Bài nói tại Hội nghị rút kinh nghiệm công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp toàn miền Bắc (2-11-1959)

Trước hết ta cần nhận rõ mục đích của việc tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khoẻ, được học tập, làm cho dân giàu, nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã.

Muốn ǎn quả phải trồng cây. Muốn ǎn no, mặc ấm, đời sống cải thiện, cần phải tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Muốn tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phải tổ chức, quản lý hợp tác xã cho tốt.

Tin tưởng và nghe lời Đảng và Chính phủ, đồng bào nông dân đã tổ chức hợp tác xã, giao ruộng đất, trâu bò, nông cụ cho ban quản trị. Vậy để trâu bò hợp tác xã gầy, việc sản xuất của hợp tác xã sút kém thì ai phụ trách?

Bà con nông dân vào hợp tác xã đều mong muốn sản xuất được nhiều hơn, thu nhập tǎng hơn trước khi vào hợp tác xã. Vì vậy nhiệm vụ của ban quản trị là làm thế nào cho hợp tác xã phát triển được sản xuất.

Sản xuất được nhiều, đồng thời phải chú ý phân phối cho công bằng. Muốn phân phối cho công bằng, cán bộ phải chí công vô tư, thậm chí có khi cán bộ vì lợi ích chung mà phải chịu thiệt một phần nào. Chớ nên cái gì tốt thì dành cho mình, xấu để cho người khác.

Muốn quản lý tốt hợp tác xã, cán bộ quản trị phải dân chủ, tránh quan liêu mệnh lệnh, làm việc gì cũng cần bàn bạc kỹ với xã viên. Làm việc theo lối mệnh lệnh, quan liêu, không dân chủ thì chắc chắn thất bại.

Tóm lại, các cán bộ quản trị cần nghĩ mọi cách làm thế nào cho hợp tác xã của mình ngày càng đẩy mạnh sản xuất, thu nhập của hợp tác xã và xã viên ngày càng thêm tǎng, giúp các xã viên hǎng hái và vui vẻ lao động, nội bộ trong hợp tác xã ngày càng đoàn kết.

Các hợp tác xã nên đề ra nội quy.

Nội quy cần do xã viên bàn bạc dân chủ đề ra và tự nguyện tự giác thi hành. Trong nội quy nên đề ra những điểm thiết thực như giữ gìn của công, đi làm về thì rửa cày cuốc, không cày quá sức trâu bò làm trâu bò gầy. Nội quy cần vắn tắt, rõ ràng, ai cũng có thể làm được, như thế có ích lợi cho cả hợp tác xã. Các địa phương cần chú ý tổ chức kinh doanh nghề phụ trong các hợp tác xã như nuôi cá, dệt vải, làm gạch, lấy gỗ, củi… để tǎng thu nhập cho các xã viên, tránh tình trạng ở một số nơi bỏ mất nghề phụ. Nhưng mặt khác chớ nên vì nghề phụ thu nhập có phần cao mà xao lãng nghề nông, lúc cần tát nước, bỏ phân thì không tát nước, bỏ phân mà đổ xô đi làm nghề phụ. Cần chú ý cả hai mặt nghề nông và nghề phụ, nhưng nghề nông vẫn là chính. Việc phân phối thu nhập của nghề nông và nghề phụ cũng cần làm cho hợp lý để người làm nghề nông không bị thiệt, mà người làm nghề phụ cũng được hưởng thụ một cách thích đáng để khuyến khích được bà con làm nghề phụ.

Hiện nay, các tỉnh đang mở rộng phong trào hợp tác hoá. Việc xây dựng hợp tác xã cần chú trọng đến chất lượng, không nên chạy theo số lượng. Xây dựng hợp tác xã nào cần làm cho tốt hợp tác xã đó. Nếu xã, huyện nào cũng xây dựng được một hoặc vài ba hợp tác xã thật tốt, sản xuất tǎng, thu nhập tǎng, nội bộ đoàn kết vui vẻ và các mặt khác cũng đều vượt hơn hẳn các tổ đổi công và các gia đình làm ǎn riêng lẻ, thì các hợp tác xã đó sẽ có tác dụng lôi cuốn đông đảo đồng bào nông dân vào hợp tác xã. Ngược lại, nếu xã, huyện nào cũng có hợp tác xã mà hợp tác xã không hơn gì hay hơn rất ít các tổ đổi công và gia đình làm ǎn riêng lẻ thì có tốn công tuyên truyền bao nhiêu cũng ít người muốn vào hợp tác xã.

Phong trào hợp tác hoá phải đi từ thấp đến cao mới phát triển được thuận lợi. Muốn tổ chức hợp tác xã được tốt phải phát triển và củng cố các tổ đổi công. Qua cuộc thảo luận về hai con đường vừa rồi, nhiều bà con nông dân muốn đi vào con đường làm ǎn hợp tác. Các địa phương cần chú ý phát triển tổ đổi công, đưa tổ đổi công từng vụ, từng việc lên thường xuyên, đưa tổ thường xuyên lên bình công chấm điểm, củng cố và phát triển hợp tác xã và đi dần dần từ hợp tác xã cấp thấp lên hợp tác xã cấp cao.

Các cán bộ, ban quản trị sau khi thảo luận về hai con đường rồi, trên thực tế phải làm cho mọi người phân biệt rõ ràng hai con đường. Muốn như thế, cần phải làm cho hợp tác xã thu nhập tǎng lên, đời sống cải thiện, hǎng hái làm ǎn, đoàn kết vui vẻ.

Muốn hợp tác xã phát triển và củng cố tốt, cần luôn luôn ghi nhớ và ra sức thực hiện khẩu hiệu cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Không nên có hiện tượng làm chǎm cái vườn riêng của mình hơn là ruộng của hợp tác xã, vì như thế là không “cần” đối với hợp tác xã. Không nên hơi một tý cũng cờ quạt linh đình, mổ bò liên hoan, vì như thế là không “kiệm”. Tiền của hợp tác xã chỉ nên dùng vào việc gì có lợi ích thiết thực cho hợp tác xã.

Cuối cùng, các địa phương phải chú ý chống hạn cho lúa và nơi nào đang có sâu thì phải trừ ngay để thu hoạch tốt vụ mùa, đồng thời phải tích cực thực hiện một vụ Đông – Xuân thắng lợi toàn diện, vượt bậc và vững chắc.

—————————

Báo Nhân dân, số 2056, ngày 2-11-1959.
cpv.org.vn

Advertisement