gian không ngắn ấy. Riêng với tôi, không chỉ có những giây phút vinh quang và thời khắc huy hoàng được chứng kiến, mà còn có cả những “tai họa”, những bi thảm tột cùng phải gánh chịu. Trong những thời điểm khắc nghiệt của số phận khi vướng vòng lao lý, chính thời khắc huy hoàng trưa 30/4/1975 được chứng kiến và bài tường thuật đầu tiên của tôi về phút giây lịch sử tại Dinh Độc Lập đã giúp tôi bình tâm lại, giúp tôi đứng vững với niềm tin không gì lay chuyển về lý tưởng cao đẹp của người cộng sản mà mình đã theo đuổi để tiếp tục sống có ý nghĩa trong cuộc đời này.
** Hình ảnh đậm nét nhất trong tâm trí ông khi hồi ức về thời khắc lịch sử huy hoàng 30/4/1975 là gì?
– Mỗi khi nhớ về những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc lập mà tôi may mắn có mặt, không hiểu sao, bao giờ hình ảnh đầu tiên hiện lên trong ký ức tôi cũng là khung cảnh đêm 29/4, đêm cuối cùng của chiến tranh.
Khi tôi cột xong chiếc võng dù ở bãi trú quân dã chiến trên đường từ Tây Ninh về, ngay trước cửa ngõ Sài Gòn thì đã gần 12 giờ đêm. Tôi và anh Văn Bảo, phóng viên nhiếp ảnh của Việt Nam Thông tấn xã bị bỏ lại quá xa vì xe máy thủng lốp, không tìm đâu ra chỗ vá săm.
Cả nghìn cây số dọc đường chiến tranh, bom rơi đạn nổ, bao hiểm nguy rình rập, bao tình huống tưởng không thể khắc phục rồi cũng vượt qua. Chúng tôi đã từng chạy bộ đẩy xe cả chục cây số dưới trời trưa nắng như đổ lửa để giúp lái xe vượt qua những trảng cát ngút ngàn. Chúng tôi đã từng vào làng mượn thuyền của dân buộc ghép lại thành chiếc phà tự tạo có một không hai, cho ô tô bò lên rồi bơi đẩy cả thuyền và xe chòng chành vượt sông khi cầu bị địch phá hủy.
Chúng tôi từng hút chết giữa đêm trên “đường số 7 kinh hoàng” ngổn ngang xác địch rút chạy từ Tây Nguyên về đồng bằng, khi quả bom sót lại bên đường phát nổ, khói bụi trùm phủ tất cả.
Chúng tôi đã có những giờ phút cực kỳ hoành tráng khi các chiến sĩ pháo binh bất ngờ đón bằng xe bộ đàm đi trước, xe tiểu đội bảo vệ súng đạn đầy mình đi ngay phía trước và phía sau hai chiếc U-oát của chúng tôi. Các chiến sĩ đã đón nhầm anh Đào Tùng, Tổng Giám đốc Thông tấn xã vì cứ ngờ anh là Trung tướng Doãn Tuế, Tư lệnh pháo binh của mình…
Đêm cuối cùng của chiến tranh, tôi đã ở ngay cửa ngõ Sài Gòn. Mặt đất ầm vang tiếng rền của đủ loại vũ khí. Tiếng súng liên thanh rộ lên phía Trảng Bàng, Tây Ninh. Tiếng trọng pháo gầm, chớp lửa rực sáng bầu trời hướng đông nam trước mặt. Nơi đấy là Sài Gòn. Chúng tôi được lệnh sáng mai sẽ bám theo các binh đoàn chủ lực tiến thẳng vào Sài Gòn trong trận đánh cuối cùng. Ai trong số hàng trăm phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí may mắn có mặt đầu tiên để bấm máy và viết bài tường thuật về Sài Gòn trong những phút giây lịch sử? Tôi thao thức, xúc động và hy vọng…
Như vậy, ông may mắn được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử từ đầu với tư cách là đặc phái viên của Việt Nam Thông tấn xã?
