Kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911/5-6-2011)
QĐND – Đã có rất nhiều học giả, nhà nghiên cứu dành không ít thời gian và tâm huyết để làm sáng rõ và hiểu sâu sắc, toàn diện hơn ý nghĩa lịch sử, giá trị thời đại của chân lý, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, trong bài viết này, chúng tôi xin ghi lại buổi trò chuyện, trao đổi với PSG, nhà giáo nhân dân Lê Mậu Hãn – nguyên Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học-Xã hội và Nhân văn và Trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội).
3 kỳ tích làm nên thắng lợi
Suốt cả cuộc đời, Hồ Chí Minh hiến dâng cho sự nghiệp chấn hưng của dân tộc Việt Nam. Hiện nay, dân tộc Việt Nam tiếp tục đi theo con đường của Người đã vạch ra. Đặc biệt, một điều vô cùng đáng khâm phục ở Hồ Chí Minh là Người luôn đi trước, đi trong hoặc song hành chứ không đi sau các sự kiện lớn của dân tộc và của thế giới. Nói riêng về quá trình tìm đường cứu nước của Bác, có thể đưa ra 3 luận cứ làm sáng tỏ điều này.

Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp trên con tàu Amiran Latusơ Tơrêvin, đưa Người ra đi tìm đường cứu nước năm 1911. Ảnh tư liệu.
Thứ nhất, phải là người có tư duy mẫn cảm với thời cuộc thì Hồ Chí Minh mới có thể lựa chọn một con đường cứu nước, cứu dân mới vào đầu thế kỷ XX, khi các con đường cứu nước mà các vị tiền bối thực thi đều bế tắc và thất bại. Phải có một tinh thần phê phán đúng đắn, sự thấm nhuần vượt trội chủ nghĩa yêu nước nồng nàn, mới có được chuyến ra đi lịch sử của Người vào ngày 5-6-1911. Theo Người, con đường cứu nước của Hoàng Hoa Thám còn nặng cốt cách phong kiến đã không thể dẫn tới thắng lợi; con đường cầu viện Nhật Bản của Phan Bội Châu chẳng khác gì “đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau”; còn con đường cải lương của Phan Châu Trinh thì chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương. Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử, đưa dân tộc giành được độc lập, tự do là một điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Đây chính là một sự khước từ cái sai để đi tìm cái đúng; sự từ bỏ cái lạc hậu, lỗi thời để đi tìm cái tiên tiến, phù hợp với thời đại mới. Đó là sự vượt qua những lối mòn cũ kỹ để đi tìm được con đường mà dân tộc cần đi. Đó là sự khẳng định một bản lĩnh, một khả năng suy nghĩ độc lập và sáng tạo mà lịch sử đang đòi hỏi.
Có thể nói, vào thời đó, yêu nước nhiệt thành thì có rất nhiều người. Nhưng yêu nước để có một tư duy mẫn cảm, tư duy phê phán sắc sảo về các con đường yêu nước trước đó hoặc đương thời của các bậc cha anh rồi ra đi tìm con đường cứu nước mới, thì dường như chỉ có ở Nguyễn Tất Thành.
Điểm thứ hai trong sự nghiệp cách mạng tìm đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc thể hiện rất rõ ở chỗ: Không phải bất cứ ai đều thành công trong việc đi tìm con đường cứu nước mới. Ở Hồ Chí Minh hội tụ đủ những yếu tố cần thiết cho sự dấn thân vào quá trình tìm đường, mở đường, dẫn đường cho dân tộc Việt Nam phát triển: Ý chí lớn lao, tinh thần ham học hỏi, sẵn sàng vượt qua mọi gian khó, sẵn sàng hòa mình vào cuộc sống của người lao động để cảm nhận thời cuộc. Người không có bằng cấp của học đường, nhưng ở Người hội tụ những tri thức uyên bác, cổ kim Đông – Tây, là sự chắt lọc, tiếp biến văn hóa, đúc kết thành khối tri thức và bản lĩnh chính trị, nhân cách cao đẹp. Nguyễn Tất Thành tiếp nhận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, qua đó tìm thấy con đường cứu nước đúng đắn là bởi những yếu tố đó, khác với những bậc tiền bối yêu nước trước kia.
