Trả lời phỏng vấn của nhà báo W.Bớcsét (25-4-1964)

Hỏi: Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Đin Raxcơ đã nhiều lần tuyên bố là cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do một “sự xâm lược” hoặc “can thiệp” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đin Raxcơ cũng nói rằng “mọi việc sẽ ổn thoả” nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tôn trọng Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954. ý kiến của Chủ tịch về vấn đề này như thế nào ?

Trả lời: Tất cả những lời tuyên bố của giới cầm quyền Mỹ về cái gọi là “sự xâm lược” của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vào miền Nam Việt Nam đều hoàn toàn là bịa đặt. Trái lại, toàn thế giới đều thấy rõ chính đế quốc Mỹ là kẻ xâm lược. Đế quốc Mỹ đã đưa vào miền Nam Việt Nam hàng vạn binh sĩ Mỹ, hàng chục vạn tấn vũ khí tối tân, hàng nghìn máy bay, xe tǎng, hàng trǎm tấn bom napan và thuốc độc để giết hại đồng bào miền Nam chúng tôi. Chính đế quốc Mỹ và tay sai đã nhiều lần phái bọn biệt kích gián điệp ra hòng phá hoại miền Bắc chúng tôi.

Còn về chuyện “Việt Nam Dân chủ Cộng hoà không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ” thì thật là đổi trắng thay đen nếu không muốn nói là ông Đin Raxcơ đã bịa đặt. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Giơnevơ từ ngày ký kết cho đến nay. Trái lại, Mỹ đã không tôn trọng Hiệp định Giơnevơ và ngay từ lúc chữ ký chưa ráo mực đã tích cực hành động phá hoại Hiệp định ấy. Nguyên nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam ngày nay là do Mỹ đã vi phạm Hiệp định Giơnevơ một cách có hệ thống, đã ngǎn cản việc tiến hành cuộc tổng tuyển cử trong cả nước vào tháng 7 nǎm 1956, phá hoại công cuộc hoà bình thống nhất đất nước chúng tôi. Mỹ đã đem một lực lượng quân sự hùng mạnh và dùng bọn bù nhìn tiến công vào nhân dân miền Nam Việt Nam không có vũ trang. Đó là những sự việc rõ rệt mà ông Đin Raxcơ không thể chối cãi. Đó là những nguyên nhân thực sự của tình hình gay go hiện nay ở miền Nam Việt Nam. Nếu Chính phủ Mỹ đã tôn trọng điều cam kết của mình là sẽ không “dùng sức mạnh hay đe doạ dùng sức mạnh” thì đã không có chiến tranh ở miền Nam Việt Nam.

Hỏi: Người ta nên hiểu như thế nào về những lời đe dọa của Mỹ về chế độ Nguyễn Khánh ở Sài Gòn là sẽ “đưa chiến tranh ra miền Bắc”?

Trả lời: Một số người trong giới cầm quyền Mỹ và Sài Gòn đã nhiều lần nói đến những “lực lượng đặc biệt” được huấn luyện để tiến công nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là một bộ phận trong kế hoạch của Mỹ nhằm “đưa chiến tranh ra miền Bắc”. Nhưng đặt ra kế hoạch như vậy là một việc, còn thực hiện kế hoạch đó lại là việc khác. Đế quốc Mỹ và bọn Nguyễn Khánh cũng giống như con cáo đã bị mắc kẹt hai chân trong bẫy, mà còn muốn nhẩy vào một cái bẫy khác. Có lẽ Nguyễn Khánh và chủ Mỹ của hắn nên thận trọng hơn trong các kế hoạch phiêu lưu của chúng, vì Mỹ và bọn bù nhìn hiện nay đã không kiểm soát nổi ngay cả vùng đất đai ở sát Sài Gòn thì còn nói gì đến “Bắc tiến”? Nǎm 1961, kế hoạch Xtalây – Taylo định khuất phục nhân dân miền Nam Việt Nam trong 18 tháng đã thất bại. Mới đây, Mắc Namara – Nguyễn Khánh lại dự tính sẽ bình định một tỉnh trong 12 tháng, làm vết dầu loang. Trong việc này, nhất định chúng cũng sẽ thất bại. Khi nói đến việc “đưa chiến tranh ra miền Bắc”, Mỹ và bọn bù nhìn của Mỹ nên hiểu rằng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có đủ sức mạnh và sẵn sàng chiến đấu, lại có những nước bạn hùng cường sẵn sàng giúp đỡ và những lực lượng hoà bình trên thế giới nhiệt tình ủng hộ.

