Đồng chí Phạm Văn Đồng – Tấm gương tiêu biểu nghiên cứu và thực hành đạo đức Hồ Chí Minh

Nét đặc sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Phạm Văn Đồng là luôn được tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chiếu sáng. Vì vậy, Phạm Văn Đồng sớm trở thành người học trò xuất sắc – gần gũi, người đồng chí chiến đấu của Hồ Chí Minh, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiều trọng trách: 41 năm là Uỷ viên Trung ương Đảng, 35 năm là Uỷ viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về phần mình, Phạm Văn Đồng đã hoàn thành tốt những trọng trách đó…

1. Nửa đầu những năm 20 thế kỷ trước, Phạm Văn Đồng cũng như nhiều thanh niên trí thức trong nước bí mật tìm đọc những tài liệu của Nguyễn Ái Quốc từ nước ngoài truyền về. Anh đã tìm thấy trong đó nhiều điều mới, tiến bộ và mong được gặp gỡ trực tiếp. Và “cơ may” đã đến (theo từ dùng của Phạm Văn Đồng): Cuối năm 1926, Phạm Văn Đồng được cử sang Quảng Châu (Trung Quốc) dự lớp huấn luyện chính trị do Nguyễn Ái Quốc tổ chức và trực tiếp giảng dạy. Từ đó, đến “cơ may” thứ hai là năm 1940 Phạm Văn Đồng cùng Võ Nguyên Giáp sang Côn Minh (Trung Quốc) tìm gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh thì “sức hấp dẫn” của người Thầy dậy lý luận đã gắn bó trọn đời Phạm Văn Đồng với tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tiếp đó, Phạm Văn Đồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được Hồ Chí Minh giao cho nhiệm vụ học tập kinh nghiệm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và sau đó được cử về Cao Bằng xây dựng căn cứ địa cách mạng ở khu Cao Bắc Lạng.
Về phần mình, Hồ Chí Minh sớm thấy phẩm chất cách mạng và sự tin tưởng ở Phạm Văn Đồng. Do đó, liên tục trong gần 30 năm (1940-1969) từ sau lần gặp nhau thứ hai tại Côn Minh đến khi Hồ Chí Minh qua đời, Phạm Văn Đồng luôn luôn được sống bên cạnh Hồ Chí Minh, được sự dìu dắt, đào tạo thành nhà cách mạng chuyên nghiệp. Trong đó 15 năm cuối đời, Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã cùng sống sinh hoạt và làm việc trong khu Phủ Chủ tịch. Thời kỳ đầu về tiếp quản Thủ đô, Hồ Chí Minh không ở trong Dinh Toàn quyền mà ở trong ngôi nhà của người thợ điện còn Phạm Văn Đồng ở ngôi nhà của người quản lý Dinh toàn quyền. Hai nhà chỉ cách nhau một sân nhỏ. Hàng ngày hai người thường bàn việc nước, tiếp khách, cùng sinh hoạt. Vì vậy giữa hai con người – hai nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta càng có nhiều quan hệ thân thiết. Giữa họ, tình thầy trò, đồng chí hoà quyện vào nhau nên nghĩa tình sâu nặng, đạo lý sống và lý tưởng cách mạng cao cả vì nước vì dân.

Nét đặc sắc nhất trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Phạm Văn Đồng là luôn được tư tưởng và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh chiếu sáng. Vì vậy, Phạm Văn Đồng sớm trở thành người học trò xuất sắc – gần gũi, người đồng chí chiến đấu của Hồ Chí Minh, được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho nhiều trọng trách: 41 năm là Uỷ viên Trung ương Đảng, 35 năm là Uỷ viên Bộ Chính trị, 32 năm là Thủ tướng Chính phủ, 10 năm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Về phần mình, Phạm Văn Đồng đã hoàn thành tốt những trọng trách đó, ngay cả khi Hồ Chí Minh đã đi xa. Đã hơn 40 năm qua, nhưng hình ảnh Phạm Văn Đồng cố kìm nén xúc động trong giờ phút truy điệu, đưa tang người Thầy, người đồng chí chiến đấu gần gũi của mình – Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn hiện lên trước mắt mọi người…

