Bài nói chuyện với cán bộ và xã viên hợp tác xã Vĩnh Thành (Nghệ An) (10-12-1961)

Thưa toàn thể đồng bào,

Bác và các đồng chí Trung ương, Tỉnh uỷ về thǎm hợp tác xã Vĩnh Thành, các cô, các chú xã viên và các cháu.

Bác có câu chuyện tóm tắt sau đây để bà con và các cháu chú ý:

– Hợp tác xã Vĩnh Thành về mọi mặt đều có tiến bộ. Nói chung như thế, Bác không phải kể nữa, mà các cô, các chú thì đã biết cả rồi.

Hợp tác xã Vĩnh Thành tuy có tiến bộ nhưng đang ít quá, nên Bác nói thêm mấy điểm:

– Thuỷ lợi phải chú ý đẩy mạnh hơn nữa. Có nước rồi phải chú ý giữ gìn, phải dùng cho hợp lý. Nước cần cho lúa, ngô, khoai, sắn, v.v. và các thứ cây khác. Các cô, các chú một ngày không uống nước có chịu được không? Không được. Vậy các cô, các chú không nên để cho cây khát. Có rõ không?

– Phân rất quan trọng. Người cần ǎn mới sống, cây cũng cần ǎn mới sống. Người không ǎn có sống được không? Thế thì người cần ǎn gạo, cây cần ǎn phân. Vậy phải làm thật nhiều phân lên.

– Lại phải làm kịp thời vụ. Ví dụ: người phụ nữ có thai nghén – việc này phụ nữ biết rõ hơn Bác – 9 tháng 10 ngày sinh nở là đúng thời. Thai già quá, đến 10, 11 tháng mới sinh là thất thường. Nhưng nếu mới 7, 8 tháng đã sinh là non quá. Làm ruộng cũng như thế. Phải kịp thời vụ, sớm quá không tốt, chậm quá càng không tốt. Thời tiết qua rồi không trở lại, nên cày, bừa, gặt đều phải kịp thời, kịp vụ.

– Việc vệ sinh còn kém. Nhà cửa chưa sạch sẽ. Đường sá chưa sạch sẽ. Tục ngữ có câu “Nhà sạch thì mát, bát sạch thì ngon”. Ǎn mà bát không sạch thì không ngon. Cho nên từ trong nhà ra ngoài ngõ, đến cái ǎn, cái mặc phải chú ý hơn nữa. Cần chǎm chỉ vệ sinh hơn.

– Cải tiến nông cụ ở đây có làm, nhưng chưa được khá lắm. Muốn tǎng gia sản xuất phải cải tiến nông cụ. Bác nói một ví dụ: trước đây cày một đám ruộng phải 4 người làm trong 1 ngày mới xong, nay với nông cụ cải tiến, 1 người có thể làm xong trong 1 ngày. Như thế là 1 người có thể làm bằng 4 người. Cấy cũng thế. ở đây, trung bình 1 người gánh được bao nhiêu? Được 30 kilô – mà nặng nhọc, đau vai. ở đây có xe chưa? Nếu đóng xe, 1 người có thể xe ít nhất là 1 tạ. Như thế là bằng 3 – 4 người gánh, lợi được 2 – 3 người để đi làm việc khác.

Thế tại sao làm chậm? Do óc bảo thủ. Từ đây, cố mà làm. Nhưng phải toàn diện: có cày cải tiến rồi thì phải có bừa cải tiến, có máy cấy cải tiến để ruộng khỏi chờ. Lại phải có máy gặt cải tiến, có máy tuốt lúa, v.v., toàn diện là như thế. Thiếu một khâu là nó đứt ra.

– Trồng cây ở đây khá – khá chứ chưa phải thật tốt đâu. Nên chọn cây gì đáng trồng thì trồng. Trồng nhiều cây phi lao thì nhanh, chóng tốt, nhưng nó chỉ dùng làm củi đun thôi. Để có phong cảnh nên trồng thêm một số cây phượng. Nó cũng mau lớn, hoa đẹp lắm, độ 4 – 5 nǎm thôi. Phải có cây gì nữa? Nghe nói ở đây các cụ có một đội chuyên trách trồng cây, như thế là tốt lắm. Các cụ nên giúp vào nữa. Tôi đề nghị các cụ trồng và phụ trách tất cả việc trồng cây. Còn các cháu phụ trách đỡ đầu cây. Các cháu chẳng những đừng phá cây, mà khi đi trâu, đi bò, không làm cây gãy. Các cụ đã sắm hàng rào, cháu thấy nó hỏng chỗ nào thì rào lại, hay về báo cáo với các cụ, để tu sửa. Các cháu có làm được không?

