Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết ý kiến nhận xét về tình hình miền Nam Việt Nam hiện nay ?
Trả lời: Chế độ Ngô Đình Diệm và bọn can thiệp Mỹ, đang tiến hành một cuộc chiến tranh man rợ để giết hại đồng bào chúng tôi ở miền Nam Việt Nam. Một quân đội mấy chục vạn người đang đàn áp dã man nhân dân miền Nam. Hơn 12 nghìn sĩ quan và binh lính Mỹ đang tham gia cuộc chiến tranh này, hàng trǎm máy bay và máy bay lên thẳng của Mỹ do phi công Mỹ lái đang hằng ngày dội bom đốt phá các làng xóm yên lành, rải chất độc hoá học phá hoại mùa màng, vườn tược. Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Sài Gòn đã nắm quyền chỉ huy về mọi mặt cuộc chiến tranh chống lại nhân dân miền Nam. Tướng tá Mỹ vạch kế hoạch tác chiến; sĩ quan Mỹ điều khiển các cuộc chiến đấu; sĩ quan và binh lính Mỹ trực tiếp tham gia các cuộc càn quét. Danh từ “cố vấn” dùng để nguỵ trang số binh sĩ Mỹ này không lừa bịp được ai cả. Chính là phi công Mỹ đã chọn mục tiêu ném bom và bắn đạn lõm, lính Mỹ đã chỉ huy và bắn đại bác và nhiều khi đã dùng súng thúc ép binh lính Diệm đi giết hại đồng bào họ.
Hiện nay, về mặt quân sự và chính trị, âm mưu của Mỹ là dồn toàn thể nhân dân vùng nông thôn miền Nam Việt Nam vào các trại tập trung – các làng xóm có công sự chiến đấu, chung quanh có hàng rào dây thép gai và hào sâu và người nông dân chỉ được đi ra khỏi làng lúc ban ngày, dưới mũi súng của quân đội Mỹ – Diệm. Những cuộc càn quét lớn được tổ chức để dồn nông dân vào những cái gọi là “ấp chiến lược”, thực tế là những trại tập trung. Nhân dân miền Nam Việt Nam chống lại việc tập trung đó và không chịu sống cuộc đời nô lệ. Với những vũ khí thô sơ tự mình chế tạo ra và vũ khí lấy được từ tay bọn đi áp bức, nhân dân miền Nam đã chiến đấu chống lại Mỹ – Diệm. Để tǎng sức ép đối với nhân dân, gần đây, máy bay Mỹ đã đẩy mạnh chiến dịch man rợ rải chất độc hoá học để phá hoại lúa má và hoa màu, hòng làm cho nông dân bị đói và chịu khuất phục chúng.
Nhân dân đã buộc phải đứng lên đấu tranh vũ trang. Đại biểu của tất cả các tầng lớp nhân dân đã cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Mặt trận hiện đang phối hợp và lãnh đạo những hoạt động kháng chiến. Phần lớn vùng nông thôn đã được giải phóng khỏi chế độ bù nhìn Mỹ – Diệm và đặt dưới quyền quản lý của Uỷ ban Mặt trận dân tộc giải phóng do nhân dân bầu ra. Hiện nay Mỹ – Diệm chỉ kiểm soát được chủ yếu là các thành phố và một số đường chiến lược.
Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết những nguyên nhân chính đưa đến tình hình hiện nay ở miền Nam Việt Nam?
Trả lời: Bất cứ ai xem xét sự việc một cách khách quan đều thấy rõ nguyên nhân tình hình hiện nay ở miền Nam Việt Nam. Chế độ Diệm là một sản phẩm do Chính phủ Mỹ tạo nên. Nó không hề được nhân dân miền Nam Việt Nam ủng hộ. Đó là một chế độ phong kiến, độc tài, gia đình trị, tất cả quyền bính và tài nguyên trong nước đều nằm trong tay gia đình họ Ngô. Chế độ Diệm sở dĩ tồn tại được là nhờ có súng đạn và đôla Mỹ.
Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 quy định phải bảo đảm các quyền dân chủ cho nhân dân miền Nam Việt Nam, không được khủng bố trả thù những người yêu nước trước đây đã chiến đấu để giải phóng đất nước khỏi ách thực dân Pháp. Sau hai nǎm, phải tổ chức tổng tuyển cử dân chủ để hoà bình thống nhất đất nước. Nhưng do Mỹ trực tiếp xui giục và ủng hộ về tài chính, chính trị và quân sự, những điều khoản trên đây và nhiều điều khoản khác của Hiệp định Giơnevơ đã bị chế độ Ngô Đình Diệm chà đạp một cách thô bạo.
