Chủ tịch Hồ Chí Minh với sự nghiệp thống nhất đất nước

Nước Việt Nam hoà bình, độc lập, thống nhất đã gần 40 năm. Thành tựu vĩ đại này phải trả bằng trí tuệ và máu xương của nhiều thế hệ người Việt Nam. Mỗi chúng ta, những ai nhận mình là con dân nước Việt, con Lạc, cháu Hồng đều đã góp phần công sức vào thắng lợi có ý nghĩa lịch sử và thời đại đó. Cần khẳng định rằng, Hồ Chí Minh là người đi tiên phong, người có công lao lớn nhất trong sự nghiệp này.

1.Hồ Chí Minh vạch trần chủ trương, chính sách, biện pháp chia cắt đất nước của các thế lực xâm lược và tay sai của chúng

Trước Cách mạng Tháng Tám 1945, trong nhiều tác phẩm bài nói, bài viết, đặc biệt là Bản án chế độ thực dân Pháp và những bài có tiêu đề Đông Dương, Hồ Chí Minh tố cáo chính sách “chia để trị” của Pháp đối với Đông Dương và Việt Nam. Cách đây hơn 70 năm, Hồ Chí Minh đã thấy rõ tâm địa thực dân: “Chủ nghĩa thực dân Pháp không hề thay đổi châm ngôn “chia để trị” của nó. Chính vì thế mà nước An Nam, một nước có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một truyền thống, chung một tiếng nói đã bị chia năm sẻ bảy. Lợi dụng một cách xảo trá sự chia cắt ấy, người ta hy vọng làm nguội tình đoàn kết, nghĩa đồng bào trong lòng người An Nam và tạo ra những mối xung khắc giữa anh em ruột thịt với nhau. Sau khi đẩy họ chống lại nhau, người ta lại ghép một cách giả tạo các thành phần ấy lại lập nên một “liên bang” gọi là “Liên bang Đông Dương”

Trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh một lần nữa vạch rõ những âm mưu thâm độc, “những luật pháp dã man” của thực dân Pháp: “Chúng lập ba chế độ khác nhau của Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết”. Cũng trong Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh khẳng định toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững độc lập thống nhất. Đối với Hồ Chí Minh, độc lập tự do gắn bó chặt chẽ với sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, Bắc, Trung, Nam là một, không thể phân chia.

Mấy ngày sau Tuyên ngôn độc lập, những binh lính Pháp đầu tiên đã quay lại Nam Bộ. Ngày 23-9-1945, quân đội Pháp được sự giúp đỡ của quân Anh đã nổ súng đánh chiếm Sài Gòn. Hành động quân sự này đi liền với âm mưu tách Nam Bộ ra khỏi Việt Nam. Hồ Chí Minh đã kịp thời phê phán những âm mưu, hành động đó và nhiều lần khẳng định: Nam Bộ là một bộ phận của nước Việt Nam, không ai có quyền chia rẽ, không một lực lượng nào có thể chia rẽ. Không chỉ ở trong nước mà ngay từ lần thăm nước ngoài đầu tiên, với tư cách là người đứng đầu Nhà nước Việt Nam mới, Hồ Chí Minh cũng thẳng thắn vạch rõ âm mưu chia cắt đất nước của kẻ thù. Ngày 12-7-1946, trong cuộc họp báo tại Pháp, trả lời câu hỏi: “Nếu Nam Kỳ từ chối không sát nhập vào Việt Nam, Chủ tịch sẽ làm thế nào?”, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nam Kỳ cùng một tổ tiên với chúng tôi, tại sao Nam Kỳ lại không muốn ở trong đất nước Việt Nam”? Người Baxcơ, người Brơtôn không nói tiếng Pháp mà vẫn là người Pháp. Người Nam Kỳ nói tiếng Việt Nam, tại sao lại còn nghĩ đến sự cản trở việc thống nhất nước Việt Nam?”. Cũng trong cuộc họp báo này, Hồ Chí Minh một lần nữa nhắc lại quan điểm của Chính phủ và nhân dân Việt Nam về vấn đề Nam Bộ: Nam Bộ là đất Việt Nam “đó là thịt của thịt Việt Nam, máu của máu Việt Nam”1

