Nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh – Bài 8

Một số vấn đề phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu về Hồ Chí Minh

~ oOo ~

Phần thứ nhất: MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VỀ HỒ CHÍ MINH

Chương III: Một số nguyên tắc phương pháp luận đặc thù về nghiên cứu Hồ Chí Minh

Muốn trở thành một ngành khoa học có triển vọng, bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh, cần thiết phải tiến lên xây dựng được những nguyên tắc phương pháp luận riêng của mình, theo quan điểm: đối tượng nào, phương pháp ấy. Vậy những nguyên tắc mang tính đặc thù của bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh là gì? Đây là vấn đề đang trên đường nghiên cứu, tìm tòi, chưa có sẵn lời giải đáp. Để có câu trả lời tương đối đầy đủ và chính xác, cần phải có thời gian và công sức của nhiều người. Trước mắt, trong việc nghiên cứu về Hồ Chí Minh nói chung và tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, có một số vấn đề liên quan đến phương pháp luận cần được làm rõ.

I- Những khó khǎn trong nghiên cứu Hồ Chí Minh

1. Về đối tượng nghiên cứu

Như trên đã trình bày, chuyên ngành nghiên cứu Hồ Chí Minh lấy toàn bộ cuộc đời – sự nghiệp, tư tưởng – lý luận, đạo đức – phong cách – lối sống… của Hồ Chí Minh làm đối tượng nghiên cứu. Đây là một đối tượng vừa dễ, vừa khó. Cảm giác dễ là vì còn hình thức như chúng ta chỉ tập trung vào nghiên cứu có một con người, một vĩ nhân. Nhưng đây lại không phải là một đối tượng đơn nhất. Đảng ta đã đánh giá: cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời “vô cùng oanh liệt và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ”. Người là một thiên tài đa diện: nhà yêu nước vĩ đại, nhà hoạt động quốc tế xuất sắc, chiến sĩ tiên phong trong phong trào giải phóng dân tộc, sứ giả của hoà bình và hữu nghị. Người vừa là nhà chính trị, nhà tư tưởng, nhà chiến lược quân sự, nhà ngoại giao, vừa là nhà vǎn, nhà thơ, nhà báo. UNESCO đã chung đúc lại, tôn vinh Người là “anh hùng giải phóng dân tộc và nhà vǎn hoá lớn”.

Trong khoảng hơn 20 danh nhân vǎn hoá đã được tổ chức này ra nghị quyết kỷ niệm trên toàn thế giới kể từ nǎm 1978 tới nay, chưa có người nào được ghi nhận vừa là vĩ nhân, vừa là anh hùng giải phóng dân tộc, vừa là nhà vǎn hoá lớn như Hồ Chí Minh. Vì vậy, nghiên cứu Hồ Chí Minh thuộc loại nghiên cứu phức hợp, đa ngành, vừa theo từng chuyên môn hẹp (của nhiều khoa học) vừa phải đi tới một tổng luận chung nhằm làm sáng tỏ những giá trị đặc sắc của Hồ Chí Minh như một chính thể. Có thể hình dung bước đầu về đối tượng – khách thể nghiên cứu Hồ Chí Minh trên mấy phương diện sau đây: Thứ nhất, do bản chất con người là tổng hoà các quan hệ xã hội nên nghiên cứu về Hồ Chí Minh trước hết phải tìm hiểu toàn bộ các quan hệ xã hội chủ nghĩa của Người, từ quê hương, gia đình, nhà trường, xã hội, thời đại, … Thứ hai, nghiên cứu Hồ Chí Minh là nghiên cứu toàn diện và hệ thống về Người bao gồm: – Con người Hồ Chí Minh. Người là một nhà tư tưởng lớn, nhà lý luật kiệt xuất của dân tộc, của Đảng ta, của cách mạng Việt Nam, của phong trào giải phóng dân tộc trong thời đại cách mạng vô sản ở thế kỷ XX; một chính khách có tầm cỡ trong đời sống chính trị quốc tế, danh nhân vǎn hoá thế giới.

Cùng với những đỉnh cao đã được lịch sử thừa nhận, Hồ Chí Minh lại là một con người gần gũi và thân thiết với mọi người trong đời thường. Điều đó là tǎng thêm sức hấp dẫn, truyền cảm của Hồ Chí Minh trong đời sống hiện thực và tôn vinh một cách thực chất giá trị nhân cách của Người cùng với những ảnh hưởng sâu rộng của nhân cách đó trong toàn xã hội, làm đậm nét hơn một chác chân thực và tự nhiên cái dấu ấn của thiên tài cá nhân đối với lịch sử.

Con người Hồ Chí Minh gắn liền với cuộc đời – sự nghiệp – tư tưởng – đạo đức của Người, kết hợp giữa cội nguồn vǎn hoá – lịch sử của dân tộc với sự thâu thái tinh hoa của vǎn hoá nhân loại, với tác động và ảnh hưởng trực tiếp từ chủ nghĩa Mác – Lênin và thời đại cách mạng vô sả…, tất cả được chung đúc lại làm nên sự nghiệp Hồ Chí Minh. Sự nghiệp ấy lại trở thành sự nghiệp của Đảng, của dân tộc – một sự nhất quán hiếm thấy giữa con người và cuộc đời, tư tưởng và sự nghiệp – mà không phải một vĩ nhân nào cũng có thể đạt tới một sự thống nhất trọn vẹn như thế. Do đó, nét đặc trưng bao trùm con người Hồ Chí Minh là vĩ đại trong sự giản dị, một sự giản dị vĩ đại. Tính cao cả của sự thật này làm cho Hồ Chí Minh khi còn sống đã là một trong số hiếm hoi những nhân vật lỗi lạc được huyền thoại hoá, nhưng là huyền thoại để khẳng định chân giá trị của một con người lý tưởng, có thật trong đời chứ không phải một hiện tượng tôn giáo hoá, thần thánh hoá.

Cũng như vậy, Hồ Chí Minh đã đi trọn lôgích cuộc đời mình để trở về cõi vĩnh hằng nhưng thực tế là Hồ Chí Minh vẫn sống mãi trong đời sống tâm thức của những người đang sống, trong sự nghiệp đang được dựng xây theo tư tưởng của Người. – Tư tưởng Hồ Chí Minh: đó là một hệ thống lớn với nhiều phương diện, nhiều lĩnh vực, bao quát sự chú ý sâu rộng và uyên bác của Người mà tiêu biểu nhất là tư tưởng về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó còn là tư tưởng về triết học, chính trị, quân sự, kinh tế, quản lý xã hội, giáo dục đào tạo con người, phát triển vǎn hoá và trau dồi đạo đức, nhân cách, là đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, là chiến lược và sách lược cách mạng nhằm đi tới một xã hội tốt đẹp cho con người và vì hạnh phúc, tự do của tất cả mọi người.

Tư tưởng Hồ Chí Minh là một thể nghiệm sinh động đầy sáng tạo, và vì sáng tạo mà Người có được những đóng góp quý báu vào sự phát triển của chủ nghĩa Mác – Lênin. Vì vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh là khoa học, cách mạng và hiện đại. – Đạo đức Hồ Chí Minh: Sự tu dưỡng và thực hành đạo đức cá nhân đồng thời làm hết sức minh để giáo dục đạo đức cho toàn xã hội là những điểm nổi trội trong nhân cách Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh là người đề xướng và thực hành đạo đức cách mạng đồng thời là tấm gương tuyệt vời về cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. – Lối sống và phong cách Hồ Chí Minh: Lối sống và phong cách Hồ Chí Minh là biểu tượng đầy sức thu hút về sự liêm khiết, thanh cao, giản dị. Đó là một mẫu mực của lối ứng xử có vǎn hoá, có tác dụng giáo dục đối với mọi người một cách sâu sắc, tự nhiên. Lối sống và phong cách Hồ Chí Minh biểu hiện trong đời thường hàng ngày đã cảm hoá, thuyết phục và thu phục được lòng người bởi lẽ con người được yêu thương, tôn trọng và tin cậy.

