Tôi xin thay mặt Đảng và Chính phủ nhiệt liệt hoan nghênh Đoàn đại biểu Liên hiệp công đoàn thế giới (19)và tổ chức công đoàn các nước anh em và các nước bạn. Tôi trân trọng cảm ơn các đồng chí đã mang đến cho chúng tôi tình đoàn kết vô sản quốc tế. Tôi mong rằng các đồng chí chẳng những khen ngợi những ưu điểm, mà cũng thật thà phê bình những khuyết điểm của chúng tôi, để chúng tôi tiến bộ nhiều hơn nữa.
Tôi thân ái chào mừng các đại biểu của Đại hội và nhờ các đại biểu chuyển lời thân ái khuyến khích và thǎm hỏi của Đảng, của Chính phủ và của tôi đến tất cả anh em, chị em lao động chân tay và lao động trí óc.
Tôi cũng cùng tất cả anh em đại biểu gửi lời chào thân ái đến đồng bào lao động miền Nam và chúc đồng bào đấu tranh thắng lợi.
Thưa các đồng chí,
Mục đích của Đại hội này là bàn bạc và thông qua những biện pháp tốt nhất để thực hiện tốt những đường lối, chính sách mà Đại hội lần thứ III của Đảng ta đã vạch ra về công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm cơ sở vững mạnh cho cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
Trong báo cáo của đồng chí Duẩn, đồng chí Nghị và đồng chí Việt đã nêu rõ ràng, đầy đủ các vấn đề quan trọng. Hôm nay, tôi xin chỉ tóm tắt nêu một vấn đề, là vấn đề làm người chủ nướcnhà.
Suốt bao nǎm trường, Đảng ta cùng quân và dân ta đã anh dũng hy sinh chiến đấu, đánh đổ thực dân, phong kiến, để giành lại cho nhân dân lao động cái quyền làm chủ nước nhà. Vậy ngày nay tất cả những người lao động – lao động chân tay và lao động trí óc – đều phải nhận thật rõ: mình là người chủ nước nhà.
Đã có quyền hạn làm chủ, thì phảilàm trọn nghĩa vụ của người chủ. Nghĩa vụ đó là: cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhằm mục đích không ngừng nâng cao đời sống vật chất và vǎn hoá của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.
Muốn đạt mục đích ấy, thì phải thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ và thực hành tiết kiệm.
Thử hỏi chúng ta đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đó chưa? Chưa! Công nhân và cán bộ ta có cố gắng, có thành tích. Nhưng phải cố gắng nhiều hơn nữa, mới thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đó. Một ví dụ:
Với sự hy sinh đóng góp của nhân dân ta và sự hết lòng giúp đỡ của các nước anh em – trước hết là Liên Xô và Trung Quốc – hiện nay chúng ta đã có 172 xí nghiệp nhà nước (và khoảng 600 cơ sở công nghiệp địa phương). Nhưng ở các xí nghiệp nhà nước, chúng ta sử dụng máy móc chỉ đạt non 50% công suất. Như thế khác nào chỉ có 86 xí nghiệp hoạt động sản xuất, còn 86 xí nghiệp thì bị bỏ không! Do đó mà lãng phí một cách vô cùng nghiêm trọng máy móc, thời gian, sức người, sức của.
Vì đâu mà có tình trạng nghiêm trọng ấy? Vì một số khá đông cán bộ và công nhân chưa thật thấm nhuần tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, chưa làm tròn nghĩa vụ của người chủ xí nghiệp, người chủ nước nhà. Do đó mà tổ chức thiếu khoa học, kỷ luật lao động lỏng lẻo, kém ý thức bảo vệ an toàn lao động và bảo vệ của công, thiếu tinh thần trách nhiệm, v.v… Đó là mấy khuyết điểm mà Công đoàn phải quyết tâm khắc phục cho kỳ được.
Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là một vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay. Theo báo cáo thì trong nǎm 1958, công nhân có hơn 6 vạn sáng kiến. Chỉ trong tháng 2 nǎm nay, công nhân nhiều xí nghiệp, như nhà máy Gia Lâm, nhà máy Trần Hưng Đạo, v.v. có những sáng kiến tǎng nǎng suất từ gấp đôi đến gấp 15 lần; nhà máy cơ khí Duyên Hải (Hải Phòng) có những sáng kiến vượt 225 tiêu chuẩn tiên tiến, v.v..
Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy, thì nǎng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng.
Để công nhân xoá bỏ hết tư tưởng “làm thuê” và thực hiện nhiệm vụ làm chủ xí nghiệp, chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp. Công nhân phải thật sự tham gia quản lý, cán bộ phải thật sự tham gia lao động. Tất cả công nhân và cán bộ trong xí nghiệp đoàn kết thành một khối, thành người chủ tập thể thì khó khǎn gì cũng khắc phục được, kế hoạch nào cũng hoàn thành tốt.
Mọi người thấm nhuần tinh thần làm chủ nước nhà, làm chủ xí nghiệp, thì phong trào thi đua yêu nước20nhất định sẽ sôi nổi, bền bỉ, rộng khắp và thắng lợi to.