Tôi đi trong đoàn công tác đặc biệt của Việt Nam Thông tấn xã được thành lập ngay sau chiến thắng Buôn Mê Thuột do đích thân Tổng Giám đốc Đào Tùng dẫn đầu. Đoàn rời Hà Nội sáng ngày 2/4/1975, sau các mũi phóng viên đã xuất phát trước đó một tuần, trên 2 chiếc xe U-oát của Liên Xô mới tinh, màu nòng súng. Trước giờ xe nổ máy, ông Đỗ Phượng, Phó Tổng Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã, người trực tiếp tuyển chọn, ký quyết định cử tôi đi trong đoàn anh Đào Tùng, xiết chặt tay tôi dặn dò: “Mai Hạnh cố gắng dọc đường viết thật nhiều tin, bài gửi về. Nhưng cố gắng viết được bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, mà tôi tin rằng sẽ không còn xa nữa”.
Bài tường thuật đầu tiên ông viết, “ra đời” như thế nào?
5 giờ sáng ngày 30/4, lệnh lên đường, bằng mọi cách vượt lên bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe máy tăng ga, đồng hồ báo tới 50km/giờ. Văn Bảo đèo tôi vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường…
Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4, tôi tới được Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Trần Mai Hưởng em ruột tôi, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành… đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn 2 đã có mặt trước chúng tôi ít phút, các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử, trong đó có bức ảnh “xe tăng Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập 30/4/1975” Trần Mai Hưởng chụp, được sử dụng rộng rãi như một trong những biểu tượng của ngày chiến thắng. Tôi tìm hiểu ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật: Mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống Ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?… rồi lao lên ngay tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy Quân Giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đại úy Phạm Xuân Thệ, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 của Quân đoàn 2 cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập)… Sau khi viết xong bài tường thuật, tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào, cứ loanh quanh ở Viết tấn xã nóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của Thông tấn xã Giải phóng. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng-ten bắt được liên lạc, tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội mà là điện về trụ sở Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh.
Sau này tôi được biết, tối đó anh Phạm Vỵ, cán Phòng thư ký Bộ biên tập cùng đi trong đoàn đã trực canh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật của tôi đang được điện về để anh Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dung điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội. Vì điện báo viên phải đánh móoc từng chữ, chữ “a”, chữ “b”, chữ “c”… nên rất mất thì giờ. Bài tường thuật được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của Việt Nam Thông tấn xã phát báo ngay trong đêm 30/4 cũng với đầu đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng”, nhưng do quá khuya nên Báo Nhân dân ra sáng 1/5 không đăng kịp. Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đã đăng toàn văn bài tường thuật này nhưng đặt lại đầu đề là “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy”.
Ông ký tên thế nào dưới bài tường thuật?
Như những tin, bài viết cho Việt Nam Thông tấn xã, theo quy định, tôi chỉ ghi hai chữ: “Mai Hạnh” ở cuối bài. Nhưng khi trực tiếp duyệt lại, trước khi điện chuyển tiếp về Hà Nội, Tổng Giám đốc Đào Tùng đã ghi rõ ngay dưới tít bài báo: Bài của Trần Mai Hạnh, phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn. Vì vậy, bài đọc trên Đài TNVN cũng như đăng trên Báo Nhân dân đều ghi tên tác giả đầy đủ như vậy.
Sau khi điện báo viên chuyển bài tường thuật, ông làm gì?
Tối 30/4/1975, sau khi điện được bài tường thuật về Hà Nội, trên chiếc com-măng-ca cắm cờ giải phóng tôi đi khắp Sài Gòn. Tôi cứ trên ô tô đi hết đường này tới khu khác, say sưa ngắm Sài Gòn trong đêm đầu tiên nguyên vẹn trở về. Khi về tới trụ sở Việt tấn xã thì đã quá nửa đêm. Sáng sớm 1/5, việc đầu tiên tôi làm và kết quả thật nhanh chóng. Đó là “Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định cấp, cho phép tôi với tư cách phóng viên được phép hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. “Giấy công tác đặc biệt” ghi cả số khẩu sung ngắn K54 mà tôi được cấp từ Hà Nội. Đó có lẽ là chiếc “thẻ nhà báo” đầu tiên được chính quyền cách mạng (Ủy ban Quân Quản thành phố Sài Gòn – Gia Định) cấp tại Sài Gòn trong buổi bình minh của lịch sử thành phố.
