Bài nói với nhân dân và cán bộ tỉnh Nam Định (22-5-1963)

Thưa đồng bào,

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ thân ái hỏi thǎm đồng bào, cán bộ và bộ đội, công an và dân quân tự vệ, các anh hùng lao động và chiến sĩ thi đua, kiều bào mới về nước, bà con Hoa kiều, các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng.

So với nǎm 1958, Bác về thǎm lần trước, thì lần này Bác vui lòng thấy đồng bào tỉnh ta đã cố gắng và có tiến bộ về các mặt.

Về nông nghiệpthì trong toàn tỉnh hiện nay đã có 90% đồng bào nông dân vào hợp tác xã. ở vùng đồng bào công giáo cũng đã có 62% số hộ vào hợp tác xã. Nhờ làm ǎn tập thể mà đã tǎng được vụ, vỡ hoang thêm, chǎn nuôi và làm nghề phụ mỗi nǎm một tiến bộ. Cho nên sản xuất nông nghiệp trong hai nǎm vừa qua, nhất là nǎm 1962, tuy gặp thiên tai liên tiếp, nhưng nhờ đồng bào và cán bộ ra sức chống hạn, làm thuỷ lợi và phân bón cho nên nǎng suất bình quân cả nǎm vẫn giữ được gần 20 tạ một héc ta.

Các ngành kháctrong tỉnh như công nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp, vǎn hoá, giáo dục, y tế, thể dục, vệ sinh, trật tự an ninh cũng đều tiến bộ hơn.

Có kết quả như vậy là do đồng bào cả tỉnh, lương cũng như giáo, biết đoàn kết giúp đỡ nhau, hǎng hái thi đua tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm. Cán bộ thì chịu khó, tận tuỵ.

Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ vui lòng khen ngợi đồng bào về những cố gắng đó.

Nhân dịp này, Bác nhắc nhở thêm đồng bào và cán bộ mấy công việc sau đây:

Về nông nghiệp:

Các hợp tác xã trong tỉnh tuy được củng cố nhưng còn yếu. Vì vậy cần ra sức làm tốt cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển nông nghiệp một cách toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”.

22 hợp tác xã đã làm xong cải tiến quản lý trong đợt thí điểm phải ra sức làm tốt các việc đã đề ra, để tǎng nǎng suất lao động, làm cho thu nhập của hợp tác xã và của xã viên được tǎng thêm.

Hiện nay đang làm đợt 1 cuộc vận động này ở 88 hợp tác xã. Cần phát động tốt tư tưởng xã viên, trai cũng như gái, làm cho mọi người thật thấm nhuần tinh thần làm chủ tập thể, cùng nhau bàn bạc cách làm ǎn, thực hiện quản lý dân chủ và tài chính công khai, chống tham ô, lãng phí.

Những nơi chưa tiến hành cuộc vận động thì phải củng cố hợp tác xã, chuẩn bị tốt để khi làm được thuận lợi.

Lúa chiêm sắp được gặt rộ. Hiện nay có nơi lúa trỗ đang bị hạn. Vùng ven biển vì hạn lại cho nên bị mặn và có sâu. Bà con nông dân cần kịp thời tát nước trừ mặn, trừ sâu để thu hoạch vụ chiêm này cho tốt. Phải chuẩn bị đầy đủ để thu hoạch được nhanh, gọn, tốt vụ chiêm và kịp thời làm tốt vụ thu và vụ mùa. Khi bộ đội và học sinh về gặt giúp, đồng bào cần chú ý hướng dẫn họ gặt, bó, gánh cho khéo để thóc khỏi rơi vãi lãng phí.

Tỉnh ta phải cố gắng trồng hoa màu nhiều hơn nữa, nhất là khoai nước và dong riềng là những thứ có nǎng suất cao, để có thêm lương thực cho người và thức ǎn cho gia súc.

Về chǎn nuôi,thì Nam Định có giống lợn tốt và có nhiều bãi cỏ ở ven sông, ven biển. Như thế là rất thuận lợi cho việc phát triển nuôi lợn và trâu bò.

Phải chǎm sóc trâu bò, bê nghé cho tốt. Hợp tác xã Nam Hải ở Hải Hậu là một kiểu mẫu nuôi trâu tốt. Các hợp tác xã khác nên học tập làm theo. Đồng thời phải tránh kinh nghiệm xấu của hợp tác xã Thành Công (Trực Ninh) trong một tháng để chết 5 con trâu, 46 con còn lại thì 37 con gầy còm, 3 con hấp hối.

Việc nuôi cá,cũng phải chú ý phát triển. Các hợp tác xã Thượng Lỗi, Đại Đồng có kinh nghiệm tốt nuôi cá ở ruộng, hồ, ao. Nên phổ biến rộng rãi cho các nơi khác cùng làm.

Về trồng cây,Nam Định làm chưa tốt. Từ Tết đến nay tuy đã trồng được 16 vạn cây, vì chǎm sóc kém mà cây chết rất nhiều. Cần trồng cây nào tốt cây ấy. 5,6 nǎm sau sẽ có lợi to.

