Bài nói chuyện với đồng bào và cán bộ xã Nam Liên (Nghệ An) (9-12-1961)

Thưa toàn thể đồng bào,

Các cô, các chú,

Nǎm kia, Bác về thǎm làng. Lần này, Bác lại về thǎm làng một lần nữa, thấy làng ta tiến bộ rất nhiều. Tiến bộ thế nào?

1. Lần trước Bác về, “đèn nhà ai rạng nhà nấy”, niêu nhà ai nhà nấy dùng, làm ǎn lẻ tẻ. Nay làng đã tổ chức hợp tác xã, đồng bào cùng nhau đoàn kết, luôn luôn giúp đỡ lẫn nhau. Đó là một thay đổi lớn.

2. Lần trước Bác về, chưa có mấy cái trường này mà nay đã có cho các cháu trong làng và các làng xung quanh đến học, thành một trung tâm nho nhỏ về vǎn hoá. Thế là vǎn hoá tiến bộ.

3. Sự có mặt của các chú bộ đội, dân quân tự vệ, hàng ngũ chỉnh tề ở đây, cũng chứng tỏ lực lượng quốc phòng của ta tiến bộ.

Nhưng “Có thực mới vực được đạo”. Muốn ǎn no, mặc ấm thì phải làm thế nào? Chúng ta đã đi được một bước là xây dựng hợp tác xã. Nhờ có hợp tác xã, đời sống bây giờ khác 3 nǎm trước. Có đúng không?

Đúng, nhưng nếu hợp tác xã được củng cố hơn nữa, phát triển hơn nữa thì đời sống còn hơn bây giờ nữa. Đồng bào có muốn hơn nữa không?

Phải củng cố hợp tác xã cho tốt. Muốn hợp tác xã tốt, phải thế nào? Phải nêu cao tinh thần làm chủ: làm chủ xóm làng, làm chủ hợp tác xã, làm chủ đất nước. Trước kia ai làm chủ? Bây giờ ai làm chủ? Đúng! Nay dân đã là chủ. Nhưng phải cho ra người chủ, chứ không thể phất phơ được. Mọi người đều có trách nhiệm làm cho dân giàu nước mạnh, quốc phòng vững mạnh. Làm chủ hợp tác xã là thế nào? Là phải coi công việc của hợp tác xã như công việc của mình, chứ không phải làm sao cũng được.

Làng ta có hợp tác xã rồi. Hợp tác xã tốt đấy, khá đấy, nhưng đã thực tốt chưa? Cán bộ và đồng bào ta ai cũng muốn sản xuất nhiều, có phải không? Muốn sản xuất nhiều thì phải lao động nhiều. Thế mà ở đây, người lao động ít nhất là 36 ngày, người lao động nhiều nhất là 140 ngày. Như thế có được không? Bác hỏi các cô, các chú và đồng bào: Mỗi nǎm có mấy tháng? Mỗi tháng có mấy ngày? Cả nǎm có bao nhiêu ngày? Trong 365 ngày mà chỉ mới làm từ 36 đến 140 công là không được. Có nơi người ta làm từ 240 ngày đến 300 ngày trong 1 nǎm. Các cô, các chú có xấu hổ không? Người lao động mà chỉ mới sản xuất hơn 1 tháng, còn 11 tháng lười biếng hoặc chỉ làm 3 tháng còn 9 tháng lười biếng là không tốt. Cho nên cần phải đẩy mạnh ngày lao động, làm sao ngày lao động tǎng lên. Phải học tập các xã khác, các tỉnh khác, xem người ta làm thế nào.

Có hợp tác xã là tốt rồi, nhưng về kỹ thuật canh tác mới, lại bảo thủ, lạc hậu. Có người lại làm dối thì làm sao sản xuất cho tốt được. Khi trước, ruộng riêng của mình thì bón phân nhiều, cày kỹ, nay đưa ruộng vào hợp tác xã thì bón phân ít, làm dối, cho nên nǎng suất thấp. Làm như thế có đúng không?

Vì sao vậy? Vì xã viên thiếu tinh thần làm chủ, vì ban quản trị còn quan liêu, vì kế hoạch làm không đầy đủ. Ban quản trị đâu? Có phải như thế không? Mình là ban quản trị, phải phụ trách làm cho đời sống xã viên ngày càng tǎng, thu hoạch của xã viên ngày càng nhiều. Phải làm như thế mới tròn trách nhiệm.

Vì sao ban quản lý làm việc thiếu sót mà không ai nói đến, không ai nhắc. Là vì xã viên không thấy mình có quyền dân chủ, có quyền giám đốc ban quản trị. Đáng lý ra phải phê bình, phải hỏi. Đó là vì lợi ích chung.

