– Quay sang Lâm, Bác nói: “Vì hành động dũng cảm của cháu, Bác đã tặng cháu huy hiệu. Chúc cháu luôn học giỏi, tiến bộ và bơi giỏi hơn nữa! Bây giờ, Bác thưởng cho cháu được ngồi với Bác trên hàng ghế chủ tịch đoàn”. Câu chuyện về liệt sĩ Thành cổ từng được chụp ảnh với Bác, được kể lại 37 năm sau ngày mất của anh.
… Học kì 2 năm học 1964- 1965, do giặc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại ra miền Bắc mà Lâm cùng 2 em được theo trại nội trú của Bộ Công an sơ tán về Thuận Thành, Hà Bắc (bố Lâm là Cục trưởng Cục Cảnh vệ nên con được sơ tán theo trại). Vùng quê nghèo ven bờ sông Đuống năm học này ríu rít tiếng học trò Hà Nội về.
Chiều ấy, Lâm theo chúng bạn ra sông tắm. Vừa tới bờ sông thì thấy một bạn gái đang chới với dưới nước. Cô giáo từ trên bờ vội nhảy xuống cứu. Nhưng cả 2 cô, trò không biết bơi. Cố vùng vẫy rồi chìm dần, chìm dần.
Anh Nguyễn Lâm khi đó được ngồi ghế đoàn Chủ tịch với Bác Hồ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.
Theo phản xạ, Lâm lao như mũi tên xuống dòng. Nhớ anh trai dặn khi cứu người chết đuối phải vòng ra phía sau lưng, túm lấy tóc hoặc ôm lấy cổ rồi bơi ngửa, dìu họ vào bờ. (Người bị nạn cuống quýt mà ôm chặt lấy mình thì chết cả). Như con rái cá, Lâm lặn sâu rồi quàng tay vào cổ bạn, bơi ngửa, dìu vào bờ. Sau đó quay ra đón cô. Chuyện chỉ đơn giản có vậy.
Biết tin có cháu nhỏ dũng cảm cứu bạn, Bác Hồ gửi huy hiệu tặng Lâm, biểu dương “người tốt, việc tốt”.
Tháng 8/1965, tổ chức Đoàn các cơ quan Trung ương tổ chức “Đại hội “3 sẵn sàng” chống Mỹ cứu nước”. Các tấm gương lao động, chiến đấu điển hình được mời về dự. Trong đại hội, hầu hết đại biểu là thanh niên, riêng thấy có 2 gương mặt thiếu niên – Nguyễn Lâm cùng Lưu Kim Oanh (diễn viên nhí của Đoàn Xiếc TW).
Bác Hồ đã đến dự. Từ trên Chủ tịch đoàn, thấy có cháu bé ngồi hàng ghế đại biểu, Bác hỏi: “Cháu bé có thành tích gì mà được mời dự?”. “Dạ, đó là cháu Nguyễn Lâm có thành tích dũng cảm cứu bạn đấy ạ!”, chú thư kí trả lời. “Vậy mời cháu lên đây!”.
Nguyễn Lâm được các chú gọi lên, đứng trước mặt Bác. Xoa đầu Lâm, Bác âu yếm hỏi:
– Cháu tên là gì?
– Dạ, Nguyễn Lâm ạ!
– Thế cháu bao nhiêu tuổi?
– Dạ, 12 ạ!
– Cháu con ai?
– Dạ, con bố Hoàng Hữu Kháng ạ!
– A, thế ra cháu là con bố Kháng trong tổ bảo vệ cho Bác thời kì kháng chiến chống Pháp? Nghe các chú báo cáo, cháu dũng cảm, lao xuống sông cứu bạn. Thế cháu học bơi ở đâu?
– Dạ, khi chưa đi sơ tán, cháu hay được theo bố vào CLB Ba Đình. Tại đây có bể bơi nên bố cháu và anh Sơn dạy cho biết bơi.
– Cháu biết bơi gì?
– Cả bơi ếch, bơi sải ạ.
– Các cô các chú có thấy không – Bác quay sang bên – cháu Lâm nhỏ tuổi mà đã có hành động dũng cảm. Qua đây chúng ta rút ra bài học: không chỉ dạy cho các cháu học văn hóa giỏi mà còn phải dạy cả thể thao, bơi lội, phải xây dựng cho các cháu tình yêu thương con người và lòng dũng cảm, dám hy sinh bản thân cứu người. Cháu Lâm là tấm gương sáng cho thanh, thiếu niên ta học tập…
Quay sang Lâm, Bác nói: “Vì hành động dũng cảm của cháu, Bác đã tặng cháu huy hiệu. Chúc cháu luôn học giỏi, tiến bộ và bơi giỏi hơn nữa! Bây giờ Bác thưởng cho cháu được ngồi với Bác trên hàng ghế chủ tịch đoàn”.
Tháng 10 năm ấy, Lâm nhập trường Thiếu sinh quân Nguyễn Văn Trỗi, đóng quân ở An Mỹ, Đại Từ, Thái Nguyên. Và chuyện này Lâm chưa kể với ai. Phải 37 năm sau ngày bạn hy sinh, chúng tôi mới biết. Xin cảm ơn gia đình đã cung cấp bức ảnh tư liệu vô giá cùng câu chuyện cảm động này! Xin ghi lại như 1 nén tâm nhang tưởng nhớ đến Nguyễn Lâm – LS Thành cổ!
- Trần Kiến Quốc