2. Trọn cuộc đời hoạt động cách mạng của Phạm Văn Đồng đã gắn liền với công cuộc giải phóng và xây dựng đất nước ta, là tấm gương tiêu biểu nghiên cứu và thực hành đạo đức Hồ Chí Minh. Điều này không chỉ thể hiện qua hoạt động thực tiễn của Phạm Văn Đồng như vừa phác hoạ trên đây, mà còn được thể hiện khá rõ thông qua những trang viết của Phạm Văn Đồng về Hồ Chí Minh. Vì vậy, ngay sau cách mạng Tháng Tám, nhân dịp ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5-1948, Phạm Văn Đồng đã có những nhận xét xác thực và khâm phục trong tác phẩm Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc: “Bình sinh Hồ Chủ tịch là người rất giản dị, lão thực. Vĩ nhân, thật vĩ nhân bao giờ cũng giản dị, lão thực…Hồ Chủ tịch là người Việt Nam, Việt Nam hơn người Việt Nam nào hết”(1). Cũng trong tác phẩm này Phạm Văn Đồng còn rút ra 4 bài học ở người thầy của mình là: Học trung với nước, hiếu với dân, đoàn kết toàn dân, học phấn đấu …Và phải học suốt đời cũng không sao học hết được nhưng “Mọi người Việt Nam đều học được Hồ Chủ tịch”.

Đặc biệt từ sau khi Hồ Chí Minh đi xa, Phạm Văn Đồng đã dành nhiều công sức để nghiên cứu cuộc đời, tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh vừa để tỏ lòng biết ơn người thầy vừa để thực hành tấm gương đạo đức và góp phần tuyên truyền giáo dục tư tưởng đạo đức của Người cho toàn xã hội. Chỉ 5 năm sau khi Hồ Chí Minh đi xa, Phạm Văn Đồng cho xuất bản tác phẩm “”Hồ Chủ tịch, hình ảnh của dân tộc, tinh hoa của thời đại”. Từ đầu những năm 90, sức khoẻ yếu, đôi mắt nhìn không rõ nữa, nhưng Phạm Văn Đồng vẫn miệt mài nghiên cứu Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Tiến Năng nguyên trợ lý cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cho biết: Nhiều khách quốc tế cũng như đồng chí trong nước trong những lần thăm, làm việc đã đề nghị Thủ tướng viết Hồi ký để người đọc biết thêm về cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí qua các thời kỳ cách mạng. Câu trả lời chung là: “Viết hồi ký thường đụng chạm đến người này, người nọ và thông thường là đề cao “cái tôi” của mình hơn mọi người, hơn cả tập thể. Tôi không viết hồi ký mà chỉ tập trung viết về Bác Hồ. Nhưng viết về Bác là điều cực kỳ khó bởi người ta (cả trong nước và ngoài nước) đã viết hàng trăm cuốn sách về Bác, vậy mình viết cái gì và viết như thế nào, thật không dễ”(2). Biết vậy nhưng Phạm Văn Đồng vẫn vượt khó viết về người thầy, người đồng chí gần gũi – lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Trong khoảng thời gian chưa đầy một thập niên, Phạm Văn Đồng đã dành tâm lực nghiên cứu và cho xuất bản hàng loạt công trình về Hồ Chí Minh. Đó là “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”(1990), “Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại, tương lai” (1991), “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh” (1993), “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh” (1998)… Bằng nhiều cách tiếp cận khác nhau, thông qua những hoạt động lý luận và thực tiễn sinh động trong quá trình tiếp nhận sự chỉ đạo của Hồ Chí Minh và trên cương vị một đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm, Phạm Văn Đồng trong các tác phẩm nêu trên đã minh chứng đóng góp to lớn của Hồ Chí Minh và vai trò quan trọng tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người trong suốt tiến trình cách mạng giải phóng dân tộc trước kia và trong công cuộc đổi mới hiện nay. Phạm Văn Đồng đánh giá cao sự nhạy bén về chính trị, tính cách mạng sâu sắc và giá trị to lớn của tư tưởng Hồ Chí Minh đối với công cuộc xây dựng và chấn hưng đất nước ngày nay. Khó có thể phân tích, đánh giá hết những luận điểm khoa học, những giá trị to lớn các công trình nghiên cứu của Phạm Văn Đồng về Hồ Chí Minh. Vì đó là sự nghiên cứu khoa học sâu sắc, với những trải nghiệm của một nhân chứng lịch sử, một nhà lãnh đạo cao cấp, một nhà văn hoá lớn của dân tộc. Ở đây, chỉ xin được nêu ra một vài nhận xét đánh giá nhằm minh hoạ một phần giá trị của những công trình nghiên cứu ấy. Chẳng hạn, trong tác phẩm “Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp”, Phạm Văn Đồng đã lý giải sâu sắc về mối quan hệ giữa Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người với thời đại, với công cuộc giải phóng dân tộc mình: “Một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, bốn nhân tố ấy kết hợp và hoà nhập vào nhau, tạo thành sự vận động của lịch sử, bắt đầu từ một con người, thông qua một dân tộc và một thời đại, cuối cùng đưa đến một sự nghiệp, giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đó là điều Hồ Chí Minh tìm kiếm lúc rời nước ra đi, ấp ủ lúc trở về, tâm niệm suốt cuộc đời, cho đến những lời trong Di chúc”(3). Những luận điểm chính Phạm Văn Đồng thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và những kinh nghiệm của Hồ Chí Minh – người thày dạy lý luận của mình: “Chủ nghĩa xã hội theo đặc điểm Việt Nam là sự kết thúc thắng lợi hành trình lịch sử của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã vạch ra từ đầu thế kỷ”(4). Theo gương Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng tiếp tục khẳng định nội dung cách mạng và tính sáng tạo trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin: “Chủ nghĩa Mác-Lênin không phải là tín điều, mà là lý luận và phương pháp luận về sự phát triển có quy luật của thiên nhiên, xã hội và con người, sự phát triển ấy luôn luôn biến hoá một cách biện chứng, từ đó lý luận và phương pháp luận cũng chuyển động sáng tạo, không ngừng phong phú và giàu sức sống mới, theo những bước tiến triển của lịch sử và sự nghiệp cách mạng của con người(5)”.

