Vừa tròn 55 năm kể từ khi cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp thắng lợi, song dư âm của chiến thắng Điện Biên Phủ và vị thế của nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên mặt trận ngoại giao tại Hội nghị Giơnevơ tháng 7 năm 1954 vẫn còn đọng lại trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế những ấn tượng sâu sắc. Và cũng vừa tròn 55 năm, kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô trong niềm vui hân hoan miền Bắc Việt Nam được hoàn toàn giải phóng.
Để chuẩn bị cho ngày về tiếp quản Thủ đô Hà Nội, từ Thủ đô kháng chiến Việt Bắc gió ngàn, ngày 5-9-1954, tại huyện Đại Từ (Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói chuyện với cán bộ, nhân viên ccá cơ quan Trung ương, các đơn vị bộ đội, công an và và thanh niên xung phong. Sau khi nêu đặc điểm, tình hình mới và giải đáp một số thắc mắc về vấn đề lương bổng, về công việc của mọi người khi chuẩn bị về thành phố, Người căn dặn mọi người phẩi luôn luôn giữ gìn đạo đức và nhân cách của mình và phải luôn ghi nhớ khi “về xuôi phải làm gương mẫu trong mọi việc, phải tuỳ theo hoàn cảnh của mình mà gần gũi, giúp đỡ nhân dân. Gương mẫu trong lời nói, việc làm sao cho người ta thấy rõ mình là con người kháng chiến”[1]. Cũng theo Người, trong những năm kháng chiến. Mỗi người đều đã học đưqợc nhiều đức tính tốt. Khi về xuôi, nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tập, sẽ có nhiều thứ quyễn rũ mình vào thói xấu, và “bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường”, vì nó “làm hại mình mà mình không thấy”. Vì thế, muốn giữ vững nhân cách, mỗi người đều phải “luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm, Chính”[2]. Cuối cùng, Người nhấn mạnh: Việc nước là việc chung, nên phải đoàn kết, phải dùng năng lực của mọi người để cố gắng công tác.
Tiếp đó, tại phiên họp của Hội đồng Chính phủ ngày 11-12/9/1954 về vấn đề thực hiện Hiệp định đình chiến, tiếp quản Thủ đô và giải quyết một số công tác cụ thể khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Hội đồng Chính phủ quyết định vấn đề tổ chức chuẩn bị tiếp quản Thủ đô, “thông qua bản Tám chính sách và Mười điều kỷ luật, thành lập ngay uỷ ban hành chính Hà Nội bên cạnh uỷ bvan quân chính Hà Nội,… Trong uỷ ban hành chính Hà Nội cần có thành lập tư sản và nhân sĩ dân chủ”[3]. Ngày 15/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nơi ở và làm việc của cán bộ cao cấp Bộ Tổng tham mưu ở Đại từ, Thái Nguyên.
Trong buổi gặp đó, Người trao đổi với các cán bộ cao cấp “một số công việc phải làm” và nhiệm vụ của quân đội khi vào tiép quản Thủ đô.
Tiếp đó, Người chủ trì cuộc họp Hội đồng Chính phủ ngày 17-18/9/1954, bàn về các công việc của vùng mới giải phóng và kế hoạch tiếp quản Thủ đô, và nhấn mạnh: Uỷ ban quân chính Hà Nội được giao nhiệm vụ là cơ quan lãnh đạo tối cao trong Hà Nội, thống nhất mọi quyền lãnh đạo đối với các ngành hoạt động.
Ngày 19-9-1954, tại Đền Hùng – nơi kết tụ hồn thiêng sông núi, Chủ tịch Hồ Chí Minh từ đền Giếng thăm đền Hạ, đền Trung, đền Thượng và quay trở lại đền Giếng. Tại đây, Người đã nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong trên đường chuẩn bị về tiếp quản Thủ đô và nhấn mạnh vinh dự to lớn này. Người nói rằng: “Bác cháu ta gặp nhau tại đây trong tình cờ nhưng lại rất có ý nghĩa. Ngày xưa, các Vua Hùng đã có công dựng nước. Ngày nay, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước… Trải qua bao thời đại đấu tranh, ông cha ta mới giữ được Thủ đô, tám chín năm nay, do quân ta kiên quyết kháng chiến nên mới có thắng lợi trở về Hà Nội. Vì thế các chú được Trung ương và Chính phủ giao cho nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô là được nhận một vinh dự lớn “[4].
