(ĐCSVN) – Trong gần 50 năm làm báo, tôi đã có gần 35 năm được hoạt động nghề nghiệp trên quê hương Bác Hồ kính yêu, trong đó có một kỷ niệm tôi không thể nào quên là đã được đón và phản ánh hoạt động của Người trong chuyến về thăm quê lần thứ 2 (ngày 8 tháng 12 năm 1961).
Bác Hồ về thăm quê ở Kim Liên, Nghệ An ngày 8-12-1961. (Ảnh tư liệu)
Ngày 8-12-1961 quả là một ngày khó quên với tôi dù ngày đó đã qua đi gần 50 năm. Trước đó mấy ngày, tin Bác Hồ sẽ về thăm quê đã được thông báo. Tuy không được phổ biến rộng rãi nhưng dù là nghe “lỏm” chúng tôi cũng háo hức chờ đợi. Rồi ngày đó cũng đến. Sân bay Vinh hồi đó còn thô sơ lắm. Trời thu khá rét nhưng khi chúng tôi, những nhà báo đến sân bay sớm hơn quy định thì bà con ở thị xã Vinh và các huyện lân cận đã có mặt từ bao giờ để đợi đón Bác.
Khi chiếc trực thăng từ từ hạ cánh thì dòng người cứ nhích dần vào khu đỗ trung tâm. Không quân nhạc, không pháo hoa. Máy bay vừa tắt cánh quạt thì từ cửa máy bay Bác kính yêu đã tươi cười vẫy tay chào cán bộ và bà con quê hương. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, quân khu 4 đứng sát cầu thang máy bay để đón Người. Nhưng thật bất ngờ, Bác Hồ nét mặt xúc động đã đi thẳng đến nơi các cụ lão thành mặc áo đỏ bắt tay thân thiết từng người rồi đến với các cháu thiếu niên. Bác nhìn quanh, tươi cười vẫy tay chào bà con nông dân đang đứng ở vòng ngoài rồi mới quay lại chào và thăm hỏi các vị lãnh đạo tỉnh, quân khu.
Hồi đó Nghệ An còn nghèo lắm. Cả lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban tỉnh đều chỉ có mấy chiếc com-măng-ca. Trong số xe ra đón có một chiếc xe hiệu “Gat 69” mui trần, kết hoa chắc để dành đón Bác. Lại một ngạc nhiên đầy xúc động nữa: khi đồng chí Bí thư tỉnh ủy Võ Thúc Đồng trân trọng mời Bác lên xe mui trần có kết hoa thì Người quay lại thân thiết mời cụ Lê Nhu, Chủ tịch MTTQ tỉnh người cao tuổi, đầu tóc bạc phơ lên xe đó còn mình lên một chiếc xe khác để về thị xã. Tiếng vỗ tay, tiếng hô “Hồ Chí Minh muôn năm” lại vang lên cho đến khi xe của Người đã đi khuất vào rặng phi lao đoạn đường Quán Bánh hướng vào thị xã.
Bác về thăm quê lần thứ hai ngắn lắm, chỉ trong 3 ngày, nhưng khi bàn về các điểm đi của Bác ai cũng ngạc nhiên. Về Kim Liên chỉ một buổi còn lại là đến với công nhân nhà máy cơ khí Vinh, nông dân trồng cây giỏi ở Vĩnh Thành (Yên Thành), nông trường chăn nuôi giỏi Đông Hiếu ở Nghĩa Đàn, rồi gặp gỡ các cụ lão thành, thăm trường sư phạm miền núi, làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ Nghệ An và nói chuyện với đại diện nhân dân trong tỉnh tại cuộc mít tinh chào mừng Người về thăm quê tại sân vận động thị xã Vinh.