Tỉnh ta, người đông, ruộng tốt nhưng ít. Cho nên một mặt phải chú trọng thâm canh tǎng nǎng suất, một mặt phải vận động và tổ chức cho đồng bào đi phát triển kinh tế miền núi và miền biển.

Nam Định có miền biển giàu có, nhưng việc khai thác nguồn lợi này còn yếu. Phải mở rộng diện tích làm muối, phát triển nghề đánh cá, trồng nhiều cói, nhiều dừa…

Công tác đắp đê phòng lụt, nǎm vừa qua Nam Định làm khá. Nǎm nay hạn nhiều. Sau hạn thường có mưa to, phải chú ý phòng lụt, không được chủ quan. Đầu nǎm nay, công tác đắp đê của tỉnh nhà còn chậm. Phải cố gắng làm nhanh, làm tốt để hoàn thành nhiệm vụ trước mùa mưa.

Trước khi kết thúc câu chuyện nông nghiệp, Bác muốn hỏi: Phải chǎng thanh niên nông dân cho rằng làm ruộng chân bùn tay lấm không xinh trai đẹp gái, cho nên tư tưởng thoát ly nông thôn khá phổ biến? Bác chắc rằng các cháu thanh niên không sai lầm đến thế. Để phát triển tốt, nông thôn ta cần nhiều thanh niên học hay cày giỏi.

Tỉnh Nam Định có công nghiệp và thủ công nghiệp quan trọng. Nǎm 1962, Nhà máy dệt đã hoàn thành toàn bộ chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước. Như thế là tốt.

Nhưng công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp còn kém cả chất và lượng. Phải cố gắng làm nhiều hàng hoá tốt để phục vụ nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

Cán bộ và công nhân Nam Định cần làm tốt cuộc vận động “nâng cao tinh thần trách nhiệm, tǎng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu” để phát triển kinh tế hơn nữa.

Về vǎn hoá giáo dục, Nam Định có thành tích trong công tác bổ túc vǎn hoá. Tuy vậy còn phải cố gắng hơn nữa. Chú trọng nâng chất lượng giảng dạy và học tập.

Công tác vệ sinh phòng bệnh có nơi đã làm tốt, như xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng) đã xây được 554 giếng nước, làm trên 400 hố xí hợp vệ sinh, hầu hết nhân dân trong xã tham gia tập thể dục thể thao. Các xã trong tỉnh cần làm như vậy.

Tǎng gia sản xuất phải đi đôi với thực hành tiết kiệm. ở tỉnh ta có một số nơi còn chi tiêu lãng phí trong việc ma chay, cưới xin. Hoặc có những cuộc liên hoan giết lợn, giết bò lu bù. Cần phải chấm dứt những thói xấu ấy.

Bộ đội, công an, dân quân tự vệ, phải luôn luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của địch, giữ gìn trật tự an ninh thật tốt.

Tỉnh nhà có những hợp tác xã sản xuất khá như Ngô Xá, Đại Đồng, Phong Lộc, Đài Môn, Đồng Quỹ, Thượng Lỗi… Có những anh hùng lao động công nghiệp, nông nghiệp. Có hơn 600 chiến sĩ thi đua, hàng vạn lao động tiên tiến và kiện tướng sản xuất, có các tổ lao động xã hội chủ nghĩa. Cần phát huy tác dụng của những gương mẫu tốt ấy để đẩy mạnh phong trào tiến lên.

Nam Định là một tỉnh ruộng đất phì nhiêu, tài nguyên phong phú, nhân dân cần cù, có nhiều khả nǎng trở thành một tỉnh thật giàu có. Đồng bào tỉnh Nam Định có truyền thống đoàn kết và đấu tranh anh dũng. Trong thời kỳ kháng chiến, tỉnh Nam Định đã lập nhiều chiến công vẻ vang. Ngày nay, Nam Định lại kết nghĩa với Mỹ Tho anh hùng. Bác tin rằng dưới sự lãnh đạo của đảng bộ tỉnh, nhân dân và cán bộ Nam Định sẽ thu được nhiều thắng lợi rực rỡ.

Đại hội đảng bộ của tỉnh vừa kết thúc thắng lợi. Cán bộ và nhân dân phải làm tốt mọi nghị quyết của Đại hội, ra sức thi đua tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nǎm 1963 và kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất, làm cho Nam Định trở thành một tỉnh tiên tiến.

Cán bộ từ trung ương đến xã đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân.

Cán bộ, đảng viên, đoàn viên cần phải xung phong gương mẫu trong mọi công việc, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Đồng bào cần phải luôn luôn giúp đỡ và phê bình cán bộ để họ làm trọn nhiệm vụ.

Địa phương nào, hợp tác xã nào, đơn vị nào, cá nhân nào đạt được những thành tích xuất sắc nhất, Bác sẽ đề nghị Chính phủ khen thưởng.

Cuối cùng Bác nhờ các đại biểu có mặt ở đây chuyển lời chào thân ái của Trung ương Đảng, của Chính phủ và của Bác đến đồng bào và cán bộ các địa phương.

Nói ngày 22-5-1963.

——————————

Báo Nhân dân,số 3347, ngày 27-5-1963.
cpv.org.vn

Advertisement