– Muốn mọi việc tiến bộ lên, phải hiểu chính trị. Mình làm cho ai? Để làm gì? Khi xưa làm ǎn riêng lẻ, mọi người đều lo lắng cho mình. Nay có hợp tác xã rồi, thì tình tình tàng tàng, kềnh càng vô hạn. Nhiều sãi không ai đóng cửa chùa. Thế là không tốt. Ngày nay, chúng ta thành người chủ tập thể, làm chủ hợp tác xã, làm chủ Nhà nước. Mỗi xã viên cần nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau. Phải có quyết tâm cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Phải làm đúng kỷ luật lao động. Luôn luôn nâng cao trình độ giác ngộ giai cấp, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, nâng cao tinh thần cảnh giác đối với kẻ địch.

Đảng viên, đoàn viên thanh niên lao động phải là những người xung phong gương mẫu trong mọi mặt sản xuất, công tác, học tập, đoàn kết.

Muốn dân giàu nước mạnh, phải làm chủ hợp tác xã bằng mọi cách. Hợp tác xã phải đoàn kết tốt, sản xuất tốt để tǎng thêm thu nhập chung của hợp tác xã và thu nhập riêng của xã viên, nâng cao đời sống của xã viên. Nước mình đang còn nghèo, đang còn lạc hậu so với Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên. Phải tiết kiệm, chớ có gặp một việc gì cũng làm mấy con lợn để liên hoan, đầu mùa cấy liên hoan, gặt xong liên hoan.

Nhân đây, Bác nêu một chuyện: Vĩnh Thành là hợp tác xã cấp cao toàn xã. Tất cả nhân dân trong xã như một gia đình lớn. Trong gia đình, phải trên kính dưới nhường, thương yêu giúp đỡ nhau. Nay có người già yếu hay vì thế nào đó mà không đủ sức sản xuất thì phải thế nào? Thực ra không có ai hoàn toàn không có sức sản xuất cả. Ngay các cụ già nhất, đi phải chống gậy cũng không phải không có sức sản xuất. Có thể tổ chức cho các cụ chǎn nuôi gà, trồng đám rau. Không lẽ để các cụ chết đói à. Trong nhà dù neo đơn đến đâu cũng không có lẽ để cho anh em chết đói. Nhất định hợp tác xã phải giúp đỡ. Để họ ra ngoài, có tiện không? Cho nên trong hợp tác xã phải giúp đỡ lẫn nhau. Đối với những người già yếu, neo đơn, thương binh, gia đình liệt sĩ, hợp tác xã phải khéo tìm cách chia công việc cho họ để họ cùng làm được, đồng thời phải chú ý giúp đỡ họ.

Một điều nữa là ở đây ban quản trị làm việc tương đối khá. Bác nhắc thêm: ở đâu quản trị khá thì hợp tác xã tiến, quản trị kém thì hợp tác xã yếu. Ban quản trị là những người do xã viên lựa chọn và bầu cử ra. Mọi công việc của hợp tác xã trước khi làm, ban quản trị phải đem ra bàn bạc với xã viên, hỏi ý kiến xã viên. Ban quản trị phải công bằng, không được thiên vị. Dân là chủ, xã viên là chủ. Ban quản trị làm việc để phục vụ ông chủ, bà chủ chứ không phải ngồi chỉ tay nǎm ngón, buộc người khác phải làm cái này cái kia. Lao động sản xuất ra ai cũng muốn biết người ta sản xuất được bao nhiêu, những thứ sản xuất ra đã đem làm gì. Về vấn đề tài chính, tài chính phải công khai, thu và chi phải báo cáo cho xã viên biết. Ban quản trị phải minh bạch. Có 1 vạn đồng mà tiêu hết 500 hay 5.000 đồng… tất cả xã viên đều biết còn lại mấy, thì ai cũng thoải mái. Nếu thu nhập và chi tiêu không công khai, sổ sách lại lèo nhèo, xã viên sẽ nghi ngờ ông quản trị “chấm mút” vô đó rồi. Do đó mà mất đoàn kết nội bộ. Không có đoàn kết, hợp tác xã không thể tiến bộ lên được.

