“Bên Lăng Bác Hồ” – Bài hát đầu tiên viết về Lăng Bác

Tháng 10 năm 1974, nhạc sĩ Dân Huyền cùng Đoàn Văn nghệ sỹ Đài Tiếng nói Việt Nam đến thăm công trường xây dựng Lăng Bác. Cảnh lao động nhộn nhịp với hàng ngàn cán bộ, công nhân viên trên công trình đang khẩn trương lao động, giữa ngổn ngang những giàn giáo, nổi lên khối nhà Lăng Bác sừng sững uy nghi đang được hoàn tất. Nhạc sĩ Dân Huyền vô cùng xúc động và bài hát “Bên Lăng Bác Hồ” đã ra đời trong hoàn cảnh đó.

Ông nhớ lại: Suốt một tuần lễ mình trăn trở hoài với cảm xúc thiêng liêng ấy, cuối tuần bài hát được hoàn thành. Mình đã chọn giai điệu dân ca Nam Bộ để sáng tác bài hát, bởi như Bác Hồ đã nói: “Miền Nam trong trái tim tôi”. Viết xong nốt nhạc cuối cùng, mình hát thử cho đồng nghiệp trong Phòng Âm nhạc của Đài góp ý, lắng nghe ý kiến bổ sung chân thành của anh em. Ban đầu mình lấy tên là “Tiếng hát bên Lăng Người”, nhạc sĩ Triều Dâng, Lương Nguyên góp ý là “Tiếng hát bên Lăng Bác”, cuối cùng mình lấy tên giản dị như ngày nay “Bên Lăng Bác Hồ”.

Ca sĩ Kiều Hưng là người thể hiện bài hát này lần đầu, được đông đảo người nghe yêu thích. Trong ngày hoàn thành Lăng Bác 27/8/1975 – sau hơn hai tháng đất nước hoàn toàn thống nhất, bài hát “Bên Lăng Bác Hồ” được chọn là một trong những bài hát chính thức trình bày trong ngày vui lịch sử này. Từ đó đến nay, có nhiều nhạc sĩ đã sáng tác những bài hát hay về đề tài Lăng Bác: Hoàng Hiệp với “Vào Lăng viếng Bác” (thơ Viễn Phương), Thuận Yến với “Vầng trăng Ba Đình” (thơ Phạm Ngọc Cảnh), Nguyễn Đăng Nước với “Chúng con canh giấc ngủ cho Người”… Hôm nay chúng ta vào Lăng viếng Bác, lại được dịp nghe những bài hát xúc động này.

Nhạc sĩ Dân Huyền tên thật là Phạm Ngọc Dần, sinh năm 1938, quê ở huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Ngay khi còn nhỏ mẹ ông đã dạy nhiều làn điệu dân ca quê hương, tình yêu đối với dân ca sâu đậm trong trái tim ông suốt cả cuộc đời. Thuở nhỏ, ông học trong Chủng viện xứ Đoài, Nghệ An. Ở đây, ông được học lý thuyết âm nhạc, chơi đàn… Năm 1954, Dân Huyền chuyển về Đoàn Văn công Quân khu 4 với vị trí nhạc công, rồi về công tác tại Ty Văn hoá Nghệ An. Năm 1959, ông được về học tại Trường Tuyên huấn Trung ương. Ra trường, ông được cử về làm cán bộ văn nghệ của Nhà máy ô tô “Mồng một tháng năm” ở Hà Nội. Ông tham gia viết báo, đặt lời mới cho hàng trăm bài dân ca… Năm 1967, Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam đã mời ông về làm biên tập viên âm nhạc, sau được phân công là Trưởng phòng “Dân ca và nhạc cổ truyền”. Ông sáng tác nhiều ca khúc được mọi người yêu thích, nhưng đóng góp lớn nhất của ông là soạn lời hát cho các bài dân ca. Tuy đã nghỉ hưu từ năm 2001, ông vẫn hăng hái tham gia Câu lạc bộ “Đàn và hát dân ca” của Đài với cương vị Chủ nhiệm Câu lạc bộ, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian.

Theo Phú Cương
Báo Vietnamnet
Phương Thúy (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement