Nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh – Bài 9

Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh

~ oOo ~

Phần thứ nhất: MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VỀ HỒ CHÍ MINH

Chương III: Một số nguyên tắc phương pháp luận đặc thù về nghiên cứu Hồ Chí Minh

II. Đề xuất một số nguyên tắc mang tính đặc thù của việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh

Trên cơ sở những kinh nghiệm và thành tựu nghiên cứu về Hồ Chí Minh những nǎm gần đây, nhất là qua tác phẩm của các đồng chí lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta đã viết về Người, đồng thời đào sâu vào đối tượng nghiên cứu, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số nguyên tắc phương pháp luận mang tính đặc thù của một bộ môn đang trên đường hình thành, chỉ dám coi là những gợi ý để các nhà nghiên cứu cùng thảo luận, bổ sung và phát triển. Những nguyên tắc này được vận dụng chung cho việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh. Song, dù nghiên cứu ở lĩnh vực nào, xét đến cùng cũng là để nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh, bất kể đó là tư tưởng kinh tế, tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức hay tư tưởng vǎn hoá – vǎn nghệ,…

1. Phải xuất phát từ vǎn kiện, tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ những tư liệu, sự kiện lịch sử chính xác để bảo đảm tính chân thực, khách quan về bản thân đối tượng

1.1. Nghiên cứu Hồ Chí Minh, nhất là nghiên cứu về tư tưởng, trước hết phải cǎn cứ vào vǎn kiện, tác phẩm của Người. Điều này tưởng không có gì mới. Vǎn bản không phải là điều quan trọng nhất, cái quan trọng hơn là phải xem người đời sau đã đọc và hiểu vǎn bản đó như thế nào. Tất nhiên nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh gắn liền với thực tiễn là phải tìm hiểu xem tư tưởng của Người đã đi vào quần chúng, được nhân dân tiếp nhận và đã tạo nên sức mạnh vật chất to lớn ra sao. Nhưng điều đó không có gì giống với quan điểm của trường phái herméneutique (chú giải học) ở phương Tây, nó chỉ chú trọng đến sự thông hiểu của đọc khi tiếp thu vǎn bản, nghĩa là xem cái quyết định là cái được tạo ra ở người đọc chứ không phải là cái đã có trong vǎn bản. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh như là một bộ môn khoa học, trước hết phải xuất phát từ vǎn kiện, tác phẩm của Người.

Nếu chỉ cǎn cứ vào sự thông hiểu của người đọc, thì như trên đã nói, đối với các mệnh đề kinh điển, mỗi người có thể hiểu khác nhau, thậm chí rất xa nhau. Vì vậy, để không rơi vào gán gép tuỳ tiện, thêu dệt chủ quan thì phải bám vào vật liệu khách quan, vào ngôn ngữ của vǎn bản đã biểu đạt cái tư tưởng vốn có của vĩ nhân. Đây là nguyên tắc đầu tiên, Trước nhất, tuy không phải là duy nhất. Nói như vậy không hề có ý định cổ vũ cho lối nghiên cứu “tầm chương trích cú”, bám vào câu chữ một cách máy móc, thô thiển. Nhưng cũng cần tránh lối nói “vo”, coi thường mọi trích dẫn, vẫn dễ gây nghi ngờ cho người nghe, người đọc, liệu đó có phải đích thực là tư tưởng Hồ Chí Minh. Hay chỉ là tư tưởng suy diễn, áp đặt chủ quan của nhà nghiên cứu.