Trong “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh”, Phạm Văn Đồng tập trung nghiên cứu Hồ Chí Minh về con người, đặc biệt về “con người Việt Nam trong lịch sử Việt Nam” và “Hồ Chí Minh và con người Việt Nam”. Trong hầu hết các trang viết của tác phẩm này Phạm Văn Đồng quán triệt sâu sắc sự quan tâm của Hồ Chí Minh về nỗi thống khổ của người dân Việt Nam nô lệ và những biện pháp, tư tưởng của Hồ Chí Minh để giải phóng toàn diện con người Việt Nam khỏi ách áp bức dân tộc, giai cấp để con người Việt Nam được hưởng quyền dân sinh, dân trí, dân chủ (6). Hơn thế, theo Phạm Văn Đồng, Hồ Chí Minh không chỉ tìm con đường giải phóng cho con người Việt Nam mà còn giải phóng cho con người nước khác(7). Từ đó, Phạm Văn Đồng khái quát về quá trình hình thành con người Hồ Chí Minh và nêu ra một cách tiếp cận rất khoa học và tổng quát về con người và tư tưởng Hồ Chí Minh: “Sự hình thành con người Hồ Chí Minh là một quá trình trải dài suốt đời hoạt động của Hồ Chí Minh. Về tư tưởng Hồ Chí Minh, tôi có nói đó là sự kết hợp hài hoà giữa 3 nguồn: truyền thống dân tộc Việt Nam, chủ nghĩa Mác-Lênin và thành quả nhiều học thuyết xưa nay ở Đông Tây. Tư tưởng Hồ Chí Minh nói gộp lại, đó là tư tưởng, tình cảm, đạo đức, phẩm chất và phong cách, tất cả trở thành con người Hồ Chí Minh, biểu hiện trong mọi cử chỉ và hành động, lời nói và việc làm, ứng xử trong mọi tình huống(8). Từ đó, Phạm Văn Đồng chỉ ra mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới hiện nay: “Cơ sở lý luận và phương pháp luận của sự nghiệp đổi mới là chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”(9). Điều này góp phần khẳng định vai trò nền tảng của tư tưởng Hồ Chí Mimh (cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin) trong các văn kiện của Đảng ta.