Sách báo đã viết nhiều về lần thăm quê thứ 2 và cũng là lần cuối cùng trong đời hoạt động của Người. Đây là chuyến thăm mà Người đã hứa với Đảng bộ và nhân dân quê hương trong chuyến thăm lần thứ nhất sau 50 năm xa cách (tháng 6-1957) là: nếu Đảng bộ và nhân dân làm tốt trong sản xuất, xây dựng và xây dựng Đảng thì Bác sẽ về thăm lần nữa. Là người làm báo mới ra trường, không được chọn vào đội ngũ phóng viên tháp tùng chính thức nhưng tôi đã cố xin để đi theo Người cả chuyến. Và những điều ghi nhận được, cho đến bây giờ dù đã lên lão nhưng với tôi như vẫn còn tươi mới, như mới xảy ra đâu hôm qua, hôm kia thôi.
Đó là bài học công nông liên minh Bác dạy ở HTX nông nghiệp Vĩnh Thành và nông trường Đông Hiếu, đó là bài học đoàn kết, không ỷ lại, chung lo xây dựng quê hương ở xã Nam Liên. Đó là bài học về đãi ngộ và cống hiến, công bằng, “tre già măng mọc” nói với các cán bộ lão thành, đó là bài học về tổ chức cán bộ và xây dựng Đảng ở buổi làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ và bài học về đại đoàn kết toàn dân và sức mạnh của nhân dân khi nói chuyện với đại diện đồng bào toàn tỉnh và học sinh trường sư phạm miền núi Nghệ An. Với cán bộ, công nhân nông trường Đông Hiếu, Bác dặn: Nông trường là làm nông nghiệp kỹ thuật cao, là điểm tựa của nông dân toàn tỉnh. Đã là điểm tựa thì cán bộ, công nhân nông trường phải giúp nông dân trong vùng và toàn tỉnh để phát triển tốt chăn nuôi, trồng trọt, thâm canh tăng năng suất. Với công nhân Nhà máy cơ khí Vinh, Người khuyên: là đứa con công nghiệp đầu lòng của tỉnh, là nơi sản xuất nông cụ phục vụ nông dân thì phải sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ”. Nhanh, nhiều tốt là rất cần. Nhưng nông dân ta còn nghèo nên hàng làm ra đã tốt mà phải rẻ để bà con có tiền mua. Nếu nông dân dùng mà sớm hỏng thì phải sửa không mất tiền cho nông dân. Đó chính là liên minh công nông, là mối tình công nông thiết thực nhất. Ở nông trường Đông Hiếu, Bác đã chọn và tặng huy hiệu của Người ngay tại buổi nói chuyện cho 3 tấm gương tiêu biểu đã được tập thể công nhân bình chọn, đó là Nguyễn Văn Lang, tổ trưởng trồng trọt, Võ Trọng Tạo, tổ trưởng chăn nuôi và Trần Kim Mạnh, quản đốc. Bác nói: “Bác và Trung ương sẵn sàng thưởng nếu các cô, các chú thi đua làm kịp các chiến sĩ đó. Có “giao kèo” đấy nhé. Nếu các cô, các chú làm được như thế mà Bác không thưởng là lỗi tại Bác. Nếu Bác sẵn sàng thưởng mà các cô, các chú không làm được thì lỗi tại ai?”. Công nhân trả lời “Tại các cháu”. Bác hỏi có phải thế không? Có đồng ý như thế không? Cùng với tiếng “Dạ thưa Bác, đồng ý ạ” thì cả hội trường lại rộn lên, hướng về Người, ai cũng ngầm hứa phải làm thật tốt để sớm được nhận phần thưởng của Người.
