Trả lời phóng viên thường trú của báo Nhân đạo tại Hà Nội (2-9-1961)

Hỏi: Thưa đồng chí Chủ tịch, 16 nǎm trước nhân danh Chính phủ lâm thời (35) , đồng chí tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Để bảo vệ chính quyền của mình, nhân dân Việt Nam đã đấu tranh trong chín nǎm trời với một nghị lực làm cho chính kẻ thù cũng phải kinh ngạc. Thưa Chủ tịch, nguyên nhân của ý chí phi thường đó là ở đâu?

Trả lời: Trước hết tôi xin nói với đồng chí là sở dĩ chiến tranh kéo dài suốt chín nǎm, chính là vì các Chính phủ kế tiếp nhau ở Pháp, từ Blum đến Biđôn, không hề muốn chấp nhận những đề nghị hoà bình của chúng tôi. Nhân dân nước chúng tôi có ý chí phi thường là do lòng tự trọng muốn sống làm người chứ không chịu làm nô lệ. Điều này cũng đúng với những nhà trí thức nước chúng tôi thiết tha với nền vǎn hoá dân tộc. Chúng tôi không mất gì cả, mà chỉ mất xiềng xích thôi.

Hỏi: Từ khi hoà bình lập lại, chúng tôi đã được chứng kiến khí thế mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, muốn biến nước Việt Nam lạc hậu thành một nước tiên tiến. Thưa Chủ tịch, Chủ tịch có thể cho biết vài khía cạnh của sự biến đổi ấy?

Trả lời: Có lẽ cần phải để lên hàng đầu những cố gắng của chúng tôi nhằm phát triển vǎn hoá. Chủ nghĩa thực dân đã kìm hãm nhân dân chúng tôi trong vòng ngu muội để chúng dễ áp bức.

Nền vǎn hoá nảy nở hiện thời là điều kiện cho nhân dân chúng tôi tiến bộ. Chính vì vậy, ngày nay số trường học ở miền Bắc Việt Nam đã nhiều hơn số trường ở cả xứ Đông Dương dưới thời thực dân. Dưới chế độ mới, ai cũng muốn học và đều được học. Chính vì vậy chúng tôi đã đào tạo nhanh chóng các cán bộ cho tất cả các ngành hoạt động; chính vì vậy chúng tôi đã gây dựng được cơ sở để công nghiệp hoá đất nước, với sự giúp đỡ anh em của các nước xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là Liên Xô và Trung Quốc. Đó cũng là lý do tại sao chúng tôi thắng được nạn đói do thời trước để lại, nhờ tǎng sản lượng lúa lên gấp hai lần.

Hỏi: Ách thực dân và chiến tranh đã gây ra nhiều vết thương đau đớn. Liệu nó có làm thương tổn đến mối quan hệ Pháp – Việt không? Thưa đồng chí Chủ tịch, về vấn đề này thái độ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà như thế nào?

Trả lời: Mặc dù có cuộc chiến tranh đó và những vết thương do nó gây ra, chúng tôi vẫn luôn luôn là những người bạn của nhân dân Pháp và chúng tôi không bao giờ lầm lẫn nhân dân Pháp với bọn thực dân. Chúng tôi sẵn sàng và chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố muốn có quan hệ về ngoại giao, kinh tế và vǎn hoá với Chính phủ Pháp. Về những quan hệ với Chính phủ Pháp, chúng tôi chỉ nêu ra những điều kiện của một nước có chủ quyền và độc lập, tức là những quan hệ đó phải tiến hành trên cơ sở bình đẳng và có đi có lại.

———————

Trả lời ngày 2-9-1961.
Báo Nhân dân, số 2.727, ngày 9-9-1961.

(35) Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà: Tức Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam, được thành lập theo quyết định của Quốc dân đại hội họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) trong các ngày 16, l7, 18-8-1945.

Nghị quyết của Quốc dân đại hội đã ghi rõ: “Để lãnh đạo cuộc cách mạng dân tộc giải phóng của chúng ta cho thắng lợi, Quốc dân đại hội quyết định thành lập Uỷ ban giải phóng dân tộc Việt Nam. Uỷ ban này cũng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam trước khi thành lập một chính phủ chính thức. Uỷ ban này thay mặt quốc dân mà giao thiệp với các nước ngoài và duy trì mọi công việc trong nước”.

Về tổ chức, Uỷ ban giải phóng có một ban thường trực gồm 5 uỷ viên, do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.

Ngày 25-8-1945, theo đề nghị của đồng chí Hồ Chí Minh, Uỷ ban giải phóng dân tộc được cải tổ thành Chính phủ lâm thời với sự tham gia của nhiều tầng lớp, giai cấp và đảng phái yêu nước. Chính phủ đã ra mắt quốc dân tại cuộc mít tinh ngày 2-9-1945 tại vườn hoa Ba Đình (Hà Nội).

Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, Chính phủ lâm thời đã thi hành những chính sách dân chủ, tiến bộ đối với nhân dân và thực hiện chuyên chính với các thế lực phản cách mạng.

Để hạn chế những hoạt động phá hoại của bọn phản cách mạng và tập trung lực lượng chống thực dân Pháp xâm lược, cuối nǎm 1945, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Chính phủ liên hiệp lâm thời với sự tham gia của một số phần tử trong Việt Nam Quốc dân đảng và Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội, thay cho Chính phủ lâm thời trước đó. Tr. 392.

cpv.org.vn

Advertisement