Bài nói chuyện với nhân dân và cán bộ tỉnh Phú Thọ (18-8-1962)

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thăm đồng bào các dân tộc, bộ đội, công an, dân quân, các anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua, cán bộ và nhân viên Đảng và chính quyền, các cụ phụ lão, chị em phụ nữ, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Bác vui lòng khen ngợi đồng bào tỉnh ta đã cố gắng nhiều và đã đạt thành tích khá về các mặt. Ví dụ về nông nghiệp:

Hợp tác xã phát triển khá mạnh và đã củng cố dần. Nhờ làm ăn tập thể mà tăng vụ, vỡ hoang, chăn nuôi, nghề phụ, v.v. mỗi năm một tiến bộ. Như so với năm 1960, thì năm 1961 diện tích trồng trọt tăng 26.500 mẫu tây, trong đó gần 15.500 mẫu là đất vỡ hoang. Do đó mà số lượng lương thực đã tăng hơn 55% và tỉnh ta đã từ chỗ thiếu lương thực tiến đến chỗ đủ lương thực và thừa ít nhiều lương thực. Nói chung thì thu nhập của xã viên tăng thêm, đời sống của nhân dân được cải thiện rõ rệt.

“Có thực mới vực được đạo”. Sản xuất lương thực làm khá, cho nên các ngành khác (công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, văn hoá, xã hội, v.v.) đều có tiến bộ. Có kết quả đó là do:

1. Cán bộ đi sâu đi sát, lãnh đạo thiết thực.

2. Các đoàn thể nhất là thanh niên và phụ nữ cố gắng nhiều.

3. Đồng bào hăng hái tăng gia sản xuất.

Đó là những ưu điểm mà đồng bào và cán bộ cần phát triển thêm mãi.

Bây giờ nói đến mấy điểm mà đồng bào và cán bộ phải cố gắng để tiến bộ hơn nữa.

Hợp tác xã nông nghiệp – Xã viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, phải thực hiện khẩu hiệu, cần kiệm xây dựng hợp tác xã. Các ban quản trị phải do đại hội xã viên chọn lọc kỹ càng, bầu ra một cách dân chủ và do toàn thể xã viên giám đốc.

Quản lý phải dân chủ, tài chính phải công khai – Sổ sách phải minh bạch. Phải chống quan liêu, lãng phí, tham ô. (Hiện còn có hợp tác xã bỏ sơn, cọ không thu, đất cày rồi không cấy, không săn sóc để trâu bò chết; mỗi lần “liên hoan”, có xã giết từ 30 đến 50 lợn, lãng phí bừa bãi của hợp tác xã và của xã viên).

Số ngày lao động – Ngày lao động nhiều thì sản xuất nhiều. Sản xuất nhiều thì thu nhập của xã viên tăng. Nhưng hiện nay hợp tác xã nào lao động nhiều cũng chỉ 178 ngày, ít thì chỉ 142 ngày. Như thế là trong một năm, hơn 200 ngày không lao động cho hợp tác xã. Lao động ít, mà muốn thu nhập nhiều, thì rất vô lý. Phải tăng số ngày lao động thêm nữa.

Công cụ cải tiến – Ai cũng biết rằng một người dùng công cụ cải tiến thì làm việc bằng ba, bốn người. Nhưng ở tỉnh ta, bình quân độ 10 người lao động chỉ có một công cụ cải tiến, 3 mẫu tây đất chỉ có một cày cải tiến, 231 mẫu tây chỉ có một máy cấy. Như thế là quá ít. Cần phải phát triển công cụ cải tiến nhiều hơn nữa. Vài kiểu mẫu tốt: năm 1961, nhờ dùng nhiều công cụ cải tiến mà xã Trịnh Xã (Hà Nam) tiết kiệm được 24.000 ngày công, khu Vĩnh Linh gần 156.000 ngày trong 6 tháng đầu năm, huyện Thanh Chương 200.000 ngày.

Làm nhiều phân bón – Kế hoạch của tỉnh định bón một mẫu tây 9 tấn phân. Tuy chưa nhiều, nếu được 9 tấn mà chất tốt thì cũng tạm đủ, nhưng chưa chắc nơi nào cũng đủ 9 tấn. Xã Tiên Phong (Nghệ An) bón đến 12 tấn phân chuồng. Hợp tác xã Tân Khang (Nam Định) bón một sào 40 gánh phân, cho nên đã thu hoạch vụ chiêm 2.300 cân một mẫu tây. (Phú Thọ vì bón phân ít, chỉ thu hoạch bình quân 2.036 cân một mẫu tây).

Tỉnh ta lại còn có 13% diện tíchcấy chay; tức là 13% diện tích chắc chắn thu hoạch kém, ảnh hưởng xấu đến tổng số thu hoạch của toàn tỉnh. Người tốt với đất, thì đất tốt với lúa. Đất tốt với lúa thì lúa tốt với người. Đồng bào cần làm thêm phân bón, kiên quyết xóa bỏ cái tệ cấy chay và chú ý chống xói lở.

Trồng cây gây rừng – Làm được tốt thì thu lợi rất nhiều. Nói riêng về trồng trẩu. Theo các chuyên gia thì: trồng trẩu độ 6 năm đã thu hoạch. Trồng 5 triệu cây thì mùa đầu sẽ thu được 25.000 tấn quả, chế thành 8.250 tấn dầu, đáng giá 16 triệu đồng, tức là bằng 1/4 tổng giá trị sản lượng công nghiệp trong tỉnh ta (kể cả xí nghiệp trung ương, địa phương và thủ công nghiệp). Đồng bào tỉnh ta đã trồng 4 triệu cây, nhưng để chết mất 1 triệu cây. Như thế là vì trông nom kém, cho nên hao công tốn của nhiều mà kết quả ít. Từ nay đến hết năm 1963 nên có kế hoạch trồng cho được 4 triệu cây, nhưng trồng cây nào phải tốt cây ấy.

Nông trường – Nông trường là xí nghiệp của Nhà nước. Những người làm ở nông trường là công nhân. Công nhân là giai cấp lãnh đạo. Vì vậy công nhân ở nông trường cần phải đoàn kết chặt chẽ với nông dân và sẵn sàng giúp đỡ nông dân, phải làm cho liên minh giữa công nông ngày càng củng cố.

Những gương mẫu tốt – Tỉnh ta có những hợp tác xã tốt, như Thái Ninh, La Thành, Đồng Lực, Đồng Tâm, Thống Nhất, Nam Tiến, Xuân Lộc, v.v.. Ví dụ:

Hợp tác xã Thống Nhất (Võ Miếu) đã tăng diện tích bình quân đầu người từ 3 sào lên một mẫu. Mỗi năm xã viên làm hơn 200 ngày công, mỗi người được 1.173 cân lương thực.

Hợp tác xã Đồng Tâm từ 4 sào lên 1 mẫu 2, ngày công là 205, mỗi người được 1 tấn lương thực.

Tỉnh ta có 3 anh hùng lao động nông nghiệp và một anh hùng về công nghiệp, hơn 500 chiến sĩ thi đua, hơn 670 phụ nữ lao động tiên tiến. Có những người như cô Đảng có 4 cháu mọn, chồng là thương binh, đã làm bí thư chi bộ, uỷ viên ban chấp hành phụ nữ xã, uỷ viên quản trị kiêm đội trưởng lao động mà vẫn làm được 220 ngày công, văn hoá đã học lớp 4, toàn đội là tiên tiến. Cô Xịch dù bận 3 cháu mọn, mỗi năm vẫn làm được 333 ngày công, nhặt được 4 tấn phân bón và nay đã học văn hoá hết lớp 4.

Đảng uỷ và chính quyền cần bồi dưỡng những gương mẫu tốt, phổ biến những kinh nghiệm tốt và khuyến khích các xã viên, các hợp tác xã khác cố gắng noi theo.

