Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ chính trị, nhà văn hoá kiệt xuất của thế giới ở thế kỷ XX. Tư tưởng, sự nghiệp, ham muốn tột cùng của Người là:
Giành độc lập, thống nhất cho đất nước, qua đó góp phần vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc của các dân tộc bị áp bức.
Xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, dân chủ, giàu mạnh mang lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.
Với Người, ý nghĩa của việc giành độc lập là để cho mọi người dân Việt Nam ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng có nhà ở và được học hành. Đời sống vật chất ngày càng đầy đủ, đời sống tinh thần, văn hoá ngày một cao.
Ngay sau lễ Tuyên ngôn độc lập (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có công thư gửi UBND các địa phương trong cả nước, nói rõ: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”(1). Nhưng muốn có tự do, hạnh phúc thì không phải giành được độc lập là có ngay tất cả mà phải ra sức xây dựng, kiến tạo, mở mang, phát triển kinh tế – xã hội theo hướng CNH, HĐH một cách bền vững. Dựa vào sức mạnh dân tộc là chính nhưng với xu thế chung của nhân loại, không một quốc gia nào tự mình đóng cửa mà có thể nhanh chóng tiến lên phồn thịnh, giàu có, văn minh. Hội nhập vào dòng chảy của lịch sử nhân loại là quy luật tất yếu của sự phát triển.
Với tầm nhìn của một nhà tư tưởng, văn hoá lớn, Hồ Chí Minh đã sớm đặt ra nguyên tắc và định hướng hội nhập quốc tế, quan hệ giữa nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà với các quốc gia có nền kinh tế khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới. Ngày 17-10-1945, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà non trẻ của chúng ta mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có điện văn gửi Tổng thống Mỹ khi ấy là H.Tơ-ru-man nói rõ về quan hệ giữa Việt Nam và các nước có chế độ chính trị khác vì mục đích của sự phát triển kinh tế, gìn giữ hoà bình và vì sự phồn vinh chung. Bức điện có đoạn: “Trước hết, xét đến tầm quan trọng về chiến lược và kinh tế của Việt Nam, thứ đến là mong muốn tha thiết – mà Việt Nam cảm nhận sâu sắc và đã chứng tỏ một cách nhất trí – được hợp tác với những nền dân chủ khác trong việc tạo lập và củng cố nền hoà bình và phồn vinh trên thế giới”(2). Như vậy, hợp tác trước hết là vì lợi ích có tầm chiến lược của Việt Nam ta, đồng thời cũng là vì lợi ích chung của nhân loại.
Nhưng hợp tác nhất thiết phải tuân thủ một nguyên tắc cơ bản, không bao giờ thay đổi là tôn trọng chủ quyền quốc gia, là bảo vệ vững chắc nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Đó là tính bất biến. Song, hợp tác bao giờ cũng là sự thoả thuận trên cơ sở hai bên cùng có lợi. Sự thoả thuận ấy là tuỳ những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, từng lúc, từng nơi, từng việc. Nó là sự nhạy bén, thích ứng, biến thiên, linh hoạt. Do vậy, có thể tóm gọn triết lý hợp tác của Hồ Chí Minh là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”.
