Hôm nay Bác và các đồng chí Võ Thúc Đồng, Nguyễn Khai thay mặt Trung ương Đảng, Chính phủ về thǎm và nói chuyện với các cô, các chú ở nông trường và đồng bào ở địa phương.
Nông trường này có tiến bộ khá như: tǎng diện tích vỡ hoang, chǎn nuôi, tǎng nǎng suất lao động, hạ giá thành… Bác vui lòng khen ngợi các cán bộ và công nhân nông trường.
Có tiến bộ khá nhưng chưa tốt trǎm phần trǎm. Bác khen là để khuyến khích, chứ không phải khen để các cô, các chú tự mãn với thành tích, không vươn lên nữa. Chẳng những nông trường này, mà tất cả các nông trường ở chung quanh và đồng bào địa phương cần chú ý mấy việc sau đây:
Về cải tiến công cụ, cần được đẩy mạnh hơn nữa và toàn diện hơn nữa. Toàn diện thế nào? Tức là trước mỗi người cày không đầy 1 mẫu, nay cũng thời gian như thế phải cày được 2 mẫu. Nhưng nếu chỉ cải tiến cày bừa thì cũng chưa đủ. Phải cải tiến công cụ làm cỏ, cải tiến cách trồng cây và sử dụng hết công suất máy móc. Cày bừa rồi, mà không làm cỏ cũng không được. Trồng cây, nhưng không cải tiến cách trồng cũng không được. Ngay cả việc vận chuyển, gặt hái… cũng đều phải cải tiến. Ví dụ: trước 4 người cày 1 mẫu, nay 1 người cày 2 mẫu, còn người để làm việc khác. Trước gánh trung bình mỗi người chỉ được 30 kilô nay dùng xe cút kít, mỗi người có thể được 90 kilô, như thế là bằng 3 người gánh. Vì vậy, việc cải tiến kỹ thuật, cải tiến công cụ rất cần.
Về thi đua, phải liên tục và rộng rãi hơn nữa. Phong trào thi đua đã có, nhưng chỉ mới cá nhân thôi. Nay phải phát triển thi đua ra tận tổ sản xuất, đội lao động và phát triển thi đua đến toàn nông trường, giữa nông trường này và nông trường khác. Có làm được như vậy mới thật tốt.
Trong trồng trọt phải chú ý toàn diện. Trồng cà phê, trồng lúa nhưng đồng thời phải chú ý trồng lạc, trồng vừng vì lạc, vừng là thứ hàng xuất khẩu rất tốt để đổi lấy máy móc. Nhưng ở đây chưa được chú ý đầy đủ.
Nông trường vừa là xí nghiệp vừa là nông nghiệp, nên cách lao động ở nông trường có khác. Ví dụ: ở nhà máy ngày làm 8 giờ, nhưng ở đây phải dốc sức làm cho kỳ xong, làm cho kịp thời vụ, phải tranh thủ nắng mưa, cho nên không thể theo ngày làm đúng 8 giờ như ở nhà máy.
Trong các nông trường ở đây thì nông trường này là khá. Các nông trường khác phải học tập nông trường này. Nhưng không phải vì khá mà tự kiêu, tự đại. Khá, nhưng chưa tuyệt đối trǎm phần trǎm. Mình có đất, có một ít nông cụ, máy móc. Nhưng ai dùng đất và dùng máy. Chính là con người, là cán bộ và công nhân. Cho nên, muốn phát triển nông trường tốt, cần phải xây dựng con người cho tốt. Người tốt là thế nào? Bằng hai mặt: một là vật chất, hai là tinh thần. Ban giám đốc phải cùng anh chị em công nhân tìm mọi cách để cải thiện ǎn uống, học hành và giải trí. Anh chị em công nhân có nhiệm vụ giúp ý kiến hay cho Ban giám đốc để làm được những việc trên. Ví dụ như việc xây dựng nhà hát. Việc cải thiện này cần phải làm. Các cô, các chú có thích ǎn ớt không? Ai cũng thích ǎn ớt. ớt là một loại cây dễ trồng, nhưng phải trồng mới có. Bây giờ đã đủ ớt ǎn chưa? Thế thì phải trồng ớt mà ǎn. Những ý kiến đó hay nhưng chưa làm được.
