Tag Archive | Báo Đất Việt

Bài báo cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng

Cách đây tròn mười năm, Báo Nhân Dân kỷ niệm 50 năm Ngày ra số đầu, tôi có dịp được gặp lão đồng chí Vũ Kỳ, nguyên thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được nghe kể những kỷ niệm về Người đối với Báo Nhân Dân. Chiều hôm ấy, mưa xuân như phủ lớp sương khói mờ ảo trên mọi phố phường Hà Nội.

Căn nhà ông mới được cấp ở phố Hoàng Cầu còn thơm mùi vôi, đồ đạc tuềnh toàng, chỉ có giá sách rất đầy đặn vây quanh phòng khách. Do đã hẹn trước, ông mở cửa đón tôi vui vẻ, niềm nở và rất đỗi chan hòa.

– Nào, bây giờ chúng ta nói chuyện về Bác Hồ với chủ đề gì?

– Thưa, xin bác vui lòng kể lại những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với việc rèn dạy Báo Nhân Dân? Tôi đặt câu hỏi.

Ông suy ngẫm một hồi lâu rồi nở nụ cười rạng rỡ, đôi mắt cũng cười theo.

– Báo Nhân Dân, báo Ðảng. Bác Hồ viết về xây dựng Ðảng trên Báo Nhân Dân nhé!

Ðúng quá rồi! Tôi nhẩm tính, từ khi Báo Nhân Dân ra số đầu, đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về cõi vĩnh hằng là quãng thời gian 18 năm. Người đã viết cho báo Ðảng 1.205 bài báo. Bài báo cuối cùng của Bác Hồ viết về xây dựng Ðảng là bài “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” đăng số báo ra ngày 3-2-1969. Ðó là bài báo thứ 1.204 mà Người viết cho Báo Nhân Dân.

Dừng ở bài báo này, đồng chí Vũ Kỳ kể: Trước ngày 3-2 năm ấy, Bác Hồ giao đồng chí Tố Hữu dự thảo cho Người một bài báo nói về chống chủ nghĩa cá nhân, đề cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Bài báo viết xong, Bác Hồ cho gọi đồng chí Tố Hữu đến để xem lại bài Bác đã sửa chữa. Ðồng chí Vũ Kỳ cũng được Bác cho cùng dự. Nhìn thấy bài được sửa chữa, đồng chí Tố Hữu nói:

– Thưa Bác, Bác đã chữa hết cho cháu rồi.

– Không, phần nói về đạo đức cách mạng của chú, Bác vẫn giữ nguyên đấy chứ!

Ðồng chí Tố Hữu đưa mắt nhìn đồng chí Vũ Kỳ rồi thưa:

– Phần lớn cán bộ, đảng viên đều nêu cao đạo đức cách mạng, số người mang nặng chủ nghĩa cá nhân chỉ là thiểu số! Do vậy xin Bác cho sửa tít của bài báo thành “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” thay vì: “Quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng”. Bác Hồ trầm ngâm suy nghĩ và nói:

– Các chú nói có lý nhưng chưa hợp lý. Vợ chồng chú Kỳ tằn tiện sắm được bộ bàn ghế mới. Trước khi kê nó vào nhà thì phải quét sạch nhà cửa đã. Ý kiến của hai chú là đa số, Bác đồng ý về tên bài báo. Nhưng nội dung của bài báo Bác vẫn giữ nguyên ý kiến: “Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nêu cao đạo đức cách mạng”.

Thế đã rõ thái độ kiên quyết như thế nào của Bác Hồ đối với chủ nghĩa cá nhân. Ðồng chí Vũ Kỳ còn cho biết, bài báo viết xong, Bác bảo cho đánh máy thành nhiều bản để gửi cho từng đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị sửa trực tiếp vào bản thảo và trả ngay trong ngày. Ðến chiều, Bác hỏi:

– Chú Kỳ cho biết ai là người sửa nhiều nhất?

– Thưa Bác, đồng chí Trường Chinh sửa nhiều nhất.

– Vậy chú lấy bản sửa của đồng chí Trường Chinh làm bản chính để tiếp thụ ý kiến của tất cả các đồng chí trong Bộ Chính trị.

Ðó là phong cách làm việc dân chủ, tôn trọng ý kiến mọi người của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhưng theo tôi, còn một hàm ý nữa, thông qua việc lấy ý kiến đóng góp vào bài báo, Người muốn những đồng chí, những cộng sự của Người cùng suy nghĩ và hành động cho nhiệm vụ thật nặng nề “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” mà Người là biểu tượng rực rỡ của đức tính cao thượng ấy.

43 mùa Xuân đã trôi qua kể từ khi bài báo ra đời, hôm nay chúng ta cùng đọc lại những câu, những chữ Người viết về chủ nghĩa cá nhân và những biểu hiện tệ hại của nó, càng suy ngẫm càng thấm thía. Bác viết: “… còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém.

Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”.

Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ.

Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Ðảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân…”.

Trong bài báo đó, Người căn dặn để cán bộ, đảng viên xứng đáng với lời khen chân thành của nhân dân “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, Ðảng ta phải tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng, “phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Ðảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên”. Ðúng là trong Ðảng phải nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình thì mới mở đường cho quần chúng nhân dân thật thà phê bình cán bộ, đảng viên.

Những tháng, ngày của năm 1969, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ngày càng gian khổ, ác liệt, bệnh của Người ngày một nặng thêm nhưng Bác Hồ vẫn dành những lời căn dặn chân thành, tha thiết nhất cho mỗi cán bộ, đảng viên chúng ta. Bởi vì Người đã biết rõ, chủ nghĩa cá nhân với những biểu hiện đã nêu là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.

Mùa Xuân này, một mặt tập trung lãnh đạo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, mặt khác, Ðảng ta triển khai thực hiện cuộc đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Chúng ta học lại bài báo để tìm thấy ở đó nguồn năng lượng mới, nguồn sáng mới để tiếp tục xây dựng Ðảng ta ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới.

Theo Phạm Đạo/Nhân dân

baodatviet.vn

Advertisement

Bác Hồ trong lòng bà con kiều bào

Các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của Bác ngày càng thu hút sự tham gia của nhiều thế hệ kiều bào. Đây chính dịp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc ở xứ người.

Xúc động và tự hào

Ông Vũ Khắc Lộc, kiều bào Thái Lan, tự hào kể: “Bà con người Việt ở làng Na Choọc (tỉnh Nakhon Phanom) tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác lớn lắm. Mọi người cùng đến dâng hương tại tượng đài Hồ Chí Minh, nghe kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác và xem những tấm hình còn lưu lại”. Làng Na Choọc là nơi Bác từng sống và hoạt động cách mạng thời kỳ 1928 – 1929 với bí danh Thầu Chín. Cũng theo ông Lộc, vào những ngày kỷ niệm,  kiều bào ở khắp Thái Lan lại nô nức về đây, đem theo những món đồ sưu tập được như nón lá, nồi đồng, quần áo, đồ thủ công mỹ nghệ… đến trưng bày, góp phần dựng nên một góc Việt Nam thu nhỏ.

