Trả lời những câu hỏi của phóng viên báo Tin nhanh hàng ngày (Luân Đôn) (28-3-1962)

Hỏi: Tại sao “Việt cộng” không rút khỏi miền Nam Việt Nam sau Hiệp định đình chỉ chiến sự Giơnevơ năm 1954 ?

Trả lời: Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ. Việc tập kết chuyển quân đã được thực hiện sớm hơn thời gian Hiệp định Giơnevơ quy định ba ngày. Báo cáo số 4 (12-1955) của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát ở Việt Nam đã xác nhận việc đó.

“Việt cộng” là một cái tên do Mỹ – Diệm đặt ra và gán cho mọi người yêu nước ở miền Nam Việt Nam để ra tay khủng bố, đàn áp.

Cái chiêu bài “chống cộng” là do bọn đế quốc và bọn phản động dựng lên, để đàn áp mọi phong trào tiến bộ. Mỹ – Diệm cũng nêu chiêu bài “chống cộng” ở miền Nam Việt Nam, điều đó không có gì mới lạ.

Hỏi: Theo ý kiến Chủ tịch thì tình hình hiện nay ở miền Nam Việt Nam sẽ đưa đến kết quả như thế nào?

Trả lời: Phá hoại Hiệp định Giơnevơ, bất chấp dư luận thế giới, đế quốc Mỹ đã công khai vũ trang can thiệp vào miền Nam Việt Nam, lập bộ chỉ huy quân sự ở Sài Gòn, không ngừng đưa thêm các loại máy bay, tàu chiến, binh sĩ, chó săn, v.v. vào miền Nam Việt Nam. Điều đó thế giới đều biết. Độc ác hơn nữa là đế quốc Mỹ dùng máy bay ném bom đốt phá làng mạc và dùng hoá chất phá hoại mùa màng, gây nhiều thiệt hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân miền Nam.

Mỹ – Diệm đang gây chiến tranh chống nhân dân miền Nam Việt Nam. Lịch sử thế giới đã chứng tỏ rằng không lực lượng phản động nào có thể chống lại lực lượng đoàn kết và đấu tranh của nhân dân. Tình hình ở miền Nam sẽ đưa đến kết quả: Cuối cùng Mỹ – Diệm nhất định thất bại, nhân dân miền Nam nhất định thắng lợi.

Hỏi: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có sẵn sàng đi đến những bảo đảm quốc tế với những nước có mặt tại Hội nghị 14 nước tại Giơnevơ về Lào nhằm tôn trọng và bảo vệ lãnh thổ toàn vẹn của một miền Nam Việt Nam trung lập với một chính sách ngoại giao giống như của ấn Độ hoặc Campuchia không?

Trả lời:Cương lĩnh Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (9-1955) đã trả lời câu hỏi của ông.Cương lĩnh ấy đã nói như sau: “Về mọi mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hoá, xã hội và dân tộc, Việt Nam ta là một nước thống nhất, quyết không một lực lượng nào có thể chia cắt được”… Nhưng “hiện nay tình hình xã hội và chính trị ở miền Bắc và miền Nam khác nhau. Muốn thực hiện một cách thuận lợi việc thống nhất Tổ quốc bằng phương pháp hoà bình, chúng ta phải chiếu cố đến tình hình thực tế của hai miền, chiếu cố đến lợi ích và nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; đồng thời dùng cách hiệp thương đi đến tổng tuyển cử tự do để thực hiện thống nhất, không nên bên nào cưỡng ép hoặc thôn tính bên nào”.

Cương lĩnh đó phù hợp với Hiệp định Giơnevơ. Hiệp định này đã công nhận chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam và quy định giải pháp chính trị là tổng tuyển cử tự do trong cả nước.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nhiều lần đề nghị với chính quyền miền Nam, hai bên phái đại diện gặp nhau để bàn bạc cách giải quyết theo phương pháp hoà bình và vừa rồi, trong bản Tuyên bố ngày 18-2-1962, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà lại một lần nữa yêu cầu hai Chủ tịch và các nước tham gia Hiệp định Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương nghiên

cứu gấp những biện pháp có hiệu quả để chấm dứt cuộc vũ trang xâm lược của đế quốc Mỹ vào miền Nam Việt Nam, nhằm bảo vệ hoà bình ở Đông Dương và Đông – Nam Á.

Việc miền Nam theo một chế độtrung lập hay là một chế độ nào khác là do nhân dân miền Nam quyết định, không ai có thể làm trái nguyện vọng của nhân dân. Việc thống nhất đất nước Việt Nam là việc nội bộ của nhân dân Việt Nam, không một nước nào có quyền can thiệp.

Hỏi: Trong trường hợp như vậy thì theo ý kiến Chủ tịch, quan hệ giữa hai nước Việt Nam sẽ như thế nào?

Trả lời: Trong khi chờ đợi nước nhà thống nhất, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã từng đề nghị (Công hàm ngày 22-12-1958) với chính quyền miền Nam bình thường hoá quan hệ giữa hai miền về mặt kinh tế và văn hoá, về việc đi lại và thư tín giữa hai miền, v.v.. Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà cho đó là nguyện vọng thiết tha của toàn dân Việt Nam trong khi chờ đợi Tổ quốc thống nhất bằng phương pháp hoà bình.

————————–

Báo Nhân dân, số 2926, ngày 28-3-1962
cpv.org.vn

Advertisement