– Hợp tác xã ở đây, số đảng viên, đoàn viên khá đông. Phải nhớ rằng: Đảng ta không phải Đảng làm quan. Đảng là ai? Tất cả các đảng viên, các chi bộ họp lại thành Đảng. Còn đoàn viên là cánh tay của Đảng, là sức xung phong của Đảng. Tất cả đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong sản xuất, trong học tập. Chi bộ phải tǎng cường hơn nữa việc đoàn kết nông thôn, làm cho toàn thể xã viên, toàn thể nông dân phấn khởi, hǎng hái tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển và củng cố hợp tác xã. Phải phát huy tác dụng của phụ nữ. Chi đoàn thanh niên lao động cần giúp chi bộ thi hành các chính sách của Đảng và Nhà nước.

Hôm nay, Bác chỉ về thǎm ở đây, không đi thǎm các hợp tác xã khác trong huyện, trong tỉnh được, là vì không có thì giờ. Các xã khác, các hợp tác xã khác cần thông cảm. Còn hợp tác xã ở đây cũng chớ thấy Bác về thǎm mà tưởng mình là nhất rồi, không đâu bằng nữa, rồi tự kiêu, tự mãn, cho rằng không cần học tập ai nữa. Không phải đâu. Phải học kinh nghiệm xã tiên tiến, hợp tác xã tiên tiến, xã viên tiên tiến. Làm hợp tác xã là chúng ta tập trung lực lượng tiến công vào nghèo nàn và lạc hậu, là đoàn kết chặt chẽ, sản xuất tốt, thu nhập cao, vệ sinh tốt, là học hành chǎm, đời sống lên không ngừng. Phải học các xã viên tiên tiến. Tiên tiến tức là giỏi đấy, phải giúp đỡ họ.

Ở đây có hơn 300 đảng viên, đoàn viên. Như thế là lực lượng của Đảng, lực lượng của Đoàn có hơn 300 người. Thế mà chỉ mới xuất hiện có 5 đồng chí xuất sắc nhất. Đảng viên, đoàn viên phải làm sao theo kịp với các đồng chí tiên tiến này. Ví dụ:

– Cô Nguyễn Thị Tuý đã làm được 397 công, 207 tạ phân, 136 mét khối thuỷ lợi.

– Cô Nguyễn Thị Nhuỵ đã làm được 404 công, 190 tạ phân, 128 mét khối thuỷ lợi.

– Chú Phan Trọng Kinh, làm được 389 công, 277 tạ phân, 135 mét khối thuỷ lợi.

– Chú Nguyễn Tá đã làm được 444 công, 260 tạ phân, 180 mét khối thuỷ lợi.

– Cô Nguyễn Thị Đường mặc dù có 2 con mọn vẫn phấn đấu được 272 công, 134 tạ phân, 112 mét khối thuỷ lợi.

Tuy có con dại mà cô Đường vẫn phấn đấu trở thành lao động tiên tiến. Vậy thì chớ có thói cái gì cũng đổ tội cho các cháu bé. Dễ đổ lắm, vì chúng không cãi. Vì sao những người ấy làm được? Họ không phải thần thánh gì đâu. Họ cũng là những người xã viên như tất cả thôi. Họ làm được, mình không làm được, có xấu hổ không?

Các cô, các chú thanh niên và bà con xã viên ít ra cũng làm bằng nửa chú Tá. Bác không yêu cầu nhiều hơn đâu, một nửa thôi, nghĩa là 222 công, 130 tạ phân, 90 mét khối thuỷ lợi. Làm một nửa cho được đi rồi sau tiến lên nữa.

Bác hỏi: Thành tích của các cô, các chú trên có đúng sự thật không? Bác không hỏi chú, Bác hỏi nhân dân kia. Có đúng sự thật không? Bác đề nghị thưởng huy hiệu cho 5 người này, đồng bào có tán thành không? Vậy các cô Tuý, Nhuỵ, Đường, các chú Tá, Kinh lên đây.

– Ai muốn Bác thưởng nữa nào? Tất cả đều muốn Bác thưởng à? Tốt lắm, Bác sẵn sàng thưởng cho tất cả. Nhưng cần có “giao kèo”. Bác cũng dè dặt thôi. Nhắc lại hôm nay các cô, các chú và bà con xã viên đã “giao kèo” với Bác sẽ làm bằng nửa những người vừa được tặng huy hiệu. Được như vậy, Bác sẽ thưởng tất cả.

Bác cảm ơn các cụ, các cô, các chú và toàn thể đồng bào đã đón tiếp Bác và phái đoàn. Thế là mất nửa ngày sản xuất, kể cả việc dọn dẹp, sắm sanh này khác. Cũng mới dọn, mới sắm đấy thôi. Bây giờ chúc bà con về lao động bù lại.

———————

Nói ngày 10-12-1961.
Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, 1977, tr.119-126.
cpv.org.vn

Advertisement