Hỏi: Trong những tháng gần đây, dư luận ở Mỹ đã nói nhiều đến biện pháp trung lập Việt Nam. Xin Chủ tịch cho biết ý kiến về việc này?

Trả lời: Chiến tranh ở miền Nam Việt Nam là do đế quốc Mỹ và bọn tay sai gây ra chống nhân dân miền Nam. Biện pháp duy nhất để chấm dứt cuộc chiến tranh này là: tôn trọng ý nguyện của nhân dân miền Nam Việt Nam. ý nguyện đó Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã nêu ra rõ ràng là: vấn đề miền Nam Việt Nam phải do nhân dân miền Nam tự giải quyết trên cơ sở độc lập dân tộc, dân chủ, hoà bình và trung lập. Và điều kiện đầu tiên là đế quốc Mỹ phải rút hết quân đội và vũ khí ra khỏi miền Nam Việt Nam và phải tôn trọng Hiệp định Giơnevơ nǎm 1954 về Việt Nam.

Tôi muốn nói thêm rằng: trong khi trả lời, tôi đã nói nhiều đến chủ nghĩa đế quốc Mỹ là kẻ đã gây ra và phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh đẫm máu ở miền Nam Việt Nam. Nhưng, chúng tôi phân biệt nhân dân Mỹ với đế quốc Mỹ. Chúng tôi muốn có những quan hệ hữu nghị và anh em với nhân dân Mỹ mà chúng tôi rất kính trọng vì nhân dân Mỹ là một dân tộc tài nǎng, đã có nhiều cống hiến cho khoa học và nhất là gần đây đã lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam.

Hỏi: Xin Chủ tịch bình luận về những gợi ý của Tổng thống Đờ Gôn, trong đó nói rằng khu vực này của Đông – Nam á, bao gồm cả Nam Việt Nam, cần phải “trung lập hoá”, kể cả việc thủ tiêu những cǎn cứ quân sự và can thiệp của nước ngoài.

Trả lời: Trong tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng những ý kiến của Tổng thống Đờ Gôn về việc trung lập hoá, bao gồm vấn đề thủ tiêu những cǎn cứ quân sự và mọi sự can thiệp của nước ngoài ở khu vực này của Đông – Nam á, kể cả miền Nam Việt Nam, đáng được chú ý thích đáng. Nhân đây, tôi muốn nhắc lại rằng: Chính phủ Pháp là một nước tham gia ký kết Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam cần làm tốt trách nhiệm của mình, thực hiện đầy đủ Hiệp định ấy góp phần bảo đảm cho nước Việt Nam được thống nhất một cách hoà bình, như Hiệp định Giơnevơ đã quy định.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết lập trường của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về vấn đề biên giới giữa Campuchia và Việt Nam?

Trả lời: Như đã nhiều lần tuyên bố, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà triệt để tôn trọng chủ quyền lãnh thổ toàn vẹn và nền trung lập của Vương quốc Campuchia và đường biên giới hiện thời giữa Việt Nam và Campuchia.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà nhiệt liệt ủng hộ đề nghị của Thái tử Quốc trưởng Xihanúc họp một cuộc hội nghị quốc tế để bảo đảm nền trung lập và toàn vẹn lãnh thổ của nước Campuchia.

Hỏi: Xin Chủ tịch cho biết tình hình hiện nay của mối quan hệ giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nước Pháp. Mối quan hệ đó nên được cải thiện như thế nào?

Trả lời: Mối quan hệ giữa nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và nước Pháp cho đến nay đã có những kết quả nhất định, nhưng chưa thật đáng hài lòng.

Vì lợi ích chung và để thắt chật tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước Việt – Pháp, cần có sự cố gắng chung của hai bên để có những quan hệ tốt hơn nữa về ngoại giao, kinh tế và vǎn hoá trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau và hai bên đều có lợi.

Tôi mong rằng Chính phủ Pháp sớm thực hiện nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước Việt Nam và Pháp hiện nay, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển những quan hệ về các mặt kinh tế và vǎn hoá, có lợi cho cả hai nước.

————————–

Báo Nhân dân,số 3679, ngày 25-4-1964.
cpv.org.vn

Advertisement