Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh tinh hoa đạo đức, tâm hồn cao đẹp của Người và những nội dung cơ bản, quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam ngày nay và trong tương lai.
Vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/1990), Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản Di chúc của Người viết.
Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng; là công trình lý luận về xây dựng và củng cố Đảng cầm quyền và là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam.
Qua 40 năm thực hiện Di chúc của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó là: Hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, chuẩn bị điều kiện đi lên CNXH; từng bước thực hiện lý tưởng XHCN, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định con đường XHCN, kiên định sự lãnh đạo của Đảng – nhân tố quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam; thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng và phát huy tình cảm quốc tế trong sáng, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nâng cao vị thế đất nước trong hội nhập quốc tế.
Phục vụ cho công tác tuyên truyền về đợt sinh hoạt chính trị 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương đã biên soạn Đề cương tuyên truyền về 40 năm thực hiện Di chúc của Người ( 2/9/1969 – 2/9/2009).
Đề cương đề cập đến 3 vấn đề lớn: Hoàn cảnh lịch sử, ý nghĩa, giá trị cơ bản của Di chúc; những thành tựu của cách mạng Việt Nam qua 40 năm thực hiện Di chúc và các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới.
Đề cương đã nêu những định hướng về các nhiệm vụ tiếp tục thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn cách mạng mới. Cụ thể là, về công tác xây dựng Đảng: Học tập phẩm chất, đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiếp tục thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Về nhiệm vụ bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau: Thực hiện lời Bác dặn về việc chuẩn bị một lực lượng cho sự nghiệp cách mạng, Đảng, Nhà nước, các cấp uỷ Đảng, đoàn thể và cả xã hội có trách nhiệm chăm lo, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thanh niên đựợc rèn luyện, cống hiến và trưởng thành; được học tập, có việc làm, nâng cao thu nhập, có đời sống văn hoá, tinh thần lành mạnh. Về nhiệm vụ nâng cao đời sống của nhân dân: Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người dân Việt Nam cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước trước tình hình mới để phấn đấu mục tiêu Bác dặn trong Di chúc: “Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Về nhiệm vụ đoàn kết quốc tế: Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại “độc lập tự chủ, hoà bình, hợp tác và phát triển”, chính sách “đối ngoại rộng mở, đa phương hoá, đa dạng hoá các quan hệ quốc tế”, “Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế”.
Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị các ban ngành Trung ương và địa phương, các đoàn thể chính trị-xã hội… sớm triển khai tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hướng tới kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người.
Nguồn: Chinhphudientu