Tag Archive | Báo điện tử ĐCSVN

Các em sạch và ngoan thật!

Chuyện kể về Người

Đầu năm 1967, Bác Hồ về thăm tỉnh Thái Bình. Các em thiếu nhi xóm Dân Chủ hát vang bài “Giải phóng miền Nam” đón Bác. Bác hỏi:

– Các cháu có ngoan không?

– Thưa Bác có ạ! Các cháu cùng trả lời.

– Các cháu có vâng lời cha mẹ không?

– Thưa Bác có ạ!

Tiếp tục đọc

Advertisement

Lời kêu gọi Chính phủ và nhân dân Pháp (10-1-1947)

Chiến tranh đã bùng nổ, một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do chính sách võ lực và xâm lược của chủ nghĩa thực dân Pháp bắt chúng tôi phải chịu đựng.

Ông Bộ trưởng Mutê đã đến điều tra. Tiếc thay ông đã chẳng muốn gặp tôi. Vì thế ông đã trở về với một nhận định sai lầm về tình hình Việt Nam.

Người ta đã vu cho chúng tôi cố ý gây cuộc chiến tranh này. Điều đó hoàn toàn sai sự thực.

Tôi chỉ nhắc lại đây một vài việc: Chính phủ mới của chúng tôi thành lập sau khi tôi ở Pháp về, gọi là Chính phủ kiến quốc còn Chính phủ trước thì gọi là Chính phủ kháng chiến. Uỷ ban kháng chiến toàn quốc Việt Nam đã giải tán. Một chương trình kiến thiết kinh tế xây dựng các miền kiểu mẫu đã được ban hành. Chính tôi đã nhiều lần kêu gọi Chính phủ và Quốc hội Pháp để gây hoà bình và tin tưởng lẫn nhau. Phải chǎng đó là một cuộc gây chiến?

Quyết là không.

Một mặt khác, việc tiếp tục chiến sự ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ, sự cố tình trì hoãn phái các uỷ ban để thi hành Tạm ước, việc phong toả hải cảng Hải Phòng, việc chiếm đóng Hải Phòng và Lạng Sơn, sự tiếp viện quân cảm tử và lính lê dương tới Hà Nội và Đà Nẵng, những tối hậu thư liên tiếp, sự tàn sát thường dân ở Hà Nội, phải chǎng đó là những bằng cớ chứng tỏ ý muốn hoà bình của những người đại diện Pháp ở đất này?

Vả lại chúng tôi có những tài liệu rõ ràng mà chúng tôi rất tiếc không được gửi ông Bộ trưởng Mutê, nhưng chúng tôi sẽ công bố khi phải lúc. Lúc đó nhân dân Pháp và cả thế giới sẽ biết ai mới chính là những người phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh này.

Chúng tôi muốn gì?

Chúng tôi bao giờ cũng muốn cộng tác với dân tộc Pháp như anh em, trong hoà bình và tin tưởng lẫn nhau.

Chúng tôi bao giờ cũng muốn độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp.

Chúng tôi bao giờ cũng muốn kiến thiết lại nước chúng tôi với sự giúp đỡ của tư bản và các nhà chuyên môn Pháp để mưu lợi ích chung cho cả hai dân tộc.

Chúng tôi muốn hoà bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau.

Chúng tôi mong đợi ở Chính phủ và nhân dân Pháp một cử chỉ mang lại hoà bình. Nếu không, chúng tôi bắt buộc phải chiến đấu đến cùng để giải phóng hoàn toàn đất nước. Nước Việt Nam có thể bị tàn phá, nhưng nước Việt Nam sẽ lại hùng mạnh hơn sau cuộc tàn phá đó. Còn nước Pháp chắc chắn sẽ mất hết và sẽ biến hẳn khỏi cõi á châu.

Chúng tôi tha thiết mong rằng dân tộc Pháp bao giờ cũng chiến đấu cho tự do trên thế giới, sẽ hết sức tìm mọi cách để tránh một tình trạng không phương cứu chữa.