Thí dụ: Chủ tịch Hồ Chí Minh có tư tưởng về nhà nước pháp quyền không ? Đó là nhà nước của dân, do dân, vì dân hay là nhà nước “thân dân” ? Cǎn cứ vào đâu mà nói như vậy ? Chúng ta đã biết, nǎm 1919 đại diện cho một nhóm người Việt Nam yêu nước, khi đưa ra Yêu sách tám điểm gửi Hội nghị Vécxay, Nguyễn ái Quốc đã đòi phải bãi bỏ chế độ cai trị bằng sắc lệnh và thay vào đó bằng các đạo luật. Diễn ca điều thứ 7 của yêu sách này, Người đã viết “trǎm điều phải có thần linh pháp quyền !”. Sau khi chính quyền đã về tay nhân dân, Người lại viết: “Nước ta là một nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều là vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều là của dân, chính quyền từ xã đến chính phủ trung ương đều do dân cử ra”. Như vậy là từ rất lâu rồi Người đã từng nói đến một nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân rồi chứ không phải chúng ta đã “hiện đại hoá” tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với sự đổi mới hiện nay.

Nếu cho rằng Hồ Chí Minh chủ trương xây dựng một nhà nước “thân dân” thì đó là một sự cố tình gán gép, bởi vì tư tưởng “thân dân” thấp hơn tư tưởng về nhà nước của dân, do dân, vì dân của Người rất nhiều. Nhà nước của giai cấp thống trị, ở giai đoạn tích cực và tiến bộ, cũng chủ trương thân dân. Nhà nước phong kiến thời Lê Lợi, Lê Thánh Tông chủ trương thân dân, nhưng không phải là nhà nước của dân. Có người nói, khái niệm nhà nước của dân, do dân, vì dân đâu có phải là sáng tạo riêng của Hồ Chí Minh, nó là thành tựu của pháp quyền tư sản, có nguồn gốc từ các nhà triết học khai sáng. Đúng như vậy, nhưng cũng tư tưởng của Mác – Lênin, khi đã được Hồ Chí Minh tiếp nhận và thực hiện thì nó đã trở thành tư tưởng của Người rồi. Các nhà triết học khai sáng đề ra tư tưởng này khá sớm, nó là thành tựu của vǎn minh nhân loại, được giai cấp tư sản nắm lấy, nhưng chưa bao giờ thực hiện trong thực tế.

Dưới chế độ tư bản, nhà nước bao giờ cũng nằm trong tay giai cấp tư sản. Cũng có lúc nó tuyên bố là nhà nước “vì dân”, nhưng làm sao có thể vì dân được nếu như nhà nước đó không phải là của dân, không do dân lập ra và có quyền bãi miễn ? Còn như nói Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đào tạo ra được một đội ngũ cán bộ nhà nước có tác phong quần chúng, rất gần dân và thân dân, … thì đó chỉ là phong cách người cán bộ nhà nước, một khía cạnh của mối quan hệ giữa nhà nước với nhân dân chứ chưa phải là tư tưởng về bản chất của một nhà nước kiểu mới (nhà nước của dân, do dân, vì dân).

Như vậy, tính khách quan khoa học của việc nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh đòi hỏi chúng ta trước hết phải dựa vào vǎn kiện, tác phẩm của Người. Để làm được điều này chúng ta còn gặp không ít khó khǎn vì cho đến nay một số tác phẩm của Hồ Chí Minh vẫn chưa tìm lại được: như Những người bị áp bức (Les opprimés), Con rồng tre (Le dragon en bambou), Nhật ký chìm tàu, Chủng tộc da đen, Khu vực đặc biệt, v.v.., nhiều bài báo Người viết cho tập san Inprékoorr, gửi từ Quảng Châu, qua Ban Phương Đông về Matxcơva, chưa được đǎng, nhiều bản thảo viết tay, nhiều ý kiến phát biểu ở các hội nghị,… đến nay vẫn chưa biết nằm ở đâu. Cái khó nữa là, trong những tài liệu của Người đã công bố, không kể những bài do chính tác giả sữa chữa lúc sinh thời, hoặc do cách dịch khác nhau,… có một số bài, vì nhiều lý do, đã được biên tập lạ, sửa chữa về chi tiết hoặc lược bớt một số câu, một số đoạn. Thí dụ, Tuyên ngôn độc lập, hiện có nhiều dị bản.