Khi công nhân và cán bộ đưa hết tinh thần và lực lượng để tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, để làm tròn nhiệm vụ của người chủ, thì Công đoàn cũng phải làm tròn nhiệm vụ của mình đối với họ. Cán bộ công đoàn phải thực hiện “bốn cùng” với công nhân. Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ vǎn hoá và kỹ thuật của công nhân, phải tuỳ khả nǎng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khoẻ, bảo vệ an toàn lao động và tǎng cường công tác vệ sinh.
*
* *
Các nước anh em chẳng những giúp ta về máy móc, kỹ thuật và các thứ cần thiết khác, mà còn giúp ta nhiều về tinh thần, về tác phong. Một ví dụ: Sau những phá hoại khủng khiếp của hai cuộc chiến tranh thế giới (21) và những nǎm nội chiến, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân lao động Liên Xô đã thắt lưng buộc bụng gần 18 nǎm để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, Liên Xô đang xây dựng thắng lợi chủ nghĩa cộng sản, đã là một nước giàu mạnh vào bậc nhất thế giới. Tuy vậy, nhân dân Liên Xô càng ra sức thi đua tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, hàng chục triệu người đang sôi nổi thi đua để giành danh hiệu vẻ vang là “Đội lao động cộng sản chủ nghĩa”. Do đó mà kế hoạch to lớn 7 nǎm sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức trước thời hạn từ một đến ba nǎm.
Các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa đều học tập Liên Xô và có phong trào thi đua sôi nổi.
Chúng ta phải có quyết tâm noi gương và học tập Liên Xô và các nước anh em khác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em lại phái các đồng chí chuyên gia sang giúp ta. Chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ với các đồng chí chuyên gia, học tập tác phong và kinh nghiệm của các đồng chí đó.
Các đồng chí,
Nhân dân lao động ta sẵn có truyền thống cực kỳ anh hùng, đã làm cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi. Hiện nay, chúng ta đang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, một cuộc cách mạng tuy trường kỳ gian khổ, song nhất định thắng lợi, chỉ phải đổ mồ hôi mà không đổ máu, một cuộc cách mạng nhằm đánh thắng lạc hậu và bần cùng, để xây dựng hạnh phúc muôn đời cho nhân dân ta, cho con cháu ta. Tôi tin chắc rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự hướng dẫn tận tuỵ của Công đoàn, nhân dân lao động ta sẽ ra sức phát huy truyền thống anh hùng của mình và sẽ giành được thắng lợi to lớn.
Trong cuộc cách mạng này, Công đoàn có một nhiệm vụ rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Cán bộ, đảng viên và đoàn viên thanh niên, các anh hùng và chiến sĩ lao động phải gương mẫu, phải làm đầu tàu trong mọi công việc, để đưa công nhân ta từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Các đồng chí,
Bản Tuyên ngôn lịch sử của 81 đảng Mác – Lênin tại Hội nghị Mátxcơva đã nêu rõ: Chế độ tư bản đế quốc ngày càng suy đồi, chủ nghĩa xã hội ngày càng lớn mạnh. Cùng giai cấp công nhân thế giới, chúng ta mạnh bạo giương cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác – Lênin, đoàn kết chặt chẽ giữa các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa mà trung tâm là Liên Xô vĩ đại, chúng ta nhất định thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.
———————————————
Nói ngày 27-2-1961.
Báo Nhân dân, số 2536, ngày 28-2-1961.
(18) Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II: Họp từ ngày 23 đến ngày 27-2-1961, tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 752 đại biểu thay mặt cho tổ chức công đoàn cơ sở các cấp. Đoàn đại biểu Liên hiệp công đoàn thế giới và nhiều đoàn đại biểu công đoàn các nước anh em đã tham dự Đại hội.
Đại hội đã tổng kết tình hình công tác công đoàn trong thời gian 1950- 1961 và rút ra những bài học kinh nghiệm lớn trong công tác công đoàn. Cǎn cứ vào chủ trương, đường lối của Đảng, Đại hội đã xác định vai trò và chức nǎng của công đoàn trong giai đoạn cách mạng mới nhằm đẩy mạnh các mặt hoạt động của công đoàn bảo đảm hoàn thành thắng lợi những nhiệm vụ mới. Nghị quyết được Đại hội thông qua đã chỉ rõ nhiệm vụ quan trọng của công đoàn trong giai đoạn mới là: “Tập trung lực lượng thực hiện nhiệm vụ trung tâm công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng miền Bắc làm cơ sở đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà”.
Đại hội đã thông qua Điều lệ mới và bầu Ban Chấp hành mới của Tổng công đoàn gồm 55 ủy viên chính thức và 10 ủy viên dự khuyết.
Đại hội cũng đã nhất trí tán thành việc đổi tên Tổng liên đoàn lao động Việt Nam thành Tổng công đoàn Việt Nam. Tr. 289.
(19) Liên hiệp công đoàn thế giới (WFTU): Tổ chức công đoàn quốc tế lớn nhất gồm gần 20 triệu đoàn viên của hơn 70 nước trên thế giới, trong đó có các nước xã hội chủ nghĩa, các nước tư bản và các nước đang phát triển, 11 công đoàn ngành quốc tế gồm 600 tổ chức công đoàn quốc tế.