Tất cả những cái thật và cái đẹp ấy phản chiếu cái đúng và cái tốt từ Hồ Chí Minh lan toả ra xung quanh… Chính vì vậy Hồ Chí Minh làm sáng tỏ quan niệm “phong cách tức là người” và phong cách Hồ Chí Minh là một phong cách vǎn hoá Việt Nam. Trong hệ thống hoàn chỉnh và hoàn hảo ấy, con người – Tư tưởng – Đạo đức – Lối sống – Phong cách Hồ Chí Minh đem lại hình ảnh trọn vẹn về nhân cách Hồ Chí Minh – biểu tượng của chủ nghĩa nhân đạo hiện thực, của chủ nghĩa nhân vǎn hiện đại, vừa thể hiện tinh thần thời đại, vừa thấm nhuần bản sắc Việt Nam. Thứ ba, nghiên cứu Hồ Chí Minh trong tính toàn diện và hệ thống những vấn đề lớn nêu trên (mà trong mỗi vấn đề đó, tự nó lại là một hệ thống cho phép khai thác vô số các vấn đề khác như một tập hợp các phân hệ) sẽ thấy Hồ Chí Minh là khách thể nghiên cứu. Trong khách thể này có nhiều đối tượng khác nhau: nghiên cứu tư tưởng với cấp độ lý luận, nghiên cứu đạo đức với cấp độ chuẩn mực và giá trị, nghiên cứu lối sống với cấp độ hành vi, ứng xử, hay nghiên cứu Con người – Tiểu sử – Sự nghiệp với cấp độ nhân vật, sự kiện, hoàn cảnh, thời đại…

Cái khó và điều quan trọng là, dù nghiên cứu đối tượng Hồ Chí Minh hay nghiên cứu toàn bộ khách thể Hồ Chí Minh đều phải tìm ra mối liên hệ, tính thống nhất chỉnh thể, cái đã định hình thành giá trị và cả những cái còn đang phát triển, đang tiếp tục sinh thành trong cuộc sống, trong nhân dân. Thứ tư, nghiên cứu Hồ Chí Minh dù là nghiên cứu đối tượng hay khách thể thì những quá trình nghiên cứu này đều thống nhất – đồng nhất ở Hồ Chí Minh như một hiện tượng vǎn hoá độc đáo. Hồ Chí Minh là một vĩ nhân, một danh nhân vǎn hoá. Học tập, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, theo gương đạo đức và nhân cách Hồ Chí Minh không phải dễ. Song, từ mỗi người bình thường đến toàn Đảng, toàn dân ta và các dân tộc, bạn bè anh em trên thế giới đều có thể và có nhu cầu học tập, noi gương Hồ Chí Minh. Trong thực tế đang nảy sinh hiện tượng: mỗi người đến với Hồ Chí Minh, trở về với Hồ Chí Minh để khám phá chính mình – dựa trên sự hiểu biết về Hồ Chí Minh theo cách của riêng mình.

Nghiên cứu khoa học về Hồ Chí Minh, thông qua sự mẫn cảm của chủ thể nghiên cứu đối với đối tượng, khách thể của mình, phải sống và làm việc theo gương sáng của nhân cách Hồ Chí Minh. Đây thực là một động lực tinh thần to lớn cần được nhận thức và khai thác về sự phát triển của con người và xã hội Việt Nam trong hiện tại và trong tương lai.

2. Về tư liệu nghiên cứu

Như đã trình bày trong phần dẫn luận, công tác tư liệu học về Hồ Chí Minh những nǎm qua đã có những bước phát triển mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Bộ Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử gồm 10 với trên một vạn sự kiện đã qua thẩm định, xác minh khoa học, tuy không tránh khỏi những nhược điểm, song là bộ sách công cụ có thể tin cậy được. Việc xuất bản lần thứ hai bộ “Hồ Chí Minh – Toàn tập”, gồm 12 tập, được bổ sung thêm gần 3000 trang tư liệu mới, trong đó có nhiều tư liệu gốc lần đầu tiên được công bố, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà nghiên cứu ngày càng tiếp cận được những tư tưởng đích thực của Hồ Chí Minh, đặc biệt ở thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, giúp cho việc lý giải nguồn gốc, sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh có thêm cǎn cứ khoa học và sức thuyết phục cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay còn một bộ phận tư liệu rất quan trọng về Hồ Chí Minh vẫn chưa có đủ điều kiện để sưu tầm và khai thác. Hồ Chí Minh của chúng ta có 30 nǎm sống ở nước ngoài, từng đặt chân lên khoảng 26 nước, hoạt động bí mật, đi Âu về á, đã nhiều lần phải thay tên đổi họ.