Điều đó gây trở ngại cho việc tiếp tư tưởng đích thực của Người, cũng như trong việc nghiên cứu ngôn ngữ và vǎn phong Hồ Chí Minh. Việc xuất bản lần thứ hai bộ Hồ Chí Minh – Toàn tập với tinh thần khôi phục lại tính lịch sử của vǎn bản, hiệu đính lại các bản dịch và bổ sung thêm nhiều tài liệu mới,… là một cố gắng đáng kể trong việc khắc phục tình hình nói trên, tuy nhiên khó khǎn chưa phải đã hết.

1.2. Dựa vào vǎn bản, sự kiện, câu trích dẫn đồng thời phải dựa vào bối cảnh xuất xứ của nó mà phân tích, đánh giá để không rơi vào suy diễn chủ quan, theo thiên kiến, từ phía này hay phía khác. Sự kiện Nguyễn Tất Thành viết đơn xin vào học Trường Thuộc địa Paris là điều có thật. Cần hiểu sự kiện này như thế nào ? Trong bối cảnh nào, do động cơ nào mà Nguyễn Tất Thành làm đơn xin vào học Trường Thuộc địa ? Một lá đơn ngắn được viết theo thể thức vǎn hành chính chưa thể nói được nhiều với chúng ta về tất cả những suy nghĩ của anh. Trong đơn có câu: “Tôi muốn trở thành có ích cho nước Pháp và cho đồng bào tôi, đồng thời muốn cho họ được hưởng những lợi ích của học thức” (Je désirerais deverin utile à la France vis-à-vis de mes compatriotes et pouvoir en même temps les faire profiter des bienfaits de I’ Instruction).

Nếu đặt câu này trong ngữ cảnh của một lá đơn xin học và trong mục tiêu ban đầu mà anh đã nói rõ “sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”, để “xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”, thì việc anh xin vào học Trường thuộc địa để hy vọng sau này giúp cho đồng bào mình được hưởng những lợi ích của học vấn, điều đó hoàn toàn nhất quán với mục tiêu anh đề ra cho mình khi rời Tổ quốc đi sang phương Tây. Bình luận về sự kiện này, nhà sử học Pháp D. Hémery đã viết: lá đơn đó “trước hết thể hiện một ý muốn tạm thời được học,… nhưng đơn xin học còn bao hàm một ý nghĩa khác, tóm tắt trong khẩu hiệu thịnh hành lúc đó trong các thanh niên học sinh là “xuất dương du học rồi về nhà cứu nước”,… để phổ biến tri thức hiện đại trong các dân tộc thuộc địa”.

Sau nữa, thực tế lịch sử đã chỉ ra rằng không phải ai học xong Trường Thuộc địa cũng đều ra làm quan lại cho Pháp cả. Có người học xong đã chuyển qua học trường Beaux – Arts Paris để trở thành hoạ sĩ, như Lê Vǎn Miến; có người học xong về nước chỉ dạy học, nghiên cứu, viết vǎn như Bùi Kỷ, v.v.. Như vậy rõ ràng là những ai chỉ suy diễn, ngộ nhận bằng cách đánh đồng phương tiện với mục đích thì chỉ là sự xuyên tạc sự thật mà thôi. Như trên đã nói, quá trình tìm tòi chân lý của Hồ Chí Minh không phải là con đường thẳng tắp, giản đơn. Tư tưởng Hồ Chí Minh có quá trình hình thành và phát triển của nó.

Vì vậy, việc nắm vững bối cảnh xuất xứ của sự kiện, vǎn bản, câu trích dẫn sẽ giúp cho người nghiên cứu tránh được những biện luận, suy diễn nhầm lẫn không đáng có. Chẳng hạn, có người đã dẫn câu nói nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản” để chứng minh rằng Người đã phát hiện ra chân lý lớn đó của thời đại từ rất sớm, ngay từ đầu những nǎm 20 của thế kỷ này! Đúng là từ thực tiễn hoạt động chính trị của mình, Nguyễn ái Quốc – Hồ Chí Minh ngay từ những nǎm 20 đã có nhiều bài viết thể hiện tinh thần của quan điểm trên, nhưng câu vừa được trích dẫn thì mãi đến nǎm 1959 Người mới viết, trong lời tựa cho cuốn “Những bài nói và viết chọn lọc”, do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Matxcơva xuất bản nǎm 1960. Lấy câu viết ở giai đoạn sau để diễn giải về tư tưởng của giai đoạn trước là một điều nên tránh, nếu muốn đảm bảo tính khách quan, chân thực lịch sử trong nghiên cứu, đánh giá.

