Bài nói tại Đại hội đại biểu Công đoàn tỉnh Thanh Hoá lần thứ 6 (19-7-1960)

Như các cô, các chú đã biết Quốc hội đã liên tiếp thông qua Luật lao động, Luật công đoàn. Trong Quốc hội khoá II này, số công nhân được cử vào Quốc hội đông hơn lần trước nhiều. Nếu nói cả số đại biểu các tầng lớp lao động thì có tới hơn một nửa trong Quốc hội.

Vai trò của giai cấp công nhân ngày càng được coi trọng. Vậy công nhân phải làm thế nào để xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân và Đảng.

Bây giờ Bác nói hai vấn đề:

1. Nǎm nay ta kết thúc kế hoạch Nhà nước 3 nǎm, nǎm sau ta bắt đầu thực hiện kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất. Vai trò của giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn rất quan trọng. Các cô, các chú phải lãnh đạo công nhân thi đua yêu nước cho tốt, hoàn thành kế hoạch 3 mǎm sớm chừng nào hay chừng ấy để có thời gian chuẩn bị bước vào kế hoạch 5 nǎm. Thi đua tốt là phải làm nhanh, nhiều, tốt, rẻ. Bốn chữ ấy đi liền với nhau. Nhanh, nhiều nhưng không tốt, không rẻ là không được.

Công nhân ta nhất định làm được. Công nhân ta rất giỏi, không kém gì công nhân Triều Tiên, công nhân Trung Quốc. Thế mà ở Triều Tiên người ta thực hiện kế hoạch 5 nǎm chỉ trong 2 nǎm rưỡi. Còn ở Trung Quốc thì cǎn bản hoàn thành trong hai nǎm. Làm được như thế là do chi bộ Đảng, công đoàn và đoàn thanh niên lãnh đạo tốt.

Ở ta thì đến nay chưa có hoặc có rất ít nơi đã hoàn thành kế hoạch 3 nǎm do lãnh đạo của ta chưa tốt, thế thì bây giờ phải làm thế nào? Ta đang có phong trào thi đua “tiên tiến”. Phong trào này với phong trào thi đua yêu nước, với cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp trước đây là một. Phải tiếp tục đẩy mạnh việc cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp, phải lãnh đạo thi đua cho tốt.

Muốn thế thì:

– Cán bộ phải thực sự lao động. Trong cải tiến quản lý xí nghiệp, lúc đầu có tham gia được mấy hôm, mấy tuần rồi nguội dần đi. Thế là không tốt.

Công nhân phải tham gia quản lý xí nghiệp. Việc này rất cần. Nếu không cần thì Đảng không đặt ra làm gì.

Cán bộ phải cùng ǎn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân. Việc này cán bộ của ta chưa làm được mấy. Bác có đi mấy nơi, thấy cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp thường ǎn riêng, ở riêng. Thành ra nhà ǎn, nhà ở của công nhân sạch, bẩn, xấu, tốt thế nào cũng không biết. Cán bộ không cùng lao động với công nhân, cứ ngồi ở vǎn phòng nên càng đẻ ra nạn giấy tờ. Công nhân có ý kiến gì phải qua không biết bao nhiêu thứ “trưởng” mới đến cán bộ phụ trách. Có nơi chỉ thiếu cái bóng đèn mà cũng phải qua mấy lần “trưởng” – tổ trưởng, kíp trưởng, rồi phải qua quý trưởng gì nữa mới được giải quyết mất hết thì giờ. Nếu cán bộ cùng lao động với công nhân thấy thiếu cái gì, công nhân có ý kiến gì, là có thể thương lượng, bàn bạc, giải quyết được ngay. Nếu cán bộ thực hiện được 4 cùng nhất định phong trào thi đua yêu nước sẽ sôi nổi, sẽ thành công. Kế hoạch sẽ hoàn thành nhanh chóng. Các cô, các chú có làm được không?

– Nói thì được đấy, nhưng làm thì chưa chắc chắn, kinh nghiệm làm cách mạng là phải gần gũi quần chúng. Nếu xa quần chúng thì không làm được việc gì. Cho nên các cô, các chú ở trong xí nghiệp cần phải thực hiện 4 cùng.

Bác nghe nói công nhân có nhiều sáng kiến. Có nhà máy 100, có nhà máy 200 sáng kiến. Nhưng sáng kiến đi đâu cả. Vì sáng kiến làm rầy các ông lãnh đạo nên không được áp dụng. Có sáng kiến là phải thay cái này, cái khác, phiền phức cho lãnh đạo, nên lãnh đạo không nghiên cứu áp dụng, hoặc có áp dụng thì không tổng kết, không phổ biến rộng rãi cho những nơi khác. Thành ra công nhân có nhiều ý kiến tốt mà các nhà máy thì cứ phải làm mò. Công nhân có những sáng kiến hay nhưng cũng có cái bị thất bại 4, 5 lần rồi mới thành công. Cho nên lãnh đạo phải khuyến khích công nhân phát huy sáng kiến rồi tổng kết, trao đổi, phổ biến cho các nhà máy khác cùng làm. Có sáng kiến phức tạp nhưng cũng có sáng kiến rất đơn giản mà lại rất có lợi.