Ngày 10 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.26-27.
cpv.org.vn

Điện trả lời một nhà báo Mỹ (12-1-1947)

1- Hồ Chí Minh xin gửi tới nhân dân Mỹ vĩ đại tình hữu nghị tốt đẹp nhất của nhân dân Việt Nam và hy vọng nhân dân Mỹ sẽ ủng hộ Việt Nam đấu tranh giành độc lập.

2- Không có liên lạc từ bên ngoài. Vẫn hy vọng nhưng không biết Mỹ có thiện ý giúp Việt Nam giành độc lập hay không. Có muốn kêu gọi nước Mỹ, nhưng chưa biết làm cách nào.

3- Cuộc chiến sẽ tiếp diễn chừng nào Pháp chưa thừa nhận nền độc lập và thống nhất của nước Việt Nam.

4- Đúng. Chính phủ Việt Nam sẽ ở gần Hà Nội.

5- Pháp bắt đầu xâm lược bằng cuộc bao vây Hải Phòng, ngày 20-11, sau đó là những vụ khiêu khích hàng ngày và việc tǎng cường các lực lượng đồn trú.

6- Việt Nam hy vọng Mỹ sẽ giúp các dân tộc nhỏ giành độc lập như Tổng thống Rudơven đã thường nói.

7- Kể từ ngày 19-12, Pháp không hề có sự nỗ lực nào để đàm phán mà chỉ tǎng quân. Thậm chí ông Mutê không muốn gặp Hồ Chí Minh.

8- Việt Nam chưa có liên hệ gì với các phóng viên Mỹ.

9- Việc Pháp buộc tội quân Nhật Bản ở Việt Nam là để tuyên truyền. Không phải quân Trung Quốc, quân Anh, quân Pháp đã quét sạch quân Nhật khỏi Đông Dương. Điều chắc chắn là đội quân lê dương của Pháp ở đây chủ yếu gồm bọn phát xít.

10- Các phóng viên Mỹ có quốc tịch Mỹ sẽ được đón tiếp khi họ đến gặp các nhà chức trách Việt Nam.

11- Việt Nam thu được một máy bay của Pháp, nhưng nó không tốt lắm. Hy vọng Mỹ sẽ gửi giúp chúng tôi vài chiếc.

12- Việt Nam muốn giữ mối liên hệ với nước Mỹ.

Trả lời ngày 12-1-1947.

Tiếng Anh, bản gốc lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I,
bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

Thư gửi các lãnh tụ và nhân dân các nước (13-1-1947)

Các vị lãnh tụ và toàn thể nhân dân Trung Hoa, Diến Điện và toàn á Đông,

Nhân dân Pháp và các thuộc địa Pháp,

Các nhân sĩ dân chủ toàn thế giới,

Tôi thay mặt nhân dân Việt Nam trân trọng cảm ơn các vị đã lên tiếng ủng hộ chính nghĩa và tỏ đồng tình với cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam.

Việt Nam chỉ muốn hoà bình và độc lập, để cộng tác thân thiện với các dân tộc trên thế giới, trước là với dân tộc anh em á Đông và dân tộc Pháp.

Việt Nam chỉ giữ gìn chủ quyền, độc lập của mình, chứ không hề xâm phạm đến ai.

Thế mà thực dân Pháp bất nhân bội ước, đem tất cả lực lượng hung tàn của chúng, hòng tiêu diệt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Những thành thị như Hải Phòng, Hà Nội đã bị thực dân Pháp phá tan hoang. Mấy nghìn đàn bà, trẻ con Việt Nam đã bị tàu bay Pháp bắn chết.

Việt Nam là một bộ phận trong đại gia đình châu á. Vận mệnh Việt Nam rất mật thiết quan hệ với vận mệnh các dân tộc á châu. Thực dân Pháp muốn đè bẹp Việt Nam, tức là muốn phá hoại đại gia đình á châu của chúng ta.

Việt Nam là một bộ phận trong nền hoà bình chung toàn thế giới. Thực dân Pháp gây nên chiến tranh ở Việt Nam, tức là phá hoại thế giới hoà bình.

Vận mệnh nhân dân Pháp và các thuộc địa Pháp lại càng quan hệ với Việt Nam. Nếu để bọn thực dân kéo dài cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì chẳng những nhân dân Pháp bị chết người hại của thêm, mà địa vị nước Pháp sẽ trở nên cô độc và khối Liên hiệp Pháp cũng không còn. Nhân dân Angiêri, Tuynidi, Marốc, Mađagátxca, v.v., sẽ trông gương Việt Nam mà không ai tin Pháp nữa.