Những công trình nghiên cứu cuối đời của Phạm Văn Đồng về Hồ Chí Minh thực hiện với sự giúp đỡ nghe đọc và ghi chép của các đồng chí thư ký giúp việc. Tuy nhiên, những công trình ấy lại có nội dung khoa học, mang tính tổng kết sâu sắc, gắn bó chặt chẽ của sự nghiệp, tư tưởng Hồ Chí Minh với cuộc sống hôm nay. Trong đó, công trình “Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh” được hoàn thành và xuất bản năm 1998 có một vị trí đặc biệt trong quá trình nghiên cứu của Phạm Văn Đồng về Hồ Chí Minh và tư tưởng của Người. Ngoài phần phụ lục “Hồ Chí Minh và truyền thống dân tộc”(trích từ Văn hoá và đổi mới), “Hồ Chí Minh và cuộc sống”, “Hồ Chí Minh về đạo đức” và “Hồ Chí Minh và các tầng lớp nhân dân” (trích từ: Hồ Chí Minh, quá khứ, hiện tại, tương lai), trong tác phẩm này, Phạm Văn Đồng đã tổng kết những hiểu biết mới nhất của mình và của xã hội về: Quá trình hình thành và nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh, Phương pháp luận và phong cách Hồ Chí Minh và mối quan hệ của những bài học kinh nghiệm, vai trò quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng ta hiện nay. Điều đặc biệt trong tác phẩm này, một lần nữa Phạm Văn Đồng lại lý giải thêm nội hàm tư tưởng Hồ Chí Minh: “Đó là lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam mà nột dung chủ yếu là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, nó là sự vận dụng sáng tạo và có phát triển học thuyết Mác-Lênin trong hoàn cảnh Việt Nam, một nước thuộc địa và phong kiến từ đầu thế kỷ đến nay và mai sau.”(10). Và từ đó Phạm Văn Đồng chỉ ra cho chúng ta thấy rõ hơn sự cần thiết phải học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước: “Chính vì lẽ đó mà chúng ta phải nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, một công trình nghiên cứu không chỉ để hiểu biết và đánh giá tư tưởng Hồ Chí Minh mà điều quan trọng hơn là vận dụng một cách sáng tạo nhằm đóng góp vào quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam”(11).

Nội dung thứ hai trong tác phẩm này là Phạm Văn Đồng quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về con người, về dân tộc. Phạm Văn Đồng nhấn mạnh: “Rút lại tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn xuất phát từ con người và cuối cùng trở về con người với những khả năng thiên biến vạn hoá của nó”(15) và: “Hồ Chí Minh luôn luôn bắt đầu từ con người, từ nhân dân, từ dân tộc để cuối cùng trở về con người, nhân dân và dân tộc, đó là điểm xuất phát đồng thời cũng là mục tiêu cuối cùng của cách mạng”(12).