Ông Lộc năm nay đã 83 tuổi nhưng vẫn nhớ nhiều bài hát về Bác. Được về thăm quê đúng vào dịp sinh nhật Bác, ông vô cùng xúc động và hứng khởi hát vang bài Đôi dép Bác Hồ.

Kiều bào trẻ về nước tham dự cuộc thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2008.
Ảnh: Thu Ngà

Lắng nghe câu chuyện của người bạn ở Thái Lan, ông Lê Cảnh Sắc, hiện sống tại Lào, hào hứng kể, người Việt ở làng Siêng Phan, tỉnh Khăm Muộn cũng tổ chức kỷ niệm sinh nhật Bác lớn không kém. Cứ đến ngày 19/5, bà con lại tụ họp, cùng nhau tham dự lễ dâng hương, tưởng nhớ Người. Sau đó, mọi người cùng hát những bài ca về Bác, về cách mạng Việt Nam, về một thời kỳ gian lao nhưng đầy hào hùng của dân tộc.

Ở nước Pháp xa xôi, ông Hình Thại Thanh, hiện sống tại Paris, cho biết, mỗi dịp sinh nhật Bác, bà con kiều bào lại đến bảo tàng Montreuil, thuộc tỉnh Seine Saint Denis, phía Đông Paris, dâng hương dưới tượng đài Người. Nơi đây có một khu trưng bày mang tên Không gian Hồ Chí Minh, lưu giữ những kỷ vật của Bác trong thời gian sống và làm việc tại số 9, ngõ Compoint, thời kỳ 1921 – 1923.

Khắc sâu hình ảnh Bác trong trái tim thế hệ trẻ

Từng tham gia tiếp tế cho sứ quán Việt Nam tại Lào trong thời kỳ chiến tranh, bà Lê Bích Thúy, hiện sống ở Vientian vẫn ngày ngày sưu tầm những tranh ảnh, sách và tài liệu về Bác Hồ cho con cháu. Đó là những quyển sách kể  lại hành trình của Bác bôn ba đến các nước, các thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ của dân tộc Việt Nam được minh họa bằng nhiều hình ảnh tư liệu rất quý giá. Mỗi lần có dịp về Việt Nam, bà lại đi tìm các tư liệu mới làm phong phú thêm thư viện của gia đình.

Bà Thúy cho biết, Hội Người Việt Nam tại Lào cũng tổ chức nhiều chương trình cho các em học sinh như học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh, phong trào thi đua kỷ niệm sinh nhật Bác, kỷ niệm Quốc khánh 2/9… Bà hào hứng khoe: “Năm ngoái, cháu nội tôi cũng giành giải thưởng trong cuộc thi vẽ tranh cụ Hồ đấy. Nét vẽ của trẻ con rất đáng yêu”.

Cũng theo bà Thúy, Hội Người Việt Nam tại Lào đang tổ chức chương trình học về Bác Hồ, lịch sử Việt Nam cho con em người Việt sinh sống tại Vientian. Cùng với nhà trường, các gia đình còn tự tìm hiểu và bổ túc cho con em mình.

Ở Paris, ông Hình Thại Thanh cho hay, Hội Người Việt Nam tại đây có tổ chức dạy tiếng Việt cho con em, trong đó có dạy về Bác và lịch sử Việt Nam. Cứ mỗi thứ bảy, chủ nhật, thanh thiếu niên người Việt lại đến học tiếng và tìm hiểu về các thời kỳ lịch sử, văn hóa của đất nước.

Nhằm bồi dưỡng thêm kiến thức cho con, vợ chồng ông Thanh thường xuyên mua sách và tài liệu về văn hóa, lịch sử của Việt Nam bày trong tủ sách gia đình. Ông Thanh cho rằng, sống ở nước ngoài, môi trường sống và điều kiện học tập, sinh hoạt khác hẳn với quê nhà, vì vậy bên cạnh những hoạt động của sứ quán và Hội Người Việt tổ chức, những người làm cha, làm mẹ cần kiên trì và khéo léo để duy trì việc giáo dục truyền thống yêu nước cho con cháu.

Việt Anh

baodatviet.vn

Lời tri ân của những người con đất Việt với Bác

Năm 2009 nhân kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Hồ Chủ tịch, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình nghệ thuật “Hồ Chí Minh – cả một đời vì nước vì dân”, tại Quảng trường Ba Đình.

Phát biểu tại chương trình, ông Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người Việt Nam đầu tiên vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin gắn chặt với thực tiễn nước ta. Người đã sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam thành đội tiên phong bản lĩnh, trí tuệ, dày dạn kinh nghiệm của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”.

Chương trình là lời tri ân của những người con đất Việt với Người. ẢNh minh họa.

Là nhà chiến lược thiên tài, Hồ Chủ tịch đã cùng Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những cống hiến đặc sắc của Người về lý luận cách mạng giải phóng dân tộc đã góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa trong thế kỷ XX và ngày nay còn nguyên giá trị đối với cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập, dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Theo TTXVN

baodatviet.vn

Nguồn: YouTube.com

Di chúc của bậc đại trí, đại nhân, đại dũng

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử quý báu, một tài sản vô giá. Đây là sản phẩm kết tụ tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của vị Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hoá kiệt xuất Hồ Chí Minh – bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.

Những nhận định trên đây được đưa ra tại Hội thảo kỷ niệm 40 năm thực hiệnDi chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, do Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức, hôm 25/8. Trên 30 tham luận được gửi tới và trình bày tại Hội thảo, đã tập trung làm rõ tầm vóc lịch sử và giá trị to lớn của bản Di chúc. Đồng thời, nêu bật những kết quả đã đạt được và những bài học kinh nghiệm qua 40 năm thực hiện Di chúc của Người.

Tài sản vô giá

Mang tới hội thảo bài tham luận phân tích giá trị nhân văn cao cả của bản Di chúc, Phó giáo sư Hoàng Trang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, đánh giá: “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng. Di chúc kết tinh cả tinh hoa tư tưởng, đạo đức và tâm hồn cao đẹp của một vĩ nhân hiếm có, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc và nhân loại. Sinh thời, Chủ tịch Hồ chí Minh đã sống với triết lý nhân văn với lòng khoan dung độ lượng và triết lý đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Bởi vậy, khi viết Di chúc, Người vẫn quên mình, không đòi hỏi gì cho mình mà chỉ nghĩ và lo cho con người, cho nhân dân, cho phong trào cách mạng thế giới”.

Vào lăng viếng Bác. Ảnh: Trung Kiên.

