Bất lực không đánh nổi ông Đề Thám, không sao giết được ông bằng thuốc độc cũng không trừ được ông bằng cốt mìn, người ta bèn đào mả cha mẹ ông, đem hài cốt vứt xuống sông.
Sau những cuộc biểu tình ở miền Nam Trung Kỳ, nhiều nhà vǎn thân đã bị xử tử và bị đầy biệt xứ. Trong số đó có ông Nghè Trần Quý Cáp, một nhà nho thanh cao ai cũng mến phục. ông Cáp bị bắt trong khi còn dạy học; không xét hỏi gì cả, người ta đem chém ông hai mươi bốn giờ sau khi bị bắt. Chính phủ giết chết ông chưa đủ, còn hành hạ mãi, không chịu giao trả thi hài ông cho gia đình.
*
* *
Khi hành hình những người lính khố đỏ ở Hà Nội(57), Chính phủ cho bắt giải cha mẹ, vợ con họ đến và bắt họ mục kích cuộc tàn sát rùng rợn những người thân yêu ruột thịt của mình. Để gây một ấn tượng lâu dài và để “dạy dân chúng”, người ta làm lại cái việc đã làm ở Anh hồi thế kỷ thứ XVIII tức là xóc đầu lâu những người Giacôbanh (1)bại trận lên mũi giáo rồi đem cắm dọc phố Xiti và dọc cầu Luân Đôn. Hàng tuần lễ người ta còn thấy đầu lâu những người lính, nạn nhân của nền vǎn minh Pháp, cau mày nhǎn mặt trên các cọc tre trên các đường phố chính ở Hà Nội.
Bây giờ nước An Nam đã “được bình định”, người ta ra sức sǎn bắt những “tên cướp” An Nam. Những tên cướp ấy là ai? Một viên sĩ quan giải thích:
Cũng có một óc tưởng tượng như nhau – ông ta nói – người Anh xem những người Bôe quyết tâm chống lại họ như là phiến loạn ngoài vòng pháp luật thì người Pháp chúng ta cũng coi những người An Nam yêu nước như kẻ cướp.
Một người Pháp khác nói: Bị cướp hết của cải, dân chúng nhiều làng đã trở thành “kẻ cướp” tất cả; nhưng họ chỉ là những người nổi dậy chống sự cướp đoạt bất công mà thôi.
Tìm ra những tên “cướp” ấy không phải khi nào cũng dễ dàng, bắt được họ càng khó hơn. Những viên chức phái đi lùng bắt họ, đã chém giết người vô tội để khỏi trở về tay không. Đây là một bằng chứng lấy của một người Pháp mà tôi đã trích dẫn nhiều chuyện:
Bảy người An Nam xấu số đang bơi một chiếc xuồng dài và mỏng manh. Đi xuôi dòng nước, lại có bảy tay chèo, xuồng đi vùn vụt như một chiếc xuồng máy. Thuyền của nhân viên nhà đoan khuất sau đám cây đước, có quốc kỳ Pháp phấp phới sau lái, vừa ở trong lạch bơi ra. Một thuỷ thủ gọi xuồng dừng lại. Người trên xuồng không hiểu cứ việc bơi đi. Thuyền nhà đoan bơi không kịp. Tên tây đoan cầm lấy súng bắn. Họ bơi lại càng nhanh. Tên đoan bắn vào họ. Một người đang chèo thét lên một tiếng rồi ngã gục xuống. Xuồng dừng lại, các bạn trong xuồng bèn ôm lấy người ngã. Có tiếng hô to: Dừng lại? Họ nhảy tới nắm lấy tay chèo vút đi. Đoàng! Một người nữa ngã. Một ít khói bay lên, một tiếng thét. Một người Pháp đi thuyền lảng vảng qua đó nghe thấy bèn lẩn chờ “những tên cướp” ở một chỗ ngoặt. Đoàng! Đoàng! Đoàng! Quả là một tay súng cừ. Ba viên đạn, ba người ngã theo. Chiếc xuồng chỉ còn hai người bơi đi chậm chạp và chìm lỉm trong con lạch.
Một viên chức nhà đoan khác, đi với sáu tên lính có đầy đủ vũ khí, bắt gặp một người đang trốn dưới ao. Anh này dấn mình dưới bùn, thở bằng một cái ống, ngậm vào miệng; lá sen kéo che kín mặt nước thật khéo léo. Tên đoan bèn chặt đầu “tên cướp” đem về toà sứ. Thật ra anh ta chỉ là một người nhà quê bình thường phải ẩn trốn vì quá sợ hãi thấy có nhiều người lạ vào làng, ai cũng mặt mũi hung tợn, mình đeo đầy súng lục, túi đạn và lǎm lǎm một khẩu súng trong tay.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.