Từ nǎm 1955 trở đi chúng đã tiến hành một chiến dịch nhằm tiêu diệt tất cả những người yêu nước trước kia đã tham gia kháng chiến. Lúc đầu đồng bào chúng tôi đã cố gắng dùng phương pháp hoà bình để tự bảo vệ bằng cách đòi được hưởng những quyền hợp pháp do Hiệp định Giơnevơ bảo đảm.
Uỷ ban Quốc tế giám sát và kiểm soát đã tiến hành nhiều cuộc điều tra tại chỗ về những vụ thảm sát hàng loạt và những vụ tra tấn dã man hàng nghìn người chỉ vì họ có mỗi một “tội” là đã ủng hộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Tuy nhiên, Uỷ ban Quốc tế đã tỏ ra bất lực, không chấm dứt được các cuộc thảm sát, cũng như không bảo đảm được việc thi hành những điều khoản về việc tổ chức tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam, đáng lẽ phải tiến hành vào nǎm 1956.
Cho tới khi hàng vạn người đã bị giết hại một cách tàn nhẫn và hàng chục vạn người khác bị giam cầm chết dần chết mòn trong các nhà tù và trại tập trung của bọn Ngô Đình Diệm, đồng bào chúng tôi ở miền Nam mới thấy không có con đường nào khác, ngoài con đường chiến đấu để bảo vệ đời sống của mình và gia đình mình. Họ đau đớn phải lựa chọn giữa hai con đường, hoặc là cầm vũ khí chiến đấu hoặc là bị tiêu diệt.
Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Mỹ từ cuối nǎm 1961 đến nay đã làm cho nhân dân chúng tôi ở miền Nam vĩ tuyến 17 phải chịu thêm nhiều nỗi đau khổ, đồng thời nó cũng làm cho nhân dân miền Nam Việt Nam càng thêm quyết tâm tiến hành, nếu cần, một cuộc kháng chiến lâu dài nhằm đánh đuổi bọn can thiệp Mỹ và thủ tiêu chế độ phong kiến phát xít Ngô Đình Diệm.
Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết có đúng là cuộc kháng chiến vũ trang ở miền Nam được miền Bắc ủng hộ hay không?
Trả lời: Về mọi mặt địa lý, lịch sử, vǎn hoá và chủng tộc, dân tộc Việt Nam là một. Chúng tôi đã đoàn kết một lòng chiến đấu chống thực dân Pháp và xâm lược Nhật. Đó là một điều mà đường ranh giới tạm thời vạch theo vĩ tuyến 17, nhằm làm dễ dàng hơn việc ký kết Hiệp định đình chiến nǎm 1954, không thể nào thay đổi được. Sự thống nhất của nước Việt Nam và của dân tộc Việt Nam đã được thừa nhận và ghi rõ trong các Hiệp định Giơnevơ. Cũng vì vậy mà cuộc đấu tranh của đồng bào chúng tôi ở miền Nam được toàn thể nhân dân Việt Nam, cả phía Bắc và phía Nam vĩ tuyến 17, hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Về mặt ủng hộ vật chất: Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà triệt để theo đúng Hiệp định Giơnevơ. Ai cũng biết và ngay báo chí Mỹ cũng thừa nhận rằng cuộc đấu tranh hiện nay ở miền Nam Việt Nam là do nhân dân miền Nam Việt Nam tiến hành, do chính những nông dân mà chế độ Mỹ – Diệm đang ra sức dồn vào các trại tập trung tiến hành. Và vũ khí của họ chính là những vũ khí mà họ lấy được trong tay bọn can thiệp Mỹ và bù nhìn của chúng.
Hỏi: Theo ý kiến của Chủ tịch thì cần phải có những biện pháp chủ yếu nào đểchấm dứt đổ máu và lập lại hoà bình ở miền Nam Việt Nam?