Cho đến nay chúng ta vẫn chưa có điều kiện khảo sát kỹ nhiều giai đoạn trong tiểu sử của Người, thí dụ: Những nǎm 1912 – 1913 ở Mỹ, Người đã làm gì, có những hoạt động học hỏi, nghiên cứu gì ? Cả hai giai đoạn này chưa có điều kiện làm rõ. Như chúng ta đã biết, ngay từ lúc sinh thời, Hồ Chí Minh đã đi vào huyền thoại. Vậy trong các mẩu chuyện, sự kiện hiện có, cái gì là thật, cái gì là huyền thoại. Đất nước ta, dân tộc ta có truyền thống biết ơn những người có công với nước, nên thờ phụng rất nhiều các anh hùng cứu nước trong lịch sử, không riêng gì với lãnh tụ Hồ Chí Minh. Giải thích hiện tượng này như thế nào để đạt tới chân lý khoa học mà vẫn dung hợp được lòng ngưỡng mộ, kính yêu của nhân dân đối với lãnh tụ, vốn cũng là một tình cảm rất chân thực, quả là một việc không đơn giản, vì ở đây lôgích của huyền thoại không đi ngược lại lôgích của khoa học mà chỉ tạo đường viền cho nó nổi bật hơn mà thôi.

Đương nhiên, hồi ký, mẩu chuyện, giai thoại,… không phải là tư liệu trực tiếp của khoa học tiểu sử, nhưng khi viết về thời niên thiếu của Hồ Chí Minh, các nhà viết tiểu sử không thể không biết đến chúng, vấn đề là xử lý và sử dụng chúng như thế nào được coi là phù hợp. Vì vậy có người bảo sự kiện này, chi tiết kia trong một giai thoại, hồi ký nào đó là không có thực. Nhưng khi Hồ Chí Minh đã trở thành biểu tượng của dân tộc rồi, đã đi vào đời sống tinh thần của dân tộc như một sức mạnh vật chất rồi thì phân biệt được giữa cái thực và cái huyền thoại khác nhau như thế nào, chúng ta phải xem xét và giải quyết nó như thế nào, đó cũng là một vấn đề của phương pháp luận nghiên cứu Hồ Chí Minh mà đến nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa hoàn toàn nhất trí với nhau.

Một thí dụ khác: Hồ Chí Minh nói tương đối ít về tư tưởng nhà nước và pháp quyền, nhưng Người là biểu tượng của một nhà nước kiểu mới, nhà nước của dân, do dân, vì dân. Người đã khai sinh ra một nhà nước dân chủ, mà quyền lực là thuộc về nhân dân. Tư tưởng đó đã thấm sâu vào nhân dân, và nhân dân đòi hỏi chúng ta phải làm theo tinh thần đó. Có những vấn đề cụ thể mà Người chưa nói tới, nhưng dựa theo tư tưởng của Người mà nhân dân thêm thắt, bổ sung vào. Đây là chỗ để các nhà nghiên cứu phải lý giải: khi tư tưởng Hồ Chí Minh đi vào cuộc sống, thì được nhân dân tiếp nhận, bổ sung và phát triển như thế nào. Nói thế để thấy rằng, trước một đối tượng nghiên cứu như vậy đòi hỏi chúng ta phải dày công sưu tầm, xác minh, đối chiếu tư liệu một cách rất thận trọng. Cuộc đời của Hồ Chí Minh vốn đã vô cùng oanh liệt và phong phú, bất cứ một sự thêm thắt nào, dù chân thành đến đâu, cũng chỉ làm giảm vẻ đẹp chân thực vốn có của nó, hơn nữa còn có hại, tạo kẽ hở cho kẻ thù lợi dụng, xuyên tạc công việc nghiên cứu của chúng ta.