Liên hiệp công đoàn thế giới được thành lập ngày 3-10-1945 tại Đại hội lần thứ I các công đoàn thế giới họp ở Pari (Pháp).
Điều lệ của Liên hiệp công đoàn thế giới ghi rõ tổ chức này: “nhằm hướng đến việc xác lập trật tự thế giới, trong đó loại bỏ bất bình đẳng về xã hội và bất kỳ hình thức nào bóc lột con người”. Liên hiệp công đoàn thế giới đã kiên trì đấu tranh để thống nhất hành động của các công đoàn trong cuộc đấu tranh vì quyền sống của người lao động, vì tự do cho các dân tộc, vì hòa bình và tiến bộ xã hội. Liên hiệp công đoàn thế giới đã lập quỹ đoàn kết quốc tế ủng hộ và giúp đỡ những người lao động khi bãi công, thiên tai…
Các cơ quan của Liên hiệp công đoàn thế giới gồm có Đại hội các công đoàn thế giới – cơ quan cao nhất được triệu tập 4 nǎm một lần; Đại hội đồng – cơ quan lãnh đạo thường trực giữa các kỳ Đại hội và Ban thư ký.
Ngoài ra Liên hiệp công đoàn thế giới đã tham gia hoạt động trong Tổ chức lao động quốc tế (ILO) và một số tổ chức của Liên hợp quốc như Tổ chức khoa học và vǎn hóa giáo dục (UNESCO), Tổ chức lương thực và nông nghiệp (FAO)…
Trụ sở của Liên hiệp công đoàn thế giới đặt ở Praha (Tiệp Khắc). Tổng công đoàn Việt Nam là thành viên của Liên hiệp công đoàn thế giới từ nǎm 1969. Tr. 289.
21. Hai cuộc chiến tranh thế giới:
– Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), nổ ra do hậu quả của cuộc khủng hoảng của hệ thống kinh tế tư bản chủ nghĩa thế giới và cuộc đấu tranh giữa các nước đế quốc lớn nhằm chia lại thế giới và phạm vi ảnh hưởng của chúng. Đây là cuộc chiến tranh giữa hai phe đế quốc ở châu Âu. Nó đã lôi cuốn vào vòng chiến 33 nước, với số dân l.500 triệu người. Trong cuộc chiến tranh này, 10 triệu người đã chết, 20 triệu người bị thương và tàn phế. Khi cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn kết thúc (1917) thì đế quốc Mỹ nhảy vào vòng chiến và ra những điều kiện đình chiến theo kiểu Mỹ, với tham vọng làm bá chủ thế giới.
Tháng 11-1917, cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới thắng lợi ở nước Nga. Nhà nước Xô-viết đã thông qua Sắc lệnh hoà bình và đề nghị các nước tham gia ký hiệp định đình chiến nhằm tránh cho nhân loại khỏi tai họa do chiến tranh kéo dài. Song đề nghị đó không được các nước đế quốc ủng hộ.
Mùa thu nǎm 1918, Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc với sự thất bại của quân phiệt Đức và các đồng minh của Đức, đã dẫn tới việc ký Hiệp ước đình chiến ở Cômpienhơ (Pháp). Sau đó, Hệ thống Vécxây thành lập, một hệ thống mang tính chất đế quốc chủ nghĩa, thù địch với nước Nga xôviết, duy trì và phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức để làm lực lượng xung kích chống Liên Xô.
– Chiến tranh thế giới thứ hai (1939-1945), là cuộc chiến tranh do bọn phát xít Đức, Italia, Nhật Bản gây ra với âm mưu chia lại thị trường thế giới và tiêu diệt nước Nga xôviết. Do tính chất của cuộc chiến tranh và âm mưu của các thế lực phát xít, cuộc chiến tranh nổ ra ở từng vùng có tính chất khác nhau. Từ tháng 9-1939 đến tháng 6-1941 là chiến tranh giữa nước Đức phát xít với các nước đế quốc; từ tháng 6-1941 đến tháng 8-1945, cuộc chiến tranh chủ yếu diễn ra trên mặt trận Xô – Đức và từ tháng 12-1941 đến tháng 9-1945, cuộc chiến tranh do phát xít Nhật gây ra ở châu á và Thái Bình Dương.
Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai đã cuốn hút 61 nước với 1.700 triệu người vào vòng chiến. Chiến sự xảy ra trên lãnh thổ của 40 nước. Hơn 60 triệu người bị chết và một khối lượng của cải vật chất khổng lồ bị chiến tranh tiêu huỷ.
Kết quả của cuộc chiến tranh là sự thắng lợi của các nước Đồng minh như Liên Xô, Mỹ, Anh, v.v. trong đó Liên Xô đóng vai trò quyết định. Các lực lượng phát xít đã bị tiêu diệt. Liên Xô không những đã giành thắng lợi vẻ vang trong cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại (1941-1945) mà còn trực tiếp giải phóng nhiều nước châu Âu, châu Á. Tr. 292.
Bạn phải đăng nhập để bình luận.