2. Phải tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh trong tính thống nhất giữa nói và viết, sống và làm; giữa tư tưởng – đạo đức và phương pháp – phong cách; giữa đời sống chung và đời sống riêng

2.1. Nghiên cứu tư tưởng vĩ nhân phải dựa vào vǎn bản – những điều đã nói và viết – đó là điều trước nhất, nhưng không phải là duy nhất, quan trọng hơn còn phải xem họ đã sống và làm như thế nào. Bởi không phải một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức nào cũng đạt tới sự nhất quán giữa nói và làm. Có người chỉ nói mà không làm, hoặc nói một đằng, làm một nẻo, nói thì hay làm lại dở. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân đã đi chọn lôgích nhất quán của đời mình, đạt tới sự thống nhất cao độ giữa con người và sự nghiệp, tư tưởng và hành động, giữa thuyết giảng đạo đức và thực hành đạo đức, giữa ham muốn của cá nhân với ham muốn của cả dân tộc, giữa đời công và đời tư,… Người là một trí tuệ mẫn tiệp, có bút lực dồi dào và đã để lại cho chúng ta một khối lượng những trang viết không phải là nhỏ. Tuy nhiên, về cơ bản, Hồ Chí Minh là một nhà hiền triết hành động, tư tưởng của Người được thể hiện chủ yếu qua hành động. Nét đặc sắc ở nhà tư tưởng Hồ Chí Minh là nói ít làm nhiều, có làm được mới nói, có khi làm mà không nói.

Do đó, cần thiết phải tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh qua hành động. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh phải kết hợp tiếp cận vǎn bản với tiếp cận thực tế, phải tìm hiểu qua những việc làm và cách làm, qua hành động và ứng xử cụ thể từ việc lớn đến việc nhỏ, trong đời sống chung cũng như trong đời sống riêng, với người thân, bạn bè, đồng chí và kẻ thù,… Nói tóm lại, tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ thể hiện trong những bài nói, bài viết của Người, mà còn thể hiện trong hoạt động phong phú, trong toàn bộ sự nghiệp vĩ đại mà Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta.

Thí dụ: Trong kháng chiến chống Pháp, nhất là trong kháng chiến chống Mỹ, khi phong trào cộng sản và công nhân có sự mâu thuẫn và bất đồng về quan điểm, vì lợi ích dân tộc và nhằm khôi phục sự đoàn kết, thống nhất trong phong trào cộng sản quốc tế, nên có nhiều điều Người không thể nói ra, viết ra, nhưng Người vẫn làm theo quan điểm, đường lối của mình và hướng dẫn cho đồng chí, học trò của mình chỉ đạo thực hiện theo đường lối đó.

Trong những trường hợp như trên, nếu chỉ tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh trên vǎn bản thì sẽ không đầy đủ và khó chính xác, mà phải tìm hiểu trong thực tiễn hành động, trong việc làm và cách làm của Người. Từ đó, một phương hướng nữa có thể và cần thiết phải kết hợp vận dụng, đó là tìm hiểu tư tưởng Hồ Chí Minh trong các tác phẩm của các đồng chí và học trò gần gũi đã được Người chỉ giáo, đã lĩnh hội, thấm nhuần và quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong lĩnh vực hoạt động của mình. Đồng chí Trường-Chinh đã cho biết có một số bài báo của đồng chí đã cǎn cứ vào những ý kiến, chỉ thị của Bác Hồ mà viết ra, như bài Mười chính sách của khu giải phóng.

