Lời phát biểu tại kỳ họp thứ tám Quốc hội khoá II (3-4-1964)

Thưa các cụ và các đồng chí,

Hiện nay nhân dân ta đang làm 3 cuộc vận động lớn: Một là ở nông thôn thì cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật đang phát triển khá mạnh. Đi đôi với cuộc vận động đó thì có phong trào thi đua “nǎng suất cao, hoa màu nhiều, chǎn nuôi giỏi, cây công nghiệp tǎng”.

Trong tổng số 29.850 hợp tác xã, vụ mùa nǎm ngoái có hơn 11.600 hợp tác xã tham gia thi đua. Kết quả có hơn 1.000 hợp tác xã đã được thưởng, 320 hợp tác xã gặt được mỗi mẫu tây từ 25 tạ thóc trở lên và bảy hợp tác xã đã đạt được mỗi mẫu tây 35 tạ.

Vụ Đông – Xuân này có hơn 13.150 hợp tác xã tham gia thi đua.

Như thế là với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, nông nghiệp của ta đang trên đà phát triển vững chắc.

Hai là ở các xí nghiệp có cuộc vận động “3 xây, 3 chống” cùng với phong trào thi đua: “Nǎng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”. Cuộc vận động này có ý nghĩa cách mạng to lớn về kinh tế, về chính trị và cả về vǎn hoá.

Những xí nghiệp được chọn làm thí điểm đã thu được kết quả tốt. Các xí nghiệp khác thì đang chuẩn bị kỹ càng để tiến mạnh vào cuộc vận động.

Cùng cuộc vận động “3 xây, 3 chống” thì có phong trào thi đua để trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Tính đến đầu nǎm nay, trong các xí nghiệp đã có 11.270 đơn vị tham gia thi đua. Điều đó chứng tỏ rằng giai cấp công nhân ta rất hǎng hái.

Một điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: trong cuộc vận động này, từ mỗi đồng chí bộ trưởng đến mỗi đồng chí công nhân và cán bộ đều có trách nhiệm “vận” thật mạnh và “động” thật mạnh, từ dưới lên và từ trên xuống; mỗi xí nghiệp phải làm cuộc vận động này cho thật sâu, thật tốt, thật bền bỉ. Như thế thì cuộc vận động này sẽ gây nên một khí thế cách mạng mới mẻ và sôi nổi, nó sẽ giúp chúng ta hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước nǎm 1964 và kế hoạch 5 nǎm lần thứ nhất, làm đà tốt cho những kế hoạch dài hạn sau này.

Để chứng tỏ ý nghĩa vǎn hoá của cuộc vận động, tôi xin phép đọc vài bài thơ của anh em công nhân Hà Nội đã làm trong cuộc vận động này.

1. Thưa rằng xây, chống ngang nhau
Bắc cân không thể nhẹ đầu, nặng đuôi
Ví như cơ thể con người
Hai chân đều vững, bước dài mới mong
Một bên thẳng, một bên cong
Dáng đi nghiêng ngả còn trông ra gì?

2. Thấy cảnh ấy ai người không xót
Tấm tôn nằm vùi dập nắng mưa
Trách ai sao nỡ hững hờ
Cứ đem đất đá đổ bừa lên trên
Khi cân thì mới bốc lên
Chặt phǎng một miếng để đem về dùng
Của công thì mặc của công!

3. Xem xong bích báo vừa rồi
Tổ tôi liên hệ thấy sai rất nhiều
Họp ngay toàn tổ buổi chiều
Quyết tâm sửa chữa những điều bạn phê.

– Ba là cuộc vận động đồng bào miền xuôi lên tham gia phát triển kinh tế miền núi.

Hiện nay đã có hơn 32 vạn đồng bào miền xuôi xung phong lên miền núi và đã vỡ được độ 20 vạn mẫu tây ruộng nương. Trong số những người xung phong phần lớn là đồng bào nông dân, một phần là bà con thủ công nghiệp và buôn bán nhỏ chuyển nghề sang sản xuất nông nghiệp và độ chín vạn cháu thanh niên và học sinh.

Đó là một thắng lợi to lớn bước đầu. Ngoài ý nghĩa quan trọng khác về kinh tế và chính trị, tôi xin nêu một điểm này: ngày xưa, đối với người miền xuôi phải đi lên miền núi là một việc rất gian nan, một việc cực chẳng đã. Vì vậy đã có câu ca dao:

Con cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non!
Em về thờ mẹ, nuôi con
Thương anh xa trẩy nước non Cao Bằng!

Nay thì khác hẳn. Theo lời kêu gọi của Đảng và Chính phủ, hiểu rõ lợi ích của mình, của đồng bào miền núi và lợi ích chung của nước nhà, đồng bào miền xuôi, nhất là các cháu thanh niên, đang hǎng hái và vui vẻ lên miền núi để xây dựng cơ nghiệp mới, đời sống mới. Họ ra đi với một mục đích cao cả và một khí thế anh hùng.

Họ đã có những câu hát như sau:

Ta đi xây dựng bản làng,
Làm cho nước càng giàu mạnh, dân càng ấm no.

Nhân dịp này, tôi có mấy lời nhắn nhủ:

1. Đồng bào miền núi đã cố gắng nên cố gắng hơn nữa giúp đỡ đồng bào miền xuôi mới lên.

2. Đồng bào xung phong lên miền núi cần an tâm công tác, có quan hệ thật tốt đối với đồng bào nơi mình đến, phải tôn trọng phong tục tập quán và lợi ích của đồng bào địa phương.

3. Đồng bào miền núi và đồng bào miền xuôi phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ lẫn nhau như anh em một nhà.

Tôi xin đề nghị với Quốc hội hai điều sau đây:

Một là, giao cho Chính phủ Trung ương và chính quyền các tỉnh phải thiết thực theo dõi, đôn đốc và giúp đỡ cho ba cuộc vận động này phát triển thật tốt.

Hai là, khen ngợi đồng bào và những cháu thanh niên đã xung phong lên tham gia phát triển kinh tế miền núi. Khen ngợi đồng bào và cán bộ miền núi đã nhiệt tình đón tiếp và giúp đỡ những bà con miền xuôi mới lên. Khen ngợi đồng bào và cán bộ các địa phương miền xuôi đã chuẩn bị chu đáo cho những người xung phong lên miền núi. Ví dụ: Anh em xích lô, bốc vác, ba gác khu Hoàn Kiếm đã không quản ngại khó nhọc, mang vác đồ đạc, hòm xiểng giúp đỡ bà con đi khai hoang. Mọi thứ đều được anh chị em bảo đảm hoàn toàn không mất mát. Qua hai đợt phục vụ, anh em đã đóng góp được 338 chuyến xích lô, 139 chuyến ba gác, 73 công bốc vác, trị giá 520 đồng không tính tiền công.

Thưa các cụ và các đồng chí,

Chúng ta quyết làm cho ba cuộc vận động này phát triển nhanh, mạnh và thật tốt, thì công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta sẽ có những bước tiến khổng lồ.

Phát biểu ngày 3-4-1964.

———————–

Báo Nhân dân, số 3658, ngày 4-4-1964.
cpv.org.vn

Advertisement