Bài nói chuyện với hội nghị tổng kết công tác cảnh vệ (2-1962)

Các cô, các chú bảo vệ Bác, hôm nay Bác đến để bảo vệ các cô, các chú.

Nǎm qua, các cô, các chú làm công tác đã có cố gắng, tận tuỵ, như thế là tốt. Nhưng còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Bác sẽ nói mấy điểm dưới đây:

Một là: kỹ thuật bảo vệ phải khéo léo, phải biết tại sao phải bảo vệ? Lúc nào thì bảo vệ? Phải bảo vệ là vì còn kẻ địch. Bảo vệ những lúc nguy hiểm, những lúc tình hình bất thường. Ví dụ: Bác đến đây, các cô, các chú có cần bảo vệ không? ở đây thì còn bảo vệ làm gì? Có địch đâu mà phải bảo vệ. Muốn bảo vệ thì người bảo vệ phải biết đánh địch, phải biết võ giỏi, phải khoẻ, phải bắn súng giỏi, bơi giỏi, chèo thuyền giỏi – để lúc có việc phải sang sông không phải chờ thuyền. Ví dụ: có kẻ địch xông vào đánh Bác thì chú bảo vệ phải biết đánh nó, mà muốn đánh được nó, phải giỏi hơn nó. Hay lúc Bác ở Việt Bắc cọp đuổi, Bác không trèo được, thì lúc đó, chú bảo vệ phải biết trèo. Vì vậy, hiện nay ở Liên Xô tất cả nhân dân ai được công nhận là biết thể dục, thể thao thì phải biết bắn giỏi, bơi giỏi, chạy giỏi… Ở đây Bác chưa biết chú nào bắn giỏi, võ giỏi, trèo giỏi. Nhưng các chú phải cố gắng rèn luyện nhiều nữa.

Hai là: phải giữ bí mật – vì muốn bảo vệ Bác nên các cô, các chú đã làm mất bí mật. Bác đến làng nào thì nhân dân biết rồi, đến nhà máy thì công nhân biết rồi, đến trường học thì các cháu đã biết rồi. Dân biết thì địch biết. Không biết kỹ thuật của các chú thế nào.

Tâm lý của địch cũng chỉ lừa lúc ta sơ hở, mất cảnh giác; nó cũng nghiên cứu những hiện tượng không bình thường để đoán biết tình hình mà phá ta. Cho nên muốn bảo vệ tốt phải hiểu tâm lý kẻ địch. Ví dụ: hồi Bác hoạt động ở Pari, Bác biết là mỗi khi Bác đi đâu luôn luôn có 2 thằng mật thám theo dõi tất cả sinh hoạt, làm việc của Bác. Bác như cái máy, cứ đến giờ đi làm, hết giờ về nhà, ǎn cơm, ngủ trưa, chiều đi làm, tối đi xinê hoặc đọc sách. Hai tên mật thám theo dõi Bác hằng tháng, cứ thấy ngày nào cũng như vậy, sau nó cứ sáng thì theo Bác, “đưa” Bác đến nơi làm việc, rồi bỏ đi chơi, hết giờ nó lại đến “đưa” Bác về. Nhưng nó vẫn báo cáo là theo sát. Bác làm một thời gian như vậy, Bác nắm chắc được quy luật của nó như vậy. Cho nên một hôm nó cũng theo Bác đến chỗ rạp hát rồi bỏ đi chơi. Nhân lúc đó, Bác chuồn luôn sang Mátxcơva. Hay một lần khác cũng ở Pari, Bác đến thẳng Cục cảnh sát xin giấy cư trú, nó hỏi giấy Bác, Bác xin về nhà lấy giấy, nhân đó Bác chuồn luôn. Cho nên mật thám cũng như Bác, như các cô, các chú không tài gì, mà chỉ do sơ hở thôi. Hoặc một lần Bác hoạt động ở biên giới Cao Bằng, Bác đã giả làm người Mèo, có một chú bé con người Thổ dắt. Thế là Bác qua ngay đồn một cách bất thình lình, yên ổn. Cho nên phải giữ bí mật; muốn thế phải làm bất thình lình thì kẻ địch không kịp chuẩn bị được. Nhưng các cô, các chú chưa giữ được bí mật, chỗ Bác đi các cô, các chú lộ hết. Không giữ được bí mật. Lúc Bác ở Quảng Châu, trông thấy mật thám là biết ngay, không biết vì thái độ hay gì đó. Đến nay Bác trông thấy các cô, các chú đứng ở ngoài đường hay các chỗ Bác đến thì Bác biết ngay lại người của chú Hoàn, chú Kháng đây! Bác biết thì người khác cũng biết. Tại sao Bác biết? Vì các chú không khéo. Cho nên muốn giữ được bí mật thì phải tìm cái gì để hoà với hoàn cảnh đó, phải biết bình thường hoá, nếu để mình biết, dân biết thì địch cũng biết.

Bác nói một điểm nữa là thái độ đối với nhân dân. Cũng vì mục đích bảo vệ Bác nên các chú không muốn để đồng bào đến gần, cho nên đã xô đẩy đồng bào. Thái độ thế là không tốt. Đồng bào và các cháu nhi đồng muốn đến gần Bác. Nhưng các chú thì lại không muốn. Nó có mâu thuẫn, nhưng phải làm thế nào? Mình là dân chủ, Bác cũng như các chú, đều nói là phục vụ nhân dân. Cho nên phải khéo tổ chức, nếu không khéo tổ chức thì xô đẩy cũng không được; cho nên, phải làm thế nào để vừa bảo vệ được Bác, vừa không xô đẩy đồng bào.

Tóm lại, các chú muốn bảo vệ tốt phải có kỹ thuật, phải giữ được bí mật và phải có thái độ tốt đối với đồng bào.

Cuối cùng Bác chúc các cô, các chú khoẻ và Bác có mang theo 5 chiếc huy hiệu để tặng những cô chú nào đạt được thành tích tốt nhất trong nǎm nay.

————————————

Nói vào tháng 2-1962. Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh với ngành công an nhân dân Việt Nam, Viện nghiên cứu khoa học công an, 1980, tr.41-44.
cpv.org.vn

Advertisement