Lời giới thiệu Tập 10

Tập 10 của bộ sách Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần thứ hai, bao gồm những bài viết, bài nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 1 nǎm 1960 đến tháng 12 nǎm 1962.

Những tác phẩm, bài viết in trong Tập 10 thể hiện tập trung tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và các vấn đề quốc tế

Về nhiệm vụ của cách mạng cả nước, trước những biến chuyển mới của tình hình trong nước và quốc tế, trong bài Ba mươi nǎm hoạt động của Đảng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cách mạng Việt Nam hiện nay có hai nhiệm vụ phải đồng thời tiến hành: nhiệm vụ xây dựng miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và nhiệm vụ tiếp tục hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Hai nhiệm vụ ấy đều nhằm một mục tiêu chung là: củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất nước nhà trên nền tảng độc lập và dân chủ” (tr. 12). Tư tưởng đó được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định lại tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng: “Nhiệm vụ hiện nay của cách mạng Việt Nam là: đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước”(tr.198). Người nói: “Miền Bắc nhất định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội” (tr. 13) để làm “cơ sở vững chắc của cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà” (tr. 198).

Trong công cuộc xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Người xác định mục đích xây dựng “chủ nghĩa xã hội là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc” (tr.97), đồng thời cũng cho thấy: “Biến đổi một xã hội cũ thành một xã hội mới, không phải là một chuyện dễ. Nhưng đó là những khó khǎn trong sự trưởng thành. Toàn Đảng, toàn dân đồng sức đồng lòng thì khó khǎn gì cũng nhất định khắc phục được” (tr.545).

Xuất phát từ “đặc điểm to nhất của ta trong thời kỳ quá độ là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa” (tr.13), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra “nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng ta là phải xây dựng nền tảng vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, đưa miền Bắc tiến dần lên chủ nghĩa xã hội, có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, có vǎn hoá và khoa học tiên tiến.

Trong quá trình cách mạng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải cải tạo nền kinh tế cũ và xây dựng nền kinh tế mới, mà xây dựng là nhiệm vụ chủ chốt và lâu dài” (tr. 13).

Những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển nông nghiệp được thể hiện qua các bài nói của Người tại Hội nghị lần thứ nǎm và lần thứ bảy (1962) của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) và một số bài nói, bài viết khác được công bố trên báo chí ở giai đoạn này.

Về vai trò của nông nghiệp trong nền kinh nước ta, Người nói: “nông nghiệp chiếm bộ phận lớn trong kinh tế, mà sản xuất nhỏ lại chiếm bộ phận lớn trong nông nghiệp…, nông nghiệp là nguồn cung cấp lương thực và nguyên liệu, đồng thời là một nguồn xuất khẩu quan trọng, nông thôn là thị trường tiêu thụ to nhất hiện nay” (tr.14). Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng: “Phải cải tạo và phát triển nông nghiệp thì mới có cơ sở để phát triển các ngành kinh tế khác…, để tạo điều kiện cho việc công nghiệp hóa nước nhà” (tr. 14), Người khẳng định: phải có một nền nông nghiệp phát triển thì công nghiệp mới có thể phát triển mạnh” (tr.14 – 15).

Khẳng định vị trí to lớn của nông nghiệp trong giai đoạn xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đồng thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ vị trí quyết định của công nghiệp trong toàn bộ nền kinh tế ở nước ta: “Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mớiphát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khoẻ và đi đều thì tiến bướcsẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích. Thế là thực hiện liên minh công nông để xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân” (tr. 545).

Đối với mục tiêu phát triển nông nghiệp, Người chỉ rõ: phát triển công nghiệp trước hết nhằm phục vụ nông nghiệp, phục vụ nhu cầu tiêu dùng và cải thiện đời sống của nhân dân, tǎng cường tích luỹ để đẩy mạnh công nghiệp hoá. Trên tinh thần tự lực cánh sinh, đồng thời dựa vào sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa, chúng ta cần cố gắng cải tiến quản lý, đưa kỹ thuật mới vào công nghiệp để làm cho công nghiệp nước ta tiến kịp kỹ thuật tiên tiến của thế giới.

Đi đôi với việc phát triển công nghiệp và nông nghiệp, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất chú ý tới việc xây dựng ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, làm sao cho thương nghiệp nước ta thực sự trở thành một đòn bẩy kinh tế, làm tốt vai trò giao lưu kinh tế giữa công nghiệp với nông nghiệp, sản xuất với tiêu dùng, giữa địa phương với trung ương, trong nước với ngoài nước.