Thất bại tại Điện Biên Phủ, thực dân Pháp buộc phải rút khỏi Việt Nam. Ngay trước khi Hiệp định Giơnevơ được ky kết, ngày 15-7-1954, báo cáo tại Hội nghị lần thứ sáu (khoá II), Hồ Chí Minh vạch rõ: “Mỹ không những là kẻ thù của nhân dân thế giới, mà Mỹ đang biến thành kẻ thù chính, trực tiếp của nhân dân Việt, Miên, Lào”. Âm mưu chia cắt lâu dài đất nước của kẻ thù mới thâm độc, xảo quyệt hơn, trắng trợn, lộ liễu hơn. Nhưng tất cả mọi âm mưu thủ đoạn đó đều bị Hồ Chí Minh vạch trần, bác bỏ.

Khi leo thang đánh phá miền Bắc, nhà cầm quyền Mỹ giải thích rằng vì miền Bắc “xâm lược” miền Nam và chúng tiến công miền Bắc là để chấm dứt sự giúp đỡ, chi viện của miền Bắc đối với miền Nam! Trước sự giải thích theo lối nguỵ biện ấy, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đó là những luận điệu dối trá hòng lừa bịp nhân dân thế giới và che đậy hành động xâm lược của Mỹ. Cần nói rõ rằng, đánh đổ bọn xâm lược Mỹ để giữ làng, giữ nước, giành quyền quyết định lấy công việc nội bộ của mình,…đó là quyền thiêng liêng của mọi người Việt Nam ở miền Bắc cũng như ở miền Nam”. Hồ Chí Minh kiên quyết bác bỏ luận điệu của đế quốc Mỹ cho rằng miền Nam Việt Nam là nước láng giềng của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 18-11-1965, khi nhà báo Anh đặt câu hỏi: Xin Chủ tịch cho biết y kiến về việc Mỹ cho rằng họ ném bom miền Bắc là để Ngài ngừng ủng hộ cách mạng miền Nam, vì vậy Mỹ sẽ ngừng ném bom ngay tức khắc nếu Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để cho nước làng giềng được yên, Hồ Chí Minh khẳng định: “Luận điệu cho rằng miền Nam của Tổ quốc chúng tôi là một nước “láng giềng” riêng biệt của miền Bắc là một luận điệu gian trá. Cũng như nói rằng những bang ở phía Nam là một nước riêng biệt với những bang ở phía Bắc của Hoa Kỳ”2

Như vậy, cả chủ nghĩa thực dân cũ lẫn chủ nghĩa thực dân mới đều thống nhất và có mục tiêu chung trong việc chia cắt lâu dài nước ta. Tất cả những âm mưu, thủ đoạn của chúng đều bị người anh hùng giải phóng dân tộc Hồ Chí Minh bác bỏ trên cơ sở nắm vững không chỉ truyền thống, lịch sử của Việt Nam mà cả truyền thống, lịch sử của chính các nước đi xâm lược.

Cần nói thêm rằng, âm mưu, hoạt động chia cắt đất nước của các thế lực xâm lược thường nhận được sự hỗ trợ của một số rất ít người trong nước. Tất cả những kẻ tiếp tay cho ngoại bang, đi ngược lại lợi ích của dân tộc và Tổ quốc, đều bị Hồ Chí Minh nghiêm khắc lên án và khép vào tội nặng nề nhất, nhục nhã nhất: tội theo giặc, bán nước cầu vinh

