Để hoàn thành thắng lợi kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất và chuẩn bị điều kiện tốt cho những kế hoạch sau, để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và không ngừng nâng cao đời sống vật chất và vǎn hoá của nhân dân, Đảng và Chính phủ đã quyết định bắt đầu tiến hành hai cuộc vận động lớn:
Một là cuộc vận động Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tǎng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lǎng phí, quan liêu. Gọi tắt là “3 xây, 3 chống”.
Hai là cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc”.
Hai cuộc vận động này liên quan với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau. Có thể ví hai cuộc vận động như hai bánh xe vững chắc, nó góp phần rất đắc lực vào việc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.
Hôm nay, chúng ta chỉ nói chuyện về cuộc vận động “3 xây, 3 chống”.
Mục đích và yêu cầu của cuộc vận động này là gì? Tổ chức thế nào, chỉ đạo thế nào, tiến hành thế nào cho có kết quả tốt? Những điều đó đã ghi rõ trong Nghị quyết của Bộ Chính trị. ở đây, tôi chỉ tóm tắt nhấn mạnh mấy điểm.
Từ ngày hoà bình lập lại, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, với sự lãnh đạo của Đảng, sự cố gắng của nhân dân và sự giúp đỡ tận tình của các nước anh em, chúng ta đã thu được nhiều thắng lợi trong công cuộc xây dựng kinh tế xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải nhận rõ những thắng lợi đó.
Chắc rằng thắng lợi còn nhiều hơn nữa và to hơn nữa, nếu mỗi người cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức ta có ý thức trách nhiệm cao hơn; nếu chúng ta quản lý kinh tế tài chính khéo hơn; nếu chúng ta biết cải tiến kỹ thuật tốt hơn.
Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rõ những khuyết điểm và nhược điểm, để kiên quyết sửa chữa: như ý thức làm chủ nước nhà và tinh thần trách nhiệm còn kém. Chế độ và phương pháp quản lý kinh tế tài chính của chúng ta còn nhiều thiếu sót và lỏng lẻo. Kỷ luật lao động chưa được thật nghiêm túc, sử dụng lao động chưa được hợp lý. Khả nǎng thiết bị máy móc tuy có khá nhiều nhưng chưa được sử dụng đầy đủ.
Bởi những khuyết điểm đó, mà nǎng suất lao động bình quân tǎng rất chậm, sản xuất phát triển chưa được mạnh mẽ, vững chắc và cân đối. Do đó mà đời sống vật chất của nhân dân chưa được cải thiện nhiều.
Mọi người biết rằng mức sống với sản xuất là như thuyền với nước. Nước cao thì thuyền mới lên cao. Sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ thì đời sống mới được cải thiện, không có cách nào khác.
– Trong cuộc vận động này điểm 1 là: nâng cao tinh thần trách nhiệm là làm cho mọi người hiểu rõ mình có trách nhiệm cần kiệm xây dựng nước nhà. Mọi người có trách nhiệm tǎng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, để Nhà nước có thể vừa tích lũy thêm tiền vốn xây dựng, vừa cải thiện dần đời sống của nhân dân. Mọi người còn có trách nhiệm lao động sản xuất sao cho xứng đáng với đồng bào miền Nam đang hy sinh xương máu, anh dũng chiến đấu chống chế độ phát xít Mỹ – Diệm.
– Trong công cuộc xây dựng nước nhà, việc quản lý kinh tế tài chính là cực kỳ quan trọng. Nếu quản lý không chặt chẽ, thì cái gì thiếu không biết, cái gì thừa không hay, công việc sẽ bị bế tắc.
Cho nên điểm 2 của cuộc vận động là: tǎng cường và củng cố các việc quản lý: quản lý sản xuất, quản lý vật tư, quản lý lao động, quản lý kỹ thuật, quản lý tiền bạc, v.v.. Phải tǎng cường việc quản lý từ trung ương đến địa phương. Các xí nghiệp, công trường, nông trường… đều phải thực hiện việc quản lý một cách nghiêm chỉnh.
– Muốn phát triển sản xuất thì phải cải tiến kỹ thuật, nghĩa là: Phải biết học tập để nắm vững kỹ thuật, sử dụng đầy đủ công suất máy móc. Phải tìm tòi sáng kiến để tổ chức lao động cho hợp lý. Phải cải tiến phương tiện, máy móc làm việc để đạt nǎng suất cao, chất lượng tốt.