Hợp tác xã Đồng Tâm và Đồng Lực là kiểu mẫu tốt. Tiếc rằng hợp tác xã Đồng Thanh (Cẩm Khê) lại là kiểu mẫu không tốt. Đồng Thanh có ruộng đất tốt, nhưng thu nhập của xã viên rất thấp. Vì sao? Vì thiếu mạ, vì không làm cỏ, vì nguồn phân bón rất nhiều nhưng toàn diện tích cấy chay, vì quản trị rất kém. Nhưng nguyên nhân chính là: vì đảng viên không gương mẫu, thậm chí có đảng viên bỏ việc hợp tác xã mà đi cấy tư. Nhất là vì chi bộ mất đoàn kết, nghi ngờ nể nang lẫn nhau.

Có xã viên đã nói: “Suốt đời chúng tôi tin Đảng, theo Đảng. Nhưng mấy ông đảng viên ở đây lãnh đạo chúng tôi ngày càng thụt lùi, đời sống càng khó khăn!”.

Trước tình hình đó, đảng uỷ huyện và tỉnh đã làm gì? Tỉnh uỷ và huyện uỷ phải chỉnh đốn ngay chi bộ Đồng Thanh và giúp cho hợp tác xã ấy trở nên một hợp tác xã khá, rồi báo cáo lên Trung ương.

Phú Thọ đã có nông nghiệp khá, lại có công nghiệp đang phát triển. Đó là điều kiện rất thuận lợi. Công nghiệp của trung ương thì có nhà máy chè, nhà máy xúppe phốtphát, khu xí nghiệp Việt Trì. Của địa phương thì có các nhà máy cơ khí, phân lân, xẻ gỗ, xay gạo, xát sắn, v.v.. Thủ công nghiệp thì có nghề rèn, nghề mộc, đan lát, thuộc da, v.v.. Giá trị của cả 3 loại công nghiệp cộng lại gần bằng 45% tổng giá trị công nông nghiệp của tỉnh ta, đó là một hiện tượng tốt.

Sáu tháng đầu năm nay, 5 xí nghiệp của trung ương đã hoàn thành tốt kế hoạch. Nhưng giấy, đường, hoá chất và công nghiệp địa phương cùng thủ công nghiệp thì chưa đạt kế hoạch, cần phải cố gắng tiến lên.

Xí nghiệp trung ương phải giúp đỡ công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp, nhằm cung cấp ngày càng nhiều tư liệu sản xuất cho nông nghiệp và những hàng tiêu dùng cho nhân dân tỉnh nhà.

Công nhân và cán bộ phải đoàn kết chặt chẽ, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm. Sản xuất thì phải nhằm tăng chất lượng và hạ giá thành, phải thi đua làm đúng khẩu hiệu “nhiều, nhanh, tốt, rẻ”. Năm nay, công nhân đã phát huy hơn 650 sáng kiến có giá trị. Như thế là tốt. Cần phải tổng kết và phổ biến những kinh nghiệm đó.

Trên đây Bác chỉ nói tóm tắt mấy điểm thôi (còn có nhiều điểm quan trọng như thuỷ lợi, chăn nuôi, v.v. chưa nói đến). Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm của Trung ương Đảng đã nói về nông nghiệp. Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy của Trung ương Đảng nói về công nghiệp. Lại có những bài báo giải thích hai Nghị quyết đó. Cán bộ cần ra công nghiên cứu kỹ và giải thích sâu rộng cho anh em công nhân và nông dân, để cùng nhau làm đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước.

Thương nghiệp – Nhân dân tỉnh ta đã hăng hái làm tròn nghĩa vụ như đóng thuế, trả nợ cho ngân hàng, bán lương thực và các nông sản khác cho Nhà nước. Như thế là tốt, từ nay nên cố gắng thêm.

Cán bộthương nghiệp – Cần làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ; gần gũi nhân dân, cùng nhân dân bàn bạc trong việc mua bán và phục vụ nhân dân cho tốt hơn nữa.

Văn hoá xã hội – Nếu tính cả các lớp vỡ lòng, bình dân học vụ, bổ túc văn hoá và trường phổ thông, thì tỉnh ta có độ 160.000 người đi học. Thế là cứ ba, bốn người dân thì có một người đi học. Đó là một ưu điểm. Tuy vậy, còn cần phải xoá cho hết nạn mù chữ (2.500 người), đẩy mạnh hơn nữa bổ túc văn hoá, nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy và học tập. Phải thực hiện học đi đôi với hành.

