Lần đầu gặp gỡ Hồ Chủ Tịch

Nguyễn Yên
(Sưu tầm và dịch)

Theo hồi ký của Raymond Aubrac (NXB Odile Jacob 1996)

Raymond Aubrac, một nhân vật lớn của cuộc kháng chiến chống Đức 1940. Sau chiến tranh thế giới thứ 2, ông giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng lại nước Pháp và tham gia điều hành công việc của LHQ. Đặc biệt, ông trở thành bạn của Bác Hồ từ 1946, từng làm trung gian giữa Pháp và Việt Nam trong những cuộc thương lượng bí mật thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam.

Không hiểu tại sao, ngày 27/7/1946, tôi lại chấp thuận lời mời của người Việt Nam. Cuộc chiêu đãi người ta mời tôi là để đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Paris theo lời mời của Chính phủ Pháp trong khi đang diễn ra cuộc đàm phán khó khăn ở Fontainebleau.

Nói về Việt Nam, tôi quả thật không biết gì hơn đồng bào chúng tôi. Chúng tôi so sánh cuộc chiếm đóng thuộc địa như thời kỳ chúng tôi bị người Đức chiếm lĩnh.

Ngày 6/3/1946, nước Pháp ký hiệp ước công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Jean Sainteny, đại diện Chính phủ Pháp lúc ấy biết rõ rằng: đó là để đạt được sự quay lại Bắc kỳ của quân đội Pháp thay thế quân Trung Hoa rút đi. Cuộc đàm phán ở Fontainebleau phải xem xét nhiều vấn đề đang còn bỏ lửng. Cùng lúc đó, đô đốc D’ Argenlieu tiến hành ở Đà Lạt một cuộc thương thuyết khác nhằm giải quyết vận mệnh Đông Dương.

Được mới đến Pháp, Hồ Chủ tịch không tham gia phái đoàn ở Fontainebleau do ông Phạm Văn Đồng dẫn đầu. Đó là tất cả những gì tôi được biết về quan hệ Pháp- Việt khi một người trong ban tổ chức giới thiệu tôi với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đi qua đám đông, người ta dẫn tôi về phía con người nhỏ nhắn tươi cười với chòm râu và đôi mắt tinh anh. Ông cụ cầm tay tôi tách khỏi đám đông bao quanh và nói:

– Ông Aubrac, tôi đã biết những việc ông làm cách đây 2 năm ở Marseille đối với đồng bào tôi. Tôi xin cảm ơn ông!

Khi chiến tranh bùng nổ năm 1939, người ta đưa đến đây hàng ngàn lao động Đông Dương để thay thế công nhân Pháp bị động viên. Sau thất trận 1940, những ngươi đó bị tập trung trong các trại để sống qua những năm tháng bị người Đức chiếm đóng. Với tư cách ủy viên Chính phủ, tôi biết họ đang ở trong tình trạng hết sức tồi tệ. Khi công việc còn được giải quyết nhanh chóng, quyết định của tôi đã được áp dụng ngay. Ban chỉ huy cũ bị gạt ra và thay vào bằng những người trung thực. Tôi để người lao động bầu đại diện của mình vào một ủy ban thay mặt họ bên cạnh ban chỉ huy trại. Nói tóm lại, tôi gắng làm những gì có thể làm được.

Từ đấy, những người lao động Đông Dương- mà nhóm có tổ chức nhất là những người Việt Nam đã tỏ thái độ biết ơn tôi. Chúng tôi nhận được một hộp kẹo sôcôla vào ngày đầu năm, được mới đến dự Tết và ăn bữa ăn Việt Nam. Lần này, việc mời tôi đến Bagatelle không hẳn là điều bất ngờ.

Khoác tay nhau trên con đường nhỏ ở Bagatelle cùng với con người mà trang đầu của báo chí đang đưa lên thành nhân vật chính của thời sự, tôi không biết nói gì với ông.

– Thưa Chủ tịch, ngài có thích Paris không?

– Tất nhiên và tôi biết từ nhiều năm trươc, nhất là khu phố Latinh.

– Chỗ Ngài ở có tốt không?

– Chính phủ ông đã thuê cho tôi một tầng của tòa dinh thự trong khu phố Khải Hoàn Môn nhưng tôi thấy không hợp. Tôi thấy thiếu một mảnh vườn.

– Tôi rất vui lòng chỉ cho Ngài xem ngôi nhà của tôi. Nhưng, tôi ở khá xa, tận ngoại ô, ở Soisy-sous Montmonrency phía Bắc Paris.

– Vậy thì ông Aubrac, tôi rất vui lòng đến thăm vườn của ông. Nếu không phiền thì tôi sẽ đến vào thứ ba tới để uống trà, cùng đi còn 2 người bạn tôi.

Chiều hôm đó, tôi báo cho Lucie, vợ tôi, biết cuộc viếng thăm của người khách nổi tiếng này.

Vào đúng ngày giờ đã hẹn, vị Chủ tịch đã đến cùng đoàn mô tô hộ tống của Sở Cảnh sát đô thành.

Bàn ăn được dọn trước trong nhà, sân nối tiếp với khu vườn không lấy gì làm rộng rãi cho lắm. Bà mẹ của Lucie cũng có mặt, bà giúp chúng tôi vì vợ tôi sắp sinh cháu. Cháu Jean Pierre 5 tuổi đã đi học về. Cháu bé Catherine đang ngủ hay chơi đâu đó ngoài vườn.

– Đúng là một khung cảnh gia đình êm ấm, nhà ông ở lớn thật. Những ai sống ở đây?

– Những người mà Ngài thấy ở đây và một cô trông trẻ.

Tôi dẫn khách đi thăm nhà cửa.