2. Hồ Chí Minh tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng thống nhất đất nước của dân tộc Việt Nam

Với Hồ Chí Minh, con đường độc lập dân tộc tiến lên chủ nghĩa xã hội gắn bó chặt chẽ với sự nghiệp thống nhất đất nước. Đó là chân lý, là lẽ sống của mỗi người Việt Nam. Hồ Chí Minh vạch rõ: “Đồng bào Nam Bộ là dân nước Việt Nam; sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Không chỉ với đồng bào Nam Bộ hay nhân dân Việt Nam, Hồ Chí Minh mới bày tỏ y nguyện thống nhất đất nước của mình, mà trên nhiều diễn đàn quốc tế Người vẫn nhấn mạnh đến quan điểm đó. Tháng 2-1958, nói chuyện với Hội những người ấn, nghiên cứu các vấn đề quốc tế, tại ấn Độ, Hồ Chí Minh tuyên bố: “Việt Nam là một dân tộc có chung một lịch sử, một thứ tiếng, một nền kinh tế và văn hoá. Nước Việt Nam là một khối thống nhất… Nguyện vọng tha thiết, y chí sắt đá của toàn dân Việt Nam là thực hiện thống nhất đất nước… Đấu tranh cho thống nhất là con đường sống của nhân dân Việt Nam”

Có thể nói, mối quan tâm thường xuyên, lớn nhất của Hồ Chí Minh trong quá trình hoạt động cách mạng là thống nhất đất nước. Hồ Chí Minh thể hiện sự quan tâm của mình đối với vấn đề Bắc Nam sum họp bằng những tình cảm rất đặc biệt.

Năm 1946, thời điểm chính quyền cách mạng non trẻ bị thù trong giặc ngoài đẩy vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” thì nguy cơ chia cắt đất nước cũng nghiêm trọng nhất. Trong điều kiện ấy, Hồ Chí Minh càng thể hiện ý chí quyêt tâm thống nhất đất nước của mình.

Sáng sớm ngày 31-5-1946, ngay trước khi lên đường sang Pháp, Hồ Chí Minh gửi tới đồng bào Nam Bộ bức thư, làm xúc động đồng bào cả nước. Bức thư viết: “Được tin tôi cùng Đoàn đại biểu qua Pháp để mở cuộc đàm phán chính thức, đồng bào cả nước, nhất là đồng bào Nam Bộ đều lấy làm bâng khuâng. Bâng khuâng vì chưa rõ tương lai của Nam Bộ sẽ như thế nào?..

Tôi xin đồng bào cứ bình tĩnh. Tôi xin hứa với đồng bào rằng Hồ Chí Minh không phải là người bán nước”4. Thật cảm động. Sau khi đi Pháp về, ngày 23-10-1946, Hồ Chí Minh lại tuyên bố với quốc dân đồng bào: “Không ai có thể chia rẽ con một nhà, không ai có thể chia rẽ nước Việt Nam ta… Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”. Thể hiện ý chí, nguyện vọng của toàn dân tộc, tư tưởng thống nhất đất nước được thể chế hoá trong bộ luật cao nhất của nhà nước Dân chủ Cộng hoà non trẻ. Điều 2 của Hiến pháp 1946, Hiến pháp do Hồ Chí Minh làm Trưởng ban soạn thảo và được Quốc hội thông qua ngày 9-1-1946 viết: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung Nam Bắc không thể phân chia.”

Những năm tháng chống Mỹ cứu nước, cả dân tộc sống trong nỗi đau chia cắt, trong đó người đau đớn nhất là Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh nói: ở miền Nam mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi. Chính vì vậy mà Hồ Chí Minh cho rằng niềm vui lớn nhất của Người là niềm vui Bắc Nam sum họp. Tại Lễ bế mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa III, Hồ Chí Minh đã đọc bốn câu thơ:

“Bảy mươi tư tuổi vẫn chưa già
Cố gắng làm tròn nhiệm vụ ta
Bao giờ Nam Bắc một nhà
Dân giàu nước mạnh thì ta vui lòng”

Tiếp tục ý tưởng và tư duy ấy, bài thơ chúc mừng năm mới cuối cùng, năm 1969 của Hồ Chí Minh được khép lại bằng hai câu thơ:

“Tiến lên! chiến sĩ đồng bào
Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn”

