– Ngày Độc lập huy hoàng 2/9/1945, Chính phủ Cách mạng Lâm thời nước Việt Nam DCCH ra mắt nhân dân Việt Nam trong sự chào đón nô nức. Nhưng sau độc lập là bộn bề công việc, và Chính phủ non trẻ ngay lập tức bắt tay vào xây dựng chính quyền, ổn định cuộc sống người dân, với các hoạt động sáng tạo và thiết thực như “Tuần lễ Vàng”, tổ chức đào tạo cán bộ Bình dân học vụ, phát động phong trào tiễu trừ giặc đói…
Bee.net.vn tổng hợp một số hình ảnh về Ngày Độc lập 2/9/1945, và các hoạt động khẩn trương của Chính phủ đầu tiên.
1. Ảnh Xe loa phát lệnh Tổng khởi nghĩa tại Hà Nội, tháng 8/1945. Lệnh phát ra đúng thời cơ, đúng với lòng người dân đang náo nức vùng lên. Ngày 19/8/1945, Hà Nội giành chính quyền đầu tiên trong cả nước, khuấy động làn sóng nổi dậy khắp toàn quốc.
2. 2/9/1945 – “Người đứng trên đài, lặng phút giây/ Trông đàn con đó, vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán… Ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây!” – Tố Hữu.
3. Những hình ảnh sáng ngày 2/9/1945 sẽ mãi đi vào lịch sử như một dấu son chói lọi cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, là một phần quan trọng trong lịch sử của Việt Nam. Ảnh quang cảnh Lễ duyệt binh tại quảng trường Ba Đình, 2/9/1945.
4. Bản “Tuyên ngôn độc lập” được Hồ Chí Minh đọc trong ngày Quốc khánh của dân tộc. “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
5. Chính phủ họp phiên đầu tiên, ngày 3/9/1945, bàn 6 vấn đề cấp bách: chống đói; xóa mù chữ; Tổng tuyển cử và Hiến pháp; giáo dục cần – kiệm – liêm – chính; bỏ thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tự do tín ngưỡng, đoàn kết lương giáo.
6. Chính phủ Việt Nam lâm thời sau phiên họp Chính phủ đầu tiên, ngày 3/9/1945.
7. Đề ra chương trình Tuần lễ Vàng 17-24/9/1945, Chính phủ đã huy động được sự ủng hộ lớn của nhân dân, nhân dân đã góp tổng cộng quyên góp được 20 triệu đồng và 370 kg vàng. Trước đó, sau khi giành chính quyền, quốc khố chỉ có 1,2 triệu đồng. Trong ảnh là những người giàu có xếp hàng trên phố Tràng Tiền đến nơi quyên góp, 16/9/1945
8. Ngày 27/9/1945 diễn ra Đại hội Thanh niên Cứu quốc. Các nhiệm vụ được đặt ra cho thanh niên là: Chuẩn bị luôn luôn: một mặt ủng hộ cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, một mặt chuẩn bị chiến đấu ở Trung và Bắc Bộ; Cứu đói: mang gạo từ chỗ có đến chỗ không có; Quyên gạo, khuyến nông, không để thừa một tấc đất hoang nào; Chuẩn bị Tổng tuyển cử: tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ bổn phận của mình trong cuộc Tổng tuyển cử.
9. Hồ Chủ tịch đang trao đổi với những người tham dự khai mạc “Triển lãm Văn hóa” tổ chức tại trụ sở cũ của hội Khai trí Tiến Đức (16 Lê Thái Tổ, Hà Nội) ngày 7/10/1945. Bộ Thông tin Tuyên truyền của Nhà nước Việt Nam trẻ tuổi đứng ra tổ chức, Hội Văn hóa Cứu quốc với những văn nghệ sĩ tên tuổi chủ trì. Triển lãm đã giới thiệu những hình ảnh, hiện vật về cuộc cách mạng nước ta, các bản nhạc, sách báo cách mạng; tranh, tượng mỹ thuật của các họa sĩ nổi tiếng của Việt Nam thời kỳ đó.
10. Lễ khai giảng lớp đầu tiên đào tạo cán bộ phụ trách Bình dân học vụ các tỉnh Bắc Bộ tổ chức tại Hà Nội, ngày 8/10/1945. Tại buổi lễ, Hồ Chí Minh nói: “Chống nạn thất học cũng quan trọng như chống ngoại xâm”.
11. Ngày tiễu trừ giặc đói xuất phát từ Nhà hát lớn Hà Nội,11/10/1945. “Tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó (mỗi bữa một bơ) để cứu dân nghèo” – Hồ Chí Minh.
12. Lễ xuất phát Đội tuyên truyền xung phong tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 20-10-1945. Đội tuyên truyền được Hồ Chủ tịch căn dặn là cần hiểu mục đích công việc và lên kế hoạch trước, nhẫn nại, không quan cách, nói năng giản dị.
13. Chính phủ gấp rút tổ chức chuẩn bị Tổng tuyển cử trong cả nước, ngày 6/1/1946, lần đầu tiên người dân Việt Nam được cầm lá phiếu để bầu ra những vị lãnh đạo của đất nước. Ảnh nhân dân đón mừng Chủ tịch Hồ Chí Minh và các vị được giới thiệu ứng cử Đại biểu Quốc hội tại Hà Nội.
Duyên Anh – Diệu Thủy (Tổng hợp)
bee.net.vn