Ngôi nhà gồm 3 tầng. Sau khi thăm khắp nhà một lượt, cụ Hồ Chí Minh kết thúc cuộc viếng thăm bằng một nhận xét ngắn như là nhân dịp nói qua:

– Tầng hai của ông không có ai ở. Tôi rất thích khu vườn. Nếu tôi được ở đây thì hơn là sống trong dinh thự chính phủ ông dành cho tôi.

Tính lịch thiệp, sự quan tâm và cả tình cảm mà con người đó biểu lộ đã khiến tôi lập tức đề nghị ông đến ở cùng gia đình. Thế là đã mở ra- có thể nói là một chương mới trong cuộc đời tôi. Hay nói đúng hơn là khởi đầu cho một loạt sự kiện trải dài trong hơn 40 năm sau và đến nay, vẫn tiếp tục khi tôi viết lại hồi ức này.

Việc ông Hồ Chí Minh đến nhà tôi không phải là chuyện ngẫu nhiên. Chắc chắn là có những quan hệ đã được những người Việt phác họa.

Không phải là đảng viên cộng sản, Lucie và tôi, vẫn được coi là những người cảm tình- cái mà người ta kêu là những người bạn đường- ở đây có sự tiếp nối thái độ dấn thân liên tục của chúng tôi.

Cuộc sống chung của chúng tôi với Bác Hồ được tổ chức không mấy khó khăn. Con người có tính cách đặc biệt đó, ngoài những đức tính thiên phú còn có ngay những mối quan hệ đơn giản nhất với tất cả những người đối thoại cho dù là bộ trưởng hay nông dân. Chỉ trong chốc lát, ai cũng thấy thoải mái. Không bao giờ Người giữ khoảng cách mà thường Người tự biết làm ra vẻ là nhà lãnh đạo sống ẩn mình.

Người bạn thân nhất của ông trong 6 tuần lễ ở nhà tôi có lẽ là bà mẹ vợ tôi. Một bà nông dân vùng Bourgogne, một người có lối diễn tả bộc trực và óc thông minh sâu sắc. Bác Hồ thường gợi chuyện cho bà kể về công việc, những thói quen, những định kiến của người trồng nho chúng tôi. Ông cũng trao đổi về những người nông dân nước mình.

Mỗi buổi sáng, người ta đem đến tất cả các báo Pháp, Anh, Mỹ, Nga và Bác Hồ không có gì thích hơn là được đọc báo. Bác đọc lướt qua tất cả ngồi xổm trên bãi cỏ giữa vườn.

Nhiều lần trong tuần, Người đi thăm người hàng xóm trong làng và trở về với nhiều hoa ôm ở trên tay.

Trong ngày, nếu không đi gặp những người đối thoại ở Paris thì Người tiếp khách tại nhà. Những nhà đàm phán Fontainebleau hầu như đến gặp ông hàng ngày. Buổi chiều, Người đề nghị chúng tôi mời ăn tối những nhân vật khác nhau: các chính khách cánh hữu, cánh tả, các nhà văn, nhà báo.

Việc chợ búa và nấu ăn là một gánh nặng đối với Lucie, bà mẹ vợ và chị giúp việc. Sau mấy ngày đắn đo- với sự ngần ngại mà tôi được hưởng của nền giáo dục tư sản- Bác Hồ đề nghị đưa một ngươi bạn cũ đến giúp việc cả ngày. Đó là một đầu bếp số một đang có quán ăn ở khu phố Latinh. Vậy là bố già Ti đã chiếm lĩnh hoàn toàn nhà bếp, hầm rượu và một nhà phụ. Nhà tôi biến thành một bếp ăn Việt Nam. Là người thành thạo, luôn tươi cười đon đả, ông Ti quả là một chuyên gia lớn.

Cuối tháng 7, nhân dịp sinh nhật tôi, Bác Hồ tặng tôi một bức tranh của họa sĩ Vũ Cao Đàm vẽ. Bức tranh một bà mẹ trong sáng với bàn tay và những ngón tay nhỏ thon ve vuốt đứa con của mình.

Hai ba ngày sau khi cháu Elisabeth chào đời, các cô y tá ở nhà hộ sinh Port Royal thấy một vị khách khác thường đến thăm cháu. Họ nhận ra ngay ông cụ vì hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đưa tin hàng ngày khắp các báo. Bác Hồ bế cháu trên tay và trước khi đặt xuống nôi đã quyết định nhận làm cha đỡ đầu cho bé. Từ ngày đó đã xảy ra một nghi thức đặc biệt cứ mỗi lần sinh nhật cháu, “người cha đỡ đầu” đều tìm cách gửi quà cho cháu cho dù xa xôi cách trở nghìn trùng và Người đang bận với cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Khi cuộc đàm phán Fontainebleau kết thúc, Bác Hồ để phái đoàn về nước, Người ở lại một thời gian để ký với Marins Moutet một văn bản không mấy rõ ràng gọi là Tạm ước, đặt cơ sở để tiến tới một hiệp nghị hòng cứu vãn hòa bình.

Hồi năm 1952, tôi thường đến Praha (Tiệp Khắc). Những buổi gặp gỡ các bạn Việt Nam và nói về cuộc chiến tranh vô tận mà hai nước phải chịu đựng.

Trong những năm chiến tranh đó hai lần người ta yêu cầu tôi đi Việt Nam để gặp người bạn Hồ Chí Minh của tôi (Những yêu cầu đó xuất phát từ Vicent Auriol – Tổng thống – René Mayer- Chủ tịch Quốc hội). Tôi đã từ chối vì biết rằng họ không có gì đưa ra, chẳng qua chỉ là cái cớ cho các chính khách dựa vào đó tiếp tục chiến tranh.

Báo Công luận, ngày 18-24/5/2001
cpv.org.vn

Advertisement