Muốn làm được như thế, mỗi một công nhân, mỗi một cán bộ cần đề cao tinh thần làm chủ, làm chủ nước nhà, làm chủ nông trường. Làm chủ sao cho ra làm chủ, không phải làm chủ là muốn ǎn bao nhiêu thì ǎn, muốn làm bao nhiêu thì làm. Làm chủ nghĩa là phải làm sao cho nông trường phát đạt, sản xuất được nhiều. Tóm lại, làm chủ là: biết cần kiệm xây dựng nông trường, xây dựng đất nước; biết đoàn kết nội bộ, giữa cán bộ và công nhân, đoàn kết giữa nông trường và đồng bào địa phương. Các cô, các chú có biết lúc kháng chiến địch mạnh hơn ta, ta có nhiều khó khǎn, nhưng vì sao ta thắng lợi? Vì ta biết đoàn kết. Đoàn kết là sức mạnh. Nông trường phải đoàn kết và giúp đỡ đồng bào chung quanh, nhưng đồng bào cũng phải đoàn kết với anh chị em nông trường, hai bên phải đoàn kết với nhau.
Muốn làm được như thế thì phải có lãnh đạo. Trong nông trường là Đảng uỷ, nhưng một mình Đảng uỷ làm không nổi đâu, mà phải có các chi bộ và tất cả đảng viên. Nhưng cũng chưa đủ mà phải có đoàn viên thanh niên lao động là cánh tay đắc lực của Đảng. ở nông trường này có 1.900 anh chị em công nhân, trong đó có 900 cả đảng viên và đoàn viên. Thế là đảng viên và đoàn viên thanh niên chiếm một nửa. Mỗi một đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu trong công tác, trong học tập và trong lao động. Nếu mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên thanh niên dìu dắt giúp đỡ một người tiến bộ thì toàn thể nông trường đều tiến bộ.
Các nông trường khác đem những lời Bác dặn ở đây về nói với anh chị em, chẳng những làm cho nông trường mình tiến bộ, mà tất cả các nông trường khác đều tiến bộ. Nông trường tiến bộ, nhà máy tiến bộ, nước ta sẽ mạnh, dân ta sẽ giàu.
Công nhân là giai cấp lãnh đạo góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, tạo cơ sở cho việc đấu tranh thống nhất nước nhà. Các cô các chú có muốn thống nhất nước nhà không? Muốn thế thì phải vỡ hoang, chǎn nuôi, tǎng nǎng suất, hạ giá thành hơn nữa. Ví dụ: làm một mẫu cà phê mất 1.400 đồng chỉ đổi được một cái máy cày. Nếu hạ giá thành xuống 700 đồng thì một mẫu cà phê đổi được hai máy cày. Muốn hạ giá thành thì phải làm được như thế. Bác dặn các nông trường khác cũng làm như thế.
Ở đây có một số đồng chí gương mẫu trong sản xuất, trong học tập và có nhiều sáng kiến như đồng chí Nguyễn Vǎn Lang, tổ trưởng trồng trọt, Võ Trọng Tạo, tổ trưởng chǎn nuôi, Trần Kim Mạnh quản đốc, có đáng khen thưởng không? Bác đề nghị thưởng huy hiệu cho ba đồng chí này, có tán thành không? Bây giờ các cô, các chú ai muốn được thưởng giơ tay lên? Bác và Trung ương sẵn sàng thưởng, nếu các cô, các chú thi đua làm kịp các chiến sĩ đó. Có “giao kèo” đấy nhá! Nếu các cô, các chú làm được như thế mà Bác không thưởng là lỗi tại Bác. Nếu Bác sẵn sàng thưởng mà các cô, các chú không làm được thì lỗi tại các cô, các chú. Có phải thế không? Các cô, các chú có đồng ý như thế không?
Cuối cùng, nhờ các cô, các chú chuyển lời chào của Bác, của Trung ương Đảng và Chính phủ đến các nông trường bạn và đồng bào địa phương.
Các nông trường có nhiệm vụ đoàn kết và tìm cách giúp đỡ đồng bào địa phương. Những kỹ thuật của nông trường tiến bộ hơn, vì vậy đồng bào địa phương cần đoàn kết với nông trường, học tập cách lao động của nông trường, xây dựng hợp tác xã cho tốt, đời sống xã viên ngày càng ấm no, thế là chủ nghĩa xã hội.
————————-
Nói ngày 10-12-1961. Sách Bác Hồ với quê hương Nghệ Tĩnh, Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Tỉnh uỷ Nghệ Tĩnh, 1977, tr.127-132.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.