Nhớ lại, năm 1945, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mới ra đời, trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” cả dân tộc phải dốc sức, đồng lòng chống thực dân Pháp xâm lược để giữ vững chính quyền, Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước thế giới về thái độ lúc đó của Chính phủ Việt Nam đối với Pháp như sau: “Đối với bọn thực dân Pháp cố tâm dùng võ lực lập lại chính quyền của chúng ở đây, chúng ta nhất định chống lại chúng kỳ cùng và nhất định chúng ta sẽ phải thắng lợi…
Nhưng chúng ta không chống tất cả nước Pháp, tất cả dân chúng Pháp. Nếu có những người Pháp muốn qua đây điều đình một cách hoà bình (…) thì điều kiện căn bản của cuộc điều đình ấy là người Pháp phải thừa nhận nền độc lập của Việt Nam. Còn ngoài ra có thể có những sự thương lượng để dung hoà quyền lợi của cả hai bên. Có thể rằng: những cơ sở mà người Pháp đã bỏ vốn ra gây dựng ở đây từ trước đến giờ, nếu xét ra cần thiết cho nền kinh tế quốc gia Việt Nam, sẽ được chúng ta chuộc lại dần dần. Có thể rằng: chúng ta hoan nghênh những người Pháp muốn đem tư bản vào xứ ta khai thác những nguồn nguyên liệu chưa có ai khai thác. Có thể rằng: chúng ta sẽ mời những nhà chuyên môn Pháp, cũng như Mỹ, Nga hay Tàu, đến đây giúp việc cho chúng ta trong cuộc kiến thiết quốc gia.
Nhưng, phải nhắc lại rằng, điều kiện chính vẫn là họ phải thừa nhận nền độc lập của xứ này. Nếu không vậy, thì không thể nói chuyện gì được cả”(3).
Nước Việt Nam ta có nền văn hoá lâu đời, nhân dân ta có truyền thống lao động sáng tạo, cần cù, song do những hạn chế của lịch sử, nhà nước phong kiến cuối cùng ở Việt Nam đã thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng” làm cho nền kinh tế nước ta quá tụt hậu so với thế giới. Dân nghèo thì nước không thể mạnh, hậu quả của chính sách đối nội và đối ngoại sai lầm cuối triều Nguyễn đã dẫn tới hậu quả: Nước ta mất độc lập, dân tộc bị nô lệ lầm than. Thực dân Pháp chiếm nước ta, chính sách khai thác thuộc địa để phục vụ chính quốc của chúng đã đẩy nước ta rơi vào tình trạng suy thoái, kiệt quệ, lạc hậu hàng thế kỷ.
Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ, nhân dân ta đã buộc phải làm cuộc kháng chiến gian khổ sau bao nhiêu hy sinh, bao lần thương thuyết và nhân nhượng không thành để giành lại độc lập, tự do.
Tuy vậy, ngay trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khốc liệt nhất, ngày 18-3-1946, khi tiếp tướng P.M.Lơ-cơ-léc, người đứng đầu quân đội Pháp ở Đông Dương lúc đó đến chào Hồ Chủ tịch, Người đã chỉ rõ: Nếu chính giới Pháp có sự hiểu biết rộng rãi thì sẽ làm nảy sinh lòng tin tưởng thành thật giữa hai dân tộc Việt – Pháp. Người tuyên bố một cách chắc chắn rằng: “Với những cuộc đàm phán sau này, chẳng bao lâu nữa, một kỷ nguyên hợp tác tự do và thành thật sẽ mở ra cho hai dân tộc chúng ta”(4). Tiếc rằng, với đầu óc thực dân, những người lãnh đạo nhà nước Pháp khi ấy đã không nhận ra quy luật tất yếu của chính nghĩa và phát triển, đã lao vào cuộc chiến tranh hòng thôn tính nước ta một lần nữa, làm cho máu của người Việt Nam và người Pháp phải đổ để rồi sau nhiều thập kỷ quan hệ Việt – Pháp mới trở lại bình thường. Chính vì thế mà trong Hội thảo quốc tế kỷ niệm lần thứ 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1990), Pat-ti (một người Mỹ đã từng tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1945) phát biểu rằng: Thế giới đã đi sau tư duy của Hồ Chí Minh về hoà bình và hợp tác hàng nửa thế kỷ.