Ở làng ta, các hợp tác xã đều tiến lên toàn thôn rồi. Đã toàn thôn rồi thì tất cả các gia đình trong thôn thành một đại gia đình. Trước kia, anh có anh ǎn, tôi không có tôi nhịn, nay thành một đại gia đình, có thể anh ǎn tôi nhịn được không? Không! Cho nên phải giúp đỡ những nhà neo đơn, những ông cụ, bà cụ kém sức khoẻ. Bác nghe nói: ở đây có một, hai gia đình xin ra ngoài hợp tác xã vì thiếu sức. Thế để họ ra cho họ chết đói à? Phải giúp đỡ họ. Có tán thành không? Tán thành thì phải sản xuất thêm lúa, thêm khoai để giúp đỡ họ.

Giờ đây, miền Bắc nước ta trong đó có Kim Liên, đang xây dựng đời sống ngày càng no ấm thêm, tức là xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bà con có muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội không? Bọn Mỹ – Diệm có muốn ta xây dựng chủ nghĩa xã hội không? Nó không muốn, nên nó tìm cách để phá hoại ta. Đồng bào có nghe vụ máy bay trinh thám vừa rồi không? Đó chỉ là một việc trong toàn bộ âm mưu của nó mà thôi. Cho nên việc duy trì trật tự an ninh trong xã hội rất quan trọng. Các chú bộ đội, công an, dân quân tự vệ, phải coi đó là nhiệm vụ chính. Phải làm cho tốt. Và tất cả nhân dân phải phụ trách, vì để nó phá hoại thì toàn dân sẽ bị thiệt hại. Vậy bộ đội, công an, dân quân tự vệ phải dựa vào dân, còn dân thì phải hết sức giúp đỡ và luôn luôn đề cao cảnh giác. Các cô, các chú hiểu chưa? Hiểu rồi thì phải làm cho tốt.

Còn về vǎn hoá, lúc nãy Bác nói vǎn hoá khá đấy, nhưng khá là so với lần trước Bác về, còn hiện nay cả xã Nam Liên vẫn còn 33 người mù chữ. Như thế là bình dân học vụ có cố gắng, nhưng làm chưa triệt để. Tất cả những người đã biết chữ rồi, nếu hai người giúp một người đang mù chữ thì trong vài tháng là biết ngay.

Trong xã có lực lượng lãnh đạo, có lực lượng giúp lãnh đạo, phải làm gương mẫu cho đồng bào. Xã ta có hơn 230 đảng viên, đoàn viên, phải gương mẫu trong mọi công việc, trong tǎng gia sản xuất, trong học tập. Nên như thế mà phải như thế. Nếu đảng viên không gương mẫu thì không xứng đáng là đảng viên. Đoàn viên cũng thế. Đảng viên, đoàn viên phải giúp đỡ đồng bào tiến bộ.

Xã ta hay có phái đoàn các nước bạn đến thǎm. Nếu hợp tác xã tốt, nếu các cô, các chú và đồng bào làm tốt mọi việc, có phải vẻ vang cho Kim Liên không? Tốt đây không phải là làm nhà khách cho tốt, nước trà cho nhiều, mà khi có khách, các cô, các chú đưa họ đến xem cái tốt.

Bà con có muốn làng Kim Liên, xã Nam Liên vẻ vang không? Muốn vậy, hãy làm những điều Bác vừa nói đó: củng cố và phát triển hợp tác xã cho tốt, làm ngày công cho nhiều, xã viên thu nhập cao, vǎn hoá tốt, trật tự an ninh tốt.

Vệ sinh đang kém, nhất là các cháu. Các cháu đau mắt hột nhiều, có đúng không? Các đồng chí nước ngoài đến thǎm, thấy cha mẹ để cho con mình mặt mũi lem nhem, luốc nhuốc, như thế cha mẹ có xấu hổ không? Phải chǎm sóc, giữ gìn vệ sinh cho các cháu. Có làm được không?

Làm được những điều Bác dặn, làm cho Nam Liên thành một xã gương mẫu, tức là các cô, các chú đã góp phần vào công cuộc xây dựng đời sống mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Còn các cháu, Bác dặn 5 điều, có nhớ không? Các cháu có làm được không? Nhiều cháu vệ sinh kém, áo quần bẩn, mặt lem nhem, mắt choẹt. Các cháu tiên tiến phải giúp đỡ các cháu ấy tiến bộ.

Cuối cùng Bác chúc các cụ, các cháu, các cô, các chú và toàn thể đồng bào luôn luôn cố gắng và tiến bộ. Vì Bác đến đây, nên nói đến Kim Liên thôi. Nhưng các xã khác, cả huyện Nam Đàn cũng như thế. Các xã xung quanh có đến đây, Bác nhờ chuyển lời chào thân ái của Bác đến toàn thể đồng bào, cán bộ và bộ đội.

Nói ngày 9-12-1961.

—————————————

Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, 1977, tr.95-100.
cpv.org.vn

Advertisement