Khẳng định trong toàn bộ Di sản tư tưởng lý luận của Hồ Chí Minh, Di chúc hiện là tác phẩm được quan tâm nhiều nhất, Phó giáo sư Nguyễn Khánh Bật, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, cho rằng, những ai quan tâm đến Hồ Chí Minh, quan tâm đến Việt Nam đều không thể không đọc và không tìm hiểu bản Di chúc lịch sử. Bởi lẽ, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự hội tụ trí tuệ, truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành một tài sản vô giá.

“Mãi soi sáng đường chúng ta đi”

Theo Giáo sư Phùng Hữu Phú, Phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương, thời gian càng lùi xa, suy ngẫm những lời dặn lại đồng chí, đồng bào trước lúc đi xa của Bác Hồ, đối chiếu với những gì đã và đang diễn ra trong hiện thực đời sống đất nước, thế giới…,càng cảm nhận sâu sắc và thấm thía khôn cùng tầm cao tư tưởng, tầm tổng kết, dự báo, định hướng thiên tài trong Di chúc của Bác. Bốn mươi năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn. “Chúng ta kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ trong bối cảnh đất nước sau hơn 20 năm đổi mới đang trên đà phát triển, đồng thời đang phải đối mặt với những khó khăn, thách thức gay gắt trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế toàn cầu. Chưa bao giờ những lời căn dặn, đúc kết, tiên liệu của Bác Hồ lại thấm thía, sâu sắc, thiết thực đối với chúng ta như trong những ngày tháng này”, Giáo sư Phùng Hữu Phú nhận định.

Phó giáo sư Trương Thị Thông, Phó giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, phân tích: “Những điều căn dặn, những ước nguyện và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Di chúc thật giản dị, sát thực và thiêng liêng. Chính vì vậy, bản Di chúc của Người trở thành một tác phẩm bất hủ, còn chính Người trở thành nhà tư tưởng lớn của mọi thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh, Di chúc Hồ Chí Minh sẽ sống mãi trong tâm hồn, trí tuệ dân tộc Việt Nam và sự trân trọng, kính phục của nhân dân thế giới. Bản Di chúc mãi mãi soi sáng đường chúng ta đi”.

Trần Ngọc Trung

baodatviet.vn

Chuyện về 50 đồng Bác tặng một làng nghề

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, song lão nghệ nhân Nguyễn Văn Nắng vẫn còn nhớ như in câu chuyện cách đây nửa thế kỷ: Bác Hồ tặng Tổ hợp thủ công mỹ nghệ Việt Tiến 50 đồng làm vốn, với mong muốn khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan Ngọc Động.

Trước năm 1945, vùng quê chiêm trũng Ngọc Động, xã Hoàng Đông, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, rất nghèo. Trai tráng bỏ làng ra đi tha hương cầu thực khắp nơi. Hồi đó, cụ Binh Cổng và cụ Nguyễn Văn Nhẫn khăn gói ra tận Từ Sơn, Bắc Ninh, để học nghề mộc và đan lát thủ công mỹ nghệ.

Nuối tiếc vì không được gặp Bác 

Học xong, hai cụ về quê, truyền nghề cho dân trong làng. Dần dà, nghề mây tre đan ở Ngọc Động được mở rộng. Đến năm 1950, cụ Nắng và một số người đứng ra vận động các hộ trong thôn góp vốn thành lập Tổ hợp thủ công mỹ nghệ Việt Tiến. Sau đó, Tổ hợp đổi tên thành Hợp tác xã Việt Tiến.

Ông Nguyễn Văn Phú, con trai cụ Nẵng, luôn tự hào mỗi khi nói về chuyện 50 đồng vốn của Bác Hồ tặng.

Trước dịp kỷ niệm 13 năm Cách mạng Tháng Tám thành công (19/8/1958), chi bộ Hợp tác xã tổ chức họp và quyết định cử những người có tay nghề cao thiết kế, sản xuất chiếc ghế tựa (ngồi làm việc) và chiếc ghế đu (nằm thư giãn khi mệt), để tặng Bác Hồ. Cặp ghế làm xong, Chi bộ cử đoàn công tác vận chuyển ra Hà Nội, sau đó thuê xe chở về Phủ Chủ Tịch. “Tuy nhiên, vì lúc đó Bác bận việc nước nên cả đoàn không gặp được Bác. Sau đó, hai chiếc ghế được gửi cho các đồng chí cần vụ chuyển lên Phủ Chủ tịch để tặng Bác, rồi chúng tôi ra về”, cụ Nắng nuối tiếc.

Đúng vào dịp Ngày Tết Độc Lập, ngày 2/9/1958, Hợp tác xã Việt Tiến nhận được giấy báo của bưu điện với nội dung Bác Hồ gửi tặng Hợp tác xã 50 đồng, kèm theo một bức thư. Trong thư, Bác viết: “Bác đã nhận được quà của các chú. Bác trích tiền tiết kiệm của Bác dành dụm được tặng các chú 50 đồng làm vốn, để các chú khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống mây tre đan ở địa phương…”.

Đi lên nhờ 50 đồng vốn của Bác Hồ

Nhận tiền và đọc thư Bác, tất cả các xã viên Hợp tác xã Việt Tiến đều cảm động và vui mừng khôn xiết. Cụ Nắng xúc động nhớ lại: “50 đồng vốn Bác tặng là một món quà vô cùng có ý nghĩa, là nguồn động viên tinh thần lớn lao đối với toàn thể xã viên. Chi bộ quyết định đầu tư ngay số vốn này cho sản xuất…”

Ông Nguyễn Văn Phú, con trai cả cụ Nắng, từng là Chủ nhiệm Hợp tác xã Việt Tiến, cho biết, giai đoạn 1989 – 1991, làng nghề Ngọc Động gặp rất nhiều khó khăn. Sản phẩm ứ đọng, một số tổ hợp nhỏ lẻ giải thể. Trước tình hình này, các nghệ nhân cao niên đã thường xuyên đến từng hộ động viên, khơi dậy sự tự hào về những đồng vốn mà Bác Hồ đã tặng trước đây. Nhờ vậy, các xã viên đã ý thức được rằng, bỏ nghề đồng nghĩa với việc tiêu hết tiền vốn của Bác, là không xứng với tổ tiên. Bởi vậy, ngọn lửa say mê, nhiệt huyết với nghề đã được thắp sáng trong lòng người dân Ngọc Động. Họ lại tiếp tục làm nghề, sống chết với nghề.

Kể từ đó đến nay, Ngọc Động không ngừng đi lên. Hiện tại, Hợp tác xã có hơn 600 hộ xã viên, sản xuất hơn 200 mặt hàng mây tre đan, xuất khẩu đến 12 nước trên thế giới. Hơn 1.100 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định, bình quân 8,5 triệu đồng mỗi người một năm.