Trong lúc tôi xin “Giấy công tác đặc biệt”, thì theo chỉ thị của anh Đào Tùng, anh Văn Bảo đã kiếm được địa điểm làm trụ sở cho Phân viện Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn. Anh cắm cờ Mặt trận vào cổng ngôi nhà đó và kiếm miếng bìa treo lên với dòng chữ viết tay của anh: “Cơ quan Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn”. Nhờ biết lái ô tô, anh Văn Bảo đánh mấy chiếc ô tô cực xịn vứt bỏ quanh khu vực Dinh Độc Lập, trong đó có chiếc xe Zep mới tinh, màu trắng chuyên làm nhiệm vụ hộ tống “Tổng thống” ngụy về ngôi biệt thự mà anh vừa kiếm được và nhanh chóng “tuyên bố chủ quyền”. Cũng tại đây, ngày 1/5, tôi đã gửi một bức điện về căn cứ Thông tấn xã Giải phóng trên rừng Tây Ninh báo cáo công việc với anh Đào Tùng.
Mới 32 tuổi ông đã chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập, ngay sáng hôm sau đã nghĩ tới việc xin “Giấy công tác đặc biệt” của Ủy ban Quân quản, rồi kiếm trụ sở và ngay chiều 1/5/1975 đã điện đi từ Sài Gòn bức điện cũng rất đặc biệt. Ông có còn lưu và có thể cho biết nội dung bức điện đó?
Bức điện này, anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng thư ký Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã cùng đi trong đoàn được “Điện anh Hai Đào Tùng. Báo cáo anh đã tìm được trụ sở ở 126 Phan Đình Phùng và xin được 3 xe ôtô. Đề nghị anh cho anh Phạm Vỵ (thư ký) và các anh Vĩnh, Sửu (lái xe) xuống ngay, sớm giờ nào hay giờ ấy. Cánh Lâm Hồng Long, Hứa Kiểm… về ở cả đây nên sinh hoạt, kinh phí có nhiều khó khăn. Đề nghị anh cho chỉ thị gấp. Nếu anh không xuống được trong 1,2 ngày tới thì xin anh có thư trao đổi với anh Năm Xuân. Sài Gòn 1/5/1975. Mai Hạnh”.
Ông biết bài tường thuật của mình được báo, đài sử dụng thời điểm nào, và trong bối cảnh nào?
Trưa 1/5/1975, tôi và Văn Bảo với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ô tô giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp dòng người của ngày hội lớn thì nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài TNVN. Sau bản tin đặc biệt của Thông tấn xã Giải phóng: “từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng”, Đài đã đọc trang trọng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ tên vàng” của tôi. Âm thanh radio được mở hết cỡ, bài tường thuật vang lên giữa biển người và cờ hoa chào đón của Sài Gòn giữa trưa nắng đẹp chan hòa của ngày Quốc tế Lao động 1/5 đầu tiên đất nước thống nhất.
Sau giải phóng, ông ở lại Sài Gòn bao lâu?
Chỉ hơn một tháng, ngày 6/6/1975, tôi đã tạm biệt Sài Gòn về Hà Nội.
Thời điểm ấy mọi người háo hức tìm cách vào Sài Gòn, chuyển hẳn gia đình vào đó sinh sống, sao ông lại vội vã ra Hà Nội?
Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn được thành lập ngay sau ngày giải phóng. Anh Phạm Vỵ cùng đi trong đoàn anh Đào Tùng với tôi được cử làm Trưởng phân xã. Tôi và Trần Mai Hưởng, em ruột, cùng là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã, cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975 nên Bộ biên tập quyết định Mai Hưởng khi đó mới 24 tuổi, chưa lập gia đình, ở lại làm phóng viên Phân xã Việt Nam Thông tấn xã tại Sài Gòn, còn tôi ra nhận nhiệm vụ mới ở Tổng xã Hà Nội.
Ông trở ra Hà Nội bằng đường không hay đường bộ? Chuyến đi có gì đáng nhớ?