3. Về cái khó của việc lĩnh hội và kiến giải di sản tư tưởng của các vĩ nhân

Có tình hình là, cùng một mệnh đề lý luận thường có nhiều cách hiểu khác nhau, dẫn đến những lập luận khác nhau. Vậy ai được xem là hiểu đúng, ai bị coi là hiểu sai ? Cần phải thấy rằng, tư tưởng của vĩ nhân vốn rất sâu sắc và uẩn súc, không phải một lúc có thể hiểu hết ngay được. Vả lại người trích dẫn và giải thích tư tưởng của vĩ nhân thường xuất phát từ những động cơ khác nhau, từ vốn sống, vốn hiểu biết riêng nên có khi hiểu đúng, khi hiểu chưa đúng, có khi còn ngộ nhận. Đó là nói về hạn chế do trình độ chủ quan của người nghiên cứu; nhưng cũng có thể do trình độ phát triển khách quan của xã hội, của thành tựu học thuật hôm nay mới cho phép hiểu đến mức ấy, các thế hệ sau sẽ đem lại những phát hiện mới, sâu hơn, đầy đủ hơn hoặc đảo ngược lại. Đó là chuyện bình thường trong khoa học, nêu lên để thấy hết cái khó của việc lĩnh hội và kiến giải những tư tưởng sâu sắc của vĩ nhân.

Xuất phát từ quan điểm: nói và viết sao cho quần chúng có thể hiểu được, hiểu được để làm được, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn cách viết ngắn gọn, giản dị, thiết thực, hầu hết những khái niệm và thuật ngữ khó hiểu đều được thay thế bằng những từ ngữ thông thường. Tuy nhiên, do tư tưởng của Người là những chân lý lớn của thời đại được trình bày dưới một hình thức cô đọng, hàm súc, cho nên nó là sự giản dị sau khi đã phức tạp, là cụ thể sau khi đã khái quát, là cái chất phác, hồn nhiên sau khi đã tinh tế, cái đạm sau khi đã nồng, cho nên không phải câu nào, ý nào của Người cũng có thể lĩnh hội được ngay được sự sâu sắc của nó, một sự sâu sắc làm ngạc nhiên cả những bậc thức giả uyên thâm nhất.

Vì vậy không có gì lạ, đến nay vẫn còn nhiều câu nói, mệnh đề của Người còn được hiểu khác nhau, chưa nói có lúc còn bị hiểu sai. Xin dẫn ra một câu nói của Người: “Hễ Chính phủ nào mà có hại cho dân chúng, thì dân chúng phải đạp đổ Chính phủ ấy đi, và gây lên Chính phủ khác”. Câu này Người lấy ý trong “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ và được đưa vào cuốn Đường kách mệnh. Có ý kiến cho rằng: Người đưa câu này vào Đường kách mệnh là để kêu gọi nhân dân ta nổi lên làm cách mạng lật đổ chính phủ thực dân, phong kiến, lập nên chính phủ dân chủ cộng hoà. Câu đó không đúng với hoàn cảnh hiện nay khi chính quyền đã về tay nhân dân. Nếu bây giờ lại trích dẫn, đề cao câu này của Hồ Chí Minh, như thế là có tà tâm, ác ý! Hiểu như vậy có đúng không?

Thực ra, Người không chỉ nói câu này có một lần. Sau Cách mạng Tháng Tám, Người vẫn nhắc lại. Nǎm 1947, đến thǎm tỉnh Thanh Hoá, trong bài nói chuyện với đại biểu cán bộ, nhân dân trong tỉnh, Người đã dẫn lại ý đó: “Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ… Nếu Chính phủ làm hại dân, thì dân có quyền đuổi Chính phủ”. Bởi chính quyền đã là của dân rồi nên Người lại càng đề cao quyền lực của dân. Tất nhiên, chúng ta phải hiểu khái niệm “đuổi” (cũng như khái niệm “cách mạng xã hội”) với nhiều hình thức: có thể thông qua một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ, diễn ra trong quốc hội của dân để bầu ra một chính phủ khác.

Cũng có thể thông qua con đường phê bình, bãi miễn một vài thành viên nào đó của chính phủ nếu họ không còn đủ tư cách, không đủ trình độ xứng đáng để làm việc. Có rất nhiều hình thức và đã được ghi vào Hiến pháp, chỉ có điều là có thực thi hay không. Nói về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên, Hồ Chí Minh luôn luôn nhấn mạnh đến chuẩn mực “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”. Trong một cuộc hội thảo tại Hà nội, có người phát biểu: Cần kiệm liêm chính thì đúng quá rồi, còn tại sao lại phải chí công mà vô tư ? Chuẩn mực này liệu có còn đúng nữa không, nhất là ở thời kỳ đổi mới, mở cửa hiện nay, chúng ta đang đề cao vai trò cá nhân, động lực cá nhân, thừa nhận lợi ích chính đáng của cá nhân, vậy nhấn mạnh phải “chí công”, tất cả vì cộng đồng, vì tập thể mà phải “vô tư”, tức là quên cá nhân đi, như vậy thì có đúng không?