Hạc Thành

baodatviet.vn

‘Học Bác thì phải làm theo Bác’

“Học Bác đã quan trọng, làm theo Bác càng quan trọng hơn. Càng là cán bộ lãnh đạo thì càng phải làm theo để làm gương cho cấp dưới”, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tổ chức Trung ương mở đầu cuộc trò chuyện với Đất Việt.

80 tuổi, gần 50 năm làm công tác cán bộ của Đảng, ông Nguyễn Đình Hương tâm sự: “Có rất nhiều điều mà chúng ta phải học tập Bác. Riêng tôi, là một đảng viên, tôi thấm thía nhất ba bài học lớn: đoàn kết, thương yêu nhau trong nội bộ Đảng, giữ gìn đạo đức cách mạng và phải biết dựa vào dân, thực sự là đầy tớ của dân”. Hằng năm, cứ đến ngày 21/7 âm lịch, ngày giỗ Bác, ông lại cùng bạn bè cùng thời đến thắp hương cho Người rồi lại cùng nhau ngồi hàn huyên những kỷ niệm về Người, bài học của Người.

– Thưa ông, vì sao bài học giữ gìn sự đoàn kết, thương yêu nhau trong nội bộ Đảng lại khiến ông tâm đắc?

– Dưới sự lãnh đạo của Đảng, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Chúng ta đã đánh và thắng bao nhiêu kẻ thù hùng mạnh, nếu không đoàn kết, liệu có thắng được không? Trong Di chúc, Bác đã nói: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết –  Thành công, thành công, đại thành công”. Điều mà Bác quan tâm trước hết là đoàn kết trong nội bộ Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, trong Bộ Chính trị.

Tôi được gần gũi nhiều với anh Vũ Kỳ, thư ký của Bác. Có lần, anh Kỳ kể với tôi là cứ chiều thứ bảy hằng tuần, Bác lại mời cơm các anh trong Bộ chính trị. Nhưng Bác mời cơm không phải là đến để bàn thời cuộc, bàn công việc. Mục đích của Bác là sau một tuần làm việc, các anh ấy gần gũi nhau, có gì mắc mứu thì thông cảm, chia sẻ với nhau. Câu chuyện chỉ như vậy, nhưng có thể thấy Bác quan tâm từng ly từng tý tới sự đoàn kết trong nội bộ Đảng, mà Bác là tấm gương, là trung tâm. Không phải ngẫu nhiên mà trong di chúc, Bác lại nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.

Bác Hồ tại nhà sàn Việt Bắc năm 1947. (Ảnh tư liệu).

– Nếu không có tình đồng chí thương yêu nhau thì cũng không thể có đoàn kết, thưa ông?

– Đúng. Bây giờ tôi với anh không thương yêu nhau thì làm gì có đoàn kết, bao dung, tha thứ. Anh có hoàn cảnh của anh, tôi có hoàn cảnh của tôi. “Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần”. Trong cuộc đời cách mạng, đâu phải ai cũng sáng suốt mà không mắc sai lầm nào. Tôi thấy trong hai cuộc kháng chiến, tình đồng chí thật trong sáng, chia nhau từng điếu thuốc, từng bát cơm, thương yêu nhau lắm. Còn bây giờ điều kiện vật chất khá hơn nhưng tình đồng chí lại không được như trước.

–  Ông nghĩ thế nào vầ câu Bác Hồ đã viết trong Di chúc: “Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”?

– Có một lần, anh Tố Hữu kể với tôi, trong một lúc thư giãn, một cán bộ cấp cao hỏi Bác: “Thưa Bác, bây giờ Bác sợ cái gì nhất?”. Bác Hồ bảo: “Chú hỏi câu đó, thì Bác trả lời chú là, đế quốc Mỹ Bác không sợ, không sợ ai hết. Điều làm Bác sợ là các chú mất đoàn kết”.

Cho nên, Bác nhắc tới sự đoàn kết và phải có tình đồng chí thương yêu nhau trong di chúc là như thế. Vì để đoàn kết được là không đơn giản. Anh có chức có quyền, anh có nhà lầu xe hơi, còn anh lại chẳng có gì, thì ngồi với nhau, thống nhất với nhau khó lắm. Đó là chưa kể đến chuyện anh hống hách, quan liêu, coi thường ý kiến của người khác. 

Ông Nguyễn Đình Hương. Ảnh: Như Ý.

– Vậy còn bài học về đạo đức cách mạng?

– Bác Hồ đã nói rồi, Đảng ta là Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Bây giờ, nếu xem xét tiêu chuẩn một bộ trưởng, một bí thư, chúng ta không nên nói chung chung là có đức có tài, mà phải xem là họ có thật sự cần kiệm liêm chính hay chưa, thật sự chí công vô tư hay chưa.

Tôi còn nhớ một câu chuyện, có một cán bộ cấp cao làm một cái nhà rất to. Khi đến tai Bác, Bác rất nhẹ nhàng chứ không phê phán gì. Bác mời cơm vị cán bộ này và trong bữa cơm, Bác chỉ nói đúng một câu: “Người dân người ta khổ hơn mình, mà nghe nói chú làm cái nhà to lắm”. Chỉ một câu như thế mà vị cán bộ này về trả nhà ngay. Cứ so sánh với bây giờ mà tôi thấy băn khoăn quá. Nhiều cán bộ, đảng viên mua biệt thự, sắm xe hơi hàng tỷ đồng, nhiều người còn có mấy cái nhà lầu, ba bốn xe ô tô. Nếu chỉ với đồng lương nhà nước, liệu họ có thể mua được những thứ đó?.

Bác Hồ vẫn luôn căn dặn cán bộ, đảng viên phải xứng đáng là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Tư tưởng của Bác về vấn đề này là rất sâu sắc. Khi Đảng có những sai lầm, thậm chí là sai lầm nghiêm trọng, Bác gọi mấy anh lãnh đạo đến và bảo: “Bây giờ các chú phải về xin lỗi dân. Nếu dân tha thứ cho thì không sợ. Nước yên thì thuyền yên”. Còn như hiện nay, tôi thấy nhiều cán bộ, đảng viên không xứng đáng là đầy tớ của dân. Trong khi đời sống của người dân còn không ít khó khăn, mà “đầy tớ” cứ chiều chiều lại đi chơi tennis, đánh golf, xông hơi, xe đưa rước…

– Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh qua hai năm thực hiện đã thu được kết quả bước đầu. Ông có đề xuất gì vào việc tiếp tục thực hiện để góp phần đẩy lùi những suy thoái, tiêu cực trong một số cán bộ, đảng viên và để họ thực sự là đầy tớ của dân như lời Bác dạy?

– Tôi cho rằng, học Bác đã khó, làm theo Bác càng khó hơn. Quan trọng nhất vẫn là làm theo Bác. Càng là cán bộ cấp cao càng phải làm theo để làm gương cho cấp dưới, cho đảng viên. Phải nói thực là hiện nay vẫn còn không ít cán bộ, đảng viên học Bác nhưng lại không làm theo Bác. Biểu hiện rõ nhất là họ chưa đoàn kết, chưa thương yêu nhau, không giữ gìn đạo đức cách mạng và không thực sự là đầy tớ của dân. Đó là điều rất đáng buồn.

Vì thế, tôi nghĩ, để cuộc đấu tranh giữa tích cực và tiêu cực, giữa trung thực và cơ hội, giữa cái thẳng thắn với xun xoe xu nịnh trong Đảng đạt kết quả, chúng ta càng cần đẩy mạnh cuộc vận động. Phải học tập và làm theo một cách thực chất, chứ không phải là hình thức. Chỉ có thực chất, Đảng mới trong sạch, vững mạnh, mới không còn những người cơ hội, lợi dụng chức quyền để vun vén cá nhân.

– Xin trân trọng cảm ơn ông!

Lê Vỵ – Ngọc Trung (thực hiện)

baodatviet.vn

Tài chiêu hiền đãi sĩ của Bác Hồ

Nhân cách và ứng xử của Bác Hồ không chỉ thu hút trí thức kiều bào về nước xây dựng quê hương mà còn động viên họ một lòng một dạ phụng sự Tổ quốc.

>> Ba lần được gặp Bác Hồ
>> Chuyện pho tượng đồng Bác Hồ đầu tiên ở Thanh Hoá

Cách sử dụng nhân tài của Bác Hồ là một bài học sâu sắc đối với những người và cơ quan quản lý sử dụng cán bộ, công chức trong hiện tại và cả tương lai. Nhân kỷ niệm 119 năm ngày sinh nhật Bác, Đất Việt xin giới thiệu bài viết của giáo sư Nguyễn Hoa Thịnh về vấn đề này.

‘‘Dụng nhân như dụng mộc”

Những ngày đầu cách mạng, Bác đã mời về nước nhiều trí thức Việt Nam ở nước ngoài. Họ có chung ba đặc điểm: yêu nước kiên trung, có kiến thức uyên thâm và có cống hiến đích thực, đã được kiểm nghiệm qua thực tế.

Thế hệ trí thức Việt Nam đầu tiên sau Cách mạng Tháng tám được lịch sử ghi nhận như Vũ Đình Hoè, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng… đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài, trở về nước góp sức xây dựng đất nước.

Cách sử dụng nhân tài của Bác là một kinh nghiệm luôn mới đối với thực tế hiện nay. Có người Bác mời về nước làm việc ngay, nhưng cũng có người Bác chờ họ học tiếp rồi mới mời về.

Nhân cách của Hồ Chủ tịch luôn là tấm gương sáng để các thế hệ noi theo.

Bác cũng dành những công việc phù hợp cho từng “hiền sĩ”. Người giao cho giáo sư Tạ Quang Bửu nhiều trọng trách ở Bộ Quốc phòng và trong Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, giáo sư Trần Đại Nghĩa phụ trách ngành quân giới Việt Nam và nhiều trọng trách khác, giáo sư Nguyễn Văn Huyên phụ trách ngành giáo dục, giáo sư Tôn Thất Tùng, Hồ Đắc Di… thì tiếp tục cống hiến và dìu dắt các thế hệ ngành y phục vụ kháng chiến, kiến quốc.Nếu nhân cách của Bác thu hút các học giả thời bấy giờ về đóng góp cho quê hương một cách tự nguyện thì cách hành xử và tri thức của Người khiến họ một dạ dốc tâm dốc sức cho Tổ quốc. Và thực tế, sự phát triển rất nhanh chóng về mọi mặt của đất nước những ngày đầu giành độc lập sau hàng thế kỷ bị nô lệ là một bằng chứng sống động về tài “chiêu hiền đãi sĩ” của Người.

Tôi nhớ một câu nói về Bác, đại ý, ở Nguyễn Ái Quốc toả ra ánh sáng của một nền văn hoá, không phải của châu Âu mà có lẽ là nền văn hoá của tương lai. “Con mắt tương lai” của Hồ Chủ tịch khiến chúng ta nể phục.

Dõi vào thực tế hiện nay, đâu đó vẫn còn tồn tại cách đánh giá người tài theohệ thống “chức quyền”. Trong khi đó, người trí thức muốn cống hiến phải dành toàn tâm, toàn sức và thời gian cho nghiên cứu, không thể phân tâm làm những công việc hành chính. Vì lẽ đó, vô hình trung, những người làm khoa học thường có vị trí không cao trong xã hội.

Bác Hồ đã nói: “Dụng nhân như dụng mộc”, dùng người như dùng gỗ, gỗ tốt phải làm đồ quý. Những người trí thức theo Bác về xây dựng đất nước trong những buổi đầu đã nổi danh về tài, trí, hơn thế là lòng yêu nước sắt son. Chính Bác và dân tộc khi đó đã thổi vào lòng họ những tình cảm và sự trân trọng vô song với đất nước, làm bùng lên khát khao cống hiến cho nước nhà. Đối với các nhà khoa học, vốn là những tinh hoa của khoa học thế giới chứ không riêng gì Việt Nam, “đồng lương” tinh thần ấy có giá trị gấp nhiều lần ưu đãi về vật chất.

Cơ hội cũng là thách thức với nhà khoa học trẻ

Giáo sư Nguyễn Hoa Thịnh.

Các nhà khoa học thời chúng tôi, có thể nói, có nhiều thuận lợi hơn bây giờ. Chúng tôi được bao cấp hoàn toàn khi đi học và không phải lo nghĩ về chuyện xin việc khi học xong, vì đã có Nhà nước phân công công tác. Tuy vậy, chúng tôi không bao giờ thoả mãn học đến đâu là đủ.Hiện, như chúng ta đã biết, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp. Nếu trước kia, từ lúc có phát minh khoa học đến lúc áp dụng vào thực tiễn phải mất nhiều năm, thậm chí mất hàng thế kỷ thì ngày nay, khoảng cách đó đã rút ngắn lại, đến mức gần như không còn ranh giới, nghĩa là nhất thể hóa khoa học và sản xuất. Đó là cơ hội lớn cho các nhà khoa học trẻ, nhưng cũng là thách thức cho họ. Nếu họ bằng lòng với những cái đã có thì họ rất nhanh sẽ trở nên lạc hậu. Vì thế, hơn bao giờ hết, các nhà khoa học trẻ cần ghi nhớ lời Bác dạy: luôn phải gắn chặt giữa lý luận và thực tiễn.