Về văn hoá, tỉnh ta cũng có gương mẫu tốt, như xã Liên Hiệp: hết thảy xã viên hợp tác xã đều đã học lớp 2, đảng viên và đoàn viên thanh niên đều học lớp 3, cán bộ đều học lớp 4 hoặc lớp 5.

Cần đẩy mạnh hơn nữa phong tràovệ sinh phòng bệnh. Các nhà thương cần phải thật sạch sẽ gọn ghẽ, phải là kiểu mẫu trong công tác vệ sinh. Cán bộ ngành y tế, từ bác sĩ đến nhân viên cần có thái độ nhã nhặn và có tinh thần phục vụ tốt nhân dân.

Trật tự trị an – Các đồng chí bộ đội, công an và dân quân cần luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ tốt trật tự, an ninh, luôn luôn sẵn sàng chiến đấu, để đập tan mọi âm mưu địch phá hoại. Cố gắng tham gia sản xuất. Cố gắng học tập chính trị, văn hoá và nghiệp vụ để tiến bộ mãi.

Toàn thể nhân dân cũng phải nâng cao cảnh giác và giúp sức vào việc giữ gìn trật tự, an ninh.

Lãnh đạo – Để làm cho đồng bào phấn khởi thực hiện tốt những việc trên đây, Đảng bộ phải lãnh đạo tốt. Tỉnh ta có 22.300 đảng viên. Và gần 30.000 đoàn viên thanh niên là cánh tay đắc lực của Đảng, trong số đó có 24.500 đoàn viên đã ghi tên tham gia phong trào hoàn thành vượt mức kế hoạch 5 năm của Nhà nước. Bác vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên đó.

Số đảng viên và đoàn viên không ít lắm, nhưng cũng chưa phải nhiều; cần phát triển Đảng và Đoàn thêm nữa.

Cố nhiên, khi phát triển phải chọn lọc hết sức cẩn thận, không được kết nạp bừa.

Đảng ta là Đảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác. Vì vậy mà Đảng ta được dân tin, dân phục, dân yêu. Ngày nay, nhiệm vụ của Đảng ta là lãnh đạo quần chúng đánh thắng tình trạng nghèo nàn và lạc hậu, xây dựng đời sống ấm no sung sướng cho nhân dân. Như thế là xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trung ương yêu cầu mỗi một đảng viên và đoàn viên thanh niên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc. Các cấp uỷ phải đi sâu đi sát, nhất là các ngành kinh tế, phải lãnh đạo toàn diện.

Để lãnh đạo tốt, các cấp uỷ phải thật đoàn kết, thật dân chủ, phải thực hành chế độ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” và phê bình và tự phê bình để không ngừng tiến bộ.

Hiện nay, tỉnh ta có tiến bộ về nhiều mặt. Nhưng phải cố gắng mãi để tiến bộ mãi. Quyết chớ tự mãn, chớ chủ quan.

Trước đây 17 năm, từ Nam đến Bắc, Đảng ta chỉ có độ 5.000 đồng chí mà đã lãnh đạo toàn dân làm cách mạng thành công. Nay chỉ tỉnh ta đã có một đội ngũ rất mạnh gồm 52.300 đảng viên và đoàn viên. Đồng bào tỉnh ta lại có truyền thống đoàn kết và anh dũng, trong thời kỳ kháng chiến đã lập nhiều công trạng vẻ vang. Bác tin rằng Đảng bộ Phú Thọ sẽ cố gắng lãnh đạo nhân dân tỉnh ta thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành và hoàn thành vượt mức những nhiệm vụ Đảng đã giao phó, trở nên tỉnh tiên tiến để góp phần đắc lực vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, làm nền tảng vững mạnh cho sự nghiệp đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

——————

Nói ngày 18-8-1962.
Báo Nhân dân, số 3.074, ngày 24-8-1962.
cpv.org.vn

Advertisement