Trả lời nhà báo Nhật Bản Sira Isi Bôn (5-10-1959)

Hỏi: Nước Việt Nam hiện không may bị chia làm hai miền và tình hình Lào lại trầm trọng vì xung đột vũ trang. Nhân dân Nhật Bản mong muốn gìn giữ hoà bình ở Đông Dương, rất quan tâm đến tình hình đó và thành thật hy vọng rằng cuộc xung đột sẽ được giải quyết một cách hoà bình.

Ở Nhật Bản, người ta bàn tán nhiều về thực chất của tình hình đó. Có cả một lý thuyết cho rằng có những bàn tay “đỏ” ở bên trong chuyện đó; nói một cách khác, đó là một cuộc xâm lược gián tiếp của phe cộng sản. Nhân dân Nhật Bản cần được hiểu tình hình đó như thế nào?

Đoàn điều tra của Liên hợp quốc trong đó Chính phủ Nhật Bản có cộng tác, đã bắt đầu hoạt động. Công việc của nó cho đến nay ra sao và triển vọng tương lai thế nào ?

Về vấn đề này, Ngài có muốn tôi truyền đạt điều gì cho nhân dân Nhật Bản không ?

Trả lời: Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Đông Dương đã lập lại hoà bình ở Việt Nam, Lào và Campuchia trên cơ sở công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước. Đối với Việt Nam, Hiệp định Giơnevơ quy định rõ thời gian hiệp thương và tổng tuyển cử tự do trong cả nước để thống nhất nước nhà. Nhưng do đế quốc Mỹ can thiệp vào miền Nam Việt Nam, âm mưu biến miền Nam Việt Nam thành cǎn cứ quân sự của Mỹ để chuẩn bị gây chiến tranh, cho nên đến nay, nước Việt Nam chưa được thống nhất. Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cương quyết đấu tranh đòi thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ để thống nhất nước nhà bằng phương pháp hoà bình trên cơ sở độc lập và dân chủ như Hiệp định Giơnevơ đã quy định.

Ở Lào, đế quốc Mỹ cũng phá hoại nghiêm trọng Hiệp định Giơnevơ về Lào, can thiệp ngày càng sâu vào Lào, đã gây ra cuộc nội chiến ở Lào. Tình hình đó đe doạ an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và hoà bình ở Đông Dương và Đông – Nam á.

Đế quốc Mỹ và Chính phủ Phủi Xananicon vu khống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để che giấu âm mưu của đế quốc Mỹ can thiệp vào nước Lào và biến nước Lào thành cǎn cứ quân sự để chuẩn bị chiến tranh.

Để bình thường hoá tình hình ở Lào, để bảo vệ nền hoà bình ở Đông Dương và Đông – Nam á, con đường duy nhất là phải thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ về Lào nǎm 1954 và các hiệp định đã ký kết ở Viêngchǎn giữa Vương quốc Lào và lực lượng Pathét Lào (40) .

Việc tiểu ban điều tra của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thành lập và hiện nay đang hoạt động ở Lào chẳng những không giúp ích cho việc giải quyết tình hình ở Lào, mà còn làm cho tình hình đó trở nên phức tạp và nghiêm trọng thêm. Điều đó trái với Hiến chương Liên hợp quốc, trái với Hiệp định Giơnevơ về Lào.

Hỏi: Việc đàm phán về vấn đề bồi thường chiến tranh đã được tiến hành giữa các Chính phủ Nhật Bản và Nam Việt Nam. Ngay ở Nhật Bản cũng có người chỉ trích việc đàm phán này và tin tức cho biết là nước Ngài không hài lòng.

Theo ý Ngài, nhân dân Nhật Bản cần được hiểu vấn đề này như thế nào? Theo ý Ngài, vấn đề này cần được giải quyết thế nào mới đúng ?

Trả lời: Trong cuộc Đại chiến lần thứ hai, quân phiệt Nhật Bản đã xâm chiếm nước Việt Nam và gây ra nhiều tổn thất cho nhân dân Việt Nam từ Bắc chí Nam. Toàn thể nhân dân Việt Nam có

quyền đòi Chính phủ Nhật Bản bồi thường những thiệt hại đó. Nhưng hiện nay Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành đàm phán và ký kết bồi thường chiến tranh với chính quyền miền Nam Việt Nam là không hợp pháp.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thấy rằng việc đòi Nhật Bản bồi thường sẽ là một gánh nặng cho nhân dân Nhật Bản. Vấn đề cốt yếu trong quan hệ giữa hai nước không phải là việc đòi bồi thường, mà tình đoàn kết hợp tác giữa hai dân tộc Việt – Nhật đấu tranh chống chiến tranh và bảo vệ hoà bình là quý hơn hết.