Điểm thứ ba làm nên thắng lợi trong sự nghiệp tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh là đã tìm được con đường cứu nước đúng đắn, nhưng phải vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tiễn của dân tộc, của đất nước. Sau năm 1920 là thời gian trường kỳ truyền bá, huấn luyện, tổ chức để đưa con đường cứu nước đúng đắn về thực hành trên đất nước Việt Nam, mà một vấn đề có tính chất then chốt là thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam – một tổ chức để lãnh đạo, đoàn kết toàn dân tộc, hòa cùng thời thế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và sức mạnh quốc tế để dân tộc ta phát triển theo con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chí Minh luôn sống trong nhịp đập của đất nước bởi sự nghiệp của Người, tư tưởng của Người vẫn đồng hành cùng dân tộc. Tư tưởng của Người có trong hành trang của dân tộc Việt Nam và nhân loại cần lao tiến bước vào văn minh, tiến bộ. Cả cuộc đời Hồ Chí Minh là một thông điệp cho sự phát triển. Điều đó trở thành một tài sản tinh thần quý báu cho dân tộc Việt Nam, cho nhân dân lao động trên toàn thế giới.
Giá trị thời đại – nhìn từ góc độ hội nhập quốc tế
Xuất phát từ các giá trị văn hóa – văn minh nhân loại, lấy văn hóa soi đường cho quốc dân đi, đem văn minh chống lại dã man, vì vậy, sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng con người dưới sự dẫn dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự nghiệp văn hóa – văn minh vĩ đại ở Việt Nam, trong đó, kết hợp chặt chẽ giữa giải phóng với phát triển và hoàn thiện con người. Đó là bí quyết thành công của cách mạng Việt Nam mà Người đúc rút từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại vận dụng vào nước ta. Điều đó cắt nghĩa trong mọi hoàn cảnh lịch sử, Người luôn chủ trương nâng cao dân trí, phát triển văn hóa, đẩy mạnh giáo dục đạo đức và nhân cách cho toàn dân, đi đôi với mở cửa tiếp thu tinh hoa văn hóa – văn minh nhân loại. Xã hội mà Người chủ trương xây dựng là sự kết hợp giữa việc thừa kế, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của văn hóa – văn minh dân tộc với tiếp thu tinh hoa văn hóa – văn minh nhân loại, thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa yêu nước – nhân văn Việt Nam và chủ nghĩa quốc tế trong sáng.
Suy cho cùng, con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm thấy và dẫn dắt dân tộc thực hiện đã đưa tới những thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đồng thời cũng là đóng góp vào giải quyết khát vọng lớn lao nhất, mục tiêu văn hóa – văn minh cao cả nhất của nhân loại là cải tạo thế giới để giải phóng con người.
Một thế kỷ đã trôi qua, chúng ta càng thêm thấu hiểu ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại của sự kiện Hồ Chí Minh “đi ra thế giới” để thâu thái những giá trị văn hóa – văn minh nhân loại, tìm đường cho sự sinh tồn và phát triển của dân tộc. Ngày 5-6-1911 không chỉ là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của quá trình tìm đường cứu nước của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập vào dòng tiến hóa theo xu thế mới của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Người. Trong quá trình đó, trên cơ sở tiếp nhận những giá trị văn hóa – văn minh nhân loại và nắm bắt được xu thế phát triển của loài người trong thời đại mới, thông qua con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn, Việt Nam đã kết hợp thành công sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh tổng hợp đem đến những thắng lợi vĩ đại cho cách mạng Việt Nam trong một thế kỷ qua. Mặt khác, trong quá trình đó, dân tộc ta đã góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, làm cho thế kỷ XX trở thành thế kỷ phi thực dân hóa, thúc đẩy lịch sử loài người tiến lên theo hướng tiến bộ. Bởi vậy, kiên trì con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn không chỉ giữ vững mục tiêu độc lập – tự do – hạnh phúc cho dân tộc và mỗi người dân Việt Nam, mà còn là giữ vững các nhân tố đảm bảo cho thắng lợi của cách mạng nước ta để đất nước tiếp tục tiến bước mạnh mẽ, nhằm hoàn thiện những mục tiêu vì dân tộc, vì con người Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.
Ngày nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với các giá trị trên đây, sự kiện lịch sử Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước càng có ý nghĩa thực tiễn. Với đường lối đổi mới của Đảng, trên thực tế, sự hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng là tiếp tục quá trình dân tộc ta đi ra thế giới trong điều kiện lịch sử mới theo tư tưởng Hồ Chí Minh để thâu nhận các giá trị văn hóa – văn minh nhân loại và nắm bắt xu thế phát triển của loài người, nhằm vận dụng và tiến hành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tạo ra các điều kiện để thực hiện ngày một hoàn chỉnh các nội dung của tiêu chí độc lập – tự do – hạnh phúc cho dân tộc và con người Việt Nam.
100 năm đã trôi qua nhưng sự kiện Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước vẫn còn nguyên ý nghĩa lịch sử và giá trị thời đại. Ngày nay, trong hành trình hội nhập cùng nhân loại đi đến tương lai, chúng ta càng tin tưởng và kiên trì phấn đấu theo con đường Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã chỉ ra, quyết tâm đưa ngọn cờ tiên phong của Người đến đích thắng lợi.
Đào Hồng (ghi)
qdnd.vn