Không, tôi trở ra bằng đường biển, trên tàu Đồng Nai, và đó là chuyến tàu biển đầu tiên chạy từ cảng Sài Gòn ra cảng Hải Phòng. Sở dĩ ra đường biển vì khi đó anh Đào Tùng muốn chở chiếc xe Zeep màu trắng, mới tinh của phủ “Tổng thống” ngụy mà anh Văn Bảo thu được về Hà Nội vừa để phục vụ cơ quan vừa lưu lại một kỷ vật đáng nhớ của chiến dịch lịch sử này. Mọi thủ tục an ninh và hải quan tại Thương cảng Sài Gòn đã hoàn tất, nhưng trong văn bản cuối cùng xác nhận những thiết bị, phương tiện tôi được phép mang theo do Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định Phạm Kim Thảo ký ngày 30/5/1975, chiếc xe Zeep bị gạch khỏi danh mục. Những giấy tờ liên quan ngày ấy, hiện tôi vẫn lưu giữ. Trong bản kê khai hải quan đồ dùng cá nhân của tôi ngày ấy ghi rõ và chi tiết đến mức: “1 đài bán dẫn HITACHI, 1 máy ghi âm SONY, 1 máy chữ xách tay ROYAL, 2 áo trẻ con, 4 quần lót phụ nữ…”. Hồ sơ, tài liệu thu thập được trong chiến dịch, trong đó có cả nghìn lá thư để đầy một ba lô.
Ông có thể nói thêm về chiếc máy chữ và tài liệu thu thập được trong chiến dịch?
Đó là chiếc máy chữ xách tay xinh xắn còn mới nguyên, hiệu ROYAL của Mỹ tại Văn phòng Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn tôi đã dùng để đánh tin, bài những ngày ấy, kể cả việc giúp Tổng Giám đốc Đào Tùng khởi thảo Diễn văn khai mạc và bế mạc của Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quán thành phố Sài Gòn – Gia Định đọc tại Lễ mít tinh và diễu binh lịch sử mừng chiến thắng ngày 15/5/1975 tại Sài Gòn. Ngày ấy, máy chữ xách tay cực hiếm và là mơ ước của những người làm báo, viết văn. Giấy chứng nhận của Bộ biên tập Việt Nam Thông tấn xã cho phép tôi mang ra Hà Nội và sử dụng chiếc máy ROYAL, số máy NC 8053843 tôi còn giữ, nhưng chiếc máy chữ hiện không còn. Nguyên do năm 1981, do hàng xóm bất cẩn làm can xăng hơn 20 lít bốc cháy, hỏa hoạn thiêu rụi nhà tôi, đồ đạc cháy sạch, trong đó có cả bản thảo tôi viết tay bài tường thuật đầu tiên hoàn thành lúc 14 giờ chiều 30/4/1975 và hơn 1000 lá thư của binh lính Sài Gòn và nhiều gia đình trong các thành thị miền Nam viết ngay trong những ngày đó mà suốt chặng đường chiến dịch bám sát các binh đoàn chủ lực từ Huế vào tận Sài Gòn tôi đã sục sạo, thu thập được. Họa vô đơn chí, đúng lúc ấy vợ chồng tôi mất cắp cả hai chiếc xe đạp, tôi đành bán chiếc máy chữ ROYAl kỷ vật của mình mà chỉ đủ tiền mua chiếc xe đạp Thống Nhất.
Tài liệu thu thập, chỉ riêng những bức thư tên thật, người thật phản ảnh cả nghìn số phận, tâm trạng thật của con người trước một biến cố trọng đại của lịch sử, nếu không bị thiêu cháy thì tập hợp, chọn lọc và biên tập đã được một cuốn tiểu thuyết giá trị. Một số tác phẩm văn học của tôi đã xuất bản: “Tình yêu và án tử hình” (NXB Thanh niên), “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế” (NXB QĐND). Cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử “Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa” tôi đã cơ bản hoàn thành, năm 2000, được báo Văn nghệ đăng nhiều kỳ và Đài TNVN đọc dài kỳ trên chương trình đọc truyện đêm khuya. Lẽ ra cuốn sách được xuất bản từ năm 2002, nhưng không may ở thời điểm đó, tôi bị vướng vào vòng lao lý, chương cuối cùng chưa xong, chưa kịp nộp nhà xuất bản theo hợp đồng, đành gác lại.
Hai anh em ruột cùng là phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông từng đảm nhiệm chức vụ Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Giám đốc Đài TNVN, Trần Mai Hưởng em ruột ông trước khi nghỉ hưu là Tổng Giám đốc TTXVN – hãng thông tấn chiến lược của Nhà nước. Nghề báo mang lại cho ông và gia đình nhiều vinh quang?