Và cũng theo Người, dù miền Bắc đã được giải phóng, dù chúng ta đã về tiếp quản Thủ đô, nhưng không có nghĩa là chiến tranh đã lùi xa. Một nửa đất nước – miền Nam Thành đồng Tổ quốc vẫn đang rên xiết trong vòng vây của kẻ thù, vẫn phải “đi trước về sau”, để tiếp tục hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nên không thể say sưa với chiến thắng mà quên đi những tháng năm gian lao vất vả, quên đi nhiệm vụ chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Trước ngày 10-10-1954, với bút danh C.B, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài báo “Giữ gìn trật tự an ninh” đăng báo Nhân dân, số 237, và lại một lần nữa căn dặn các đơn vị bộ đội chuẩn bị vào tiếp quản Hà Nội. Từ việc chỉ rõ 4 điều bộ đội nên tránh: “Chớ tự kiêu, tự mãn; Chớ rượu chè, cờ bạc, trai gái, hút thuốc phiện; Chớ để lộ bí mật. Chớ xa xỉ, tham ô, lãng phí” và 6 điều phải làm: “ Phải kính trọng nhân dân, giúp đỡ nhân dân, đoàn kết với nhân dân; Phải khiêm tố, nghiêm chỉnh. Phải giữ gìn tính chất trong sạch, chất phác của người chiến sĩ cách mạng. Phải thực hành cần, kiệm, liêm, chính. Phải làm đúng mười điều kỷ luật. Phải luôn luôn cảnh giác, và phải thực hiện tự phê bình và phê bình để tiến bộ không ngừng”[5], để làm tròn nhiệm vụ cao quý của những người chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, để xứng danh là “bộ đội Cụ Hồ”, Người đồng thời nhắc nhở: “Suốt tám năm kháng chiến, các chú đã làm kiểu mẫu anh dũng, do đó mà chúng ta đã thắng lợi. Ngày nay chúng ta về thành thị, các chú cũng phải làm kiểu mẫu đúng đắn, để tranh lấy thắng lợi trong hoà bình”. Bởi theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, chỉ có làm được như vậy, tình quân – dân “như cá với nước” trong bao năm qua mới được bền vững, sức mạnh của khối đại đoàn kết quân dân mới được củng cố và nhân lên.
Trong niềm vui của ngày trở về Thủ đô được giải phóng và đón những người con của miền Nam ruột thịt ra Bắc tập kết, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã quyết định “đại xá tội phạm”. Giữa bộn bề công việc, thực hiện nhiệm vụ nhằm ổn định sinh hoạt, bảo vệ tài sản cho những gia đình, đồng bào bị bắt ép, dụ dỗ “di cư theo Chúa và Nam mà lúc đi không giao cho ai trông coi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho nhân dân quan tâm, bảo vệ, để sau này “trả lại cho những đồng bào ấy khi họ trở về”.
Trước tình hình mới của Thủ đô sau ngày giải phóng, đi cùng thuận lợi là những khó khăn chất chồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô được giải phóng. Trong Lời kêu gọi nhân ngày Thủ đô giải phóng, đăng trên báo Nhân dân ngày 9-10/10/1954, Người chỉ rõ: Thủ đô được giải phóng là kết quả hy sinh chiến đấu của quân và dân ta suốt tám, chín năm kháng chiến. Nay đã “muôn dặm một nhà, lòng vui mừng khôn xiết kể”, Người kêu gọi Chính phủ và nhân dân Hà Nội hãy đoàn kết nhất trí, giữ gìn trật tự trị an, vượt qua những khó khăn, hy sinh đau đớn trong hoàn cảnh mới để cùng nhau cố gắng khôi phục, củng cố, phát triển đời sống vật chất, đời sống tinh thần, “làm cho Hà Nội thành một Thủ đô yên ổn, tươi vui và phồn thịnh”. Đồng thời, chúng ta phải cùng nhau “gây nên một phong trào càn, kiệm, liêm, chính và mỹ tục, thuần phong” để Hà Nội xứng đáng với tên gọi: Thủ đô “ngàn năm văn hiến”. Phát huy truyền thống văn vật của “thứ nhất kinh kỳ”, nhân dân Thủ đô hãy duy trì và khôi phục mọi hoạt động sản xuất, buôn bán, kinh tế, tài chính, khôi phục và phát triển các hoạt động văn hoá, thực hiện tự do dân chủ, kêu gọi ngoại kiều yên tâm làm ăn,… để Thủ đô ngày một hồi sinh và phát triển.
Cũng trong Lời kêu gọi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Chính phủ ta là Chính phủ của nhân dân, chỉ có một mục đích là ra sức phụng sự lợi ích của nhân dân, nên Chính phủ có quyết tâm, đồng bào đồng tâm nhất trí cùng Chính phủ, giúp đỡ, đôn đốc, kiểm soát và phê bình Chính phủ “để làm tròn nhiệm vụ của mình là người đày tớ trung thành tận tuỵ của nhân dân”.