Các tác phẩm Kháng chiến nhất định thắng lợi, Bàn về cách mạng Việt Nam ,… đã được hoàn thành với sự trao đổi, góp ý, bổ sung của Hồ Chí Minh. Tìm hiểu tư tưởng quân sự của Hồ Chí Minh không thể không tìm hiểu sự quán triệt những tư tưởng đó trong các tác phẩm của đồng chí Võ Nguyên Giáp. Cũng như vậy, tìm hiểu tư tưởng vǎn hoá, tư tưởng về nhà nước và pháp luật của Hồ Chí Minh có thể tìm hiểu thêm qua các tác phẩm của đồng chí Phạm Vǎn Đồng với cương vị ban đầu là Phó thủ tướng rồi sau là Thủ tướng Chính phủ làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, nghĩa là có khoảng 20 nǎm hoạt động về nhà nước bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã quán triệt tư tưởng của Người về nhà nước trong công tác hàng ngày.

2.2. Sự nhất quán trong đa dạng của nhân cách vǎn hoá Hồ Chí Minh được chi phối bởi một tư tưởng chỉ đạo nhất định, cần phát hiện ra tư tưởng cốt lõi đã quán xuyến toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức, phương pháp và phong cách Hồ Chí Minh, đã liên kết chúng thành một hệ thống chặt chẽ, sâu sắc. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh là phải tìm ra cho được các hạt nhân cơ bản đó, cái tâm “bất biến” đã chi phối hành động “vạn biến” của Hồ Chí Minh thành một khối thống nhất. Cái tâm bất biến đó chính là tư tưởng về sự gắn bó thống nhất giữa độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Điều này, chính Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Về nội dung viết mà các cô, các chú gọi là “đề tài”, thì tất cả các bài Bác viết chỉ có một “đề tài” là: chống thực dân đế quốc, chống phong kiến địa chủ, tuyên truyền cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”. Đồng chí Lê Duẩn cũng viết: “Người là tượng trưng sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý tưởng độc lập, tự do với lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa, giữa chủ nghĩa yêu nước nồng nàn với tinh thần quốc tế vô sản chân chính”. Có khi, ở một thời điểm nhất định, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ nhấn mạnh vào chín chữ vàng chói lọi: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhưng đúng như đồng chí Trường Chinh đã chỉ rõ: “Chân lý của dân tộc “không có gì quý hơn độc lập, tự do” đã được Hồ Chủ tịch nâng lên ngang tầm của thời đại và mang một nội dung mới: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”.

Việc xác định chính xác hạt nhân cơ bản trong tư tưởng Hồ Chí Minh có một ý nghĩa phương pháp luận rất quan trọng, nó trở thành phạm trù khởi điểm đồng thời cũng là phạm trù quy tụ cho mọi sự nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và trước tác của Người. Đó là cơ sở tạo nên sự thống nhất giữa chủ nghĩa yêu nước với chân lý của thời đại là chủ nghĩa Mác – Lênin, giữa dân tộc với giai cấp, dân tộc và quốc tế, kháng chiến và kiến quốc, chống kẻ thù xâm lược và xây dựng chủ nghĩa xã hội, chiến đấu và sản xuất, cải tạo và xây dựng, v.v… Toàn cảnh bức tranh đa dạng, phong phú về tư tưởng và lý luận của Người được liên kết trên cái trục trung tâm đó; đồng thời tư tưởng cốt lõi, hạt nhân cơ bản đó cũng là ngọn đèn hướng đạo cho người nghiên cứu nhận thức, lĩnh hội được đúng đắn mọi chi tiết và khía cạnh cụ thể trong trước tác của Người.