Không chỉ nghiên cứu và viết về Hồ Chí Minh, trong những năm cuối đời Phạm Văn Đồng còn nhiều bài viết đề cập đến đời sống nhân dân, gìn giữ sự đoàn kết và thắt chặt quan hệ giữa Đảng với nhân dân, những trăn trở trước những biểu hiện suy thoái, biến chất của một bộ phận cán bộ đảng viên…Chỉ 1 năm trước khi đi xa, Phạm Văn Đồng còn viết bài báo: Nêu cao danh hiệu Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam nhân ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phạm Văn Đồng đã bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu to lớn dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự lo âu trước những tiêu cực đang nảy sinh trong xã hội; đặc biệt ở một bộ phận đảng viên, những người có chức quyền đang biến chất. Theo đồng chí, cần phải tiếp tục chỉnh đốn Đảng ngang tầm với nhiệm vụ và xứng đáng với Đảng của Hồ Chí Minh. Ở đây, một lần nữa xin được khẳng định giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc những nghiên cứu của Phạm Văn Đồng về Hồ Chí Minh, về Đảng Cộng sản Việt Nam và xin được khâm phục và ngợi ca cuộc đời một con người suốt đời sống và chiến đấu với lý tưởng của Đảng, trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh và là tấm gương tiêu biểu nghiên cứu và thực hành đạo đức Hồ Chí Minh.

Trong các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, không chỉ có Phạm Văn Đồng viết nhiều và học tập tốt tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Song có thể nói, Phạm Văn Đồng là người có sớm (13) và nhiều công trình nghiên cứu về Con người, Tư tưởng và Đạo đức Hồ Chí Minh. Đó là những trang viết hay, có hàm lượng khoa học cao và tính chính trị sắc bén thấm nhuần sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh. Bởi lẽ Phạm Văn Đồng là nhà nghiên cứu, nhà văn hoá và là học trò xuất sắc – người đồng chí chiến đấu trung thành của Hồ Chí Minh kính yêu. Và vì vậy, Phạm Văn Đồng còn là tấm gương tiêu biểu trong việc nghiên cứu và thực hành tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phạm Văn Đồng là bậc lão thành, trường thọ. Ông là một trong những nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước ta, là học trò xuất sắc và gần gũi, người đồng chí chiến đấu rất mực trung thành của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, những kết quả nghiên cứu của Phạm Văn Đồng về Hồ Chí Minh và tấm gương thực hành tư tưởng đạo đức của Đồng chí được phản ảnh trong các tác phẩm trên đây không chỉ là những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, tổng kết những trải nghiệm cuộc đời, những phát hiện mới về mối quan hệ giữa tư tưởng Hồ Chí Minh với công cuộc đổi mới hiện nay mà còn là lời nhắn gửi – một thông điệp đối với chúng ta trong việc đẩy mạnh việc học tập nghiên cứu và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh vào các lĩnh vực của đời sống xã hội trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế hiện nay./.

———————————–

(1) Điếu văn đọc tại Lễ truy điệu đồng chí Phạm Văn Đồng, ngày 6-5-2000
(2) Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh: Đồng chí Phạm Văn Đồng với cách mạng Việt Nam, Nxb. Lý luận chính trị, H.2006, tr.225
(3) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, một con người, một dân tộc, một thời đại, một sự nghiệp, Nxb. ST, H.1990, tr.39
(4) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, một con người…Sdd. tr.85
(5) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh, một con người…Sdd. tr.81-82
(6) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh và con người Việt Nam trên con đường dân giàu nước mạnh, Nxb.CTQG, H.1993,tr.50-60
(7) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh và con người Việt Nam…Sdd, tr.116
(8) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh và con người Việt Nam…Sdd, tr.117
(9) Phạm Văn Đồng: Hồ Chí Minh và con người Việt Nam…Sdd, tr.35
(10) , Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh,Nxb.CTQG,H.1998, tr.23
(11) Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, Sdd, tr.87
(12) Phạm Văn Đồng: Những nhận thức cơ bản về tư tưởng Hồ Chí Minh, Sdd, tr.94
(13) Theo chúng tôi biết, Bài báo đầu tiên viết về Hồ Chí Minh là bài:” Kính chúc Hồ Chủ tịch sống lâu muôn tuổi” của Đồng chí Trường Chinh đăng trên báo Nhân Dân số đầu tiên

Theo PGS.TS Lê Văn Tích
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ
Huyền Trang (st)

bqllang.gov.vn

Advertisement