Trả lời: Phải chấm dứt sự can thiệp của nước ngoài, phải rút khỏi miền Nam Việt Nam các lực lượng quân sự và vũ khí của bọn can thiệp. Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 phải được tôn trọng và Mỹ cũng phải tôn trọng lời cam kết của mình là không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực để vi phạm Hiệp định. Phải chấm dứt chính sách man rợ, dồn dân và bắt nhân dân miền Nam vào sống trong các trại tập trung. Có thể thu xếp một cuộc ngừng bắn giữa quân đội Ngô Đình Diệm và các lực lượng vũ trang của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Phải tạo điều kiện cho nhân dân miền Nam Việt Nam có thể bầu cử một cách tự do và dân chủ để lập ra một chính phủ theo đúng ý nguyện của mình. Chính phủ đó và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có thể thương lượng để đi đến những hiệp định nhằm thủ tiêu một phần tình trạng bất bình thường, nguy hiểm hiện nay và huỷ bỏ những hàng rào ngǎn cách hai miền Bắc – Nam, trong các lĩnh vực buôn bán, giao thông đi lại và vǎn hoá. Nhưng bất cứ một chính phủ nào ở miền Nam sau này cũng phải cam kết triệt để tôn trọng Hiệp định Giơnevơ, như nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã làm, cam kết không tham gia bất cứ khối quân sự nào và không cho phép nước ngoài lập cǎn cứ quân sự trên lãnh thổ của mình.
Hỏi: Theo ý kiến Chủ tịch thì nhân dân Mỹ có thể và cần phải làm gì để gópphần chấm dứt cuộc “chiến tranh không tuyên bố ” ở miền Nam Việt Nam?
Trả lời: Nhân dân Mỹ cần tìm mọi cách đòi Chính phủ Mỹ chấm dứt can thiệp, tôn trọng lời cam kết “không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực” để vi phạm Hiệp định Giơnevơ. Nhân dân Mỹ cần tự mình nhận rõ những hậu quả thực sự và tai hại của cuộc “chiến tranh không tuyên bố ” mà Chính phủ Mỹ đang tiến hành bằng bom đạn, bom napan và các chất độc hoá học, chống lại một dân tộc chỉ mong muốn được làm ǎn sinh sống hoà bình. Các tổ chức hoà bình cần động viên lực lượng tiến hành đấu tranh quần chúng rộng rãi để chấm dứt cuộc chiến tranh can thiệp xấu xa đó.
Hỏi: Thông qua tờ tuần báo Người bảo vệ dân tộc, Chủ tịch có muốn nói điều gì với nhân dân Mỹ không?
Trả lời: Chúng tôi không có xích mích gì với nhân dân Mỹ. Chúng tôi muốn sống hoà bình và hữu nghị với nhân dân Mỹ. Nhân dân chúng tôi được giáo dục theo tinh thần quốc tế chân chính. Trước đây, chúng tôi đã chú ý phân biệt thực dân Pháp và nhân dân Pháp yêu chuộng hoà bình, thì ngày nay chúng tôi cũng chú ý phân biệt nhân dân Mỹ vĩ đại có truyền thống tự do, với bọn can thiệp Mỹ và bọn quân phiệt ở Hoa Thịnh Đốn đang nâng đỡ chúng.
Chúng tôi đánh giá rất cao những hành động như lời tuyên bố mới đây của hơn 62 nhân sĩ trí thức Mỹ phản đối cuộc chiến tranh can thiệp, như cuộc biểu tình của thanh niên Mỹ chống cuộc “chiến tranh không tuyên bố”. Nhân dân chúng tôi biết rõ và rất cảm động trước những hành động đó. Tôi xin chân thành chúc nhân dân Mỹ thu được nhiều thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho hoà bình và tiến bộ.
Hỏi: Thông qua tờ Tuần báo Angiêri Cách mạng châu Phi, Chủ tịch muốn nhắn gửi điều gì đến nhân dân Angiêri và nhân dân các nước châu Phi, hiện đang đấu tranh để giải phóng dân tộc?
Trả lời: Trước đây nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã theo dõi với mối cảm tình rất sâu sắc cuộc đấu tranh anh dũng và thắng lợi của nhân dân Angiêri chống chủ nghĩa thực dân Pháp. Chúng tôi đã vui mừng trước những thắng lợi của các bạn và đau xót trước những nỗi thống khổ của các bạn. Chúng tôi chúc các bạn thu được nhiều thắng lợi trong công cuộc hoà bình xây dựng đất nước cũng như trong việc đập tan những âm mưu của bọn thực dân mới.
Chúng tôi đồng tình và ủng hộ nhân dân các nước khác ở châu Phi, như nhân dân Ǎnggôla, nhân dân Ghinê thuộc Bồ Đào Nha và nhân dân các nước khác đã đứng lên đấu tranh vũ trang chống bọn thực dân áp bức. Một khi các cuộc đấu tranh đó dựa vào nhân dân, một khi nhân dân và lực lượng vũ trang của nhân dân đoàn kết thành một khối thì cuộc đấu tranh nhất định sẽ thắng lợi.
————————–
Báo Nhân dân,số 3420, ngày 8-8-1963.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.