Bác thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ, thân ái chào mừng Đại hội những người phụ nữ “nǎm tốt”.
Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang.
Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông. Ví dụ: ở Quốc hội khoá II, trong 362 đại biểu miền Bắc thì có 49 đại biểu phụ nữ. Trong cuộc tổng tuyển cử Quốc hội khoá III, có 447 người được giới thiệu ra ứng cử thì 85 người là phụ nữ. Kết quả đầu tiên ở Hà Nội, 36 vị được bầu vào Quốc hội thì có 5 đại biểu phụ nữ.
Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ.
Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, vǎn hoá, xã hội.
Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước.
Trong lúc ở miền Bắc, chúng ta đang ra sức thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng đời sống mới thì phụ nữ ở bên kia sông Bến Hải đang cùng toàn thể đồng bào miền Nam anh dũng, hy sinh chiến đấu chống đế quốc Mỹ cướp nước và bọn Việt gian bán nước. Tôi đề nghị Đại hội hoan hô đồng bào miền Nam anh hùng và chúc đồng bào miền Nam giành nhiều thắng lợi hơn nữa!
Chính vì chúng ta đang xây dựng trong hoàn cảnh hoà bình, còn đồng bào miền Nam thì đang phải ngày đêm chiến đấu, cho nên nhân dân miền Bắc chúng ta cần phải thi đua “mỗi người làm việc bằng hai, để đền đáp cho đồng bào miền Nam ruột thịt”. Lời kêu gọi ấy được nhân dân ta nhiệt liệt hưởng ứng và phụ nữ ta đang xung phong đi hàng đầu. Ví dụ: xưởng sợi Nhà máy dệt Nam Định, so với 20 ngày tháng 3 thì 20 ngày tháng 4, sản xuất gấp mười lần. Tổ 2 kíp A, mười ngày đầu tháng 4 sản xuất vượt mức bằng số vượt mức cả tháng 3. Xưởng AB sản xuất gần gấp bảy lần trước kia, mà vẫn bảo đảm chất lượng tốt.
Mấy việc trên đây, chứng tỏ rằng phụ nữ ta rất giỏi.
Bây giờ, Bác xin phép nêu vài ý kiến về phong trào thi đua “nǎm tốt”.
Điều thứ một trong phong trào là “đoàn kết, sản xuất và tiết kiệm tốt”. Điều đó rất đúng. Đoàn kết là sức mạnh. Đoàn kết tốt thì việc to lớn mấy, khó khǎn mấy cũng làm được.
Tǎng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm là con đường đi đến xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội, xây dựng hạnh phúc cho nhân dân. Tǎng gia là tay phải của hạnh phúc, tiết kiệm là tay trái của hạnh phúc.
Điều thứ nǎm trong phong trào “nǎm tốt” là “xây dựng gia đình, nuôi dạy con cái tốt”. Điều này cũng đúng, nhưng cần giải thích thêm. Gia đình có nghĩa cũ và nghĩamới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng.
“Gia” là nhà. “Đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cho cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt.
Theo nghĩa mớithì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ, những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan, trong một hợp tác xã… đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình. Rộng ra nữa là đồng bào cả nước đều là anh em trong một đại gia đình. Ta có câu hát:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương,
Người trong một nước phải thương nhau cùng.
Rộng hơn nữa, chúng ta có đại gia đình xã hội chủ nghĩa:
Lọ là thân thích ruột rà,
Công nông thế giới đều là anh em.
Đã là đại gia đình, thì sự sǎn sóc dạy dỗ cũng không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe. Về việc này chúng ta có những người gương mẫu như cụ Lê Thị Hoan. Cụ Hoan đã có công giáo dục mấy chục cháu xấu trở thành những cháu tốt. Nếu tất cả chị em phụ nữ ta đều cố gắng làm được như cụ Hoan thì chắc rằng con cháu chúng ta sẽ đều ngoan và tốt.
Sau đây là mấy điều cần chú ý:
1. Phong trào “nǎm tốt” phải kết hợp chặt chẽ với phong trào thi đua yêu nước, với ba cuộc vận động lớn là cuộc vận động “3 xây, 3 chống”, cuộc vận động “cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp” và cuộc vận động “đồng bào miền xuôi đi phát triển kinh tế và vǎn hóa miền núi”.
2. Phong trào “nǎm tốt” phải tùy điều kiện từng nơi, từng vùng mà áp dụng cho thiết thực. ở thành thị có khác với ở nông thôn, ở miền xuôi không giống hệt miền núi.Cần phải giúp đỡ chị em miền núi phấn khởi tham gia phong trào này.
3. Đến nay, có độ nǎm vạn chị em được bầu là phụ nữ “nǎm tốt”, nǎm vạn người trong cả miền Bắc, như thế là chưa nhiều, cần phải cố gắng đẩy mạnh phong trào hơn nữa. Muốn phong trào lên mạnh thì cán bộ phụ nữ phải làm gương mẫu. Nhưng nghe nói cán bộ của phụ nữ và phụ nữ của cán bộ còn ít tham gia phong trào. Hiện tượng ấy cần phải được sửa đổi.
4. Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xoá bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập. Có như thế thì phong trào “nǎm tốt” sẽ ngày càng lan rộng, ǎn sâu và sẽ thực hiện 100% bình quyền, bình đẳng.
5. Đảng bộ và chính quyền của các địa phương cần thiết thực giúp đỡ cho phong trào “nǎm tốt” không ngừng tiến lên, để phụ nữ đóng góp phần xứng đáng vào việc thực hiện kế hoạch của Nhà nước.
Trên đây là mấy ý kiến tóm tắt để các cô tham khảo.
Chúc Đại hội thành công.
Nói ngày 30-4-1964.
———————–
Báo Nhân dân, số 3685, ngày 1-5-1964.
cpv.org.vn
Bạn phải đăng nhập để bình luận.