Vì Tổ quốc, vì tự do, nhân dân Việt Nam kiên quyết kháng chiến đến cùng. Vì nhân đạo, chính nghĩa, vì hoà bình chung và lợi ích chung, nhân dân Việt Nam mong các vị giúp đỡ mọi phương diện.

Một lần nữa tôi xin thay mặt toàn dân Việt Nam cảm ơn các vị đã tỏ tình thân ái.

Ngày 13 tháng 1 nǎm 1947

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.30-31.
cpv.org.vn

Gửi các vị lãnh tụ Diến Điện và á Đông (1947)

Nhân dịp ngày độc lập của dân tộc Diến Điện, thay mặt dân tộc Việt Nam và riêng tôi, tôi gửi dân tộc Diến Điện lời chúc mừng thân ái.

Tôi cũng nhân dịp đó gửi lời cảm ơn ông Aung San, các ông Nêru, Bôdơ, Ginnát và các vị lãnh tụ dân tộc châu á đã tỏ cảm tình với dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến đấu giải phóng đất nước.

Các dân tộc châu á có độc lập thì nền hoà bình thế giới mới thực hiện được. Mỹ đã công nhận nền độc lập của Phi Luật Tân. Anh đã hứa để ấn Độ được độc lập. Hai cường quốc ấy đã thi hành đúng Hiến chương Đại Tây Dương vì họ đã ký Hiến chương đó. Nhưng còn các cường quốc khác thì sao?

Vận mệnh dân tộc châu á quan hệ mật thiết với vận mệnh dân tộc Việt Nam. Vận mệnh các dân tộc thuộc địa Pháp cũng vậy.

Chúng tôi mong được tất cả các dân tộc giúp đỡ. Chúng tôi kiên quyết chiến đấu kỳ cho đến khi giải phóng hoàn toàn.

Chúng tôi thắng lợi, ấy là các bạn cũng thắng lợi.

Lời chào thân ái
HỒ CHÍ MINH

Tiếng Pháp, bản gốc lưu tại
Cục lưu trữ Trung ương Đảng,
bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

Lời kêu gọi đồng bào phá hoại để kháng chiến (16-1-1947)

Hỡi đồng bào yêu quý,

Vì sao ta phải kháng chiến?

Vì không kháng chiến, thì Pháp sẽ cướp nước ta lần nữa. Chúng sẽ bắt dân ta làm nô lệ lần nữa.

Chúng sẽ bắt dân ta đi phu đi lính, nộp thuế nộp sưu. Chúng sẽ giật hết quyền tự do độc lập của ta. Chúng sẽ cướp hết ruộng nương của cải ta. Chúng sẽ khủng bố chém giết anh em bà con ta. Chúng sẽ đốt phá nhà cửa đền chùa ta. Đồng bào thử xem Hà Nội, Hải Phòng thì rõ.

Vì ta không chịu làm trâu ngựa cho Pháp, vì ta phải giữ gìn non sông đất nước ta, cho nên ta phải đánh bọn thực dân Pháp.

Đánh thì phải phá hoại. Ta không phá thì Pháp cũng phá. Nếu ta không phá đường phá cống, lấp sông lấp ngòi, nếu ta không phá những nhà cửa kiên cố mà Pháp có thể dùng làm nơi cǎn cứ, thì Pháp sẽ đem tàu thuỷ xe tǎng đến đánh ta, và chúng sẽ đốt phá cướp bóc sạch trơn. Vì vậy, ta phải phá trước, cho Pháp không dùng được. Dù ta muốn để cống, để đường, để nhà mà dùng, cũng không dùng được, vì Pháp sẽ chiếm hết, phá hết.

Bây giờ ta phải phá đi, để chặn Pháp lại, không cho chúng tiến lên, không cho chúng lợi dụng.

Ta vì nước hy sinh, chịu khổ một lúc. Đến ngày kháng chiến thắng lợi, ta sẽ cùng nhau kiến thiết sửa sang lại, nào có khó gì.

Các chiến sĩ ở trước mặt trận hy sinh xương máu cho Tổ quốc, họ còn không tiếc. Không lẽ đồng bào ta lại tiếc một đoạn đường, một cái cống, hoặc một ngôi nhà, mà để bọn Pháp lợi dụng, đặng đánh Tổ quốc ta.

Đồng bào đều là người ái quốc, chắc không ai nỡ lòng như thế.

Vậy tôi thiết tha kêu gọi toàn thể đồng bào ở đây, mọi người đều ra sức giúp phá. Phá cho rộng, phá cho sâu, phá sao cho bọn Pháp không lợi dụng được. Một nhát cuốc của đồng bào, cũng như một viên đạn của chiến sĩ bắn vào quân địch vậy.

Tôi lại trân trọng hứa với đồng bào rằng: kháng chiến thắng lợi rồi, tôi sẽ ra sức cùng đồng bào sửa sang tu bổ lại hết. Chúng ta sẽ làm những đường sá, cầu cống khéo hơn, những nhà cửa tốt hơn, và xứng đáng một dân tộc tự do độc lập hơn.

Kháng chiến thắng lợi muôn nǎm!

Việt Nam độc lập muôn nǎm!

Viết ngày 16-1-1947.

Bản đánh máy của Chủ tịch Hồ Chí Minh
lưu tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia I,
bản chụp lưu tại Viện Hồ Chí Minh.
cpv.org.vn

 

 

 

Thư gửi Tổng thống nước Pháp Vanhxǎng Ôriôn (18-1-1947)

Kính gửi Tổng thống Vanhxǎng Ôriôn,

Thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam và riêng tôi, tôi xin nhiệt liệt gửi ngài lời chào mừng nhân dịp ngài được bầu lên giữ chức Tổng thống nước Pháp cộng hoà.

Nhân dịp này, tôi xin nói để ngài rõ là dân tộc Việt Nam chỉ mong được độc lập và thống nhất trong khối Liên hiệp Pháp. Tôi rất đau lòng trông thấy những người đáng lẽ là bạn bè anh em với nhau, mà nay phải tàn sát lẫn nhau.

Chúng ta có thể và chúng ta phải đi tới hoà bình để cứu sống cho bao thanh niên Pháp – Việt. Biết rõ lòng nhân ái và đức độ cao cả của ngài, tôi xin đề nghị cùng ngài lập lại ngay nền hoà bình để tránh cho hai nước chúng ta khỏi bị hao người thiệt của, và để gây lại sự cộng tác và tình thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta.

Kính chào thân ái
Ngày 18 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.33.
cpv.org.vn

Thư gửi Giám mục Lê Hữu Từ (23-1-1947)

Cụ Giám mục Lê Hữu Từ ,

Thưa cụ,

Đã lâu không được gặp cụ tôi nhớ lắm.

Từ ngày thực dân Pháp bội ước khai hấn, toàn thể đồng bào ta phải đồng tâm nhất trí, kháng chiến cứu quốc. Lần này cũng như những lần trước 6-3 và 14-9, tôi chắc cụ đã lấy địa vị công và tư, là Cố vấn của Chính phủ và là bạn thân của tôi, mà giải thích và kêu gọi đồng bào hǎng hái tham gia kháng chiến cứu quốc.

Vì công việc còn bận, tôi chưa có thể gặp cụ để trực tiếp cảm ơn cụ, tôi xin phái người thân tín là ông Huỳnh thay mặt tôi đến hỏi thǎm và chúc cụ mạnh khoẻ.

Nhờ cụ cầu Đức Chúa ban phúc cho Tổ quốc và xin cụ nhận lời chào thân ái của tôi.

Ngày 23 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Bản gốc bức thư lưu tại
Cục lưu trữ Trung ương Đảng.
cpv.org.vn

Thư chúc tết đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ (24-1-1947)

Nhân dịp Nguyên đán âm lịch, tôi thay mặt Chính phủ đặc biệt chúc đồng bào và chiến sĩ Nam Bộ nǎm mới.

