Hồ Chí Minh về thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ

Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh - Ảnh gdtd.vnSau Cách mạng tháng 8-1945, Nhà nước Việt Nam non trẻ gặp rất nhiều khó khăn, thử thách, cùng lúc phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đề ra và lãnh đạo thực hiện đúng đắn chính sách đối với những người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc. Ngày 7-1-1947, trong thư gửi Bác sĩ Vũ Đình Tụng, khi đó là Giám đốc Y tế Bắc bộ, Người viết: “Tôi biết rằng con trai Bác sĩ đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Bác sĩ biết đấy, tôi không có gia đình và không có con, nhưng gia đình của tôi là Việt Nam, con cái tôi là thanh niên Việt Nam, mỗi khi một thanh niên hy sinh thì tôi thấy mình như mất đi một phần cơ thể”(1). Trong thư gửi các chiến sĩ bị thương trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến, Bác nhấn mạnh: “Các chiến sĩ đã hy sinh máu mủ để gìn giữ đất nước… Các chiến sĩ thật xứng đáng với Tổ quốc và Tổ quốc không bao giờ quên những người con như thế”(2). Người coi việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ không là nhiệm vụ của riêng ai, mà là trách nhiệm và nghĩa vụ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Để toàn dân ta quan tâm thường xuyên hơn nữa đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ, tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh, liệt sĩ. Thực hiện chỉ thị đó, Hội nghị về vấn đề này gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khối và tỉnh họp ở Phú Minh (Đại Từ, Thái Nguyên) bàn và nhất trí đề nghị lấy ngày 27-7-1947 làm ngày thương binh, liệt sĩ. Từ đó, ngày 27-7 hằng năm là ngày toàn dân ta tưởng nhớ đến các liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Không chỉ dành sự quan tâm đặc biệt tới thương, bệnh binh, Người còn luôn biểu dương, nêu gương những người có công cứu chữa thương, bệnh binh. Trong thư gửi bà Bá Huy, Bác viết: “Tôi nhận được báo cáo bà đã hăng hái giúp đất ruộng, trâu bò, thóc lúa và tiền bạc để lập một trại an dưỡng cho thương binh… Như thế là bà đã làm kiểu mẫu cho đồng bào thực hành cái khẩu hiệu: Có tiền giúp tiền, có sức giúp sức, đồng tâm hiệp lực, kháng chiến thành công”(3). Với lời lẽ mộc mạc, giản dị, Hồ Chí Minh đã động viên kịp thời những người có công giúp đỡ thương, bệnh binh, Người đã khéo nêu gương bà Bá Huy cho toàn dân học tập. Người mong muốn có nhiều bà Bá Huy hơn nữa để bù đắp cho những người đã vì Tổ quốc mà mất đi một phần xương máu của mình.

Hồ Chí Minh chỉ rõ trách nhiệm của chúng ta đối với thương, bệnh binh: “Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp, cha mẹ, anh em, vợ con, thân thích, họ hàng ta bị đe dọa. Của cải, ruộng nương, nhà cửa, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù, để giữ gìn đất nước cho chúng ta. Đó là những chiến sĩ mà nay một số thành ra thương binh. Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí ốm yếu què quặt. Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”(4).

Vào năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và dân ta liên tiếp giành thắng lợi lớn trên các mặt trận. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư thăm hỏi, động viên các chiến sĩ bị thương trong các trận đánh. Trong thư gửi những chiến sĩ thương binh khi tham gia giải phóng Đông Khê(5), Người viết: “Các chú đã chiến đấu anh dũng và đã giết được nhiều giặc, đã có công trong việc giải phóng Đông Khê. Chính phủ đồng bào đều nhớ ơn các chú. Tôi gửi lời khen ngợi các chú và chúc các chú mau lành bệnh để trở lại hàng ngũ tiếp tục chiến đấu giết giặc”(6).

Trên mỗi chặng đường cách mạng, kháng chiến, Bác luôn quan tâm đến những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng, từ đó đề ra chủ trương, chính sách ưu đãi để bù đắp những mất mát đối với họ và Người luôn làm gương thực hiện cho mọi người noi theo.

Ngày 27-7-1953, trong thư gửi Bộ Thương binh Cựu binh, Người viết: “Tôi xin gửi một tháng lương và 50 cái khăn tay do đồng bào phụ nữ Thái biếu tôi, nhờ Cụ(7) chuyển cho anh em thương binh với lời chào thân ái của tôi”. Bức thư này của Bác đã đăng liên tục trên báo Nhân Dân từ ngày 26 đến 30-7-1953. Việc gửi vật chất để biếu thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là việc làm thường xuyên của Bác, chứa đựng trong đó những tình cảm và ý nghĩa sâu xa.

Ngày 7-5-1954, quân và dân ta đại thắng ở Điện Biên Phủ, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ công nhận độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam – Lào – Căm-pu-chia. Nhân thắng lợi to lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư nhắn nhủ đồng bào: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận của chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu giúp đỡ họ”(8). Đối với thiếu niên, nhi đồng – những chủ nhân tương lai của đất nước, để giáo dục các cháu luôn chăm lo cho các thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, Người căn dặn: “Các cháu phải: thi đua học tập, thi đua sản xuất, thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ”(9).

