Không chỉ là Tết Độc lập…

– Cuộc sống vẫn phải đổi thay. Dù không còn cảm xúc Tết Độc lập nhưng giá trị của Độc lập, Tự do thì chắc hẳn nó vẫn nằm sâu đâu đó trong tâm khảm mỗi người để khi cần thiết nó sẽ  lại được huy động vào một hành động chung…

Tại sao gọi là Tết Độc lập?

Theo nghĩa đen, “Tết Độc lâp” được dành cho Tết Bính Tuất (1946) là cái Tết Nguyên đán cổ truyền đầu tiên được tổ chức trong khung cảnh đất nước đã độc lập sau 80 năm bị đô hộ của thực dân Pháp. Trong bài báo có nhan đề là “Tết” đăng trên “Cứu Quốc”, Bác viết rằng đây là “Tết Xuân đầu tiên của nước Việt Nam Độc lập”.

Giao thừa năm đó, Bác cải trang hoà mình vào dòng người đi lễ và hái lộc trong Đền Ngọc Sơn rồi nửa đêm Bác đi thăm một vài gia đình nghèo nhất, không có Tết và đề nghị lãnh đạo Hà Nội lo Tết cho đồng bào nghèo.

Nhưng “Tết Độc lập” cũng còn được sử dụng trong dân khi đón Lễ Quốc khánh 2/9 kể từ năm khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945) cho đến nhiều năm về sau.

Sở dĩ như vậy vì theo cách gọi của người xưa chữ “Tết” là biến âm của chữ “tiết” theo nghĩa của Hán tự để nói đến những thời điểm lập lại trong tiến trình vận hành của thời gian trong mỗi năm mà nó mang một ý nghĩa nào đó với đời sống tâm linh hay tín ngưỡng của dân gian.

Theo tâp quán dân gian, ngoài Tết Nguyên đán là mở đầu cho một năm mới; còn rất nhiều sinh hoạt tín ngưỡng cũng được gọi là “Tết”, ví như: Tết Trung Thu, Tết  Đoan Ngọ, Tết Hàn thực (ít nhiều có ảnh hưởng với văn hoá Trung Hoa)… Vì thế, khi người dân Việt Nam gọi Ngày Độc lập (2/9/1945) và những ngày Quốc khánh hàng năm là “Tết Độc lập” là theo cái nghĩa một sự kiện có ý nghĩa như cái mốc mở ra một cái gì tốt đẹp cho cả một dân tộc. Đó là một ngày hội thực sự của những con người nhận thấu được một sự thay đổi to lớn không chỉ với quốc gia mà với chính mỗi con người.

“Tết Độc lập” cũng được sử dụng trong dân khi đón Lễ Quốc khánh 2/9 kể từ năm khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945). Ảnh dongautaivietnam“Tết Độc lập” cũng được sử dụng trong dân khi đón Lễ Quốc khánh 2/9 kể từ năm khai sinh ra nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (1945). Ảnh dongautaivietnam

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi dùng hình tượng một dân tộc “rũ bùn đứng dậy”, còn những sĩ phu của nền học cổ hay những trí thức của nền học mới thì nhận ra từ cái nhục vong quốc nô trở thành một “dân quốc”, một công dân của một quốc gia độc lập tự do. Còn số đông người dân thì nhận thấy những kẻ cai trị hôm qua như thực dân, quan lại phong kiến giờ đây đã bị tước đoạt hết quyền lực và họ nhận thấy hy vọng của sự “đổi đời” khi thấy mọi thứ đã khác trước.

Tâm trạng của số đông ấy là có thực, với những người cao tuổi thì là một phần ký ức sâu sắc; còn với những người không được sống vào thời điểm lịch sử ấy chúng ta có thể thấy được phần nào sự “thăng hoa” hay “hưng phấn” ấy qua những dấu ấn của đời sống văn hoá, xã hội mà báo chí, các tác phẩm văn chương và nghệ thuật phản ánh lại.

Tết Độc lập “thời lập bàn thờ Tổ quốc là trên hết”

Ý niệm về Tết Độc lập ấy kéo dài qua cuộc kháng chiến chống thực dân để có ngày chiến thắng 1954. Một lần nữa cái cảm nhận về “Tết Độc lập” trở lại sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng kéo dài phần nào cho đến trước khi chiến tranh trở lại…

Khi Cách mạng thành công, tôi chưa ra đời. Nhưng tôi có thể thấy phần nào không khí vào thời điểm Thủ đô giải phóng (10/10/1954) với cái Tết giải phóng đầu tiên, năm 1955.

Tôi nhớ hồi đó người ta hay lập các “bàn thờ Tổ quốc” ở nơi công cộng hay ở cả một số gia đình. Trên bàn thờ ngoài những vật thờ như bàn thờ gia tiên thế nào cũng có lá cờ đỏ sao vàng và dòng chữ để cao nơi trang trọng nhất: “Tổ quốc trên hết”.

