Trong mấy nǎm thế giới chiến tranh (19) , bọn thực dân Pháp đã hai lần bán rẻ nước ta cho Nhật. Như thế là chẳng những chúng đã phản lại các nước Đồng minh, giúp sức Nhật để làm cho Đồng minh tổn hại rất nhiều.
Đồng thời chúng cũng phản lại dân ta, làm cho nước ta sa vào vòng chiến tranh, bị bom đạn tàn phá. Như vậy là Pháp đã tự ra ngoài hàng ngũ Đồng minh, đã tự xé bỏ những điều ước mà chúng đã ép nước ta ký kết hồi trước.
Mặc dầu bọn thực dân Pháp như vậy, toàn quốc đồng bào ta đã kiên quyết đứng về phe Đồng minh chống lại bọn xâm lược. Đến khi quân Nhật đầu hàng, thì dân ta đồng tâm nhất trí đổi nước ta thành một nước Dân chủ Cộng hoà, cử ra Chính phủ lâm thời để sửa soạn cuộc toàn quốc đại hội và thảo ra Hiến pháp của ta.
Chúng ta làm như thế, chẳng những là hoàn toàn hợp với Hiến chương Đại Tây Dương (20) , Cựu Kim Sơn (21) , vân vân mà các nước Đồng minh đã trịnh trọng thề thốt tôn trọng quyền tự do, độc lập
của các dân tộc, đồng thời lại hoàn toàn hợp với những tôn chỉ vẻ vang mà chính dân Pháp đã phụng thờ, tức là tự do, bình đẳng, bác ái.
Thế mà bọn thực dân Pháp, khi trước đã phản Đồng minh, phản nước ta và đầu hàng Nhật, nay lại len lỏi dưới bóng cờ của quân đội Anh và ẩn núp sau lưng binh sĩ Nhật đánh Nam Bộ nước ta.
Chúng phá hoại cuộc hoà bình mà các nước Trung Hoa, Mỹ, Anh, Nga đã hy sinh mấy mươi triệu người mới tranh được. Chúng chống lại những lời hứa hẹn về dân chủ, tự do mà các nước Đồng minh đã tuyên bố. Chúng tự xoá bỏ tôn chỉ tự do, bình đẳng của tổ tiên chúng.
Bởi vậy, vì chính nghĩa, công lý của thế giới, vì đất nước giống nòi của Việt Nam, mà toàn quốc đồng bào ta nổi lên tranh đấu quyết giữ vững nền độc lập của ta. Chúng ta không ghen ghét gì dân Pháp, nước Pháp, chúng ta chỉ kiên quyết chống chế độ nô lệ và chính sách tàn nhẫn của bọn thực dân Pháp. Chúng ta không đi cướp nước ai. Chúng ta chỉ giữ gìn nước ta và chống lại bọn Pháp đi cướp nước. Vì vậy chúng ta không cô độc. Những nước yêu chuộng hoà bình và dân chủ, những dân tộc nhỏ yếu trong thế giới đều đồng tình với ta. Vì toàn dân đoàn kết ở trong, vì nhiều bạn đồng tình ở ngoài, cho nên chúng ta nhất định thắng lợi.
Gần tháng rưỡi nay, bọn thực dân Pháp hoành hành trong Nam Bộ. Đồng bào Nam Bộ đang hy sinh tranh đấu một cách oanh liệt vô cùng. Dư luận các cường quốc Trung Hoa, Mỹ, Anh, Nga đã cất tiếng duy trì chính nghĩa.
Vậy toàn quốc đồng bào ta, Nam Bộ thì ra sức kháng chiến, Trung Bộ và Bắc Bộ thì ra sức giúp đỡ đồng bào Nam Bộ và ra sức đề phòng.
Bọn thực dân Pháp phải biết rằng: dân Việt Nam không muốn đổ máu, dân Việt Nam yêu chuộng hoà bình. Nhưng nếu cần phải hy sinh mấy triệu chiến sĩ, nếu cần phải kháng chiến bao nhiêu nǎm để giữ gìn quyền độc lập của Việt Nam, để cho con cháu Việt Nam khỏi kiếp nô lệ, thì chúng ta vẫn kiên quyết hy sinh và kháng chiến. Vì dân Việt Nam tin chắc rằng thế nào cuộc kháng chiến này cũng thành công.
Toàn quốc kiên quyết kháng chiến.
Việt Nam độc lập muôn nǎm.
Nói ngày 5-11-1945.
Báo Cứu quốc, số 85, ngày 7-11-1945.
cpv.org.vn
——————————–
19. Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 – 1945): Cuộc chiến tranh do bọn phát xít Đức, Italia, Nhật Bản gây ra với âm mưu chia lại thị trường thế giới và tiêu diệt nước Nga Xôviết. Do tính chất của cuộc chiến tranh và âm mưu của các thế lực phát xít, cuộc chiến tranh nổ ra ở từng vùng có tính chất khác nhau. Từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941 là chiến tranh giữa nước Đức phát xít với các nước đế quốc; từ tháng 6-1941 đến tháng 8-1945, cuộc chiến tranh chủ yếu diễn ra trên mặt trận Xô – Đức và từ tháng 12-1941 đến tháng 9-1945, cuộc chiến tranh do phát xít Nhật gây ra ở châu á và Thái Bình Dương. Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã cuốn hút 61 nước với 1.700 triệu người vào vòng chiến. Chiến sự xảy ra trên lãnh thổ của 40 nước. Hơn 60 triệu người bị chết và một khối lượng của cải vật chất khổng lồ bị chiến tranh tiêu huỷ. Kết quả của cuộc chiến tranh là sự thắng lợi của lực lượng các nước Đồng minh như Liên Xô, Mỹ, Anh, v.v. trong đó Liên Xô đóng vai trò quyết định. Các lực lượng phát xít đã bị tiêu diệt. Liên Xô không những đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941 – 1945) mà còn trực tiếp giải phóng nhiều nước châu Âu, châu á. Tr.90.
20. Hiến chương Đại Tây Dương: Bản tuyên bố được ký kết giữa Tổng thống Mỹ Rudơven và Thủ tướng Anh Sớcsin ngày 14-8-1941, trên một chiến hạm ở Đại Tây Dương. Hiến chương Đại Tây Dương quy định một số “nguyên tắc chung về chính sách dân tộc”, trong đó nói rằng phải tiêu diệt chế độ phát xít Hítle; thừa nhận quyền tự chủ của các dân tộc, trước hết là quyền lựa chọn chế độ chính trị và xã hội mà họ muốn; tước vũ khí của bọn xâm lược, v.v.. Trên thực tế, các Chính phủ này đều đã phản bội những điều họ đã cam kết. Tr.90.
21. Hiến chương Cựu Kim Sơn: Bản Hiến chương được ký tại Hội nghị đại biểu của 50 nước, do Liên Xô (cũ), Mỹ, Anh và Trung Quốc (Chính phủ Tưởng Giới Thạch) triệu tập, họp tại Cựu Kim Sơn (Xan Phranxixcô) ở Mỹ từ ngày 25-4 đến ngày 26-6-1945.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.