Các đồng chí Ban biên tập thân mến,
Các đồng chí yêu cầu tôi viết vài dòng nhân dịp kỷ niệm 50 nǎm ngày Tônxtôi mất. Về việc này, tôi xin kể chuyện tôi trở thành người học trò của nhà vǎn Nga vĩ đại như thế nào. Câu chuyện có thể nói là lạ đấy, nhưng đó quả là sự thật. Chuyện xảy ra thế này:
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, tôi làm thợ sửa ảnh ở Pari. Hàng ngày tôi đi đến xưởng, chiều tối tôi tham gia các buổi họp của Đảng hoặc dự mít tinh của công nhân. Cuối ngày làm việc, tôi đọc vài trang tiểu thuyết để trau dồi tiếng Pháp và giải trí một chút. Một hôm, một bạn cùng nghề đưa cho tôi một cuốn truyện nhỏ của Tônxtôi. Tôi quên tên cuốn sách là gì. Từ đó đến nay, đã bốn mươi nǎm rồi còn gì. Song tôi rất nhớ nội dung cuốn tiểu thuyết. Đại ý như sau:
Một sĩ quan quý tộc Nga trẻ tuổi có một người vợ chưa cưới rất đẹp. Tất nhiên là họ rất yêu nhau. Một hôm, trong cuộc nhảy, người vợ chưa cưới trẻ tuổi được giới thiệu với vua Nga. Vua Nga mê tít chị và bắt chị làm nhân tình của hắn. Anh sĩ quan trẻ rất đau đớn. Một bên là tình yêu đối với vợ chưa cưới, một bên là lòng trung quân đối với vua Nga. Rốt cuộc, anh rời bỏ Xanh Pêtécbua và đi một nơi xa để khỏi phải nhìn vua Nga và người yêu.
Từ đó rút ra kết luận: Sự chỉ trích đạo đức phong kiến.
Cách viết của Tônxtôi rất giản dị, rõ ràng và dễ hiểu, làm tôi rất thích. Tuổi trẻ thường bồng bột, tôi nhảy vùng dậy khỏi giường mặc dù mùa đông rất lạnh, nhất là trong cǎn phòng bé nhỏ của tôi lại không có lò sưởi. Tôi nói to: “Viết một cuốn truyện ngắn chẳng có gì là khó. Mình cũng có thể viết được”. ở Việt Nam chúng tôi, có câu tục ngữ “điếc không sợ súng”. Đúng là trường hợp của tôi. Sáng dậy, tôi bắt đầu viết. Mỗi ngày tôi phải viết từ nǎm giờ đến sáu giờ rưỡi sáng, là vì bảy giờ tôi đã phải đi đến xưởng. Thường thường, ngón tay tôi tê cóng lại. Sau một tuần vất vả, tôi viết xong tác phẩm của mình. Tôi mang đến toà soạn báo Nhân đạo và nói với các đồng chí trong Ban vǎn học: “Tôi rất sung sướng nếu bài viết của tôi được đǎng, tuỳ các đồng chí đǎng hay không đǎng, nhưng dù thế nào thì cũng xin các đồng chí sửa lỗi tiếng Pháp cho tôi…”.
Các đồng chí nghĩ xem tôi vui mừng xiết bao, khi mấy ngày sau, mở xem báo buổi sáng, tôi thấy có đǎng tác phẩm của tôi, tác phẩm yêu quý của tôi. Niềm vui sướng của tôi càng lớn hơn nữa, khi toà soạn báo Nhân đạo trả cho tôi số tiền nhuận bút 50 phrǎng. Với số tiền đó, tôi có thể sống 10 ngày không cần làm việc, tôi có thể dùng thời gian ấy để đọc sách. Hạnh phúc biết ngần nào.
Trong bài phóng sự của tôi, tôi kể những điều mắt thấy tai nghe trong khu phố tôi ở là khu phố nghèo khổ của những công nhân và những người thất nghiệp trong thành phố Pari lộng lẫy, giàu có. Được thành công đầu tiên khuyến khích, tôi viết những bài về tội ác của Chính phủ Pháp ở Việt Nam và ở những thuộc địa khác.
Và bây giờ, các đồng chí biên tập thân mến, các đồng chí có cho rằng tôi có quyền nói tôi là người học trò nhỏ của nhà vǎn vĩ đại Tônxtôi không?
Xin gửi các đồng chí và bạn đọc của các đồng chí lời chào anh em.
————————-
Báo Nhân dân, số 2438, ngày 21-11-1960
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.