Với Hồ Chí Minh, niềm vui chỉ trọn vẹn, nhiệm vụ trước Đảng, trước dân chỉ được coi là hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi Tổ quốc thống nhất, Bắc – Nam sum họp một nhà. Vì vậy Hồ Chí Minh đã từ chối những phần thưởng cao quý nhất mà Tổ quốc và nhân dân trao tặng cho Người. Biết tin Quốc hội sẽ tặng mình Huân chương Sao vàng, huân chương cao quy nhất của Nhà nước ta, Hồ Chí Minh đã báo cáo với Quốc hội: Xin cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy vì Tổ quốc ta hiện đang bị chia cắt làm đôi, hãy chờ “đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi huân chương cao quy. Như vậy toàn dân ta sẽ sung sướng vui mừng”.5 Cũng với suy nghĩ ấy, Hồ Chí Minh đã từ chối những phần thưởng của bạn bè quốc tế. Nhân kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga, Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô quyết định tặng Người Huân chương Lênin. Nhận được tin này, ngày 6-11-1967, Hồ Chí Minh gửi điện tới Đoàn Chủ tịch Xôviết tối cao Liên Xô. Bức điện viết: “Tôi vô cùng cảm động và cám ơn các đồng chí”, nhưng lúc này “toàn quân và toàn dân Việt Nam chúng tôi đang phải hy sinh xương máu để đánh Mỹ, cứu nước. Vì lẽ đó…xin các đồng chí hãy tạm hoãn việc trao tặng phần thưởng cực kỳ cao quý ấy. Đến ngày nhân dân chúng tôi đánh đuổi được bọn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng hoàn toàn đất nước Việt Nam, tôi sẽ đại diện cho toàn thể đồng bào tôi, trân trọng và vui mừng lãnh lấy Huân chương mang tên Lênin vĩ đại”

3. Để thống nhất đất nước phải kiên quyết chống xâm lược và bọn tay sai của chúng

Hồ Chí Minh cho rằng để “đánh thắng cái liên minh ghê gớm giữa thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và tay sai” trong âm mưu và hành động chia cắt đất nước, chúng ta quyết tâm chiến đấu, chấp nhận những hy sinh to lớn. Tháng 10-1945, nghĩa là khi nhân dân Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp được một tháng, Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thanh niên Nam Bộ: “Tôi thề cùng các bạn giữ vững nền độc lập tự do của đất nước. Dẫu có phải hy sinh đến nửa dân tộc, ta cũng quyết hi sinh”6

Với đế quốc Mỹ, kẻ thù mạnh hơn ta về nhiều mặt, chí quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh càng mạnh mẽ hơn. Đặc biệt khi Mỹ ồ ạt đưa hàng chục vạn quân Mỹ và chư hầu trực tiếp tham chiếm ở miền Nam, đồng thời dùng không quân và hải quân đánh phá ác liệt miền Bắc, kể cả thủ đô Hà Nội thì quyết tâm thắng Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc của Hồ Chí Minh lại son sắt hơn bao giờ hết. Hồ Chí Minh khẳng định: đế quốc Mỹ “có thể đưa 50 vạn quân, một triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay tăng cường đánh phá miền Bắc, chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ. Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc được Hồ Chí Minh thể hiện đậm nét trong Di chúc của Người. Dự đoán rằng cuộc chiến đấu càng gần thắng lợi càng nhiều gian khổ, hy sinh, trong Di chúc viết năm 1965, Hồ Chí Minh vẫn tin tưởng rằng: dù có phải hy sinh nhiều của, nhiều người, chúng ta nhất định đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam – Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Đến Di chúc viết năm 1969, Hồ Chí Minh chốt lại: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn.

Đó là một điều chắc chắn”.

Thực hiện Di chúc và khát vọng thống nhất đất nước của Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đồng tâm hiệp lực “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, thu giang sơn về một mối. Cần khẳng định rằng thành tích lớn nhất, có ý nghĩa nhất mà Đảng Cộng sản và dân tộc ta kính dâng lên người anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh là nước Việt Nam độc lập, thống nhất vào năm 1975, đúng như dự đoán của Người 15 năm trước đó – năm 1960./

Nguyễn Thu Hiền
Nhà Xuất bản Lý luận Chính trị

Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.4, tr.272.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.11, tr.546.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.1996, t.8, tr.38.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.4, tr.246.
5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.11, tr.61-62.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2000, t.4, tr.79

ditichhochiminhphuchutich.gov.vn

Advertisement