Nhiều vinh quang nhưng cũng không ít cay đắng. Sau “tai họa” năm 2002, trong những cuộc gặp mặt, giao lưu với các phóng viên từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, ngoài lời kể của anh Văn Bảo về chuyến đi của hai anh em tôi, không ai nhắc đến số phận của bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút trọng đại vào trưa 30/4/1975 ở Dinh Độc Lập nữa. Nhân tình, thế thái và xã hội đã nhiều đổi thay. Có những thời điểm, con người không chỉ cần phải im lặng mà còn cần phải biết cách im lặng thế nào, và có những điều phải im lặng đến suốt đời.
Gần đây, trong bài viết của mình, một Tổng Biên tập công khai bày tỏ sự trân trọng và ngưỡng mộ về tài năng viết báo cũng như làm báo của ông và nói từ lâu nung nấu ý định viết về ông. Nhưng chưa thấy bài báo đó?
Tôi rất cảm động cảm ơn đồng chí Tổng Biên tập đó, nhưng nghĩ rằng cần phải biết chờ đợi thêm nữa.
Như vậy, đây là lần đầu tiên ông trả lời phỏng vấn báo chí?
Đúng vậy, mười năm qua tôi lặng lẽ sống, làm việc với chức phận và tâm thế của một cán bộ hưu trí.
Ông vẫn viết báo, viết văn?
Sau tai họa 2002, tôi viết báo với bút danh Trần Nhật Thi. Nhiều bài được dư luận quan tâm: “Day dứt chuyện Nông trường Sông Hậu” (Lao Động); “Nụ cười, nước mắt nông dân”, “Cảm động một dòng chảy thong tin”, “Hãy xử sự vì lợi ích xã hội” và nhiều bài khác trên Báo Tiếng nói Việt Nam, nay là Báo VOV… Tên “Trần Mai Hạnh” ký dưới các bài báo và sáng tác văn học được tôi dùng lại từ 2010.
Trải nhiều sóng gió thăm trầm, điều ông chiêm nghiệm là gì?
Cái còn lại mãi mãi là sự tử tế và tình người. Giữa những ngày Tháng Tư, lại ngồi trò chuyện với anh về thời khắc huy hoàng 38 năm trước, tôi không khỏi bùi ngùi. Anh Đào Tùng, thủ trưởng kính mến của tôi, anh Văn Bảo, anh Lâm Hồng Phong, anh Lam Thanh và nhiều phóng viên Việt Nam Thông tấn xã từng cùng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 nay không còn nữa. Con gái đầu lòng mới 2 tuổi khi tiễn tôi đi chiến dịch ngày ấy, giờ đã là một nữ nhà báo trưởng thành được Chủ tịch nước gửi Thư khen và được vinh danh “Công dân Thủ đô ưu tú” nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vợ tôi khi ấy là một nữ sinh văn khoa Hà Nội mới ra trường, nay đã là cô giáo về hưu, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Thời gian trôi chảy, tàn phai, không ai níu kéo mãi được. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời nó cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai…
Ông có thể nói đôi lời về “tai họa” đã qua, cũng như về Báo Tiếng nói Việt Nam năm nay tròn 15 tuổi mà ông là người sáng lập?
Xin anh vui lòng để câu chuyện này tới một dịp thích hợp khác.
TTXVN gắn bó với đời làm báo của ông. Kỷ niệm nào sâu nặng nhất, thưa ông?
30 năm gắn bó, kể từ ngày rời mái trường Đại học Tổng hợp văn, TTXVN với tôi có quá nhiều kỷ niệm. Trong Lời cuối cuốn tiểu thuyết lịch sử “Những ngày cuối cùng của Việt Nam cộng hòa” đã hoàn thành đăng Báo Nhà báo & Công luận tháng 4/2011, tôi đã bày tỏ tới cố Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng và nguyên Tổng Giám đốc TTXVN Đỗ Phượng – thủ trưởng kính mến trực tiếp, vừa là người anh vừa là người thầy trong nghề báo của tôi, lòng biết ơn sâu sắc nhất. Tháng 7/2011, khi tìm lại được Giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng và Giấy giới thiệu công tác của tôi do đích thân đồng chí Hồ Hữu Phước, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Nam – Đà Nẵng ký ngày 7/12/1969 gửi Bộ Biên tập Việt Nam Thông tấn xã được lưu giữ và bảo quản vĩnh viễn tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia III, tôi đã chạy thẳng tới báo cáo ông Đỗ Phượng và ông Đinh Trọng Quyền, Bí thư Chi bộ Đảng Tổ phóng viên Việt Nam Thông tấn xã tại chiến trường Quảng Đà thời ấy. Ông Quyền là người giới thiệu và đọc quyết định kết nạp tôi vào Đảng. Ông Đỗ Phượng, ông Đinh Trọng Quyền đã ôm tôi rất chặt, những giọt nước mắt tôi tưởng mình không bao giờ khóc được nữa đã lặng lẽ rơi.
Ông có thể nói kỹ hơn về câu chuyện đáng quan tâm này?
Trong bài “Máu và nước mắt còn đây” đăng trên Báo Văn nghệ tháng 9/2012, được Đài TNVN phát lại và Báo Nhà báo & Công luận giới thiệu trong mục “Bài báo được dư luận quan tâm”, tôi đã viết về câu chuyện này. Tôi nghĩ, nói như vậy là đủ.
Ông là sinh viên Đại học Tổng hợp văn, với gần 50 năm làm báo nhiều sóng gió thăng trầm, đọc nhiều, trải nghiệm nhiều, xin hỏi ông: Danh ngôn nào của các nhà tư tưởng – văn hóa ông tâm đắc nhất?
Tôi nghĩ, sự thật là tài sản quý giá nhất. José Hérnandez, nhà thơ lớn của Achentina nói rằng: “Ngay cả một sợi tóc gầy guộc cũng để lại bóng dâm của mình trên mặt đất”. Điều đó hàm ý sâu xa rằng, sự thật dù có bé nhỏ, mảnh mai như một sợi tóc, cũng không dễ xóa bỏ.
Xin cảm ơn ông đã mở lòng trọng cuộc trò chuyện thân tình này./.
Đoàn Quang/Báo TNVN
vov.vn
Thắng lợi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình
Chiến thắng lịch sử 30/4:
Những ngày này, cả nước đang sống trong không khí hào hùng của chiến thắng lịch sử 30/4. Chung cảm xúc đó, VIỆN TRƯỞNG (VT) VIỆN LỊCH SỬ QUÂN SỰ VIỆT NAM VŨ QUANG ĐẠO chia sẻ: chiến thắng lịch sử 30/4 đã lùi xa 38 năm. Và khi có khi có “độ lùi” về thời gian thì sẽ có sự nhìn nhận bình tĩnh hơn, khách quan hơn. Có những sự kiện lịch sử, thời gian sẽ “phủ bụi”, nhưng cũng có những sự kiện càng có “độ lùi” thời gian thì càng “sáng” lên. 30/4 là một trong những sự kiện như vậy…
– Ba mươi tám năm đã trôi qua – đây là khoảng thời gian đủ dài để có thể khẳng định được những giá trị, ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4, thưa Viện trưởng?
– VT Vũ Quang Đạo: Chiến thắng 30/4 đã đánh dấu sự thất bại của Mỹ và chính quyền Sài Gòn trong việc xâm lược miền Nam Việt Nam. Sự kiện này cũng đồng nghĩa với việc dân tộc ta đã giành thắng lợi trọn vẹn trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài tới 30 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chính Minh. Chiến thắng đó đã được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc và lịch sử thế giới của thế kỷ XX. Đối với quân đội Việt Nam, đây là thắng lợi đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, đỉnh cao của sức mạnh quân sự Việt Nam, của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Bởi vì, chỉ có chiến tranh nhân dân Việt Nam mới huy động được sức mạnh to lớn đến như vậy. Đó cũng là thắng lợi của một dân tộc yêu chuộng hòa bình, yêu chuộng tự do, với tinh thần không có gì quý hơn độc lập, tự do trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc và đặc biệt là trong thời đại Hồ Chí Minh.