Vì quyền thống nhất và độc lập của Tổ quốc, đồng bào và chiến sĩ đã hy sinh chiến đấu hơn một nǎm nay, mà từ nay vẫn kiên quyết hy sinh phấn đấu nữa. Sự trung thành dũng cảm đó sẽ đem Tổ quốc đến thắng lợi, và sẽ ghi những trang vẻ vang trong lịch sử nước nhà.

Vì yêu chuộng hoà bình, vì thật tâm muốn cộng tác với nhân dân Pháp, Chính phủ ta đã tìm hết cách dàn xếp với Pháp. Nhưng bọn thực dân phản động bội tín bất nhân, hòng dùng vũ lực để cướp nước ta một lần nữa. Chúng gây ra cuộc chiến tranh toàn quốc đã hơn một tháng nay.

Vì chủ quyền, vì Tổ quốc, toàn dân Việt Nam đã thề kiên quyết kháng chiến đến cùng, kháng chiến đến lúc lấy lại được thống nhất độc lập mới thôi. Chúng ta đã thề thà chết chứ không làm nô lệ.

Chúng ta đã phải trải qua những bước gay go cực khổ trong cuộc trường kỳ kháng chiến. Nhưng chúng ta chắc rằng thắng lợi cuối cùng sẽ về ta.

Nhân vì ở Nam Bộ còn có một số ít người bị thực dân Pháp tuyên truyền lừa gạt mà nghĩ lầm, cho nên nhân dịp này tôi muốn thêm mấy lời giải thích:

1. Bọn thực dân nói: Nếu ba kỳ thống nhất thì những người ái quốc sẽ khủng bố những người hiện nay sai lầm đi theo Pháp.

Tôi cả quyết cam đoan rằng Chính phủ và đồng bào ta sẽ hết sức khoan hồng đại độ. Chẳng những để cho những người đó cải quá tu tâm, quay về với Tổ quốc, mà lại sẵn sàng trọng dụng họ, nếu những người đó có tài nghệ. Một dân tộc đã tự cường, tự lập, dân chủ cộng hoà thì không làm những việc nhỏ nhen, báo thù báo oán.

2. Bọn thực dân nói: Nếu Việt Nam thống nhất thì người Nam sẽ bị người Bắc cai trị.

Đó là cái mưu của chúng hòng chia rẽ đồng bào ta. Ai cũng biết rằng: Trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, từ làng xã đến toàn quốc những người chức trách đều do dân cử ra. Dân tin cậy ai thì người ấy trúng cử và bổn phận những người trúng cử là làm đày tớ công cộng cho dân chứ không phải làm quan phát tài. Như thế thì đồng bào Nam có lo gì là bị đồng bào Bắc cai trị.

3. Bọn thực dân lại nói: Chính phủ ta là Chính phủ Việt Minh 3 . Đó lại là một câu nói nhầm. Trong Chính phủ có đủ những người các đảng phái, như Đảng Dân chủ, Đảng Xã hội 4 , Đảng Quốc dân, Đồng minh hội, lại có những người không thuộc đảng phái nào. 5 vị Bộ trưởng và Thứ trưởng là những người quê quán ở Nam Bộ. Thế thì sao lại nói là Chính phủ Việt Minh?

4. Sau hết chương trình nội chính của Chính phủ và quân dân ta chỉ có 3 điều mà thôi:

a) Tǎng gia sản xuất để làm cho dân ai cũng đủ mặc, đủ ǎn.

b) Mở mang giáo dục, để cho ai nấy cũng biết đọc biết viết.

c) Thực hành dân chủ để làm cho dân ai cũng được hưởng quyền dân chủ tự do.

Chính sách ngoại giao của Chính phủ thì chỉ có một điều tức là thân thiện với tất cả các nước dân chủ trên thế giới để giữ gìn hoà bình.

Sự thật là rất giản đơn như thế, mong đồng bào hiểu rõ, chớ mắc lừa bọn thực dân.

Lời chào thân ái
Ngày 24 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.34-35.
cpv.org.vn

Gửi Chính phủ Pháp đề nghị chấm dứt chiến tranh (25-1-1947)

Lúc này là lúc nước Pháp vừa ra khỏi thời kỳ tạm bợ, và sắp sửa bước vào giai đoạn tổ chức vững bền, nỗ lực kiến thiết, tôi xin nhân danh Chính phủ và nhân dân Việt Nam gửi lời chào mừng Chính phủ mới của nước Pháp.