Hồi đó, tôi còn thấy một tập quán vốn có từ thời Cách mạng mới thành công 1945-1946 là người ta đun những nồi nước chè đặt cửa nhà mình hay nơi công cộng để cho khách vãng lại dùng. Việc đón các chú bộ đội, hay cán bộ miền Nam tập kết về nhà mình là phổ biến.  Một bữa ăn thịnh soạn hơn ngày thường để người ta tập trung ôn lại những ngày đầu “dân quốc” mới cách đó chưa đầy một thập kỷ và những ngày tạm chiếm vừa mới qua…

Rồi không khí “Tết” dường như nhạt dần cùng với những khó khăn về kinh tế, đặc biệt là những rạn vỡ trong quan hệ giữa người với người. Thời kỳ chiến tranh phá hoại mới bùng nổ, gặp khó khăn chung con người có thể bắt đầu hàn gắn và cô kết lại. Người thành phố sơ tán về nông thôn vẫn nhận được những tình cảm chia sẻ rất mộc mạc của người dân quê với câu đầu lưỡi “Ơn Đảng, ơn Bác” các ông các bà mới về đây với chúng tôi. Họ chia sẻ thực sự cái tình đồng bào tưởng chừng đã mất. Và cái không khí “Tết Độc lập” có phần nào trở lại trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, cái ý nghĩ chính trị hoà vào trong nếp sống và ứng xử văn hoá… Nhưng chiến tranh qua rồi thì hình như nó lại bắt đầu nhàn nhạt dần, đến hôm nay ít người còn gọi Ngày Quốc khánh là “Tết Độc lập”.

“Có độc lập tự do mà cuộc sống của người dân chưa no ấm, hạnh phúc thì cũng vô nghĩa”

Ý niệm về “Tết Độc lập” đã phai dần trước những thử thách mới. Không phải là chiến tranh, vì với chiến tranh gian khổ hy sinh nhưng người ta còn hy vọng vào ngày chiến thắng. Chính quá trình tìm kiếm con đường phát triển, cùng với nó là một số chính sách, nhất là những “chính sách cải tạo” với hy vọng sẽ xây dựng một xã hội mới tốt đẹp nhưng duy ý chí đã làm đổ vỡ không ít những giá trị tốt đẹp và niềm tin.

Sau những sai lầm trong cải cách ruộng đất dù đã được nỗ lực sửa sai, tiếp đó cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, thực chất là tấn công vào sở hữu tư nhân và đội ngũ các nhà công thương đã từng được tôn vinh từ những ngày đầu  nước nhà Độc lập; kể cả cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở nông thôn mà tập trung ở quá trình hợp tác hoá ở nông thôn, nhân danh chủ nghĩa tập thể đã tước đoạt phần nào một vài thành quả mà cách mạng và kháng chiến đã đem lại với mục tiêu “ruộng đất cho dân cày” đã khiến cho không khí xã hội mất dần cảm xúc ngày Tết. Còn lại chỉ là những chương trình nặng tính tuyên truyền chính trị pha thêm những quan điểm không tưởng gắn với đấu tranh giai cấp.

Hơn nữa chiến tranh diễn ra trên cả nước khốc liệt nên ít ai nghĩ về Ngày Quốc khánh như những ngày hội mà chủ yếu là những đợt vận động chính trị hướng về tiền tuyến…

Đến nay, dù cuộc sống của nhân dân đã yên bình và ngày một sung túc hơn, nhưng cảm xúc về một ngày Tết Độc lập cũng không còn như trước lâu. Trong khi, các nhà chính trị luôn hướng tâm thức Ngày Tết Nguyên đán tới “Mừng Đảng, mừng Xuân”, xu thế chung ngày Tết người dân thường hướng về đời sống gia đình, tổ tiên và thoả mãn những nhu cầu của chất lượng sống hiện đại như du lịch hay làm từ thiện!

Đó cũng là điều thường tình. Vì nếu trong những buổi đầu Đất nước mới độc lập thì người dân thấy hiểu hơn cái giá trị độc lập vốn là niềm khao khát bấy lâu.

Nhưng để có lại được không khí Tết Độc lập, để không khí đó sẽ trở thành động lực cho con đường mà dân tộc ta sẽ phải tiến nhanh hơn, tiêu chí hàng đầu chính là niềm tin của người dân và tình yêu nước phải được hướng vào những giá trị đích thực.

Với thế hệ hiện tại, sinh ra đã là người dân độc lập rồi, có lẽ người dân thấm câu nói Bác Hồ đã từng đề cập tới từ rất sớm là “Có độc lập tự do mà cuộc sống của người dân chưa no ấm, hạnh phúc thì cũng vô nghĩa”.

Dẫu rằng, nhiều cái tốt đẹp trong quá khứ mất dần là điều khó tránh… Cuộc sống vẫn phải đổi thay. Nhưng chắc chắn rằng, không còn cảm xúc Tết Độc lập nhưng giá trị của Độc lập, Tự do thì chắc hẳn chẳng nó vẫn nằm sâu đâu đó trong tâm khảm mỗi người để khi cần thiết nó sẽ  lại được huy động vào một hành động chung…

Dương Trung Quốc
bee.net.vn

Advertisement