Nhưng cũng thật đáng tiếc, chính những người Mỹ trước đó đã phạm phải sai lầm tương tự, đi theo vết xe đổ của người Pháp. Trước khi nổ ra cuộc tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, Hồ Chí Minh và lực lượng Việt Minh ở biên giới phía Bắc Việt Nam đã từng giúp đỡ người Mỹ trong phe đồng minh chống phát xít Nhật. Bất chấp thiện ý của Hồ Chí Minh muốn lập quan hệ bang giao và hợp tác bình đẳng với nước Mỹ, họ đã gửi lực lượng, vũ khí, tiền bạc giúp chính phủ (Pháp) hơn là dồn sức chống Nhật; họ đã rút tất cả những quân nhân Mỹ có đầu óc tiến bộ, muốn hợp tác với Việt Nam về nước. Trong thư gửi cho một quân nhân Mỹ là Ph.Tan, Hồ Chí Minh đã “lấy làm tiếc vì những người bạn Mỹ đã rời chúng tôi quá nhanh và do đó mối quan hệ giữa chúng ta sẽ trở nên khó khăn hơn”(5). Nhưng với tinh thần lạc quan cách mạng, vững tin vào quy luật phát triển của lịch sử, cuối thư, Người đã viết: “Ngày mai tươi sáng, chúng ta sẽ gặp nhau, chúng ta trông chờ ngày đó”(6).
Như mọi người đều biết, nước Mỹ từ chỗ ủng hộ thực dân Pháp rồi trắng trợn can thiệp, trực tiếp tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu xâm lược nước ta. Mặc dù vậy, giữa năm 1965, khi đế quốc Mỹ leo thang ra phá hoại miền Bắc, Hồ Chí Minh và Chính phủ ta vẫn kiên trì đường lối hoà bình, hợp tác với tất cả các nước dân chủ trên thế giới, trong đó có Mỹ. Trong buổi tiếp thân mật giáo sư luật học La Pa-ra và nhà toán học Ma-ri-ô Po-ri-mi-chê-ri-ô (Phái viên của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao I-ta-li-a) Hồ Chủ tịch đã nói: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút. Nhưng nếu Mỹ không rút thì phải đánh đuổi Mỹ đi. Chúng tôi và nhân dân chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với nhà cầm quyền Mỹ và nhân dân Mỹ… Mỹ phải rút khỏi Việt Nam rồi Tổng thống Giôn-xơn đến đây nói chuyện cũng được hoặc ông ta mời tôi đến Oa-sinh-tơn tôi cũng sẵn sàng. Nhưng trước hết Mỹ phải để chúng tôi yên. Mỹ phải chấm dứt chiến tranh”(7). Cùng với thái độ như trên khi tiếp Xanh-tơ-ny, phái viên của Tổng thống Pháp, tháng 7-1966, Hồ Chủ tịch đã nói chỉ có một giải pháp thương lượng với điều kiện tiên quyết “là Mỹ rút đi. Chúng tôi không muốn làm cái gì xấu đối với họ, chúng tôi sẵn sàng đem nhạc và hoa tiễn họ và mọi thứ khác mà họ thích, nhưng ông biết đấy, tôi thích tiếng lóng của nước ông “qu’ils foutent le camp! (thì họ hãy cút đi)”(8). Với lập trường rõ ràng, trước sau như một, tháng 1-1967 khi tiếp đoàn “những người tình nguyện vì hoà bình” từ Mỹ tới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Tôi xin mời ông Giôn-xơn đến Hà Nội như là khách của chúng tôi – ông ấy hãy đến với vợ và con gái, thư ký, bác sĩ và người đầu bếp của mình nhưng đừng mang theo binh lính và đô đốc”(9).
Tiếc rằng những thiện ý chân thành muốn có quan hệ hợp tác, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau mà Hồ Chí Minh và Chính phủ ta nhiều lần đưa ra, người Mỹ lại giống như người Pháp trước đây, đã đón nhận nó bằng một cuộc chiến tranh đẫm máu kéo dài, một thời gian bao vây cấm vận khắc nghiệt. Nhưng hoà bình, hợp tác, chính nghĩa và phát triển có quy luật riêng của nó, không ai có thể cưỡng được.