Thời kỳ tạm bợ mà nước Pháp vừa qua, đã kéo dài nhiều quá, vì thế nước Pháp đã không ấn định được rõ rệt lập trường của mình trong vấn đề Việt – Pháp. Đó là nguyên nhân sâu xa của tình trạng bi thảm hiện tại. Tình trạng này, chúng tôi thiết nghĩ nguyên cớ ở sự đối lập giữa các nguyện vọng và quyền lợi thiết thực của hai dân tộc chúng ta thì ít, mà ở những sự hiểu nhầm do ít nhiều kẻ cố ý gây ra và duy trì thì nhiều. Vì vậy chúng tôi tha thiết mong rằng chính sách của nước Pháp mới đối với nước Việt Nam được ấn định rõ ràng ngay.

Chúng tôi cần trịnh trọng nhắc lại lập trường từ xưa đến nay không thay đổi của nước Việt Nam, có thể tóm tắt trong hai điểm chính sau đây:

1. Độc lập và thống nhất quốc gia trong khối Liên hiệp Pháp.

2. Cộng tác thân thiện với nước Pháp trên cǎn bản bình đẳng và tôn trọng những thoả hiệp tự do ký kết.

Chính sách “phản bội các thoả hiệp”, chính sách “việc đã rồi” và chính sách vũ lực mà các nhà đại diện Pháp ở Đông Dương vẫn áp dụng từ trước đến nay, đã bó buộc dân tộc Việt Nam phải võ trang tự vệ. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn mong ước hoà bình, một nền

hòa bình hợp công lý và xứng đáng đối với nước Pháp cũng như đối với nước Việt Nam. Chúng tôi rất than tiếc những sự đổ nát chồng chất và những dòng máu đã chảy.

Chúng tôi mong Chính phủ Pháp đình chỉ ngay cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn này và tin rằng dù có nhiều sự khó khǎn vẫn có thể giải quyết cơn khủng hoảng một cách hoà bình và hợp đạo công bằng.

Chúng tôi tin ở tương lai sự hợp tác thân thiện giữa hai dân tộc chúng ta, và mong đợi Chính phủ Pháp đáp lại lời kêu gọi mới này.

Ngày 25 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam,
1948, t.1, tr.36-37.
cpv.org.vn

Điện gửi ông Aung San, Phó Chủ tịch Chính phủ nước Diến Điện (27-1-1947)

Chúng tôi hết sức cảm động vì những cảm tình của ngài đối với dân tộc Việt Nam.

Thay mặt dân tộc và Chính phủ Việt Nam, và riêng tôi, tôi xin nhiệt liệt cảm ơn ngài về những việc ngài đã làm và sẽ làm để giúp cho sự tranh đấu giành tự do của nước Việt Nam.

Tôi xin gửi ngài lời chào thân ái.

Ngày 27 tháng 1 nǎm 1947
HỒ CHÍ MINH

Sách Lời Hồ Chủ tịch,
Nha Thông tin Việt Nam, 1948, t.1, tr.38.
cpv.org.vn

Bác Hồ với việc giáo dục thanh niên

(ĐCSVN) – Trong cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, Bác Hồ luôn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục thế hệ trẻ Việt Nam. Bác đã dành rất nhiều tâm huyết cho việc tổ chức, dẫn dắt các thế hệ thanh niên đến với cách mạng, tham gia vào quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ tổ quốc… 

Cuối năm 1924, sau khi tham dự Quốc tế Cộng sản từ Liên Xô về, Bác Hồ đã tới Quảng Châu (Trung Quốc), trực tiếp lựa chọn những thanh niên ưu tú trong tổ chức “Tâm tâm xã” và một số thanh niên có chí hướng và tinh thần cách mạng trong nước vừa vượt biên giới sang Trung Quốc, để mở các lớp huấn luyện chính trị, trang bị cho họ những bài học về kiến thức cách mạng, về chủ nghĩa Mác – Lê nin, về những phương pháp đấu tranh cách mạng; đào tạo họ trở thành những cán bộ cốt cán cho phong trào cách mạng trong nước sau này. Những thanh niên cách mạng ưu tú trên đồng thời đã là những hạt nhân để tiến tới việc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội, tiền thân của Đảng Cộng sản Việt nam sau này.

