Bài nói chuyện với cán bộ và công nhân Nhà máy cơ khí Vinh (9-12-1961)

Hôm nay Bác đến thǎm nhà máy và anh chị em công nhân, Bác thấy nhà máy cũng như nơi ǎn, chỗ ngủ, tươm tất, sạch sẽ và hôm nay sạch sẽ hơn mọi lần.

Bác mong khi nào cũng sạch sẽ như hôm nay.

Bác nghe báo cáo nhà máy có nhiều ưu điểm:

– Thực hiện kế hoạch Nhà nước nǎm 1961 xong trước thời hạn 4 tháng 12 ngày và vượt mức gần 70 vạn đồng.

Hạ giá thành lưỡi diệp cày 51. Nǎm 1959, 3 đồng 2 hào một bộ lưỡi diệp cày, nay đã hạ xuống 2 đồng 5 hào. Có đúng không?

– Nǎng suất lao động tǎng tốt. Nǎm 1959 bình quân một đầu người 1 nghìn 40 đồng. Nǎm 1961 tǎng lên 8 nghìn 2 trǎm 50 đồng.

– Sáng kiến phát huy khá. Nǎm 1960, sử dụng được 36 sáng kiến. Nǎm 1961 sử dụng được 94 sáng kiến. Thế thì các cháu trai có sáng kiến nhiều hơn hay các cháu gái có sáng kiến nhiều hơn?

Các cháu gái phải cố gắng để có nhiều sáng kiến hơn.

– Công nhân có 243 người, đã có 74 người lao động tiên tiến. Như vậy là khá, nhưng chưa thật tiên tiến. Cần phải có nhiều tiên tiến hơn nữa.

Đó là những thành tích Bác khen ngợi, nhưng còn nhiều khuyết điểm:

– Lưỡi diệp cày 51 sản xuất ra hỏng 30 phần trǎm, không dùng

được; như vậy sản xuất để làm gì?

– Máy cấy đại bộ phận không dùng được. Như thế là làm mất công.

Giai cấp công nhân là giai cấp lãnh đạo, phải làm thế nào xứng đáng là lãnh đạo để người ta tin cậy. Nếu ta sản xuất xấu, chẳng những mất công, tốn nguyên liệu mà lại mất cả uy tín nữa. Do đó, cần phải làm cho tốt. Có làm được không? Phải làm được. Công nông liên minh chứ không phải “nông công liên minh”.

Bác đề nghị: sản xuất ra máy cày, máy cấy… công nhân phải bảo đảm cho nông dân có thời gian sử dụng. Nếu không bảo đảm thời gian đó thì phải sửa lại cho nông dân. Ví dụ: làm máy cấy, quy định cấy trong hai nǎm mà chỉ cấy được một nǎm đã hỏng, thì phải nhận chữa lại cho nông dân, không mất tiền sửa. Có làm được như thế mới có uy tín. Phải làm tốt bốn chữ: nhiều, nhanh, tốt, rẻ. Nếu làm nhiều, làm nhanh mà không làm tốt có được không? Nếu làm tốt mà không rẻ có được không? Nếu làm không rẻ, nông dân không mua, hàng sản xuất ra sẽ ứ lại, ứ hàng lại thì không có việc làm.

Cần phải thấy ưu điểm và khuyết điểm bây giờ như cái cân, khuyết điểm có khi còn nặng hơn. Ta phải làm cho nó thǎng bằng, đi đến ưu điểm nặng hơn và cuối cùng, khuyết điểm bị xoá hết. Sản xuất cũng như vậy, không phải làm tốt một lúc, mà phải dần dần và phải quyết tâm làm tốt.

Bác nói thêm điều này: vì sao làm hỏng nhiều? Vì tư tưởng làm chủ xí nghiệp, làm chủ nước nhà chưa cao, còn bảo thủ. Cần phải khắc phục những tư tưởng đó.

Cuối cùng, Bác thân ái thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ chúc các cô, các chú khoẻ để thi đua hơn nữa.

—————————-

Nói ngày 9-12-1961.
Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, 1977, tr. 112-114.
cpv.org.vn

Advertisement