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược ở thế kỷ XX, Việt Nam đã có quan hệ hợp tác hữu nghị với nhiều nước, chủ yếu là Liên-xô, Trung Quốc, các nước trong phe XHCN. Nhờ đó nền kinh tế nước ta đã có những bước phát triển đáng kể. Song nhìn chung vẫn tập trung vào xây dựng miền Bắc, làm hậu phương vững chắc để đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (từ năm 1976 là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam) đã giành thắng lợi trọn vẹn trong sự nghiệp giành và giữ vững chủ quyền quốc gia, để từ năm 1976 mở quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia trên thế giới, ở tất cả các châu lục, không phân biệt chế độ chính trị với tinh thần khép lại quá khứ, hướng tới tương lai.
Với những quan điểm của Bác:
– “Hoàn toàn độc lập quyết không có nghĩa là đoạn tuyệt”. Việt Nam “sẵn sàng phát triển nó bằng sự hợp tác anh em và trung thực”(10).
– Nếu công dân các nước, kể cả Pháp, Nhật, Mỹ “đến Việt Nam như những công nhân, kỹ thuật viên hoặc nhà bác học… họ sẽ được đón tiếp nồng nhiệt như những người bạn, những người anh em”(11).
– Chính phủ Việt Nam muốn gửi thanh niên sang Mỹ và các nước phát triển khác “với ý định một mặt thiết lập những mối quan hệ văn hoá thân thiết” với thanh niên các nước đó “và mặt khác, để xúc tiến việc tiếp tục nghiên cứu về kỹ thuật, nông nghiệp cũng như các lĩnh vực chuyên môn khác”(12).
– “Chúng tôi chỉ đòi hỏi nền độc lập hoàn toàn, nền độc lập mà cho tới nay đã là một thực tế và nó sẽ cho phép chúng tôi hợp tác với các quốc gia khác trong việc xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn và một nền hoà bình bền vững”(13).
– “Đối với các nước dân chủ, nước Việt Nam sẵn sàng thực thi chính sách mở cửa và hợp tác trong mọi lĩnh vực.
a) Nước Việt Nam dành sự tiếp nhận thuận lợi cho đầu tư của các nhà tư bản, nhà kỹ thuật nước ngoài trong tất cả các ngành kỹ nghệ của mình.
b) Nước Việt Nam sẵn sàng mở rộng các cảng, sân bay và đường giao thông cho việc buôn bán và quá cảnh quốc tế.
c) Nước Việt Nam chấp nhận tham gia mọi tổ chức hợp tác kinh tế quốc tế dưới sự lãnh đạo của Liên hiệp quốc”(14).
– Nước Việt Nam sẵn sàng “làm bạn với tất cả mọi nước dân chủ và không gây thù oán với một ai”(15).
Từ năm 1986 tới nay, với đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng hoà bình, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi của Hồ Chí Minh cách đây hơn nửa thế kỷ đã và đang trở thành hiện thực.
Cách mạng là sáng tạo. Thế hệ sau phải tiếp bước thế hệ trước trên con đường sáng tạo, dựng xây. Đại hồng phúc của mọi người dân nước Việt Nam hiện nay là được sáng tạo dưới ánh sáng chỉ đường của Hồ Chí Minh – nhà tư tưởng và nhà văn hoá của tương lai.
____
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 4, tr.56. (2) Sđd, tập 4, tr.52. (3) Sđd, tập 4, tr.73-74. (4) Sđd, tập 4, tr.208. (5,6) Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, tập 2, tr.266-267. (7) Sđd, tập 9, tr.319. (8) Sđd, tập 9, tr.439. (9) Sđd, tập 10, tr.24. (10) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2002, tập 4, tr.284. (11) Sđd, tập 4, tr.302. (12) Sđd, tập 4, tr.80. (13) Sđd, tập 4, tr.182. (14) Sđd, tập 4, tr.470. (15) Sđd, tập 5, tr.220.
Trần Đình Huỳnh
Bạn phải đăng nhập để bình luận.