Không thấu suốt nguyên tắc đó trong nghiên cứu dễ rơi vào tản mạn, cục bộ. Xa rời nguyên tắc đó trong đánh giá, lý giải, cũng dễ rơi vào chủ quan, khiên cưỡng. Tóm lại, nắm vững nguyên tắc về tính thống nhất này sẽ giúp cho người nghiên cứu lý giải thành công mối quan hệ biện chứng giữa cái đa dạng và cái bất biến, giữa chiến lược và sách lược, giữa anh hùng giải phóng dân tộc và nhà vǎn hoá, giữa nhà chính trị thực tiễn và nhà thơ trữ tình, v.v. trong cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh.

3. Phải tiếp cận tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự vận động, phát triển của cách mạng Việt Nam, trong mối quan hệ giữa lãnh tụ với quần chúng và gắn với yêu cầu của sự nghiệp đổi mới hiện nay

3.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh hình thành và phát triển song song với quá trình vận động và phát triển của cách mạng Việt Nam, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân đi lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, trong mối quan hệ với cách mạng thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh có nội dung lịch sử cụ thể của nó. Những điều Người nói thường rất cụ thể, trong hoàn cảnh cụ thể với những đối tượng cụ thể, nhằm đạt tới những yêu cầu cụ thể. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không được thoát ly những điều kiện cụ thể đó. Thí dụ, từ sau khi hoà bình lập lại, miền Bắc nước ta đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội, những vấn đề về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nói chung và xây dựng nhà nước dân chủ nhân dân làm nhiệm vụ của nhà nước chuyên chính vô sản nói riêng đều là những vấn đề lý luận còn hết sức mới mẻ. Do chưa có kinh nghiệm bản thân, còn đang trên con đường tìm tòi, thể nghiệm, ta phải vừa làm, vừa học tập, tham khảo lý luận, kinh nghiệm, cách làm của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, trước hết là Liên Xô (cũ) và Trung Quốc.

Đó cũng là điều bình thường, không tránh khỏi của một thời kỳ mới mẻ, đang khai phá. Vì vậy, khi nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, cần có sự phân tích khách quan, khoa học, gắn với hoàn cảnh lịch sử cụ thể để tránh ngộ nhận, biến cái cá biệt, cái nhất thời thành cái phổ biến, cái cốt lõi; coi những điều đang tìm tòi, thể nghiệm là cái đã định hình, cái bản chất. Một lãnh tụ dù vĩ đại và sáng suốt đến đâu cũng chịu sự hạn chế của lịch sử, của thời đại cũng như cái hạn chế của đời sống một con người. Do biết chắt lọc, kế thừa những thành tựu tư tưởng – vǎn hoá của nhân loại mà Hồ Chí Minh trở thành lãnh tụ lỗi lạc của Đảng và dân tộc. Nhưng trí tuệ, thành tựu của thời đại mới phát triển đến đó, chưa thể mách bảo gì hơn thì không thể vì kính yêu lãnh tụ mà suy diễn, gán ghép cho Người những điều mà Người chưa nghĩ tới, chưa thực sự đặt ra và chín muồi trong tư tưởng của mình.

Cũng như vậy, chỉ nên coi những tư tưởng của Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là những phác thảo ban đầu, Người chưa bao giờ có ý định đưa ra một mô hình nào về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Những cố gắng đi tìm trong tác phẩm của Hồ Chí Minh những giải pháp có sẵn cho những vấn đề của ta hiện nay chỉ là ảo tưởng. Người chỉ cung cấp cho ta một phương thức vận động tư duy, một phương pháp để phân tích thực tại xã hội, từ đó mà tự tìm ra những giải pháp cho các vấn đề hôm nay. Cần nhớ rằng, bản thân tư tưởng Hồ Chí Minh cũng vận động và phát triển. Thí dụ đầu những nǎm 20 của thế kỷ này, nhận định về mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp, Người viết: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”.