Luôn nhấn mạnh đến việc học tập, vấn đề cốt lõi để các thế hệ thanh niên trang bị cho mình sự hiểu biết, vốn kiến thức, một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo cho các thế hệ thanh niên có thể tham gia hoạt động cách mạng, phấn đấu cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; trong thời gian hoạt động bận rộn nhất trong những ngày chuẩn bị cho cao trào cách mạng trong nước, Bác Hồ vẫn dành thời gian chỉ đạo thành lập “Hội truyền bá Quốc ngữ” để tổ chức dạy học chữ quốc ngữ và tạo ra phong trào sâu rộng, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các thế hệ thanh thiếu niên tham gia học tập chữ quốc ngữ; nhờ đó giúp thế hệ trẻ nhanh chóng tiếp cận sách báo cách mạng, có đủ kiến thức để làm hành trang tham gia phong trào cách mạng và sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.

Đồng thời với việc nhấn mạnh đến vấn đề học tập của các thế hệ thanh, thiếu niên, Bác Hồ cũng đặc biệt chú trọng đến việc giáo dục đạo đức cách mạng cho họ. Theo Bác, bên cạnh việc có đủ trình độ, kiến thức để có thể tham gia cách mạng, tham gia xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thì thế hệ trẻ cũng không thể thiếu việc tu dưỡng và rèn luyện đạo đức cách mạng. Bởi nếu không có đạo đức cách mạng thì không thể trở thành người cách mạng chân chính, và không thể phục vụ tốt cho dân, cho nước. Trong bài phát biểu của mình tại Hội nghị Cán bộ toàn miền Bắc (tháng 9-1962), Bác đã nhấn mạnh: “Thanh niên cần phải luôn luôn rèn luyện đạo đức cách mạng” Người cũng chỉ rõ: “Đạo đức cách mạng có thể tóm tắt như sau: Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, với giai cấp”. Riêng đối với thanh niên, Bác dặn thêm: Phải không sợ khổ, không sợ khó, thực hiện đâu cần thanh niên có, việc khó có thanh niên, gặp gian khổ phải đi lên phía trước, khi hưởng thụ phải hưởng thụ sau mọi người.

Trong những năm miền Bắc nước ta bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, xây dựng hậu phương lớn, tất cả cho tiền tuyến miền Nam trong sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước, Bác Hồ càng nhấn mạnh đến việc giáo dục – đào tạo thế hệ trẻ, trang bị cho họ những kiến thức khoa học tiên tiến để trở thành chủ nhân của đất nước, giúp họ có thể làm chủ các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn đấu tranh mới. Căn dặn thanh niên cần vươn lên, làm chủ khoa học kỹ thuật để phục vụ tốt hơn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, Bác nhấn mạnh: “Nếu không chịu khó học tập thì không tiến bộ mà chỉ có thoái bộ. Xã hội ngày càng phát triển, công việc ngày càng phức tạp, máy móc ngày càng tinh xảo. Mình mà không chịu học tập thì sẽ bị lạc hậu, mà lạc hậu cũng chính là bị đào thải, tự mình đào thải mình”. Người viết thư căn dặn thế hệ trẻ “cần ra sức học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hoá, khoa học kỹ thuật và quân sự để có thể cống hiến ngày càng nhiều cho Tổ quốc, cho nhân dân”.

Thấm nhuần lời dạy của Bác, ngày nay hơn lúc nào hết, khi toàn Đảng toàn dân ta đang triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các thế hệ thanh thiếu niên cần ra sức rèn luyện, học tập nâng cao mọi mặt trình độ, kiến thức, làm chủ khoa học công nghệ, đặc biệt là trau dồi, tu dưỡng đạo đức cách mạng, trở thành những người “Vừa hồng vừa chuyên” như lời Bác dạy, để xứng đáng là những chủ nhân của đất nước trong thời kỳ mới.

Nguyên Lan

cpv.org.vn