Bài nói với nhân dân, cán bộ, bộ đội tỉnh Vĩnh Phúc (2-3-1963)

Bác và đồng chí Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thǎm đồng bào, bộ đội và cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.

Đồng thời khen ngợi xã viên các hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá.

Tuy vậy, hiện nay tỉnh ta còn độ 7.000 mẫu tây đang thiếu nước, chưa trồng trọt được. Nắng lại kéo dài, những ruộng đã cấy rồi có thể bị hạn lại.

Bởi vậy, chúng ta cần phải tiếp tục ra sức chống hạn.

Chống hạn thì phải có nước. Nước có 3 nguồn:

– Một là nước trời mưa, chúng ta quyết không ngồi chờ trời, chờ mưa.

– Hai là nước sông ngòi, trời nắng lâu thì sông ngòi có thể khô cạn.

– Ba là nước dưới đất, đó là một nguồn vô tận, chịu khó đào giếng thì chắc có nước. Vì vậy, ngoài việc vét sông, khơi mương, chúng ta cần phải đào nhiều giếng.

Tỉnh ta đã có 1.500 cái giếng. Nhưng chưa đủ, cần đào thêm nữa. Muốn đào giếng tốt thì phải hỏi kinh nghiệm các cụ phụ lão và bố trí các “kiện tướng” thuỷ lợi trong tỉnh làm đầu tàu. Kết quả sẽ nhanh và tốt.

Hiện nay tỉnh ta có 220 máy bơm nước. Đó cũng là một lực lượng chống hạn. Anh em công nhân phải giúp đồng bào dùng máy cho thật tốt.

Nói tóm lại: chúng ta phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất.

Người ta phải ǎn mới sống. Lúa, khoai, cây cối cũng vậy. Người muốn đủ ǎn, thì phải cho lúa khoai, cây cối ǎn cho đủ, tức là phải dùng nhiều phân bón. “Một đống phân, một cân thóc”. Muốn thu hoạch nhiều thì phải bón nhiều phân.

Phân lấy ở đâu ? Ngoài phân xanh và phân hoá học, cần có nhiều phân chuồng.

Vì vậy, phải ra sức phát triển chǎn nuôi lợn và trâu bò cho tốt.

“Nước, phân, cần, giống” là bốn điều rất quan trọng trong nông nghiệp. Nước đã đủ, phân đã nhiều, lại còn phải chọn giống cho tốt.

Cần nghĩa là gì ? Chữ cần có hai ý nghĩa: một ý nghĩa là làm việc phải cần cù siêng nǎng; chớ lười biếng; chớ ǎn thật làm dối. Một ý nghĩa nữa là phải tìm mọi cách để ít người mà làm được nhiều việc. Ví dụ: một người mà làm việc bằng hai, ba người, muốn như thế thì phải cải tiến công cụ.

Điều rất quan trọng nữa, là phải quản lý lao động cho tốt, công việc phải sắp đặtcho hợp lý. Ví dụ: hôm nay cần mấy người đào giếng, mấy người tát nước, mấy người đi cấy, v.v. đều phải có kế hoạch và phân công rõ rệt. Như vậy thì công việc sẽ làm tốt và tránh khỏi lãng phí sức người.

Đồng bào nên tranh thủ gieo trồng hết đất còn lại. Nơi nào thật cần chuyển vụ thì phải đặt kế hoạch chuyển ngay cho kịp thời. Cần phải trồng thật nhiều hoa màu để bù cho số lúa hụt. Đồng thời phải thực hiện tốt kế hoạch trồng cây công nghiệpnhư mía, lạc, thuốc lá, v.v.. Chống hạn, phân bón, chọn giống, trồng trọt, chǎn nuôi, cải tiến công cụ, phát triển hoa màu, v.v. đều là những khâu quan trọng trong sợi dây chuyền nông nghiệp. Một khâu nào yếu cũng không được.

Nhân đây, Bác nhắc đồng bào và cán bộ mấy điều nữa:

– Phải chú ý trừ sâu.

– Phải sẵn sàngphòng lụt và chống lụt, vì sau hạn nặng thường có mưa to.

– Về cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, ở tỉnh ta 95% đồng bào nông dân đã vào hợp tác xã. Như vậy là tốt. Muốn tǎng thu nhập chung cho hợp tác xã và riêng cho xã viên, muốn phát triển hơn nữa nông nghiệp và nâng cao hơn nữa đời sống của nông dân, thì cần phải cải tiến quản lý cho tốt hơn nữa.

Phải làm khẩn trương, nhưng chớ nóng vội, chớ tham nhiều. Cải tiến cái nào phải thật tốt và thật chắc cái ấy.

– Muốn làm tốt mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh uỷ đến chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của nhân dân. Phải đi đúng đường lối quần chúng. Phải đi sâu vào cơ sở, đi sát hợp tác xã. Phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà. Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư…

– Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào tỉnh ta đã có truyền thống oanh liệt đánh Nhật, đánh Tây. Ngày nay Vĩnh Phúc oanh liệt lại kết nghĩa với Bến Tre anh hùng. Như thế là rất vẻ vang. Đồng bào tỉnh ta phải ra sức phấn đấu, quyết đánh thắng giặc hạn, quyết giành vụ Đông – Xuân thắng lợi. Như vậy là góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà. Như vậv là thiết thực ủng hộ đông bào Bến Tre ruột thịt.

Hồi Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta chỉ có ngót 5.000 đồng chí, mà đã lãnh đạo nhân dân cả nước từ Nam đến Bắc làm cách mạng

thành công. Hiện nay, riêng tỉnh ta đã có 14.500 đảng viên và 22.700 đoàn viên thanh niên lao động. Mỗi đảng viên và mỗi đoàn viên phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, phải ra sức đoàn kết và giúp đỡ bà con cùng tiến bộ, phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn thịnh nhất ở miền Bắc nước ta.

Nói ngày 2-3-1963.

——————–

Báo Nhân dân,số 3265, ngày 5-3-1963.
cpv.org.vn

Advertisement