Hỏi: Nếu chính sách chung sống hoà bình được thiết lập giữa Nhật Bản và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, tôi nghĩ rằng sẽ có nhiều khả nǎng về hợp tác kinh tế giữa hai nước. Ngài có đồng ý không ?

Trong trường hợp đó, có thể trao đổi kinh tế như thế nào ? Về mặt thương mại, nước Ngài cần những gì của Nhật Bản và nước Ngài có thể cung cấp gì cho Nhật Bản ?

Vì đây là vấn đề quan hệ mật thiết đến câu hỏi này, mong Ngài cho chúng tôi biết tình hình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Ngài hiện nay và đặc biệt là tình hình hiện nay về công nghiệp hoá nước Ngài.

Xin cảm ơn Ngài trước về sự chú ý của Ngài và thành thật chúc tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta phát triển.

Trả lời: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà luôn luôn theo đuổi chính sách hoà bình và hữu nghị, mong muốn có sự hợp tác về mọi mặt với các nước khác, nhất là các nước á-Phi, trên tinh thần bình đẳng, hai bên đều có lợi. (Nhờ vậy mà quan hệ mua bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và các nước khác trong những nǎm gần đây được phát triển tốt đẹp). Giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nước Nhật Bản, mặc dù Chính phủ Nhật Bản hiện nay đang áp dụng một chính sách không thân thiện đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, chúng tôi đã cố gắng duy trì những quan hệ buôn bán giữa Việt Nam với một số công ty Nhật Bản.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mong muốn nhân dân hai nước luôn luôn có quan hệ tốt và ngày càng phát triển.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc cần mở rộng công nghiệp, nông nghiệp, thương nghiệp để nâng cao sức sản xuất và cải thiện đời sống của nhân dân. Chúng tôi cần nhiều dụng cụ, máy móc và hàng hoá của các nước trong đó tất nhiên kể cả nước Nhật Bản. Và chúng tôi có thể cung cấp cho những nước ấy lương thực, cây công nghiệp và khoáng sản.

Quan hệ buôn bán giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Nhật Bản, nếu được cải thiện, có nhiều triển vọng tốt đẹp, có lợi cho nhân dân cả hai nước chúng ta.

Tôi nhờ chuyển lời thân ái hỏi thǎm nhân dân Nhật Bản và các bạn đọc báo của ông.

————————————–

Báo Nhân dân, số 2079, ngày 25-11-1959.

(40) Hiệp định Viêng Chǎn: Trước sự đấu tranh của các lực lượng chính trị ở Lào, ngày 4-7-1956, Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Lào Kà Tày đã phải từ chức; Chính phủ mới do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng được thành lập đã tuyên bố tôn trọng Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Lào và sẵn sàng tiến hành những công việc cần thiết để tiến tới hoà hợp dân tộc.

Từ tháng 8-1956 đến tháng 11-1957, các hội nghị hiệp thương giữa Chính phủ Vương quốc do Hoàng thân Xuvana Phuma dẫn đầu và lực lượng Pathét Lào do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu đã được tiến hành tại Thủ đô Viêng Chǎn. Hai bên đã thoả thuận và ký kết một loạt các vǎn kiện về vấn đề hiệp thương, việc đình chỉ xung đột vũ trang, việc thành lập Chính phủ Liên hiệp ở Lào. Các vǎn kiện này được gọi chung là các Hiệp định Viêng Chǎn.

Thực hiện các Hiệp định Viêng Chǎn, Chính phủ liên hợp do Hoàng thân Xuvana Phuma làm Thủ tướng, chính thức thành lập và được Quốc hội nhất trí thông qua ngày 19-11-1957.

Hiệp định Viêng Chǎn và việc thành lập Chính phủ liên hiệp là một thắng lợi có ý nghĩa đối với các lực lượng cách mạng và yêu nước ở Lào. Tr.514.

cpv.org.vn

Advertisement