Hưng Yên đã làm thuỷ lợi khá, vì vậy hôm nay Bác về thǎm và chuyển đến đồng bào, bộ đội và cán bộ lời khen ngợi của Trung ương Đảng và Chính phủ.
Hội nghị thuỷ lợi toàn miền Bắc đến họp ở đây cũng là một vinh dự cho tỉnh ta về thành tích thuỷ lợi.
Nǎm 1962, chúng ta phải làm thuỷ lợi đủ tưới cho 2.293.000 mẫu tây. Công trình đó rất to. Nhưng các tỉnh đều quyết tâm thi đua thì nhất định làm được. Các tỉnh uỷ phải trực tiếp phụ trách lãnh đạo.
Sáu tháng đầu nǎm nay, Hưng Yên đã làm được 8 triệu 23 vạn thước khối. Bình quân mỗi người làm được gần 17 thước. Nơi khá nhất như xã Hồng Vân mỗi người làm hơn 49 thước. Như thế là khá. Cán bộ cần phổ biến kinh nghiệm của Hồng Vân cho các nơi làm theo.
Làm đại thuỷ lợi thì Nhà nước phải xuất tiền, nhân dân phải xuất sức. Trung thuỷ lợi thì Nhà nước với nhân dân cùng làm. Tiểu thuỷ lợi thì do nhân dân làm. Phải xuất nhiều tiền nhiều sức, nhưng kết quả là đời sống của đồng bào được cải thiện nhanh chóng. Một ví dụ rõ rệt:
Trong công trình Bắc – Hưng – Hải, từ tháng 5 nǎm 1958 đến tháng 5 nǎm 1961, riêng cho Hưng Yên, Nhà nước đã xuất gần 5 triệu rưởi đồng. Nhân dân xuất sức lao động trị giá 16 triệu 78 vạn đồng.
Nǎm 1958 chưa có Bắc – Hưng – Hải, Hưng Yên cấy cả hai vụ chiêm và mùa được 77.750 mẫu tây, thu hoạch được 162.885 tấn thóc.
Nǎm 1959, nhờ có Bắc – Hưng – Hải, cấy cả 2 vụ được 91.410 mẫu tây, thu hoạch được 208.860 tấn thóc (so với nǎm 1958 hơn 45.975 tấn).
Nǎm 1960 tuy thu hoạch kém, nhưng so với nǎm 1958 thì từ vụ chiêm 1959 đến vụ chiêm nǎm 1961, tỉnh ta nhờ thuỷ lợi khá mà vẫn tǎng được 116.585 tấn, quy ra tiền là hơn 25 triệu 6 vạn 5 nghìn đồng. Trừ xong số tiền công lao động là 16 triệu 78 vạn đồng, nhân dân tỉnh ta còn lãi gần 8 triệu 28 vạn 5 nghìn đồng. Đó là chưa tính tiền lãi về nuôi cá, nuôi vịt, trồng cỏ cho trâu bò, v.v. Tỉnh ta phải tiếp tục cố gắng làm xong và làm tốt những công trình còn lại ở hệ thống Bắc – Hưng – Hải thì mai sau lợi ích sẽ nhiều vô cùng.
Làm thuỷ lợi thì phải khó nhọc trong vài nǎm để được sung sướng muôn đời.
Làm thuỷ lợi cần phải kết hợp công trình lớn với công trình vừa và công trình nhỏ; cần phải kết hợp việc giữ nước với việc dẫn nước và việc tháo nước. Những nguyên tắc ấy các đồng chí đều biết. Bác không nói nhiều.
Về sản xuất nông nghiệp.
Cơ sở sản xuất nông nghiệp là hợp tác xã. Hiện nay tỉnh ta có hơn 456 hợp tác xã toàn thôn, trong đó có 24 hợp tác xã thi đua với Đại Phong hoàn thành kế hoạch 5 nǎm trước thời hạn, 247 hợp tác xã bậc cao. Như thế là khá. Để tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc, các hợp tác xã cần phải làm đúng 9 điều sau đây:
1 – Mọi người phải nâng cao tinh thần đoàn kết, tinh thần làm chủ; thực hiện cần kiệm xây dựng hợp tác xã, chống lãng phí, tham ô.
2 – Sản xuất phải toàn diện, sản xuất thóc là chính, đồng thời phải rất coi trọng hoa màu, cây ǎn quả, cây công nghiệp, chǎn nuôi, thả cá và nghề phụ. Phải coi trọng tǎng vụ, vỡ hoang và tǎng nǎng suất.
3 – Phát triển sản xuất chung của hợp tác xã là chính, nhưng cần chiếu cố đúng mức sản xuất gia đình của xã viên.
4 – Phải làm đúng 8 việc: đủ nước, nhiều phân, cày sâu, cấy dày, chọn giống tốt, làm cỏ sạch, cải tiến nông cụ và hàng ngày lo diệt chuột, trừ sâu.
5 – Về quy mô mỗi hợp tác xã chỉ nên có từ 150 đến 200 hộ, không nên quá nhiều, quá nhiều thì khó quản lý.
6 – Hợp tác xã bậc cao thì sản xuất và thu nhập cũng phải cao mới xứng danh nghĩa cao của nó.
7 – Quản trị phải dân chủ, công bằng, minh bạch.
8 – Cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động và dân quân tự vệ cần phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc.
9 – Phải chú ý phát triển công nghiệp địa phương nhằm phục vụ cho nông nghiệp.
*
* *
Ở tỉnh ta có nhiều hợp tác xã có kinh nghiệm tốt, cần phải phổ biến cho các hợp tác xã khác làm theo. Ví dụ:
– Hồng Vân làm thuỷ lợi tốt, nǎng suất lao động cao.
– Khoái Châu chịu khó tát nước đến 8 bậc để chống hạn.
– Thanh Xá nuôi trâu bò tốt.
– Mỹ Hào bán thóc thừa cho Nhà nước vượt 19%.
– Xã Đông Kinh tổ chức dân quân tốt.
– Ninh Tập lãnh đạo tốt. Kết quả là kế hoạch sản xuất do xã viên đề ra cao hơn kế hoạch do cấp trên quy định. Thu nhập của xã viên bần nông (như nhà ông Sâm mỗi người được 1.100 cân thóc) nhiều hơn của trung nông (như nhà anh Tấn mỗi người được 1.029 cân thóc) .
Về những công việc khác, Hưng Yên cũng tiến bộ khá. Vài ví dụ: Tỉnh ta đã tổ chức được những đội lên miền núi vỡ hoang và họ đã sản xuất khá. Bác thân ái gửi lời hỏi thǎm các cô, các chú xung phong đó và nhắn họ phải chú ý giúp đỡ đồng bào địa phương và củng cố đoàn kết dân tộc.
Tỉnh ta có 21 vạn 8 nghìn người đi học, Bác cũng gửi lời khen ngợi các giáo viên và học sinh.
Công việc vệ sinh, trồng cây gây rừng, công nghiệp địa phương, chǎn nuôi trâu bò, v.v. tỉnh ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Trung ương Đảng và Chính phủ mong rằng đồng bào, bộ đội và cán bộ Hưng Yên không ngừng cố gắng vượt mọi khó khǎn, sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm để tiến bộ mãi, làm cho tỉnh nhà đứng vào hàng tỉnh khá nhất trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.
—————–
Nói ngày 16-9-1961.
Báo Nhân dân, số 2.737, ngày 19-9-1961
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.