Các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở giai đoạn này cho thấy mối quan tâm của Người đối với việc phát triển vǎn hoá, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân. Những bài viết về xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa; những bài nói chuyện của Người tại Đại hội vǎn nghệ toàn quốc lần thứ ba, ở Hội nhà báo Việt Nam, ở Hội nghị tổng kết phong trào thi đua dạy tốt, học tốt của ngành giáo dục,… đã thể hiện các quan điểm, tư tưởng của Người về cách mạng tư tưởng – vǎn hoá, xoá bỏ những tàn dư tư tưởng và hủ tục của xã hội cũ, về xây dựng nền vǎn hoá mới với nội dung xã hội chủ nghĩa mang đậm đà bản sắc dân tộc, về xây dựng con người mới, đạo đức mới, lối sống mới xã hội chủ nghĩa. Người nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí” (tr.159).

Cùng với việc xây dựng con người, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đến vấn đề xây dựng, củng cố Đảng và các tổ chức quần chúng. Người luôn luôn nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của giai cấp công nhân, vai trò của công đoàn, thanh niên, phụ nữ, của mặt trận dân tộc thống nhất… trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Người chỉ rõ bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa là chế độ do nhân dân lao động làm chủ, vì vậy cần ra sức phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của người lao động, phải kiên quyết chống lại bệnh quan liêu, mệnh lệnh, và chỉ thị cho các cơ quan nhà nước cần phải cải tiến công tác, giữ gìn kỷ luật, thực hành dân chủ… để góp phần củng cố Nhà nước.

Một nội dung quan trọng của Tập 10 là những bài nói, bài viết của Người về đường lối, phương hướng, bước đi của cách mạng miền Nam, nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp, phá thế kìm kẹp của địch, mở ra phong trào cách mạng rộng lớn, đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ và tay sai của chúng để giải phóng miền Nam. Tập 10 cũng giới thiệu với bạn đọc những tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế, về kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại nhằm tiến tới hình thành mặt trận nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân ta chống xâm lược.

Cũng trong Tập 10 này bạn đọc có thể thấy những tác phẩm thể hiện tư tưởng và hoạt động đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhằm góp phần vào việc tǎng cường đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, lên án chính sách xâm lược và gây chiến của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, ủng hộ các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì hoà bình, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.

Trong nǎm 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết một loạt bài quan trọng, có giá trị tổng kết về lịch sử đấu tranh anh dũng, đầy hy sinh của Đảng sau 30 nǎm hoạt động và lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu, chỉ ra những nhiệm vụ mới phải làm để đưa sự nghiệp cách mạng nước ta đi tới những thắng lợi to lớn và vẻ vang hơn nữa. Người đặc biệt nhấn mạnh tới công tác xây dựng đảng nhằm làm cho Đảng thống nhất về ý chí và hành động, có đường lối đúng, có tư tưởng cách mạng triệt để, có tổ chức vững mạnh và đội ngũ đảng viên vững vàng về chính trị, tư tưởng, giỏi chuyên môn, gắn bó chặt chẽ với quần chúng, để hoàn thành vai trò của mình. Người chỉ rõ, trong việc xây dựng đảng cần phải chú ý tới xây dựng đảng ở cơ sở, nhất là các chi bộ phải nâng cao nǎng lực tổ chức thực tiễn vì chi bộ là nơi trực tiếp biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước thành hiện thực. Người nói: “Đảng ta phải chuyển mạnh. Đảng mạnh là do các chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hǎng hái và gương mẫu” (tr.270). Do vậy, Người yêu cầu mọi đảng viên của Đảng phải không ngừng nâng cao về chính trị, tư tưởng, vǎn hoá, đạo đức, giữ vững vai trò tiên phong gương mẫu, đảng viên phải thật sự là con người mới xã hội chủ nghĩa, mới hoàn thành được các nhiệm vụ cách mạng ngày càng mới mẻ và khó khǎn. Trong công tác xây dựng đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các thế hệ trong đội ngũ cán bộ của Đảng, nhằm bảo đảm tính kế thừa, tính liên tục trong sự lãnh đạo của Đảng, làm cho Đảng luôn luôn đổi mới và phát triển, ngang tầm với nhiệm vụ lịch sử trong giai đoạn cách mạng mới.

*

*     *

Tập 10, Hồ Chí Minh Toàn tập xuất bản lần này, ngoài các bài đã công bố trong lần xuất bản trước, đã được bổ sung thêm 62 bài mới, tất cả đều đã được xác minh, đối chiếu, hiệu đính đầy đủ. Có thể còn thiếu những tài liệu của Người trong thời kỳ này do chúng tôi chưa sưu tầm được hoặc chưa có bản gốc để xác minh, đối chiếu… nên chưa có điều kiện đưa vào. Chúng tôi mong nhận được sự giúp đỡ của bạn đọc trong và ngoài nước để việc xuất bản các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày càng được đầy đủ hơn.

VIỆN NGHIÊN CỨU CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN VÀ TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

cpv.org.vn


Bạn muốn download trọn bộ Hồ Chí Minh toàn tập
hãy nhấn vào đây Down load

Advertisement