Đến nǎm 1941, Hội nghị Trung ương lần thứ tám, dưới sự chủ toạ của Người, đã có sự phân tích và lập luận cụ thể: “… Nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập, tự do cho toàn dân tộc thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn nǎm cũng không đòi lại được”. Về những vấn đề lý luận của chủ nghĩa xã hội cũng vậy, nếu còn sống đến ngày hôm nay, trước thực tiễn mới, chắc rằng Người cũng có những tìm tòi và phát hiện mới. Điều đó hoàn toàn phù hợp với lôgích phát triển của tư tưởng Hồ Chí Minh là “hướng tới phía trước, tiến lên không ngừng”.

3.2. Nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh còn phải tìm hiểu sự vận động và phát triển của nó trong đời sống tư tưởng, tình cảm và hành động cách mạng của quần chúng. Điều đó có nghĩa là phải chống khuynh hướng kinh viện chủ nghĩa, trách việc nghiên cứu tư tưởng và lý luận Hồ Chí Minh trong sự đóng kín của vǎn kiện, tác phẩm, không thấy được mối quan hệ chặt chẽ giữa lãnh tụ và quần chúng, giữa tư tưởng và lý luận cách mạng của Người với thực tiễn cách mạng của dân tộc và đất nước. Là người học trò trung thành của Mác và Lênin, Hồ Chí Minh nghiên cứu và phát biểu lý luận không chỉ để giải thích thế giới mà là để cải tạo thế giới. Người tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin không phải bằng con đường nhà trường và sách vở mà trong thực tiễn hoạt động cách mạng, từ nhu cầu cấp bách của việc tìm đường cứu nước. Như Người đã nói, “vừa làm công tác thực tế”, “vừa nghiên cứu lý luận Mác – Lênin” và vận dụng lý luận vào tuyên truyền, giáo dục, tác động, thức tỉnh quần chúng. Người kịch liệt chống lại thứ lý luận chỉ dừng lại trên sách vở, “đề ra những luận cương dài dằng dặc và thông qua những nghị quyết rất kêu để sau đại hội đưa vào viện bảo tàng”.

Mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói của Người đều hướng tới quần chúng và nhằm mục đích đấu tranh cải tạo xã hội và con người. Vì vậy, “những chân lý giản dị mà sâu sắc đó, lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu quần chúng đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng”. Như vậy, nghiên cứu di sản tư tưởng của Hồ Chí Minh là phải nghiên cứu cả hai quá trình: quá trình hình thành, phát triển của chính nội dung tư tưởng đó và quá trình nó thâm nhập vào cán bộ, đảng viên, quần chúng, thức tỉnh, cổ vũ, tác động, giáo dục họ; nghĩa là nghiên cứu hiệu quả của lý luận khi thâm nhập vào quần chúng sẽ trở thành một sức mạnh vật chất như thế nào, như Mác đã nói. Ví như nghiên cứu tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nếu chỉ dừng lại ở việc thuyết minh hệ thống các khái niệm, phạm trù và chuẩn mực của đạo đức cách mạng, xác lập những hình thức và biện pháp giáo dục đạo đức mới, v.v. thì vẫn là chưa đủ nếu như không chứng minh được ý nghĩa, tác dụng, hiệu quả của những tư tưởng đạo đức đó trong việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện cả một đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng qua các giai đoạn cách mạng, từ vận động đấu tranh giành chính quyền, qua hai cuộc kháng chiến đến giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Cũng như vậy, trong việc nghiên cứu thơ vǎn Hồ Chí Minh, sẽ là không đúng nếu chỉ chú ý hoặc chú ý quá nhiều đến việc tìm hiểu một bộ phận thơ trữ tình, thơ nghệ thuật của Người mà, không chú ý hoặc chú ý không đúng mức đến bộ phận thơ cổ động, thơ chúc tết của Người. Loại thứ nhất, phần lớn được viết ra trong hoàn cảnh như Người nói, không biết làm gì thì “ngâm ngợi cho khuây”, thế thôi! Không ai chối cãi giá trị tư tưởng và nghệ thuật của một tập thơ vĩ đại “đã làm xáo trộn cả tâm hồn người đọc” như Nhật ký trong tù. Dù sao những bài thơ ấy chủ yếu được viết ra để tự nói với mình chứ không phải chủ yếu hướng tới người đọc. Trái lại, bộ phận thứ hai, thơ cổ động, thơ chúc tết, lại được Người viết ra với một công phu, dụng ý hẳn hoi, có lựa ý lựa lời, có tính toán hiệu quả ở người tiếp nhận. Điều này, Cố vấn Phạm Vǎn Đồng đã nói rõ: “Lúc đọc những lời kêu gọi cũng như các bài thơ chúc tết, Bác biết rằng đồng bào cả nước đều lắng nghe, Bác cũng biết rất rõ rằng đồng bào và chiến sĩ miền Nam càng lắng nghe Bác nói với tất cả tâm hồn mình, hình như Bác đang nói với mình”. Do đó, nghiên cứu bộ phận thơ này, chủ yếu không phải là nghiên cứu giá trị nghệ thuật của nó – dù là nghệ thuật tuyên truyền – mà là nghiên cứu mối quan hệ giữa động cơ sáng tác của lãnh tụ và hiệu quả, tác dụng của nó trong tư tưởng, tình cảm và hành động cách mạng của quần chúng, tức là không chỉ vận dụng phương pháp của vǎn học mà cả phương pháp của xã hội học.