Muốn xây dựng một xã hội mới và tốt đẹp, thì cần phải tiêu diệt những thói hư, tật xấu của xã hội cũ còn sót lại. Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải bồi dưỡng con người xã hội chủ nghĩa. Con người xã hội chủ nghĩa là con người có đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, một lòng một dạ phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng.
Số đông cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức ta đều tận tuỵ và trong sạch. Cho nên chúng ta đã thu được những thành tích trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nhưng trong hàng ngũ ta vẫn còn một số người không tốt. Họ tham ô và lãng phí của Nhà nước và của nhân dân.
Vì vậy, cuộc vận động này gồm có “3 xây”, là xây những cái tốt nói trên và “3 chống” là chống tham ô, lãng phí, quan liêu.
– Tham ô là hành động xấu xa nhất, tội lỗi đê tiện nhất trong xã hội. Tham ô là trộm cắp của công, chiếm của công làm của tư. Nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà; hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân; hại đến đạo đức cách mạng của người cán bộ và công nhân.
– Lãng phí tuy khác với tham ô ở chỗ người gây ra lãng phí không trực tiếp trộm cắp của công làm của riêng. Nhưng kết quả thì làm tổn hại rất nghiêm trọng cho Nhà nước, cho nhân dân. Lãng phí có nhiều nguyên nhân. Hoặc vì lập kế hoạch không chu đáo. Hoặc vì trong khi thực hiện kế hoạch tính toán không cẩn thận. Hoặc vì bệnh hình thức xa xỉ, phô trương. Hoặc vì thiếu tinh thần bảo vệ của công. Nói tóm lại là vì thiếu ý thức trách nhiệm, thiếu ý thức quý trọng sức của, sức người của Nhà nước và của nhân dân.
– Quan liêu là người cán bộ phụ trách nhưng xa rời thực tế, xa rời quần chúng. Đối với công việc thì không điều tra nghiên cứu kỹ lưỡng. Chỉ đạo thì đại khái, chung chung. Không lắng nghe ý kiến của quần chúng, tác phong không dân chủ. Sợ phê bình và tự phê bình. Không giữ đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, phân công phụ trách… Vì vậy, ở đâu có bệnh quan liêu thì ở đó có nạn tham ô, lãng phí.
“3 xây” và “3 chống” quan hệ chặt chẽ với nhau. Làm “3 chống” triệt để nhằm bảo đảm cho công việc “3 xây” thành công. “3 xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “3 chống” sẽ được xoá bỏ tận gốc.
Cuộc vận động này lấy giáo dục làm chính: khen ngợi những người tốt, việc tốt; khuyến khích những người có khuyết điểm tự giác tự động cố gắng sửa chữa để trở nên người tốt. Phải tiến hành khẩn trương, nhưng không nóng vội… Làm nơi nào phải thật tốt nơi ấy, để rút kinh nghiệm phổ biến cho nơi khác.
Để thực hiện tốt cuộc vận động, cần chú ý mấy điểm sau đây:
– Phải kết hợp chặt chẽ cuộc vận động với phong trào thi đua yêu nước.
– Phải liên hệ chặt chẽ giữa cấp trên với cấp dưới, giữa cán bộ, đảng viên và quần chúng.
– Cán bộ (trước hết là cán bộ phụ trách), đảng viên, đoàn viên phải gương mẫu, xung phong, thật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, có khuyết điểm thì quyết tâm sửa chữa.
– Phải mạnh dạn phát động quần chúng, lắng nghe ý kiến của quần chúng.
– Đảng uỷ các cấp phải lãnh đạo chặt chẽ cuộc vận động. Thủ trưởng các ngành phải thật sự phụ trách cuộc vận động.
– Toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, công nhân, viên chức phải hǎng hái tham gia cuộc vận động với tinh thần phấn khởi và chí khí quyết thắng.
Đây là một cuộc vận động to lớn, một cuộc vận động cách mạng. Nó sẽ đưa lại sự chuyển biến mạnh mẽ và sâu sắc về tư tưởng và tổ chức, về chính trị và kinh tế. Cuộc vận động này kết quả tốt sẽ góp phần rất to lớn vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc thành công và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà thắng lợi. Vì vậy, Đảng đòi hỏi đảng uỷ các cấp, thủ trưởng các ngành và toàn thể anh chị em lao động chân tay cùng lao động trí óc phải có quyết tâm và nghị lực thực hiện cuộc vận động này thắng lợi hoàn toàn.
Nói ngày 27-7-1963.
———————–
Báo Nhân dân,số 3416, ngày 4-8-1963.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.