Khát vọng hòa bình, độc lập tự do đã trở thành sức mạnh để dân tộc ta chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, trong đó có đế quốc Mỹ hùng mạnh. Điều đó khẳng định rằng, với ý chí, nghị lực ấy, thắng lợi này là tất yếu chứ không phải ngẫu nhiên. Ở đây, có yếu tố khách quan mang tính thời đại, nhưng tính khách quan, thời đại ấy chỉ được phát huy tác dụng khi có sức mạnh nội lực. Và ở Việt Nam, nhờ có sức mạnh nội lực ấy đã quy tụ được các lực lượng yêu chuộng hòa bình, tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ. Nhờ đó, dân tộc ta có đủ sức mạnh để chiến thắng đế quốc Mỹ, hoàn thành việc giải phóng hoàn toàn đất nước khỏi ách ngoại xâm, đưa đất nước sang kỷ nguyên mới là thống nhất, hòa bình, đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đứng trên bình diện quốc tế, chiến thắng này có ý nghĩa hết sức trọng đại. Bởi Mỹ là đế quốc hùng mạnh nhất thế kỷ XX. Cho đến ngày nay Mỹ vẫn là nước đầy sức mạnh, đặc biệt là sức mạnh quân sự và trong lịch sử của nước Mỹ, về cơ bản họ chưa bao giờ thua. Nhưng đến Việt Nam, Mỹ đã phải chấp nhận thất bại. Và nếu tính trong lịch sử, Việt Nam có quyền tự hào với thế giới là dân tộc Việt Nam đã rất nhiều lần trụ vững trước các cường quốc, những kẻ xâm lược hùng mạnh, từ phương Bắc đến phương Tây. Cho nên, với chiến thắng 30/4, sự thất bại của đế quốc Mỹ không phải chỉ là thất bại về mặt quân sự thuần túy. Chính cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert S. McNamara, người được coi là một trong những “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh Việt Nam sau này khi nghiên cứu lại đã tự nhận rằng người Mỹ đã không hiểu lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam, cho nên đã có những quyết định hết sức sai lầm.
Thắng lợi của Việt Nam còn là thắng lợi của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới và ngay tại nước Mỹ đã xuống đường phản đối chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam. Như cách nói của người Mỹ thì chiến tranh Việt Nam đã xảy ra trên nước Mỹ, và Mỹ đã thua ngay trên đất mình. Có được chiến thắng 30/4, cũng cần phải ghi nhận sự ủng hộ hết sức to lớn của các nước xã hội chủ nghĩa, mà tiêu biểu là Liên Xô, Trung Quốc và một số nước anh em khác. Nếu không có sự ủng hộ cả về tinh thần và vật chất to lớn ấy thì thắng lợi có thể giành được nhưng sẽ có sự hy sinh nhiều hơn.
Chiến thắng 30/4 tiếp tục khẳng định ý chí và sức mạnh bảo vệ độc lập dân tộc của người Việt Nam và như Lý Thường Kiệt đã từng khẳng định bên bờ sông Như Nguyệt trước kia: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/ Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/ Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư – nếu như kẻ nào xâm lược Việt Nam thì chắc chắn sẽ chuốc lấy thất bại. Đó là bài học lịch sử, ý nghĩa lớn nhất của sự kiện 30/4.
Ảnh: Tư liệu
– VT Vũ Quang Đạo: Đây là vấn đề của lịch sử. Một sự kiện lịch sử diễn ra thì không phải là công lao của riêng một cá nhân nào. Lịch sử là của nhân dân, nếu là lịch sử chiến tranh nhân dân thì đó là lịch sử của những người dân cầm vũ khí, lịch sử của những người giác ngộ trách nhiệm của mình đối với dân tộc. Trong quá trình đó, không phải một người có thể làm nên lịch sử, mà có rất nhiều người cùng tham gia một sự kiện. Tất nhiên, để đánh giá và ghi nhận đúng là một điều hết sức khó khăn. Thực tế cho thấy không ai có đủ khả năng để viết trung thực lịch sử ngay như nó vừa diễn ra. Chính vì vậy, khi sự kiện đã diễn ra rồi thì làm sao để ghi chép, phản ánh trung thực là trách nhiệm của những người nghiên cứu lịch sử nói riêng và nhân dân ta nói chung.