Tóm lại, thơ ca và vǎn chính luận của Hồ Chí Minh không dừng lại ở mức nhận thức và phản ánh, mà chủ yếu là nhằm để tác động, giáo dục. Nó là vũ khí sắc bén của người cách mạng, là một kênh thông tin quan trọng giữa lãnh tụ và quần chúng. Chỉ có vượt lên trên câu chữ, sách vở, nghiên cứu tư tưởng và lý luận của Hồ Chí Minh trong sự gắn bó với thực tiễn cách mạng, với đời sống tư tưởng, tình cảm của quần chúng, mới thấy được sức sống bất diệt của những tư tưởng ấy, mới thấy ” Hồ Chủ tịch vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”.

3.3. Cuối cùng, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh không phải chỉ đáp ứng yêu cầu tổng kết, đánh giá, thẩm định những giá trị lịch sử đã qua, mà phải tính đến yêu cầu làm sống động các giá trị đó trong công cuộc đổi mới, phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Từ tư tưởng đích thực của Hồ Chí Minh, người nghiên cứu cần đề xuất được những gợi ý vận dụng những tư tưởng đó vào cuộc sống hiện nay. Nếu nghiên cứu chỉ dừng lại ở yêu cầu tìm hiểu tư tưởng của một vĩ nhân trong quá khứ, chỉ để khẳng định cái đã qua mà không làm cho nó hiện diện, sống thực, toả sáng với hôm nay, không chỉ ra được ý nghĩa “là cơ sở tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của chúng ta”, thì sự nghiên cứu đó là không đạt yêu cầu, xét về mặt phương pháp luận.

Những điều trình bày trên mới chỉ là một số nét phác thảo ban đầu, về những nguyên tắc phương pháp luận có ý nghĩa đặc thù chỉ đạo việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng. Công việc đó, về cơ bản, mới chỉ là giai đoạn khởi động; các công trình nghiên cứu trọng điểm vẫn đang trên đường hoàn thiện để tiến tới xã hội hoá, vì vậy chúng ta vẫn chưa có điều kiện tổng kết những thành tựu và hạn chế của nó xét về mặt phương pháp luận. Những nguyên tắc được nêu lên ở chương này đã cố gắng trình bày trong sự liên hệ với thực tiễn nghiên cứu về Hồ Chí Minh những nǎm gần đây ở trong nước và ngoài nước. Một sự phân tích khoa học đầy đủ và sâu sắc hơn sẽ được bổ sung cùng với thành tựu và triển vọng của một bộ môn mới đang hình thành – bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh.

PGS, PTS. Hoàng Chí Bảo; GS. Nguyễn Đǎng Mạnh;

cpv.org.vn

Advertisement