Đây là một cách hiểu rất sai lệch và thô thiển về chuẩn mực này, trái với tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, nguyên nhân là do hiểu sai khái niệm. Công và tư mà Người nói ở đây không phải là quan hệ tập thể và cá nhân. Chí công có nghĩa là phải rất mực công minh, chính trực, phải luôn luôn công bằng và công tâm (như người xưa vẫn gọi thượng đế là đấng chí công !). Còn vô tư tức là không được thiên tư, thiên vị (impartial), đã nắm luật pháp và xử theo luật thì không được có lòng riêng. Nó hoàn toàn khác với khái niệm vô ngã của Phật giáo, nghĩa là phải quên hẳn bản thân mình, phải xoá bỏ cá nhân đi ! Còn quan hệ tập thể – cá nhân lại là một vấn đề khác. Đúng là Hồ Chí Minh rất đề cao chủ nghĩa tập thể và lên án chủ nghĩa cá nhân. Nhưng cần phân biệt cá nhân và chủ nghĩa cá nhân. Chủ nghĩa cá nhân là một lối sống ích kỷ, nó chỉ thấy công lao của mình mà không thấy công lao của người khác, chỉ thấy khuyết điểm của người khác mà không thấy khuyết điểm của chính mình, đúng như chúa Jésus đã từng phê phán một số tông đồ hư hỏng, “chỉ thấy cái dằm nhỏ trong con mắt của người khác mà không thấy cả xúc gỗ lớn trong chính con mắt của ngươi!”.

Do đó, Hồ Chí Minh viết: “Vết tích xấu nhất và nguy hiểm nhất do chế độ cũ để lại là chủ nghĩa cá nhân”. Trái lại, Người rất xem trọng cá nhân: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình… Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét lợi ích cá nhân và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh rất có ý thức về bản lĩnh, bản sắc của cá nhân mình nên Người cũng rất chú ý phát huy vai trò của từng cá nhân. Người thấy “rừng” và thấy cả từng “cây”, Người không quên một ai cả. Một mệnh đề nổi tiếng khác của Hồ Chí Minh cũng chưa hoàn toàn được hiểu một cách đúng đắn. Trong Di chúc, Người cǎn dặn mỗi cán bộ, đảng viên “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Có người bǎn khoǎn: đã coi cán bộ là đầy tớ thì còn tư cách gì để có thể làm người lãnh đạo ? Khái niệm “đầy tớ” là do Người chuyển nghĩa từ hai chữ “công bộc” (quan giả dân chi công bộc). Nhưng Người không chỉ nhấn mạnh có một vấn đề công bộc mà nhấn mạnh cả về người lãnh đạo, khẳng định tư cách người lãnh đạo trước, người đày tớ sau. Cần hiểu đúng tinh thần Hồ Chí Minh: làm đày tớ với tư cách người lãnh đạo và làm lãnh đạo cũng chỉ như “người lính biết vâng lệnh quốc dân ra mặt trận”, trung thành, tận tuỵ như một người công bộc; nếu kết hợp được hài hoà cả hai vế, hai tinh thần ấy, thì đó là hình ảnh lý tưởng về người cán bộ cách mạng mà Người mong muốn. Nêu ra một vài thí dụ như vậy cũng chỉ nhằm nói lên một điều: tuy tư tưởng Hồ Chí Minh vốn được diễn đạt dưới một hình thức ngắn gọn, giản dị như vậy, nhưng để lĩnh hội, kiến giải được hết chiều sâu và sự tinh tế của những tư tưởng ấy, quả là không đơn giản. Chính vì vậy, công việc đó cần được soi sáng, dẫn đạo bởi một số nguyên tắc phương pháp luận nhất định.

PGS, PTS. Hoàng Chí Bảo; GS. Nguyễn Đǎng Mạnh;

cpv.org.vn

Advertisement