Căn nhà lá của gia đình cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc. Ảnh: Tuấn Anh
Bài học sâu sắc mà tôi khắc ghi trong lòng là quan điểm về đãi ngộ và công tác cán bộ của Người tại buổi nói chuyện với cán bộ cách mạng lão thành của tỉnh. Sau khi nói về công lao đóng góp của các đồng chí cán bộ lão thành cho thành công của Đảng, của Cách mạng, Bác nói: “Bây giờ sang phần thứ hai. Đây là những điểm nhỏ, tôi gom góp, nói để các đồng chí rõ”. Về đào tạo lớp trẻ, Người nói: “Đảng rất quý, rất trọng các đồng chí già nhưng Đảng cũng rất cần nhiều cán bộ trẻ để làm những việc mà đảng viên già không làm được. Tôi cũng là một trong nhưng đồng chí già. Tôi có lái xe được không? Không, phải nhờ đồng chí trẻ. Muốn học lái xe thì phải học các đồng chí trẻ. Chớ có nói: sao mình không được đi, nó lại được đi xe”. Nói về quan điểm dùng người, sau khi nói về vai trò tham mưu của ban tổ chức từ Trung ương đến địa phương trong việc tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, Bác khẳng định: “Nhưng bất kỳ ai, có khả năng, đã đủ tiêu chuẩn, cần cho nhu cầu của cách mạng là phải dùng. Ví dụ: giữa hai đứa con của người trong Đảng và người ngoài Đảng. Con của đồng chí mình thì kém, dốt hơn, con của người ngoài Đảng thì thông minh, ngoan ngoãn hơn. Vậy thì ta nên đưa ai đi? Con của người ngoài Đảng hay con của người trong Đảng?(cả hội trường đồng thanh “con của người ngoài Đảng”). Đúng, vì Đảng ta là Đảng của giai cấp, đồng thời cũng là của dân tộc, không thiên tư, thiên vị. Đảng không lo riêng cho một đồng chí nào hết. Đảng lo việc cho cả nước. Đó là chính sách cán bộ”.
Từ sau ngày Bác vô thăm quê lần thứ hai, những lời dạy ân cần của Người từ xã quê hương Nam Liên đến nhà máy, hợp tác xã, trường học… cán bộ, nhân dân Nghệ An đều ghi sâu lời dạy của Người và thực hiện ngày càng tốt lời Người dạy. Những năm đó, nhà máy cơ khí Vinh duy trì thường xuyên tổ sửa chữa máy tuốt lúa lưu động về các hợp tác xã sửa miễn phí cho nông dân, nông trường Đông Hiếu đã giúp các hợp tác xã quanh vùng, nhất là xã Nghĩa Thuận trở thành đơn vị điều hành về sản xuất, chăn nuôi của Nghĩa Đàn. Công tác cán bộ ở Nghệ An ngày càng tốt hơn, giảm dần tình trạng “thành phố chủ nghĩa”trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ. Số lượng cán bộ, công nhân viên và xã viên được nhận huy hiệu của Người mỗi năm mỗi tăng, có người được tặng đến lần thứ hai như nữ anh hùng Hoàng Thị Liên ở cửa hàng ăn cảng Bến Thủy. Những đơn vị được vinh dự đón Bác trong hai lần về thăm quê đều trở thành những điển hình tiên tiến, nhiều đơn vị trở thành đơn vị anh hùng, xã anh hùng. Nghệ An từ một tỉnh nghèo đã phấn đấu trở thành một trong những tỉnh khá của cả nước như mong muốn của Người.
Nghệ An, Hà Tĩnh, hai tỉnh được vinh dự đón Người về thăm đều trở thành những tỉnh đón vốn đầu tư nước ngoài vào loại lớn nhất nước trong thời kỳ xây dựng và đổi mới. Nghệ An, Hà Tĩnh còn là những đơn vị tổ chức tốt và triển khai có hiệu quả thiết thực trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do Trung ương Đảng phát động.
Những ngày tháng 5 này trên quê hương Bác đang sôi động những phong trào thi đua trong sản xuất, xây dựng, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng nông thôn mới… Đảng bộ và nhân dân Nghệ An coi đây là những hành động thiết thực dâng lên chào mừng lần thứ 120 ngày sinh của Bác, báo công với Bác những việc làm được của những cán bộ, Đảng viên và nhân dân quê hương, hứa mãi mãi học tập và làm theo tấm gương của Người, mãi mãi xứng đáng là quê hương của Người, nơi mà Người đã có câu thơ xúc động trong lần về thăm quê thứ nhất sau 50 năm xa cách:
“Quê hương nghĩa trọng tình cao
Năm mươi năm ấy biết bao là tình!”
(*) Tất cả những câu trong ngoặc kép bài này đều trích nguyên văn trong tập “Bác Hồ với quê hương Nghệ An” do NXB Nghệ An ấn hành tháng 5-2006.
Thanh Phong
Bạn phải đăng nhập để bình luận.