Tiếp đó, khi chúng tâ đã tiếp quản Thủ đô, trong bài báo “ổn định sinh hoạt”, đăng báo Nhân dân , số 238, ngày 13-14/10/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ngắn gọn: Mỗi người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, đang làm công việc gì, cũng đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đó là cần “phải góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta” và điều kiện để vượt qua được mọi khó khăn thử thách chính là “đoàn kết chặt chẽ, quyết tâm cố gắng”.
Công việc tiếp quản Thủ đô đã hoàn thành, và thắng lợi to lớn đó có sự đóng góp không nhỏ của đồng bào, quân đội, cán bộ… Sự góp sức của các cơ quan, đoàn thể, cửa các lực lượng quân đội, công an, của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô trên nhiều lĩnh vực đã góp phần làm giảm thiểu những khó khăn của Thủ đô trước tình hình mới. Xem xét những người có công đặc biệt trong việc bảo vệ và tiếp quản Thủ đô, dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội đồng chính phủ đã đề nghị Chính phủ khen thưởng những tập thể và cá nhân có nhiều thành tích đóng góp cho một Thủ đô hoàn toàn giải phóng.
Ngày 15-10-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh về Hà nội. Người ở trong Nhà thương đồn Thuỷ, nay là Bệnh viện Hữu Nghị. Ngày 16-10-1954 tại Bắc Bộ Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành thời gian tiếp đoàn đại biểu nhân dân Thủ đô. Trong không khí phấn khởi và nỗi vui mừng Hà Nội được giải phóng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ khen ngợi những cố gắng của nhân dân, chiến sĩ Thủ đô trong việc làm tốt “chủ trương, chính sách của Chính phủ trong tiếp quản Thủ đô”. Cũng tại buổi tiếp đó, Người suy ngẫm và nói rằng việc khôi phục cuộc sống hoà bình là công việc hết sức khó khăn, “nhưng là khó khăn trong sự phát triển”. Công việc to tát đó phải giải quyết dần dần, từng bước, có kế hoạch, có trật tự, và đặc biệt phải có sự tham gia của nhân dân trong việc đề xuất ý kiến thiết thực và hợp lý, đôn đốc và phê bình hoạt động của Chính phủ. Để Thủ đô ngày một giàu đẹp, đồng bào hãy cố gắng làm theo đúng chính sách của Chính phủ, tăng cường đoàn kết trong nước và ngoài nước, hăng hái phấn đấu và gương mẫu để thực hiện hoà bình thống nhất Tổ quốc, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, “để xây dựng một đời sống sung sướng, tươi đẹp, thái bình mãi mãi cho con cháu chúng ta”.
Đầu tháng 11-1954, tại một phiên họp khác của Hội đồng Chính phủ bàn về vấn đề thực hiện đình chiến, tăng cường cán bộ ngoại giao và tổ chức tiếp quản Thủ đô, Hội đồng đã chuẩn y việc tổ chức lại một số cơ quan tại Hà Nội, khôi phục Di tích lịch sử chùa Một Cột và quyết định tổ chức sẽ có cuộc duyệt binh lớn và biểu tình lớn đón chào Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô
55 năm sau ngày về tiếp quản Thủ đô, cũng là 55 năm Đảng bộ, các cấp chính quyền và nhân dân Thủ đô thực hiện những lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng và phát triển Hà Nội trở thành “dẫn đầu cho nhân dân cả nước”. Dù trong khói lửa của chiến tranh hay trong hoà bình, nhân dân cả nước đều hướng về Hà Nội, hướng về trái tim của cả nước. Một Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội với bề dày truyền thống oai hùng trong lịch sử dựng nước và giữ nước luôn được bảo tồn và phát triển, hôm nay đã ngày một rộng mở và đi lên sẽ luôn xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của một đất nước Việt Nam XHCN hội nhập và phát triển.
Càng yêu Hà Nội, tự hào về “Hà Nội – trái tim của cả nước, mối người dân Hà Nội càng thấm thía lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Phải xây dựng được “trụ sở trong lòng nhân dân”, và hơn lúc nào hết lời căn dặn đó càng trở nên có ý nghĩa khi chúng ta đang thực hiện sâu rộng công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng, triển khai giai đoạn 2 Cuộc vận động Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bởi rằng, không có mối liên hệ máu thịt Đảng – Dân, không gắn bó với nhân dân, không có sự góp sức của nhân dân, thì không thể có một Hà Nội “niềm tin yêu và hy vọng” trước những thách thức của hôm nay và mai sau./.
ThS. Nguyễn Đoàn Phượng
Đại học Quốc gia Hà Nội
(1)Tài liệu lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng TW Đảng
(2) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Nxb. CTQG, H, 2007, t.5, tr.496
(3) Biên bản Hội đồng chính phủ 1954
(4) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, t.5, tr.502
(5) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Sđd, t.5, tr.509
Bạn phải đăng nhập để bình luận.