Năm 1969, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diễn ra rất quyết liệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩnh biệt chúng ta. Trước lúc đi xa, để thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ tốt hơn nữa, Bác căn dặn: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ đói rét”(10). Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là lời căn dặn, là ý nguyện của Người, mà còn là nguyện ước của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

Thấm nhuần và quán triệt sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta, bất luận hoàn cảnh nào, cũng luôn xác định chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với Tổ quốc là một trong những chính sách lớn, có vị trí quan trọng trong chiến lược con người. Đặt con người ở vị trí trung tâm, coi con người vừa là mục tiêu vừa là động lực của sự phát triển, chính sách của Đảng ta đối với con người, đặc biệt là những người đã chịu nhiều hy sinh mất mát, có nhiều cống hiến cho cách mạng, không những có ý nghĩa to lớn đối với bản thân các đối tượng chính sách, mà còn tác động sâu sắc đến tình cảm, tư tưởng, ý thức chính trị của mọi tầng lớp nhân dân. Đảng, Nhà nước ta đã tập trung khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, từng bước đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính sách thương binh, liệt sĩ cho phù hợp với tiến trình đổi mới của đất nước và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là từng bước luật pháp hóa các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong đó tiêu biểu là Pháp lệnh ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng; Pháp lệnh tuyên dương Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; chủ trương về xây cất mộ – nghĩa trang liệt sĩ v.v… Các chủ trương chính sách đó đã và đang đi vào cuộc sống, được toàn xã hội đón nhận và đồng tình ủng hộ; vừa góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần các đối tượng chính sách, vừa góp phần ổn định và phát triển đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, với chế độ XHCN.

Hiện nay, công cuộc đổi mới toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đạt được những thành tựu to lớn. Để tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, phấn đấu đạt và vượt chỉ tiêu đề ra trong chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2020 mà Đại hội X của Đảng đã xác định, chúng ta phải phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH đất nước, thực hiện tốt hơn nữa chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tiếp tục quán triệt và vận dụng một cách sáng tạo Tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc xây dựng hệ thống chính sách đối với thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng. Để làm được điều đó chúng ta phải:

Đẩy mạnh xã hội hóa công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công. Tiếp tục giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tình cảm và tính tự giác hành động của quần chúng, đưa phong trào toàn dân chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng đi vào chiều sâu; chủ động, sáng tạo, tổng kết thực tiễn để xây dựng các mô hình phù hợp với điều kiện thực tế và cơ chế kinh tế mới. Thông qua việc làm tình nghĩa mà giáo dục, bồi dưỡng lòng yêu nước, yêu chế độ, tình cảm cách mạng trong sáng cho mọi người, nhất là thế hệ trẻ.

Gắn công tác thương binh, liệt sĩ và chăm sóc người có công với cách mạng với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, chiến lược quốc phòng – an ninh của đất nước. Đi đôi với việc nâng cao vai trò điều tiết vĩ mô của Nhà nước, thúc đẩy và nâng cao hiệu quả việc chăm lo thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành, cần giáo dục, động viên các đối tượng hưởng chính sách nêu cao tinh thần gương mẫu, nỗ lực vươn lên, tiếp tục khẳng định bản chất cách mạng tốt đẹp của mình và góp sức xây dựng đất nước. Đồng thời phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho họ tham gia các chương trình phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương (vay vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo; xây dựng nền văn hóa mới, con người mới…) hình thành hệ thống biện pháp tổng hợp, đồng bộ để tạo nên hiệu quả toàn diện cả về kinh tế và chính trị-xã hội, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với chăm sóc và không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công, tạo thành nền tảng chính trị-xã hội vững chắc của sự nghiệp đổi mới và bảo vệ Tổ quốc. Thường xuyên nắm chắc tình hình tổ chức thực hiện ở các địa phương, có kế hoạch chỉ đạo để bảo đảm mọi đối tượng có công sớm được hưởng các chế độ theo quy định. Chủ động và kiên quyết xử lý những trường hợp làm sai chính sách, chế độ và những yếu kém, khuyết điểm trong tổ chức thực hiện.

Đẩy mạnh tiến độ, hiệu quả giải quyết các tồn đọng chính sách sau chiến tranh. Tăng cường phối hợp, liên kết các đoàn thể, ban ngành trung ương và địa phương, các lực lượng vũ trang và nhân dân để tổ chức tìm kiếm, khảo sát, quy tập mộ liệt sĩ. Đây là một vấn đề có ý nghĩa chính trị-xã hội và nhân văn to lớn. Ngoài ra, việc tiếp tục tu sửa, nâng cấp, quản lý tốt các nghĩa trang, đài tưởng niệm, bia ghi tên liệt sĩ, coi đó thực sự là những công trình văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, là bổn phận của thế hệ hôm nay và mai sau.

——-

(1) Hồ Chí Minh – chân dung một con người, lưu Bảo tàng Hồ Chí Minh. (2) Lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu Trung tâm lưu trữ quốc gia I. (3) Sách Lời Hồ Chủ tịch, Nha Thông tin thư viện Việt Nam, H.1949, tập II, tr.13. (4) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, NXBCTQG, H.2000, tr.175. (5) Trận Đông Khê là trận đánh mở đầu trong chiến dịch Biên giới năm 1950. (6) Báo Cứu quốc, số 1675, ngày 25-10-1950. (7) Tức Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh lúc bấy giờ. (8) Báo Nhân Dân, số 875, ngày 27-7-1956. (9) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 6, tr.221. (10) Sđd, tập 12, tr.503.

LÊ VĂN PHONG
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

xaydungdang.org.vn

Advertisement