Ví dụ: ở tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Quốc, 95% công việc vận tải là bằng thuyền dưới nước. Thuyền đóng trọng tải 10 tấn, thường chỉ chở được có 8 tấn để cho mớn thuyền khỏi bị ngâm nước. Có đồng chí công nhân già chở thuyền trông thấy thùng rộng tròn, dài nổi cao trên mặt nước nên đồng chí nghĩ và đem nó nẹp vào hai bên mạn thuyền. Thế là thuyền chở lên được 9 tấn. Rồi thấy đóng thùng như thế tốn công, mới lấy tre bó lại buộc vào hai bên thuyền vừa đỡ tốn mà thuyền lại chở được lên 10 tấn. Sáng kiến này rất giản đơn không cần máy móc gì, nhưng được phổ biến áp dụng trong cả nước thành ra lãi không biết bao nhiêu tiền, bao nhiêu sức.

2. Bây giờ Bác nói sang vấn đề thứ hai:

Nước ta là một nước nông nghiệp giống như Trung Quốc, Triều Tiên. Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính, Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hoá của công nghiệp làm ra. Nhưng nông nghiệp của ta còn rất lạc hậu. ở Liên Xô bây giờ người ta nuôi bò, nuôi gà cũng bằng máy. ở ta thì cái cày cái bừa còn rất cũ kỹ. Muốn cơ giới hoá nông nghiệp cũng còn mất hàng 15, 20 nǎm chứ không làm ngay một lúc được. Cho nên phải cải tiến nông cụ hiện có, phải làm những loại máy mới giản đơn, thợ mộc cũng đóng được, nông dân cũng làm được. Ví dụ: ta bây giờ cái gì cũng phải gánh. Nếu dùng xe cút kít thay cho gánh thì cũng đơn giản thôi, ai cũng đóng được và một xe cút kít chở bằng 3 người gánh. Hoặc như làm cái máy cày máy bừa, máy tuốt lúa thì không phải học mấy nǎm rồi mới đóng được, nông dân cũng không phải học mấy tháng rồi mới dùng được. Công nhân phải giúp nông dân, giúp hợp tác xã cải tiến công cụ từ những cái thô sơ trở đi… Một số nhà máy đã tổ chức giúp đỡ nông dân. Như nhà máy dệt Nam Định, công nhân đúc cày cải tiến, đi cấy đi gặt, góp tiền mua trâu, bò giúp hợp tác xã. Mỗi nhà máy tuỳ sức mình mà làm. Nhưng giúp phải có kế hoạch và từ đầu đến đuôi, chứ không phải lúc nào cao hứng thì giúp, không thì lại bỏ. Nên tổ chức kết nghĩa giữa nhà máy và nông thôn. Tổ chức cho nông dân vào thǎm nhà máy, công nhân tham quan nông thôn xem hợp tác xã cần gì thì nghiên cứu giúp đỡ. Các cô, các chú thường nói công nông liên minh. Liên minh là phải giúp nhau thật sự như vậy chứ không thì chỉ công nông liên minh đầu miệng.

Vụ chiêm vừa rồi kém, ảnh hưởng đến công nhân, đến tất cả nhân dân. Bây giờ xí nghiệp phải giúp hợp tác xã về vật chất để đẩy mạnh vụ mùa thì rồi các việc đều giải quyết được hết.

Về chính trị, chính quyền của ta là do giai cấp công nhân lãnh đạo và dựa trên nền tảng công nông liên minh. Nhưng sự thực có nơi công nhân chưa lãnh đạo gì, chưa liên minh gì. Phải làm cho công nhân thấy cần giúp nông dân. Phải biết tại sao lại phải giúp. Muốn thế phải vận động chính trị, vận động tư tưởng làm cho công nhân hiểu cần phải giúp nông dân và giúp như thế nào. Các cô, các chú không nên làm cái lối cứ về bảo công nhân mỗi người làm mấy cân phân, mà không nói cho công nhân biết làm để làm gì và tại sao phải làm như vậy.

Tóm lại hôm nay Bác nói hai điểm:

– Một là các cô, các chú phải bàn thiết thực để thi đua thế nào cho nhanh, nhiều, tốt, rẻ, chống được lãng phí, thi đua giữa nhà máy này với nhà máy khác để hoàn thành sớm kế hoạch 3 nǎm và có thời gian chuẩn bị kế hoạch 5 nǎm.

– Hai là nhà máy phải giúp đỡ hợp tác xã cải tiến nông cụ và đẩy mạnh sản xuất vụ mùa. Phải giúp đỡ có kế hoạch, từ đầu đến cuối, giúp cho có thuỷ có chung.

—————————

Nói ngày 19-7-1960.
Sách Thanh Hóa khắc sâu lời Bác, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Thanh Hoá, 1975, tr.43-48.
cpv.org.vn

Advertisement