Những nhà khoa học trẻ hiện rất nhanh nhạy và khá thực tiễn. Họ chỉ cần được chỉ dẫn đúng hướng, Nhà nước quan tâm thì sẽ tiến rất xa. Sự quan tâm của Nhà nước thể hiện bằng hệ thống giáo dục, khoa học công nghệ và sản xuất cùng những chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài…

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, trung tướng Nguyễn Hoa Thịnh nguyên là giám đốc Học viện kỹ thuật quân sự, chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam, giám đốc Trung tâm (Viện) Khoa học và Công nghệ quân sự, hiện là chủ tịch Hội đồng quản lý Viện Phát triển công nghệ, truyền thông và hỗ trợ cộng đồng.

GS. Nguyễn Hoa Thịn

baodatviet.vn

Ba lần được gặp Bác Hồ

“Ba lần được gặp Bác là những kỷ niệm quý giá tôi không bao giờ quên. Những lời dạy của Bác đã thấm sâu vào trái tim, khối óc, giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ suốt chặng đường công tác và cả khi đã về hưu”, ông Trung xúc động nói.

>> Tình yêu thương làm thay đổi đời người

Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp kỷ niệm ngày sinh Bác Hồ, ông Kiều Chí Trung lại dẫn cháu nội đến thăm bia kỷ niệm ngày Bác về thăm đập sông Đáy (Đan Phượng, Hà Nội). Ông tâm sự: “Nhờ Người mà tôi đã học được rất nhiều điều trong công tác cũng như đời sống. Tôi muốn con cháu mình được biết những câu chuyện sinh động về Người”.

Năm nay đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe đã suy giảm nhiều nhưng kỷ niệm về những lần được gặp Bác vẫn còn nguyên vẹn trong ông Trung.

Ông Kiều Chí Trung quê gốc ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 19 tuổi, ông tham gia cách mạng, hăng hái hoàn thành nhiều công tác về thanh niên, quân sự và được bổ nhiệm làm phó chủ tịch xã Cát Tài. Năm 1953 – 1954, nghe theo lời kêu gọi của Bác Hồ, ông lên đường nhập ngũ, chiến đấu ở mặt trận Tây Nguyên, góp phần “chia lửa với Điện Biên”. Năm 1955, ông được chọn ra Bắc tập kết.

Ông Trung dẫn cháu thăm bia tưởng niệm Bác Hồ về thăm đập sông Đáy (Đan Phượng, Hà Nội).

Tháng 6/1955, lần đầu tiên ông Trung được gặp Bác Hồ khi Bác đến thăm và nói chuyện với cán bộ miền Nam tập kết, học tập ở đoàn 301. “Người ân cần hỏi han về cuộc sống của chúng tôi, hỏi chúng tôi có gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hay không, có nhớ nhà nhiều không…  rồi dặn dò chúng tôi cố gắng học tập tốt để giúp ích cho nước nhà. Cách nói chuyện thân tình và cởi mở của lãnh tụ làm chúng tôi xúc động vô cùng”.

Lần thứ hai ông Trung được gặp Bác khi đang làm thủy lợi tại Phủ Lý (Hà Nam). Bác về nói chuyện với nhân dân, lãnh đạo địa phương. Vừa nghe tin, ai ai cũng hồi hộp và háo hức. Dù đã được gặp Bác một lần nhưng ông Trung cũng không khỏi bồi hồi xúc động. Những câu chuyện sinh động về cách nghĩ, cách làm của Bác đã để lại cho ông những bài học sâu sắc trong việc làm thủy lợi.

Năm 1957, ông Trung được điều về làm trưởng ban quản lý công trình phân lũ đập sông Đáy, công trình bảo vệ Thủ đô. Đây là nơi ông được gặp Bác Hồ lần thứ ba và cũng là lần gặp để lại những ấn tượng sâu sắc nhất. “Sáng 17/7/1962, một tin vui lớn từ Thủ đô báo về, Bác Hồ sẽ đến thăm công trường tu bổ đập sông Đáy. Mọi người sung sướng đến bàng hoàng, tôi nghĩ đến Bác, bận trăm công nghìn việc mà vẫn thấu hiểu những khó khăn trước mùa lũ bão của chúng tôi”, ông Trung nói.

Bác Hồ về thăm đập Đáy năm 1962. (Ảnh tư liệu)

Ông Trung kể lại, Bác và các đồng chí lãnh đạo cùng đi lần lượt kiểm tra công trường đập sông Đáy rồi chỉ tay, bảo mọi người vào điếm canh đê làm việc tiếp. Bác nghe đại diện Bộ thủy lợi, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Đông, Sơn Tây (nay thuộc Hà Nội) báo cáo phương án phòng chống lụt bão và tiến độ thi công tu bổ đập sông Đáy. Bác yêu cầu tỉnh Sơn Tây cấp đủ đá, Hà Đông phải huy động nhân lực, Hà Nội đảm đương phần kỹ thuật.

Bác bảo: “Lụt nó không chờ các chú đâu, vì vậy các chú định làm mấy ngày nữa thì xong?”. Ông Trưởng ty Thủy lợi Hà Nội (Sở Thủy lợi Hà Nội) đáp: “Báo cáo Bác, bảy ngày xong ạ”. Bác cười nói: “Bác cho cả tám ngày. Nếu tám ngày không xong thì xấu hổ đấy”. Mọi người hứa làm thật tốt nhiệm vụ được giao. Bác vui vẻ hỏi: “Bây giờ ai phụ trách?”. Một đồng chí thưa: “Báo cáo Bác, đồng chi Kiều Chí Trung, trưởng ban công trình ạ!”. Bác nhìn ông Trung bằng cái nhìn tin tưởng. Ông Trung xúc động và hứa: ‘Cháu sẽ cố gắng làm đúng như lời Bác!”. Tan cuộc họp, Bác ra về thì dân công trên công trường và nhân dân vùng lân cận được tin đã kéo đến đông nghịt. Tiếng hô “Hồ Chủ tịch muôn năm” vang dậy cho tới khi Bác rời khỏi công trường.

Làm theo lời Bác, suốt 6 ngày đêm, ông Trung cùng anh em cả hai công trường tu bổ đập Đáy và đập Tràn, hoàn thành trước thời hạn hai ngày. Ông Trung lại vinh dự được giao thảo báo cáo gửi lên để Bác vui lòng.Năm 1987, ông Trung được nghỉ hưu. Tuy nhiên, nhớ lời dạy của Bác Hồ, ông  tiếp tục các công tác xã hội ở xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng như tham gia Hội đồng nhân dân xã, Mặt trận Tổ quốc và các hội đoạn khác.

Minh Nhương

baodatviet.vn

Chuyện pho tượng đồng Bác Hồ đầu tiên ở Thanh Hoá

Một năm sau ngày Bác Hồ mất, bức tượng Bác bằng đồng đầu tiên do các nghệ nhân làng Chè Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa đúc đã ra khuôn trong niềm vui của hàng nghìn người.