Không phải bao giờ chúng ta cũng có thể ghi nhận được tất cả mọi việc. Có những trường hợp hy sinh được biết đến, nhưng cũng nhiều trường hợp hy sinh hết sức thầm lặng, ngay tên trên bia mộ cũng không xác định được, nói gì đến vinh danh trước toàn thể dân tộc và thế giới. Do vậy, thời gian tới, cần tiếp tục làm rõ những vấn đề của lịch sử, để không có giọt máu nào đổ xuống mà không được ghi nhận, không có một công lao nào, dù là nhỏ nhất được phép lãng quên. Đó là yêu cầu khách quan của lịch sử. Nhưng để có thể làm được điều này cần có thời gian, phải có những điều kiện cần, điều kiện đủ. Cần có sự nhìn nhận một cách bình tâm, để xử lý và có cái nhìn đúng nhất về lịch sử.
– Có ý kiến cho rằng, hiện thế hệ trẻ ngày nay do không có ký ức chiến tranh, cũng không trải qua những ngày tháng khốc liệt của cuộc chiến nên ít cảm nhận được ý nghĩa to lớn của chiến thắng 30/4. Quan điểm của Viện trưởng về vấn đề này như thế nào?
– VT Vũ Quang Đạo: Thường về mặt tâm lý xã hội, người ta cho rằng, phải trải nghiệm qua thực tiễn thì mới có được sự trải nghiệm của chính mình và có như vậy thì mới có cảm nhận sâu sắc hơn. Điều này hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, muốn có được cảm nhận sâu sắc về chiến tranh mà phải gây chiến, đòi hỏi lớp thanh niên hiện nay phải trải qua chiến tranh là không nên và chúng ta cũng không bao giờ muốn bước vào chiến tranh một lần nữa. Quân sự, quốc phòng hiện nay với mục đích giữ gìn hòa bình lâu dài cho Tổ quốc, tạo nền tảng để xây dựng chũ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước giàu mạnh, chứ không nhằm gây chiến tranh. Đó là tính nhân văn của lịch sử quân sự nước ta.
Để có được ý thức, có được cảm nhận chiến tranh có rất nhiều con đường, một trong những con đường đó là thông qua phục dựng, nghiên cứu, phổ biến lịch sử; đồng thời, bản thân thanh niên cũng phải có ý thức, trách nhiệm đối với lịch sử thông qua học tập, tìm tòi, nghiên cứu để có cái nhìn đúng hơn về lịch sử nói chung và lịch sử chiến tranh nói riêng.
Mặt khác, đây cũng là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó có cả những cơ quan truyền thông. Bởi nếu không có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục về lịch sử thì dần dần vấn đề lịch sử sẽ trở thành xa lạ đối với thanh niên. Mà bất cứ ai, dù làm bất cứ việc gì, dù muốn hay không muốn thì đến lúc nào đó cũng đều buộc phải nhìn lại lịch sử. Vì vậy, những vấn đề của lịch sử trở thành nền tảng rất cơ bản của nhân cách một con người tạo nên bản sắc của dân tộc. Nếu ai đó coi thường lịch sử thì người đó sẽ không có tương lai. Do vậy, lớp thanh niên hiện nay hãy dành sự chú ý cần thiết, tùy theo công việc mà xem lại kiến thức lịch sử, để có cảm nhận đúng và sâu sắc hơn về những sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc và coi đó là hàng trang của chính mình khi bước vào cuộc sống.
– Và như vậy, đến thời điểm hiện nay, chiến thắng 30/4 vẫn chứa đựng nhiều giá trị quý báu, thưa Viện trưởng?
– VT Vũ Quang Đạo: Ý nghĩa của sự kiện 30/4 đối với đất nước ta hiện nay là nguồn cỗ vũ động viên cho đất nước, con người Việt Nam vững bước, tự tin trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần yêu nước đã làm nên chiến thắng và các thế hệ đi trước đã làm tròn sứ mệnh lịch sử đối với dân tộc, với đất nước. Vì vậy, thế hệ trẻ hiện nay, hãy bằng suy nghĩ và hành động cụ thể để chứng minh mình là người yêu nước, biến lòng yêu nước đó trở thành nhiệt huyết trong công việc, trong học tập và trong cuộc sống hàng ngày.
– Xin cám ơn Viện trưởng!
Hoa Lê thực hiện
daibieunhandan.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.