>> Tình yêu thương làm thay đổi đời người

Ông Lê Văn Du bên tượng đồng Bác Hồ đầu tiên đúc tại Thanh Hóa năm 1970.

Sau khi tạc chân dung Bác, các nghệ nhân bắt tay vào làm khuôn đúc. Khâu này đòi hỏi kỹ thuật khá cao, họ phải mất nhiều thời gian và công sức. Vì lòng tôn kính với lãnh tụ nên nghệ nhân nào cũng cố gắng làm cẩn thận và hoàn chỉnh từng chi tiết. Xong khuôn là đến khâu chuẩn bị đồng đúc. Để có đủ đồng nguyên liệu, xã Thiệu Trung phát động phong trào quyên góp đồng. Phong trào vừa được phát động, người dân đã ùn ùn tới ủng hộ. Người chiếc bát, cái nồi, người thì mang đến chiếc mâm… chẳng bao lâu, lượng đồng đúc tượng Bác đã đủ, thậm chí còn dư khá nhiều.

Ngày 6/6/1970, mới mờ sáng, nhân dân trong xã từ già đến trẻ và cả người ở các địa phương khác cũng tập trung tai sân hợp tác xã Thiệu Trung háo hức xem đúc tượng Bác Hồ. Không ai bảo ai, mọi người cùng tiến vào thắp hương cho ông tổ đúc đồng Khổng Minh Không, với mong muốn ngài phù hộ cho buổi đúc được suôn sẻ. Khoảng 8-9 h, tất cả thợ đúc vào vị trí. 24 lò nấu đồng được huy động cùng một lúc nổi lửa. Mỗi lò có hai người thổi bễ, một người bỏ đồng vào lò, mỗi bễ nấu khoảng 40 kg đồng. Hơn một tiếng đồng hồ, đồng nóng chảy, các nghệ nhân gạt xỉ nổi lên bề mặt. Sau đó, theo sự phân công của người thợ cả, đồng ở 24 lò được phối hợp liên hoàn, rót vào cho đến khi đầy khuôn đúc.

Trong khoảng 24 giờ, tượng Bác Hồ vẫn được để trong khuôn. Sáng hôm sau, khuôn mới được tháo dỡ, làm sạch đất. Tiếng hò reo của đám đông vang lên như ngày hội. Lúc này, các nghệ nhân phụ trách đúc tượng mới thở phào nhẹ nhỏm. Pho tượng tiếp tục được họ gọt giũa để hoàn thiện. Sau đó, xã Thiệu Trung tổ chức cho các đội viên Thiếu niên Tiền phong căng cờ, biểu ngữ, rước tượng Bác từ sân hợp tác xã lên để ở hội trường UBND huyện Thiệu Hóa, với mong muốn Bác tiếp tục đưa đường, chỉ lối cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Theo ông Trương Trọng Huy, Chủ tịch UBND xã Thiệu Trung, đây là bức tượng đồng Bác Hồ đầu tiên được đúc ở Thanh Hóa sau ngày Bác mất. Mới đây, nhân kỷ niệm sinh nhật Bác, xã đã mượn lại pho tượng để nhờ các nghệ nhân làng Chè Đông làm một phiên bản, đặt ở hội trường UBND xã, và coi đây là tấm lòng thành kính đối với vị cha già của dân tộc Việt Nam.

Văn Thanh

baodatviet.vn

Tình yêu thương làm thay đổi đời người

Lời dặn của Bác nâng đỡ và theo trung tá Huỳnh Văn Rều suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, băng qua những dãy núi chót vót của rừng Trường Sơn, vượt trận địa đầy bom rơi pháo nổ với cái chết luôn rình rập từng ngày.

“Tình yêu thương bao la của Bác có sức lay động và cảm hóa con người rất lớn. Tôi học ở Bác phong cách giản dị, gần gũi và luôn quan tâm đến mọi người”, trung tá Huỳnh Văn Riều, nguyên Chính trị viên đại đội 4, Trung đoàn 228 pháo cao xạ phòng không, tâm sự với chúng tôi trong chuyến trở về chiến trường xưa ở tỉnh Kontum.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, mang trong người chất độc da cam/dioxin và nỗi đau không thể có con, ông Huỳnh Văn Riều trở về mảnh đất miền Nam yêu thương, tiếp tục cống hiến sức mình cho đất nước, như lời Bác dặn dò năm nào.

Ba lần gặp Bác Hồ

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất thép thành đồng, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi, 16 tuổi, ông Riều thoát ly đi kháng chiến, làm liên lạc cho Ủy ban Kháng chiến hành chính của xã Phước Hiệp. Khi tập kết ra Bắc, ông học kyx thuật vô tuyến điện, sau đó trở thành chính trị viên của Đại đội 4, Trung đoàn 228 pháo cao xạ phòng không 57 mm (thuộc Sư đoàn phòng không 367).

Trung tá Huỳnh Văn Riều (bên phải) trong hành trình trở về chiến trường xưa. Ảnh: Minh Chánh

Ông Riều nhớ mãi lần đầu gặp Bác, tháng 6.1958, trong đợt đón tiếp đoàn công tác của đồng chí Vô-rô-xi-lốp, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Xô Viết tối cao Liên Xô (cũ) sang thăm Việt Nam. Lúc đó, ông Riều đứng trong đội ngũ vừa đón vừa bảo vệ đoàn. “Xe chở Bác từ cầu Long Biên vào Phủ Chủ tịch. Bác vẫy tay chào mọi người, tôi nhìn Bác, đôi mắt Người sáng ngời, da dẻ hồng hào, nụ cười ấm áp. Hình ảnh ấy in đậm trong lòng tôi”, ông Riều nhớ lại.

Ngày 22/12/1961, khi đang ở trạm chỉ huy của Bộ tư lệnh phòng không Sư đoàn phòng không 367, ông Riều lần thứ hai được gặp Bác. “Sở chỉ huy thông báo Bác đến thăm đơn vị hôm nay. Ai cũng hồi hộp.

9h, Bác đến. Bác thăm nhà ăn đầu tiên, rồi ghé xem nhà vệ sinh, sau đó mới đến phòng khách. Mọi người rất xúc động, Bác quan tâm đến cuộc sống đời thường của anh em vậy đó”, ông Riều kể. Sau khi vào phòng khách, Bác ân cần hỏi han mọi người và dặn dò các chiến sĩ, sĩ quan làm tốt nhiệm vụ, thông tin chính xác, cố gắng giữ vững bầu trời miền Bắc.

“Bác hỏi chúng tôi: “Ở đây có cháu nào người miền Nam không?”. Trong đơn vị ngày ấy chỉ có tôi và anh Nguyễn Văn Ri là dân miền Nam, nhưng tôi xúc động quá, anh Ri trả lời thay. Bác nhìn chúng tôi trìu mến và dặn dò: “Mỹ ngụy đang giày xéo quê hương miền Nam từng giờ từng ngày. Các cháu là con em miền Nam, phải học tập cho giỏi, chiến đấu cho cừ, góp phần đấu tranh giải phóng miền Nam, các cháu nhé!”. Bác nói ngắn gọn, giản dị nhưng chúng tôi ghi lòng tạc dạ sâu sắc”, ông Riều kể lại.

Lời dặn dò ấy đã nâng đỡ và theo ông suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, băng qua những dãy núi cao chót vót của rừng Trường Sơn, vượt qua những trận địa đầy bom rơi pháo nổ với cái chết luôn rình rập từng ngày.

Luôn làm theo lời Bác

Phường Cầu Kho, quận 1, nơi trung tá Riều sinh sống, một thời nổi tiếng vì tệ nạn mua bán ma túy. Năm 2004, thành phố thí điểm thành lập tổ cán sự xã hội, gồm các đảng viên hưu trí và cán bộ lão thành, chịu trách nhiệm tình nguyện quản lý và hỗ trợ những người hồi gia. Ông Riều lập tức đăng ký vào tổ này.

Sau gần 5 năm tổ cán sự xã hội hoạt động, tình trạng buôn bán ma túy công khai ở địa bàn giảm gần 90%, nhiều người hồi gia được vay vốn và có việc làm ổn định.

“Tôi luôn xác định, anh bộ đội Cụ Hồ phải thể hiện phẩm chất cả khi đã ngưng cầm súng. Phần lớn các cháu nghiện ma túy đều là con em người lao động nghèo, nên mình phải cố gắng giáo dục, cảm hóa và giúp đỡ họ”, ông Riều tâm sự. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng vị trung tá này chưa khi ngơi nghỉ. Ông đến từng nhà các đối tượng hồi gia, trò chuyện và động viên từng người.

Năm 2007, được biết anh Đoàn Văn Thành ở khu phố 1, vừa hồi gia nhưng đã tái nghiện, ông Riều qua nhà anh Thành và nhắn nhủ với gia đình: “Khi nào Thành về nhà thì báo nó ra gặp chú. Chỉ cần nó hứa không hút ma túy thì chú đảm bảo công an không bắt”. Ông Riều tất tả chạy ngược chạy xuôi giới thiệu anh Thành vay vốn từ Qũy hỗ trợ người nghiện ma túy và nhiễm HIV/AIDS. Cho tới nay, anh Thành vẫn giữ lời hứa xưa, chăm chỉ chạy xe ôm, sống hạnh phúc bên người vợ và đứa con đang tượng hình trong bụng mẹ.

“Con cám ơn chú đã giúp con, cho con cơ hội hoàn lương. Con hứa sẽ trở thành người tốt”, anh Thành viết thư gửi vị trung tá này.

Giữa năm 2008, ông Riều khởi xướng chương trình “Bạn giúp bạn” – một mô hình sinh hoạt nhóm đầu tiên của thành phố giữa các cán sự xã hội và người sau cai nghiện. Đều đặn mỗi tháng một lần, tổ cán sự xã hội tổ chức cho các đối tượng sau cai trên địa bàn phường (sau này nhân rộng ra toàn quận 1) gặp gỡ, sinh hoạt tập thể, giao lưu ca hát. Thỉnh thoảng, “Bạn giúp bạn” lại có kế hoạch đi dã ngoại. Những chuyến đi xa lên rừng xuống biển kéo mọi người xích lại gần nhau và không lưu luyến ma túy. “Chỉ cần vậy là tôi vui rồi, cháu ạ!”, ông Riều cười. Nụ cười hiền lành và mãn nguyện.

15 năm là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh, 5 năm làm tổ trưởng tổ cán sự xã hội phường, bước chân ông Riều đã “mòn” tất cả con đường lớn đường nhỏ của phường Cầu Kho.

Năm 1969, trung tá Huỳnh Văn Riều bị nhiễm chất độc da cam trong một lần chạy xuống trận địa tìm đồng đội. Cùng thời điểm này, người pháo binh được tin Bác mất; anh cùng đồng đội nén chặt nỗi đau da cam/dioxin, làm lễ tang Bác. Rưng rưng nước mắt, ông thề: “Vì Tổ quốc, chiến đấu cho đến hơi thở cuối cùng”.

Thu Thảo

baodatviet.vn

Hồ Chí Minh trong lòng bạn bè thế giới

Cảm phục trước vị lãnh tụ kiệt xuất của dân tộc Việt Nam, nhiều chuyên gia và phóng viên nước ngoài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả lòng kính trọng.

>> Olympiakos viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Giáo sư Sử học William J.Duiker viết trong công trình vĩ đại về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Min: “Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ thiên tài nhưng vô cùng giản dị, rất gần gũi với cuộc sống của người lao động và đặc biệt hơn, Người là một chính khách lỗi lạc, biết kết hợp tài tình nghệ thuật lãnh đạo để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam mau chóng tới đích”.

Trong bài viết “Hồ Chí Minh – Chiến thắng một tầm nhìn” trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda cũng cho rằng, sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam đã thôi thúc ông viết bài báo này. Ông ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường.

Tổng thống Venezuela trân trọng đón nhận bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Còn trên tờ Time (Mỹ), nhà báo, tác giả cuốn “Việt Nam – một thiên sử” Stanley Karnow viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như sau: “Một thân hình gầy gò, chòm râu dài, chiếc áo khoác cũ và đôi dép cao su đã mòn, Hồ Chí Minh đã tạo ra một hình ảnh hiền lành, giản dị. Nhưng Người là nhà cách mạng dày dạn kinh nghiệm và một nhà dân tộc chủ nghĩa nồng nhiệt, suốt đời đấu tranh cho một mục đích duy nhất: mang lại độc lập tự do cho dân tộc mình. Không có sự dao động trong niềm tin của Hồ Chí Minh, không thể lay chuyển ý chí của Người, ngay cả khi cuộc chiến tranh của Mỹ leo thang, tàn phá đất nước, người vẫn giữ niềm tin đối với nền độc lập của Việt Nam. Dưới con mắt phương Tây, điều dường như không thể tưởng tượng được là Hồ Chí Minh có thể cống hiến sự hy sinh to lớn như ông đã làm”. Và Time bình chọn Bác Hồ là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ 20.

Giáo sư Nhật Bản Singo Sibata khẳng định, Hồ Chí Minh là nhà lý luận tài giỏi trên mọi lĩnh vực chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, tư tưởng … Lý luận của Người được xây dựng trên cơ sở chủ nghĩa Mác- Lênin, song là sự phát triển chủ nghĩa Mác- Lênin trong thời đại ngày nay. 

Bích Diệp (Tổng hợp)

baodatviet.vn